Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX: Nhiều môn thể thao Olympic được đưa vào thi đấu

Thứ Sáu 02/09/2022 | 15:32 GMT+7

VHO- Diễn ra từ ngày 9 – 21.12, Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX là sự kiện thể thao lớn nhất nước, được tổ chức 4 năm một lần với sự tham gia của 63 tỉnh, thành và 2 ngành Công an, Quân đội.

Hiện Tổng cục TDTT đang gấp rút cùng các địa phương chuẩn bị cho công tác tổ chức Đại hội. Báo Văn Hóa đã có cuộc trao đổi với Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn xung quanh vấn đề này.

 P.V: Thưa ông, công tác chuẩn bị cho Đại hội thể thao toàn quốc tại Quảng Ninh và 10 địa phương khác đang được tiến hành như thế nào?

– Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn: Có thể nói trong thời gian qua, được sự chỉ đạo của Bộ VHTTDL, ngành Thể thao và các địa phương đang tích cực chuẩn bị cho Đại hội Thể thao toàn quốc. Đặc biệt, sau khi Đề án tổ chức Đại hội được Bộ trưởng Bộ VHTTDL phê duyệt, Tổng cục TDTT đã trình Bộ VHTTDL ra quyết định phê duyệt Điều lệ khung Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX. Sau khi ban hành điều lệ khung, chúng tôi sẽ ban hành điều lệ của từng môn thi đấu, thành lập ban chỉ đạo, ban tổ chức chung của Đại hội rồi tiểu ban tổ chức của từng môn để chủ động trong công tác điều hành, tổ chức. Bộ phận thường trực cũng đã có nhiều phiên làm việc với Quảng Ninh và các địa phương đăng cai về công tác chuẩn bị cho Đại hội, kịp thời rà soát tình hình và xử lý các vấn đề mới nảy sinh.

Chúng ta sẽ tận dụng những gì từ việc tổ chức SEA Games 31 cho công tác tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX?

– Ngoài Quảng Ninh sẽ có 10 địa phương khác cùng đăng cai tổ chức Đại hội là Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hoà Bình, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định và Thanh Hóa. Trong số 11 địa phương đăng cai tổ chức Đại hội, chỉ có Thanh Hóa là không đăng cai tổ chức các môn thi đấu tại SEA Games vừa qua. Do có tới 10 địa phương đã đăng cai tổ chức SEA Games 31, nên chúng ta có nhiều thuận lợi trong việc tổ chức Đại hội Thể thao sắp tới. Chúng ta sẽ tận dụng toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị vừa đăng cai tổ chức SEA Games vào tháng 5 vừa qua để tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc. Chỉ có một số ít môn không có trong chương trình thi đấu của SEA Games, nếu cần có thể tiến hành thuê, mượn trang thiết bị để tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc.

Đặc biệt các địa phương sẽ tận dụng được đội ngũ điều hành, nhân lực tổ chức và kinh nghiệm từ SEA Games 31 để tổ chức thành công Đại hội thể thao toàn quốc. Tuy có nhiều thuận lợi như vậy nhưng chúng ta cũng không thể chủ quan trong công tác tổ chức, bộ phận thường trực vẫn rà soát kỹ lưỡng các khâu chuẩn bị để tổ chức Đại hội chu đáo, an toàn, tiết kiệm.

 Việc tổ chức thi đấu SEA Games 31 sẽ giúp cho các địa phương thuận lợi hơn trong việc tổ chức Đại hội Thể thao lần thứ IX

Tại kỳ Đại hội này, sẽ có sự xuất hiện trở lại của một số môn thể thao dân tộc bên cạnh phần lớn các môn thi đấu tại Olympic, Asian Games và SEA Games?

– Đúng như vậy, lần này trong chương trình thi đấu có sự trở lại của một số môn như Lân – Sư – Rồng, Đá cầu, Võ cổ truyền, Đẩy gậy, Kéo co. Tuy nói là môn thể thao dân tộc và chúng ta vẫn thường nghĩ rằng đó là những môn thể thao quần chúng, nhưng thực ra một số môn trong số này đã có Liên đoàn quốc tế, có điều lệ, luật thi đấu được quốc tế công nhận, từng được đưa vào chương trình thi đấu của SEA Games, nhằm mục đích quảng bá cho hình ảnh của Việt Nam với những nét văn hóa độc đáo.

