Đặc trưng của chính sách xã hội? Quan điểm của chủ tịch Hồ Chí Minh về chính sách xã hội?

Chính sách xã hội là chính sách của Nhà nước giải quyết các vấn đề phát sinh từ các quan hệ xã hội, liên quan đến lợi ích và sự phát triển con người, cộng đồng dân cư, đó là những vấn đề có ý nghĩa chính trị cốt lõi của mỗi quốc gia.

1. Chính sách xã hội là gì? Quan điểm của chủ tịch Hồ Chí Minh về chính sách xã hội?

Chính sách xã hội là chính sách của Nhà nước giải quyết các vấn đề phát sinh từ các quan hệ xã hội, liên quan đến lợi ích và sự phát triển con người, cộng đồng dân cư, đó là những vấn đề có ý nghĩa chính trị cốt lõi của mỗi quốc gia.

Đặc trưng của chính sách xã hội

Một là, chính sách xã hội là chính sách đối với con người, nhằm vào con người, lấy con người, các nhóm người trong cộng đồng làm đối tượng tác động để hoàn thiện và phát triển con người một cách toàn diện.

Hai là, chính sách xã hội mang tính xã hội, nhân văn và nhân đạo sâu sắc.

Ba là, Chính sách xã hội có tính trách nhiệm xã hội cao, quan tâm và tạo điều kiện, cơ hội thuận lợi để mọi người phát triển.

Bốn là, chính sách xã hội bao giờ cũng có cơ chế hoạt động, bộ máy nhân sự, chương trình dự án và kinh phí hoạt động riêng.

Năm là, Chính sách xã hội còn có đặc trưng rất quan trọng là tính kế thừa lịch sử.

Trong triết lý phát triển Hồ Chí Minh, mục tiêu xây dựng xã hội mới là giải phóng con người thoát khỏi mọi áp bức, bất công, cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí và phát huy dân chủ. Để thực hiện mục tiêu đó, cần quan tâm đến vấn đề hoạch định và thực thi chính sách xã hội trong quản lý phát triển đất nước.

Quan điểm Hồ Chí Minh về chính sách xã hội gồm những nội dung cơ bản:

2. Chính sách xã hội phải kết hợp với quản lý xã hội

Quản lý xã hội là sự tác động có ý thức của con người đối với cả hệ thống xã hội, nhằm đảm bảo cho xã hội hoạt động và phát triển tối ưu, đạt mục đích đề ra. Đó là sự kết hợp giữa việc nghiên cứu đề ra  đường lối và đưa đường lối vào cuộc sống bằng các biện pháp tổ chức và các chính sách xã hội(1). Chính sách xã hội là một “phương tiện” của quản lý xã hội, một bộ phận của quản lý xã hội, vừa là “quả” của quản lý xã hội.

Quản lý xã hội là sự nhận thức, tính toán, cân đối, bố trí và sử dụng các nguồn lực của đất nước, của nhân dân một cách hợp lý nhằm đem lại hiệu quả cao nhất và mang tính bền vững.

Theo Hồ Chí Minh, nội dung quản lý xã hội đã bao gồm toàn diện hệ thống vấn đề xã hội liên quan trực tiếp đến đời sống con người: lao động việc làm, mức sống, dân số, sức khỏe, nhà ở,… Do đó, đòi hỏi phải có một tổ chức lãnh đạo và  hệ thống các cơ quan quản lý. Người khẳng định một vấn đề có tính nguyên tắc: Dưới chế độ ta, quản lý xã hội phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc Việt Nam. Đảng xác định đường lối, chủ trương và thông qua Nhà nước sử dụng các công cụ hành chính và pháp luật để tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Đảng lãnh đạo quản lý xã hội thông qua vai trò nhà nước và dựa vào nhân dân để phát huy hiệu quả. Mặc dù chưa chính thức sử dụng phạm trù “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” với tư cách là cơ chế quản lý xã hội, nhưng có thể nói Hồ Chí Minh là người đầu tiên đề cập đến cơ chế này. 

Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng với tư cách là người lãnh đạo, phải “một lòng, một dạ phụng sự Tổ quốc và nhân dân”. Đảng phải là đạo đức, là văn minh, là người lãnh đạo, đồng thời là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, phải giữ mối quan hệ máu thịt với nhân dân. Người nhấn mạnh: “Dân chúng rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng. Vì vậy, chúng ta phải học dân chúng, phải hỏi dân chúng, phải hiểu dân chúng… Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”(2).

