Dân học lái xe ‘méo mặt’ khi phải hoàn thành 810 km đường trường với thiết bị giám sát

Bài 1:

LTS: Kể từ ngày 15/6/2022, khi Thông tư 04/2022 của Bộ GTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) có hiệu lực, việc học và dạy lái xe được siết chặt lại. Các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe phải ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý đào tạo, sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để đào tạo lái xe, tăng thời gian thực hành trên đường…

Các xe ô tô tập lái đều phải lắp thiết bị giám sát thời gian và quãng đường (DAT). Học viên bắt buộc phải hoàn thành 24 giờ lái xe thực tế với quãng đường 710 km với giấy phép hạng B1 số tự động; còn hạng B2 và B1 số sàn phải chạy đủ tối thiếu 40 giờ với quãng đường 810 km.

Sự thay đổi mạnh mẽ này là chủ trương đúng để tránh tình trạng học hình thức, học sơ sài, đối phó, nâng cao chất lượng học và dạy lái xe. Tuy nhiên, thực tiễn học lái xe hiện nay đang nảy sinh không ít tình huống dở khóc dở cười. Đồng thời, vẫn còn nhiều ý kiến về vấn đề an toàn giao thông khi học lái trên đường cao tốc, đường trường… 

Ban Ô tô xe máy mở Diễn đàn “Học lái xe: Làm sao để tránh bệnh hình thức?”. Mời bạn đọc gửi bài viết về trải nghiệm học lái của mình hoặc bài góp ý kiến đến email: [email protected]. Xin cảm ơn!


Nhu cầu học lái xe sau thời gian dịch bệnh đang tăng cao. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Chia sẻ với PV VietNamNet về thời gian học lái xe của mình, chị Hồ Thị Nhàn (37 tuổi, trú tại quận Long Biên, Hà Nội) “thở phào” khi vừa may mắn hoàn thành các điều kiện cần thiết, trong đó có “KPI” là 810 km đường trường để sẵn sàng cho đợt sát hạch tới.

Chị Nhàn kể, mình khá “đen” khi đăng ký học lái xe vào đúng lúc dịch bệnh nên thời gian bị kéo dài đúng 1 năm.  Tháng 6 vừa qua, dù đã “hòm hòm” phần lý thuyết và đi trong sa hình nhưng gặp quy định mới nên vẫn buộc phải lái đủ 810km đường trường.

“Trước đây, thầy đã cho học viên lái loanh quanh ngoại thành Hà Nội nhưng chưa được tính km trên thiết bị. Khi có quy định mới, chúng tôi phải chạy lại và muốn đi đủ số km, chúng tôi buộc phải lái đi xa, đi trên cao tốc. Xe chúng tôi có 3 học viên nữ thường phải đi cùng nhau, riêng việc ngồi xe xem người khác lái cả trăm km mỗi ngày cũng đủ mệt mỏi rồi”, chị Nhàn nói.

Nhóm của chị Nhàn còn được thầy giáo yêu cầu nộp thêm mỗi người 2 triệu để bù đắp một phần tiền xăng xe. Trước đó, mỗi người đã đóng tiền học phí trọn gói vào khoảng 13 triệu, nhưng đây là điều không mong muốn nên cả nhóm vẫn “rút hầu bao” chia sẻ với thầy, coi như có thêm trải nghiệm trên đường.


Thiết bị DAT được gắn trên xe và liên tục truyền dữ liệu về trung tâm sát hạch. (Ảnh NVCC)

Còn anh Nguyễn Minh Thành (28 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại “đen” kiểu khác. Cách đây 1 tháng, dù đã đi đủ hơn 800km theo đúng quy định, nhưng không hiểu sao trong quá trình đăng xuất và gửi dữ liệu về trung tâm lại bị lỗi và thiết bị chỉ hiển thị được quãng đường đã đi là hơn 500km. Chẳng còn cách nào khác, thầy và trò đành “cắn răng” chạy lại cho đủ 810km để kịp kỳ sát hạch.

“Xe của tôi còn 1 bạn nữa cũng xảy ra tình trạng tương tự và phải lái bổ sung. Dù không phải lỗi của học viên nhưng khi chạy thêm 300km, chúng tôi vẫn phải đưa cho thầy 3 triệu mỗi người. Ngoài ra còn chi phí ăn uống dọc đường, rồi bị trừ lương do xin nghỉ 2 ngày”, anh Thành thở dài.

Trên thực tế, những câu chuyện bị hài liên quan đến học lái xe như của chị Nhàn, anh Thành ở trên không phải hiếm gặp. Về phía những người dạy lái, họ cũng gặp không ít khó khăn.

Anh Nguyễn Thanh Tùng – giảng viên dạy lái xe tại Hà Nội cho biết, từ khi có quy định mới về số km đi đường trường, học viên của anh “kêu như vạc” bởi ngoài mất thời gian, công sức thì đa số đều phải nộp thêm tiền. Tuy vậy, tiền này cũng chẳng thể “bỏ túi” mà chi trả tiền xăng và khấu hao xe là vừa đủ. 

“Trước đây, chúng tôi chủ yếu dạy trong sa hình và tuỳ khả năng từng người, còn đi đường trường gọi là cho đủ chương trình. Nay làm nghiêm bằng DAT, học viên mất thời gian một thì giáo viên mất thời gian gấp 2-3 lần, nhất là những lúc thiết bị trục trặc, mất tín hiệu,…”, anh Tùng chia sẻ.

Anh Tùng cho rằng, quy định mới của Bộ Giao thông vận tải là nhằm “siết chặt” chất lượng dạy và học lái xe. Đây là chủ trương đúng đắn khi nhiều học viên dù lấy được bằng nhưng vẫn “không dám lái xe ra đường”. 

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, người học dù đều là đang chuẩn bị thi lấy bằng nhưng lại có trình độ rất khác nhau. Có người đã lái rất tốt và cẩn thận, còn nhiều người vẫn kém về kỹ năng xử lý tình huống. Thế nên việc áp mức “fix cứng” 710 hay 810km là hơi cứng nhắc và nên có phương án khác mềm hơn, ví dụ như người lái còn kém thì cần kéo dài thời gian chạy trên đường trường hoặc ngược lại.

Ngoài ra, vấn đề lỗi thiết bị cũng là một rủi ro khách quan. Các thiết bị DAT do các Trung tâm cung cấp nên cũng cần giải pháp đảm bảo các thiết bị này được lắp đặt trên xe dạy lại phải chính xác.

Hoàng Hiệp

(Đón xem Bài 2: Lỗi thiết bị giám sát quãng đường học lái, học viên thiệt đơn thiệt kép)

Bạn có bình luận thế nào về quy định giám sát học lái đường trường trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!


Giấy phép lái xe hạng nào được điều khiển nhiều loại ô tô nhất?

Trong số 9 hạng GPLX ô tô tại Việt Nam hiện nay, hạng E được cấp cho người điều khiển xe ô tô chở người trên 30 chỗ. Còn hạng FE ngoài giá trị như hạng E còn có thể điều khiển xe kéo theo rơ mooc hoặc chở khách nối toa.