Đặc trưng của hợp đồng thương mại điện tử là gì? Pháp luật về giao kết hợp đồng thương mại điện tử là gì?

Theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), TMĐT bao gồm việc sản xuất, quản cáo, bán hàng và phân phối sản phẩm được mua bán và thanh toán trên mạng Internet, nhưng được giao nhận có thể hữu hình hoặc giao nhận gia Internet dưới dạng số hóa.

Căn cứ pháp lý:

– Luật Thương mại 2005;

– Luật Giao dịch điện tử năm 2005.

1. Khái niệm về thương mại điện tử

Theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), TMĐT bao gồm việc sản xuất, quản cáo, bán hàng và phân phối sản phẩm được mua bán và thanh toán trên mạng Internet, nhưng được giao nhận có thể hữu hình hoặc giao nhận gia Internet dưới dạng số hóa.

Mặt khác, Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế của Liên Hợp Quốc (OECD) cũng đưa ra khái niệmTMĐT như sau: TMĐT được định nghĩa sơ bộ là các giao dịch thương mại dựa trên truyền dữ liệu qua các mạng truyền thông như internet.

Ở Việt Nam, khái niệm TMĐT cũng được tiếp cận theo hai góc độ là nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Ở nghĩa rộng, cũng như UNCITRAL và Ủy ban Châu Âu, TMĐT được hiểu là toàn bộ những giao dịch thương mại (mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ) được thực hiện qua các phương tiện điện tử. Các phương tiện điện tử này bao gồm tất cả các thiết bị có thể lưu trữ, truyền dẫn thông tin và liên kết được với nhau qua hệ thống mạng máy tính toàn cầu Internet hay các mạng viến thông khác. Có thể lấy ví dụ các thiết bị điện tử điển hình như: máy vi tính, điện thoại di động, máy fax, telex… Cách tiếp cận thứ hai, theo nghĩa hẹp (đây cũng là cách hiểu khá phổ biến ở Việt Nam), thì TMĐT là các hoạt động thương mại được thực hiện qua các phương tiện điện tử được kết nối Internet.

Như vậy, hoạt động TMĐT chỉ là các hoạt động mua bán hàng hóa , cung ứng dịch vụ mà sử dụng các phương tiện được kết nối thông qua hệ thống mạng máy tính toàn cầu Inernet, mà phổ biến và điển hình nhất là máy vi tính và các thiết bị khác có thể kết nối Internet như điện thoại di động, ipad… Theo cách hiểu này, hoạt động thương mại thông qua các thiết bị điện tử sử dụng mạng viễn thông khác như máy fax, telex… sẽ không được coi là TMĐT.

2. Khái niệm hợp đồng thương mại điện tử

Cùng với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghệ thông tin, giao dịch điện tử trở thành một phương thức giao dịch mới được các chủ thể kinh doanh thường xuyên sử dụng. Với những ưu thế so với hợp đồng thương mại truyền thống, các thương nhân có thể tiết kiệm thời gian chi phí và giao kết hợp đồng TMĐT với nhau trên toàn cầu. Chính vì vậy, khái niệm hợp đồng điện tử nói chung và hợp đồngTMĐT trở nên phổ biến trong khoa học pháp lý. Năm 1996, Luật mẫu về TMĐT của UNCITRAL được ban hành, đã quy định tại Điều 11 “hợp đồng điện tử được hiểu là hợp đồng được hình thành thông qua việc sử dụng các phương tiện truyền dữ liệu điện tử”.

Ở Việt Nam, khái niệm hợp đồng điện tử lần đầu được quy định tại Luật GDĐT năm 2005. Theo đó, trên tinh thần kế thừa Luật mẫu về TMĐT của UNCITRAL, Điều 33 quy định: “Hợp đồng điện tử là hợp đồng đươc thiết lập dưới dang thông điệp dữ liệu được quy định của Luật này”. Trong đó, thông điệp dữ liệu được hiểu là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học điện từ… (Điều 10 Luật GDĐT năm 2005). Có thể thấy, Luật GDĐT năm 2005 điều chỉnh chung tất cả các loại hợp đồng được thực hiện bằng phương thức điện tử, mà không phụ thuộc và mục đích giao kết chúng.