Là chủ thể quản lý xã hội, Nhà nước thực thi quyền lực của nhân dân và có trách nhiệm phục vụ nhân dân. Trong quản lý xã hội, nhân dân không chỉ là đối tượng thực thi các chính sách, quyết định quản lý, mà phải đặt nhân dân vào vị trí là mục tiêu và động lực của quá trình quản lý, là chủ thể đích thực, có địa vị cao nhất trong hệ thống quyền lực quản lý ở nước ta. Bản chất dân chủ của quản lý xã hội trong triết lý Hồ Chí Minh chính là ở điểm mấu chốt này.     

Quản lý xã hội đòi hỏi năng lực tổng hợp, các phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, không ngừng đổi mới tư duy, trau dồi tác phong sâu sát thực tiễn, liên hệ mật thiết với nhân dân. Nhiệm vụ của chủ thể quản lý xã hội không chỉ là đề ra hệ thống các chính sách, mà còn phải tự đổi mới và tự hoàn thiện để không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, nắm vững tâm lý xã hội, đặc điểm lịch sử, truyền thống văn hóa của dân tộc để đưa ra phương thức lãnh đạo  phù hợp với xu thế phát triển.

3. Chính sách xã hội phải gắn với chính sách kinh tế, văn hóa

Trong triết lý phát triển xã hội của Hồ Chí Minh, mọi việc làm đều phải vì hạnh phúc của con người, giải phóng con người. Cho nên, việc phát triển kinh tế và văn hóa phải thiết thực góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, mọi lứa tuổi, giai tầng xã hội.

Hồ Chí Minh thấu hiểu cuộc sống đói khổ đến cùng cực của nhân dân Việt Nam dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phong kiến tay sai. Hậu quả sau gần một thế kỷ dưới chế độ “cướp của, giết người và hiếp dâm” là “người nghèo khổ thì nhiều, người no ấm thì ít”(3). Chính sách nô dịch và bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp không chỉ để lại đói nghèo, dốt nát của cả một dân tộc mà còn triệt tiêu mọi khả năng để phát triển con người. Hồ Chí Minh chỉ rõ, xây dựng đất nước, xây dựng CNXH phải nhằm mục đích không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ. 

Chúng ta phải thực hiện ngay: 

1. Làm cho dân có ăn. 

2. Làm cho dân có mặc. 

3. Làm cho dân có chỗ ở. 

4. Làm cho dân có học hành”(4). Có thể coi đây là những phác thảo đầu tiên về chính sách xã hội của Hồ Chí Minh đối với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa giành được độc lập. Người cho rằng, phát triển kinh tế nhằm tạo ra điều kiện vật chất để thực hiện chính sách xã hội, nói cách khác các mục tiêu xã hội là đích của các hoạt động kinh tế. Người căn dặn: “Phải luôn luôn nhớ rằng: Điều quan trọng bậc nhất trong kế hoạch kinh tế của chúng ta hiện nay là nhằm cải thiện dần đời sống của nhân dân”(5).

Hồ Chí Minh cho rằng, thực hiện chính sách xã hội phải gắn chặt với mục tiêu văn hóa. Mục tiêu của sự phát triển xã hội cũng chính là mục tiêu văn hóa; văn hóa phải phục vụ nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc làm mục tiêu. Do đó, văn hóa không thể đứng ngoài kinh tế, chính trị và xã hội, văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi và lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ. Vì vậy, cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng XHCN dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự nghiệp văn hóa vĩ đại, trong đó kết hợp chặt chẽ giữa giải phóng với phát triển và hoàn thiện con người. Giải phóng con người là giá trị văn hóa cao cả nhất, nhưng sự sâu sắc của giá trị văn hóa là làm cho con người tự đứng lên giải phóng bằng chính sự phát triển và hoàn thiện của mình. Giải phóng con người ở tầm cao văn hóa như thế đã tạo ra nguồn năng lượng và động lực mạnh mẽ của toàn dân làm nên thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Mục tiêu văn hóa trong chính sách xã hội còn được Hồ Chí Minh khẳng định ở định hướng phát triển bền vững, trong đó bao gồm những yếu tố về xóa đói, nghèo, khuyến khích làm giàu hợp pháp, phổ cập giáo dục, nam nữ bình đẳng và nâng cao vị thế cho phụ nữ, vấn đề chăm sóc sức khỏe, môi trường, thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu. Phát triển xã hội mang tính bền vững là hướng đến vì hạnh phúc con người, nhằm mục tiêu vì con người. Cho nên, văn hóa chính là mục tiêu của các chính sách xã hội.

