Dân số thế giới vượt 8 tỷ người

Dân số thế giới vượt 8 tỷ người

Như vậy, dân số toàn cầu tăng đã thêm 1 tỷ người chỉ trong vòng 11 năm, khoảng thời gian ngắn kỷ lục.

Tuy nhiên, chuyên gia Tomas Kucera thuộc Khoa Nhân khẩu học và Địa lý của trường Đại học Charles (CH Séc) cho rằng dân số thế giới có thể đã đạt mốc 8 tỷ người từ cách đây hơn 1 năm. Ông chỉ ra rằng các cuộc điều tra dân số thường cho kết quả thấp hơn thực tế tương đối lớn, đặc biệt ở một số nước kém phát triển, con số này có thể lên tới 10%. Chuyên gia này cho biết: “Chúng ta đã có 8 tỷ người từ cách đây 1,5 năm. Trong hơn nửa thế kỷ qua, tốc độ tăng dân số thế giới, được đo bằng tỷ lệ % hàng năm, đã giảm gần 2/3. Tôi luôn nói rằng mức tăng dân số toàn cầu hàng năm là 1,1%. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của LHQ, đối với 8 tỷ người, giá trị của chỉ số này chỉ là 0,8%. Vào đầu những năm 1970, dân số thế giới đã tăng 2% mỗi năm. Đường cong đang đi xuống”. Ông nhấn mạnh trên thế giới không có nguy cơ xảy ra tình trạng quá tải dân số toàn cầu, nhưng vẫn có nguy cơ xảy ra tình trạng quá tải dân số ở cấp độ khu vực. Đồng thời, sự chênh lệch trong phân bố dân cư và tài nguyên ngày càng sâu sắc.

Tốc độ tăng dân số thế giới chậm lại là kết quả của tỷ lệ sinh giảm. Trong khi năm 1950, trung bình mỗi phụ nữ trên thế giới có 5 con, năm 1995 là 3 con, hiện nay là khoảng 2,3 con và theo ước tính, đến năm 2050, trung bình mỗi phụ nữ chỉ sinh 2,1 con. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng dân số là sự gia tăng tuổi thọ. Năm 1990, tuổi thọ trung bình là 64,2, năm 2019 là 72,8 và theo dự báo của LHQ, tuổi thọ trung bình sẽ đạt 77,2 vào năm 2050. Tỷ lệ người trên 65 tuổi sẽ tăng từ 10% hiện nay lên 16% vào năm 2050. Độ tuổi trung bình của dân số thế giới vẫn đang tăng, khi 50 năm trước là khoảng 22 tuổi, còn hiện nay ước tính vào khoảng 31 tuổi.

Ngoài tốc độ tăng dân số chậm lại, xu hướng chính sẽ là sự gia tăng tỷ lệ dân số sống ở các thành phố. Vào năm 1800, chỉ có 3% dân số thế giới sống ở các thành phố thì ngày nay, tỷ lệ này là hơn 56% (vượt mốc 50% vào năm 2010) và đến năm 2050, tỷ lệ này sẽ lên tới 68%. Hơn 1/3 trong số này là người Ấn Độ, Trung Quốc và Nigeria.

Quốc gia đông dân nhất vẫn là Trung Quốc (1,45 tỷ người), nhưng quốc gia đứng thứ hai là Ấn Độ (1,41 tỷ người) có khả năng vượt Trung Quốc sớm nhất vào năm 2023 do có tỷ lệ sinh cao hơn. Trong khi dân số Trung Quốc dự kiến sẽ giảm xuống 1,3 tỷ người vào năm 2050, thì dân số của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng lên 1,66 tỷ người vào cùng thời điểm.

Hai quốc gia này cùng với Mỹ, Indonesia, Pakistan, Brazil và Nigeria chiếm hơn một nửa dân số thế giới. Nigeria sẽ ghi nhận sự gia tăng dân số đáng kể và sẽ chia sẻ vị trí thứ ba với Mỹ trong tương lai.

Dự kiến, chỉ có 8 quốc gia chiếm hơn 50% mức tăng dân số toàn cầu vào năm 2050, gồm CHDC Congo, Ai Cập, Ethiopia, Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Philippines và Tanzania. Ngược lại, Bulgaria, Litva, Latvia, Serbia và Ukraine dự kiến sẽ mất từ 20% dân số trở lên.

Tính theo châu lục, châu Á là nơi đông dân nhất với khoảng 4,7 tỷ người (khoảng 60% dân số thế giới), tiếp theo là châu Phi (1,4 tỷ, chiếm 18%) và châu Âu (750 triệu, chiếm 9,4%). Bắc Mỹ có 602 triệu người (7,5%), Nam Mỹ có 439 triệu người (5,5%), Australia và châu Đại Dương có 44 triệu người.

Theo trang web translateday.com, số người nói tiếng Trung có số lượng lớn nhất (929 triệu người), tiếp theo là số người nói tiếng Tây Ban Nha (475 triệu người) và số người nói tiếng Anh (373 triệu người). Về tôn giáo, Cơ đốc giáo phổ biến rộng rãi nhất (31%; tương đương 2,4 tỷ dân), Hồi giáo (25%; 1,9 tỷ dân), hơn 1 tỷ người (15%) là người theo đạo Hindu và không tín ngưỡng.