Điểm khác biệt căn bản của hợp đồng TMĐT so với các hợp đồng truyền thống khác là ở mục đích giao kết, khi các thương nhân hướng đến lợi nhuận kinh doanh. Như vậy, về kỹ thuật lập pháp, Luật GDĐT điều chỉnh chung mọi hợp đồng được giao kết bằng phương tiện điện tử, còn điều kiện về hình thức, nội dung của từng hợp đồng sẽ do văn bản pháp luật chuyên ngành trực tiếp quy định. Luật Thương mại năm 2005 hiện chưa có điều khoản quy định cụ thể về khái niệm hợp đồng thương mại. Tuy nhiên, nghiên cứu từ bản chất hợp đồng và đặc thù GDĐT, có thể hiểu: hợp đồng TMĐT là những hợp đồng được ký kết giữa thương nhân với thương nhân hoặc thương nhân với các bên có liên quan nhằm mục đích sinh lời bằng cách trao đổi các thông điệp dữ liệu thông qua các phương tiện điện tử có kết nối mạng máy tính toàn cầu Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác.

3. Đặc trưng của hợp đồng thương mại điện tử

Khác với hợp đồng truyền thống, do được giao kết bằng cách truyền các thông điệp dữ liệu điện tử nên bên cạnh những đặc điểm chung vốn có của hợp đồng nói chung và hợp đồng thương mại nói riêng, hợp đồng thương mại điện tử có một đặc điểm cơ bản sau đây:

– Tính phi biên giới:

Sử dụng phương tiện điện tử để truyền tải thông tin dưới dạng các thông điệp dữ liệu nên hợp đồng thương mại có thể được giao kết ở bất cứ đâu trên toàn cầu. Chủ thể là thương nhân trong nước hay một thương nhân nước ngoài ở khu vực địa lý nào, tại múi giờ bao nhiêu, có bao nhiêu đối tác liên quan đều có thể giao kết hợp đồng với nhau thông qua hệ thống mạng. Nhờ vậy, các chủ thể kinh doanh có thể tiết kiệm thời gian, chi phí cũng như giải quyết được khó khăn về khoảng cách địa lý khi khý kết hợp đồng truyền thống trong bối cảnh hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa thương mại.

– Tính vô hình và phi vât chất:

Môi trường điện tử là môi trường “số hóa”, môi trường “ảo”, vì vậy hợp đồng TMĐT mang đặc tính vô hình, phi vật chất, có nghĩa là các hợp đồng này không tồn tại, được chứng minh, đươc lưu trữ bởi các dữ liệu điện tử dưới dạng thuật toán chứ không thể “cầm nắm” hay tiếp xúc vật chất thông qua tri giác được. Tính vô hình và phi vật chất này khiến việc xác định các yếu tố liên quan đến hình thức hợp đồng điện tử hoàn toàn khác biệt so với các hợp đồng truyền thống trước đây. Ví dụ như vấn đề hình thức văn bản của hợp đồng, vấn đề chữ ký của chủ thể khi ký kết, vấn đề xảy ra tranh chấp …

– Tính hiện đại và chính xác:

Tính hiện đại của hợp đồng TMĐT thể hiện ở chỗ, hợp đồng đươc giao kết dựa trên việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại, là kết quả của sự phát triển khoa học kỹ thuật và công nghệ trong thời đại mới. Đó là những công nghệ tiên tiến như công nghệ điện tử, kỹ thuật số, từ tính, quang học, điện tử, các công nghệ truyền dẫn không dây… Việc sử dụng các công nghệ này đem lại độ chính xác cao cho các giao dịch, đặc biệt là những giao dịch mà tất cả các bước đều được thực hiện tự động hóa. Hợp đồng TMĐT, với tính hiện đại và chính xác như vậy, sẽ là phương thức giao dịch mới và hiệu quả cho các chủ thể pháp luật nói chung và các doanh nghiệp nói riêng trong nền kinh tế tri thức và trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

– Tính rủi ro:

Hợp đồng TMĐT sử dụng các phương tiện ứng dụng khoa học kỹ thuật số, chính vì vậy, bên cạnh các ưu điểm vượt trội so với hợp đồng được giao kết theo phương thức truyền thống, hợp đồng TMĐT cũng tồn tại một số rủi ro đặc thù. Những rủi ro này xuất phát từ tính phi biên giới, tính vô hình – phi vật chất và tính hiện đại, chính xác. Cụ thể, do hợp đồng TMĐT có thể xóa bảo rào cản về khoản cách địa lý và kết nối tới toàn cầu nên dẫn đến rủi ro: khó có thể xác định được thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng.