Chính sách xã hội hướng đến mục tiêu văn hóa, nhưng khi các vấn đề xã hội được giải quyết tốt, khi đó, vai trò văn hóa với tư cách là động lực sẽ bồi dưỡng nguồn lực con người, cải tạo và xây dựng một xã hội phát triển. Văn hóa phải xây dựng và củng cố niềm tin của con người vào sức mạnh của họ trong sự nghiệp cách mạng nhằm “thay đổi cả xã hội, thay đổi cả thiên nhiên, làm cho xã hội không còn người bóc lột người, không còn đói rét, mọi người đều được ấm no và hạnh phúc”(6) . Do vậy, mọi đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước phải mở đường cho văn hóa phát triển, phải tạo ra những điều kiện và môi trường thuận lợi cho việc vun đắp những giá trị tinh thần tốt đẹp trong nhân dân.

Quan điểm Hồ Chí Minh về chính sách xã hội phải gắn với chính sách kinh tế, văn hóa thể hiện tư duy biện chứng trong việc xem xét, giải quyết những vấn đề xã hội liên quan đến con người. Chỉ trên cơ sở lấy mục tiêu phát triển kinh tế làm nền tảng cơ bản để thực hiện tốt chính sách xã hội nhằm đạt đến mục tiêu văn hóa, thì hạnh phúc con người mới được đảm bảo và xã hội XHCN mà chúng ta đang xây dựng mới phát triển bền vững.   

4. Chính sách xã hội phải hướng đến công bằng xã hội

Công bằng xã hội là khát vọng lớn lao của con người. Nói đến công bằng xã hội là nói đến sự ngang bằng giữa người với người về phương diện xã hội, như giữa nghĩa vụ và quyền lợi, giữa cống hiến và hưởng thụ. Điều này khẳng định tầm quan trọng và vai trò của công bằng xã hội trong điều chỉnh các mối quan hệ xã hội(7).

Bàn về công bằng xã hội, Hồ Chí Minh nêu quan điểm: “Làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm thì không được hưởng. Những người già yếu hoặc tàn tật sẽ được Nhà nước giúp đỡ chăm nom”(8). Quan điểm này hoàn toàn khoa học, đúng đắn và phù hợp với điều kiện Việt Nam khi bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH. Thực hiện tốt điều này sẽ giúp mọi người hăng hái làm việc, cống hiến và hưởng thụ, góp phần phát triển đất nước. Nhưng, công bằng trong CNXH, theo Hồ Chí Minh còn là hợp lý và nhân văn. Bởi lẽ, bản chất của CNXH là vì con người, chăm lo hạnh phúc cho con người. Nói cách khác, chỉ có CNXH mới đem lại công bằng và bình đẳng cho tất cả mọi người, nhân dân lao động mới thực sự được hưởng “bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ”(9).         

Xuất phát từ bản chất nhân văn “Mình muốn ăn no mặc ấm, cũng cần làm sao cho tất cả mọi người được ăn no mặc ấm”(10), công bằng trong CNXH hướng đến các đối tượng yếu thế, như người già cô đơn, già yếu, bệnh tật không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi được xã hội nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo; những người có công với Tổ quốc được quan tâm bằng những chính sách ưu đãi xã hội hợp lý. Phân phối theo lao động, theo cống hiến và theo các giá trị truyền thống là một chính sách vừa hợp lý vừa mang tính đạo lý, phù hợp với điều kiện Việt Nam khi phải trải qua gần một thế kỷ chống thực dân Pháp, tiếp đó là kháng chiến chống Mỹ, cứu nước… Điều này thể hiện sự nhất quán, tính nhân văn sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giải quyết mối quan hệ lợi ích giữa các giai cấp, tầng lớp xã hội, các thành viên trong xã hội.

Thực hiện công bằng trong đời sống xã hội, Hồ Chí Minh cảnh báo: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên”(11). Khi đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, con người sẵn sàng chấp nhận và tìm cách khắc phục. Nhưng con người không thể chấp nhận bất công xã hội, tình trạng phân phối không công bằng. Vì thế, thực hiện tốt công bằng xã hội luôn là vấn đề quan trọng hàng đầu trong đời sống xã hội và là yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, của sự đồng thuận xã hội trong phát triển kinh tế, xã hội.  

