Đặc sắc lễ hội Trò Trám
PhuthoPortal – Đêm 26, rạng sáng ngày 27/2 (tức đêm 11, rạng sáng ngày 12 tháng Giêng âm lịch) hàng nghìn người dân địa phương và du khách thập phương đã về miếu Trò, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao để xem Lễ hội Trò Trám hay còn gọi là “Linh tinh tình phộc”.
Nghi thức lễ tế
Gần 12h đêm, chủ từ Nguyễn Thành Ngữ (80 tuổi) làm lễ tế, bắt đầu buổi “lễ Mật”. Thủ từ miếu Trò thắp hương và rước “nõ nường” – hai vật tượng trưng cho giới tính nam và nữ (được làm bằng gỗ, sơn màu đỏ) thờ trong miếu Trò và trao cho đôi nam nữ được lựa chọn từ trước. Năm nay, hai vợ chồng anh Chử Đức Chiến (sinh năm 1978) và chị Bùi Thị Thanh Huyền (sinh năm 1990) được người dân địa phương tín nhiệm để thực hiện nghi thức “tình phộc” trong lễ Mật.
Lễ Mật – Nét đặc sắc của lễ hội Trò Trám
Đúng 0h, sau tiếng hô “Linh tinh tình phộc” của chủ tế, tất cả đèn, nến đều tắt. Đôi nam nữ thực hiện nghi thức “tình phộc”. Trong đêm tối, chủ tế nghe cạch đủ ba tiếng đèn sáng lại. Phút ấy gọi là phút thiêng, dập chiêng trống để mừng và kính cáo với thần linh, thiên địa biết “lễ Mật” đã thành công. Chủ tế dẫn đầu đám trò chạy quanh miếu ba vòng theo ngược chiều kim đồng hồ, theo sau là dân làng, vừa chạy vừa hú, vừa gõ dùi vào mẹt để đuổi ma quỷ, trừ hiểm họa cả năm cho dân làng. Cuối cùng là đến mục “Tháo khoán”. Theo phong tục trước kia, vào giờ “Tháo khoán”, ở ngoài rừng trám các đôi trai gái được tự do mọi chuyện và người nữ phải giữ một vật dụng của người nam để làm tin. Cô nào có thai trong dịp đó là lễ hèm của làng thành công, đem lại điều may mắn cả năm cho gia đình và toàn phường, khi đó phường sẽ có những phần thưởng hậu hĩnh. Ngày nay, tục “tháo khoán” không còn, chỉ là hò reo vui vẻ nhưng tín ngưỡng phồn thực vẫn được tôn vinh và trở thành linh thiêng, chứa đựng ý niệm tốt đẹp, nguyện vọng tha thiết cầu mong sự phồn vinh cho muôn loài và con người của cư dân nông nghiệp.
Đông đảo người dân và du khách thập phương đến xem hội Trò Trám
Sáng ngày 12 tháng Giêng các trò: Đi cày, cấy lúa, câu cá, đánh lờ, dệt lụa, cung bông, thợ mộc, mua xuân – bán xuân và dạy học được trình diễn tại sân miếu Trò. Người dân Tứ Xã tham gia diễn trò “Tứ dân chi nghiệp”, còn gọi là “Bách nghệ khôi hài” – một màn kịch dân gian vui nhộn khắc họa bốn nghề chính trong đời sống (sĩ, nông, công, thương) với những làn điệu dân ca riêng biệt của vùng quê đất Tổ, phản ánh sự gắn kết con người với cuộc sống lao động, ca ngợi tình yêu hạnh phúc lứa đôi. Khi diễn trò, trai gái hát đối nhau những câu đầy ẩn ý, vui nhộn gần gũi với đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân. Tiếp đến là lễ rước lúa “thần” cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Những bông lúa thu hoạch từ vụ trước thờ trong miếu được lấy ra rước đến đền Xa Lộc, nơi thờ vị tướng thời Trần có tên là Phùng Lân Hổ, sau đó tiếp tục rước xung quanh làng. Trong khi rước lúa trên đường làng, các trò diễn tiếp tục được thực hiện tạo không khí vui nhộn khắp cả làng. Cuối cùng là lễ cúng thập bái thực hiện tại miếu Trò để kết thúc hội.
Chị Hoàng Dung ở Hải Phòng chia sẻ: “Nghe kể thì nhiều, nhưng tôi chưa bao giờ được xem. Năm nay tôi rủ thêm một số người bạn sắp xếp công việc về một chuyến để dự lễ. Chúng tôi thấy rất thích thú với lễ hội Trò Trám tại đây”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Đại Nghĩa – Phó Chủ tịch UBND xã Tứ Xã cho biết: “Năm nay lễ hội Trò Trám không tổ chức với quy mô lớn nhưng vẫn đảm bảo giữ gìn nét văn hóa truyền thống của địa phương. Các hoạt động lễ hội chính, lễ hội cổ xưa vẫn được thực hiện. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, thể thao quần chúng diễn ra an toàn, vui tươi, thu hút đông đảo người dân và du khách”.
Lễ hội Trò Trám là lễ hội đặc sắc của người Việt ở vùng trung du Bắc bộ, mang đậm giá trị văn hóa truyền thống và dấu ấn của nền văn minh lúa nước. Lễ hội không những mang lại không khí vui tươi, phấn khởi tạo động lực thi đua sản xuất đầu xuân của người dân quanh vùng mà còn là điểm nhấn quan trọng góp phần tôn vinh, quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống trên vùng đất Tổ với du khách thập phương.
Ngọc Kiên