Tính vô hình, phi vật chất của các thông điệp dữ liệu điện tử lại gây khó khăn khi xác định hình thức của hợp đồng: như hình thức văn bản, vấn đề lưu trữ bản gốc hay chứng cứ tại Tòa án của hợp đồng điện tử. Tính hiện đại và chính xác của công nghệ đòi hỏi hợp đồng TMĐT phải đáp ứng các yêu cầu khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất của phương tiện giao kết hợp đồng.

– Luật điều chỉnh:

Những đặc điểm riêng biệt của hợp đồng TMĐT khiến cho luật điều chỉnh đối với hợp đồng cũng khác với hợp đồng truyền thống. Vì luật chung chưa quy định về thông điệp dữ liệu, trao đổi thư điện tử, chữ ký điện tử… nên không thể giải quyết được những vấn đề đặc thù phát sinh từ việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử. Do đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành các đạo luật riêng quy định từng vấn đề pháp lý cụ thể trong hợp đồngTMĐT như Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Luật chữ ký điện tử hay Luật mẫu của Ủy ban Liên hợp quốc về TMĐT. Đây không chỉ là cơ sở pháp lý điều chỉnh hoạt động kinh doanh của các thương nhân khi sử dụng hợp đồng điện tử trong nội bộ của từng quốc gia, mà còn căn cứ pháp lý quốc tế để điều chỉnh những hoạt động thương mại mang tính toàn cầu.

4. Pháp luật về giao kết hợp đồng thương mại điện tử là gì?

Xuất phát từ nguồn gốc, đặc trưng và bản chất của pháp luật, có thể định nghĩa pháp luật là hệ thống quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận nhằm điều chỉnh các mói quan hệ xã hội theo mục tiêu, định hướng cụ thể. Như vậy, có thể khái quát pháp luật về giao kết hợp đồng TMĐT giữa các thương nhân với nhau hoặc giữa các thương nhân với người có liên quan. Pháp luật trong lĩnh vực giao kết hợp đồng TMĐT, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, được chứa đựng trong hệ thống văn bản pháp luật quốc gia cũng như trong pháp luật quốc tế như Luật mẫu về TMĐT, Luật mẫu về chữ ký điện tử của UNCITRAL…

5. Nội dung cơ bản của pháp luật về giao kết hợp đồng thương mại điện tử

Pháp luật về giao kết hợp đồng TMĐT: cũng như hợp đồng dân sự nói chung, giao kết hợp đồng TMĐT vẫn bao gồm hai bước cơ bản là lời đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, khác với hợp đồng ký theo cách truyền thống, tất cả các lời đề nghị và chấp nhận giao kết này đều được thực hiện bằng các thông điệp dữ liệu thông qua các thiết bị điện tử kết nối mạng. Cụ thể, thời điểm gửi một thông điệp dữ liệu là thời điểm thông điệp dữ liệu này nhập vào hệ thống thông tin nằm ngoài sự kiểm soát của người khởi tạo và người nhận được xem là nhận được thông điệp dữ liệu nếu thông điệp dữ liệu được nhập vào hệ thống thông tin do người đó chỉ định và có thể truy cập được.

 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 và Nghị định 52/2013/NĐ-CP cũng quy đinh các yếu tố khác biệt của hợp đồng TMĐT so với các hợp đồng giao kết truyền thống như thời điểm, địa điểm giao kết hợp đồng TMĐT, chữ ký số, lưu trữ thông điệp dữ liệu cũng như quy định các yếu tố đảm bảo an toàn, an ninh bảo mật trong giao dịch điện tử, cũng như các phương thức giải quyết tranh chấp, các hành vi vi phạm khi giao dịch hợp đồng điện tử…