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao công bằng xã hội nhưng cũng phê phán tư tưởng cào bằng, bình quân chủ nghĩa. Người cho rằng, nếu công bằng xã hội là yếu tố quan trọng tạo lập môi trường chính trị – xã hội tốt đẹp hướng con người vươn tới những giá trị cao đẹp, thúc đẩy xã hội phát triển thì sự cào bằng, bình quân chủ nghĩa sẽ triệt tiêu động lực đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, trái với bản chất của CNXH. Người chỉ rõ: “Không nên có tình trạng người giỏi, người kém, việc khó, việc dễ, cũng cộng điểm như nhau. Đó là chủ nghĩa bình quân. Phải tránh chủ nghĩa bình quân”(12).    

Hồ Chí Minh cho rằng, để đạt được mục tiêu công bằng xã hội, chủ thể quản lý cần kiên quyết đấu tranh phòng chống căn bệnh tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Đây mà còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu công bằng xã hội. Là trở lực của quá trình xây dựng CNXH ở nước ta. Cảnh báo về nguy cơ cán bộ, đảng viên xa rời quần chúng và có những hành động trái với lợi ích của nhân dân, Người tuyên bố: “Về việc Chính phủ liêm khiết, thì Chính phủ hiện thời đã rất cố gắng liêm khiết lắm. Nhưng trong Chính phủ, từ Hồ Chí Minh cho đến những người làm việc ở các Ủy ban làng đông lắm và phức tạp lắm. Dù sao, Chính phủ đã hết sức làm gương. Và nếu làm gương không xong, thì sẽ dùng pháp luật mà trị. Những kẻ ăn hối lộ, đã trị, đương trị và sẽ trị cho kỳ hết”(13). Quyết tâm tuyên chiến với nạn quan liêu, tham ô, tham nhũng của Người có ý nghĩa hiện thực sâu sắc, động viên toàn xã hội vào cuộc đấu tranh nhằm từng bước đẩy lùi “quốc nạn” đó.        

Quan điểm Hồ Chí Minh về thực hiện chính sách xã hội thể hiện triết lý nhân văn sâu sắc, toàn diện trong xây dựng và phát triển đất nước, là “kim chỉ nam” cho Đảng, Nhà nước ta tiếp tục kiện toàn bộ máy cơ quan các cấp về quản lý, điều hành việc thực hiện chính sách xã hội; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệm vụ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên làm công tác xã hội; thực hiện sự thống nhất giữa chính sách xã hội với chính sách kinh tế, tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách phát triển, đảm bảo an sinh xã hội, để Việt Nam thật sự đạt đến mục tiêu phát triển dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

5. Các chính sách xã hội ở Việt Nam hiện nay

– Chính sách với người có công.

– Chính sách về việc làm.

– Chính sách về thu nhập.

– Chính sách giảm thiểu hộ nghèo trên cả nước.

– Chính sách về bảo hiểm xã hội.

– Chính sách trợ giúp những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

– Chính sách về các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân.

Ví dụ về các chính sách xã hội hiện nay dễ bắt gặp nhất được thực hiện bởi ngân hàng chính sách như:

– Cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

– Cho vay hộ nghèo.

– Cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, nhà ở kiên cố.

– Cho vay với hộ cận nghèo để phát triển kinh tế.

– Hỗ trợ cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

– Cho vay để hỗ trợ công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm với người lao động bị thu hồi đất.

– Cho vay để cải tạo nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Ghi chú:

(1) Phạm Xuân Nam (chủ biên): Đổi mới chính sách xã hội,  Luận cứ và giải pháp, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr.12.

(2)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 113.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.175.

(4), (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.314, tr.593.

(5), (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.221, 371.

(6), (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.92, 404.

(7) Lê Sĩ Thắng (chủ biên): Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người và về chính sách xã hội, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.99.

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.224.

(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.216.

(13) Hồ Chí Minh:Nhà nước và pháp luật, Nxb Pháp lý, Hà Nội, 1985, tr.158.

 (14) Quan điểm Hồ Chí Minh về chính sách xã hội; PGS, TS Nguyễn Thị Kim Dung (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh); ThS  Nguyễn Công Lập (Trường Đại học Đồng Tháp)