Và với những địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo – nơi mà các điều kiện về kinh tế – xã hội, cơ sở vật chất không đủ để bà con có thể chơi các môn thể thao Olympic hay Asian Games thì sự phát triển của các môn thể thao dân tộc cũng giúp cho bà con rèn luyện sức khoẻ, nâng cao đời sống hưởng thụ về văn hóa, tinh thần, tăng tình đoàn kết, gắn bó hơn giữa các cộng đồng.

Đặc biệt Nghị quyết số 08 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT có nêu rõ việc phải bảo tồn, phát triển các môn thể thao dân tộc và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong các hoạt động TDTT. Trong Luật TDTT cũng có những quy định về việc bảo tồn, phát triển các môn thể thao dân tộc. Đây là chủ trương lớn và đúng đắn của Đảng, Nhà nước, nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy các nét văn hóa truyền thống của dân tộc trong xã hội ngày càng hiện đại như hiện nay.

 Phần lớn các môn thi đấu của Đại hội Thể thao toàn quốc lần này là các môn, nội dung thi đấu tại các đấu trường lớn như Olympic, Asian Games Ảnh: TRẦN HUẤN

Phần lớn các môn thi đấu của Đại hội Thể thao toàn quốc lần này là các môn, nội dung thi đấu tại các đấu trường lớn như Olympic, Asian Games, SEA Games, điều này sẽ giúp cho TTVN có được sự chuẩn bị tốt cho các đấu trường quốc tế, thưa ông?

– Việc tổ chức phần lớn các nội dung có trong chương trình thi đấu của Olympic và các đại hội thể thao lớn khác sẽ giúp cho chúng ta rà soát được tổng thể quá trình chuẩn bị về lực lượng của TTVN, từ đó xác định rõ những môn, nội dung thế mạnh để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Đây cũng sẽ là một trong những cơ sở quan trọng giúp chúng ta chọn lựa những môn phù hợp với thể lực, tố chất của người Việt Nam để “tấn công” ra đấu trường châu lục và thế giới.

Tôi tin rằng với sự phối hợp nhịp nhàng giữa Bộ VHTTDL và các địa phương đăng cai, Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX sẽ được tổ chức thành công, thúc đẩy phong trào tập luyện TDTT trong nhân dân, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

 Xin cảm ơn ông!

 

Đại hội là sự kiện thể thao quan trọng được tổ chức 4 năm 1 lần, nhằm đánh giá toàn diện về chất lượng phong trào TDTT trong cả nước, kịp thời phát hiện và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lực lượng VĐV sẵn sàng tham dự thi đấu tại SEA Games lần thứ 32 năm 2023, Thế vận hội Olympic lần thứ 33 vào năm 2024, Đại hội thể thao châu Á lần thứ 20 năm 2026. Đại hội cũng là dịp để tăng cường nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò và tác dụng của TDTT, thúc đẩy phong trào tập luyện TDTT trong nhân dân; góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

 Đại hội sẽ gồm 43 môn thi đấu và các môn này (bao gồm cả phân môn) được bố trí tại các địa phương là Quảng Ninh (Nhảy cầu, Bóng đá nam, Bóng đá nữ, Bắn cung, Teakwondo, Wushu, Đấu kiếm, Cầu lông, Bóng chuyền, Bóng rổ, Bóng ném bãi biển, Golf, Vovinam, Cờ, Pencak Silat, Khiêu vũ thể thao, 3 môn phối hợp, Lân sư rồng, Đá cầu). Hà Nội (Điền kinh, Bơi, Lặn, Futsal nam, Vật tự do, Vật cổ điển, Bắn súng, Judo, Billiards & Snooker, Bi sắt, Kurash, Bowling). Hải Phòng (Thể dục, Đua thuyền, Kickboxing, Thể hình, Võ cổ truyền). Bắc Giang (Vật dân tộc, Đẩy gậy, Kéo co). Bắc Ninh (Boxing, Quần vợt, Bóng ném trong nhà). Thanh Hóa (Cử tạ, Cầu mây, Muay). Ninh Bình (Karatedo). Nam Định (Jujitsu). Hòa Bình (Xe đạp địa hình). Vĩnh Phúc (Xe đạp đường trường). Hải Dương (Bóng bàn).

 

 THU SÂM (thực hiện)