Đặc điểm quyền sở hữu trí tuệ

Quyền sở hữu trí tuệ là gì?

Sở hữu trí tuệ là hoạt động sáng tạo của con người, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, thuật ngữ sở hữu trí tuệ không còn xa lạ, bởi nó luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội mỗi quốc gia. Do đó, quyền sở hữu trí tuệ được ra đời nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực này, đảm bảo quyền và lợi ích của các bên liên quan.

Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ: Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Trong đó:

+ Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.

+ Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.

+ Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

+ Quyền đối với giống cây trồng là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu.

Đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ

Đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ được xác định theo từng nhóm quyền sở hữu trí tuệ. Cụ thể Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2019 quy định đối tượng quyền sở hữu trí tuệ bao gồm:

– Đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá.

– Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý.

–  Đối tượng quyền đối với giống cây trồng là vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch.

Đặc điểm của quyền sở hữu trí tuệ

Quyền sở hữu trí tuệ có các đặc điểm chính sau đây:

1. Quyền sở hữu trí tuệ là một quan hệ pháp luật đặc biệt vì khách thể của quyền này không phải vật cụ thể mà là sản phẩm của lao động sáng tạo được thể hiện dưới dạng phi vật chật. Nó được vật chất hoá khi được mang ra áp dụng vào sản xuất, kinh doanh. Khách thể của quyền sở hữu trí tuệ được phân thành hai nhóm chính, đó là nhóm vận dụng trong đời sống tinh thần của con người và làm phong phú hơn nhu cầu tinh thần của con người và nhóm được áp dụng vào sản xuất, kinh doanh để tạo ra các sản phẩm vật chất mang tính công nghệ.

2. Các quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt trong quyền sở hữu trí tuệ được chia thành hai nhóm quyền, đó là quyền tài sản và quyền nhân thân. Giữa quyền nhân thân và quyền tài sản luôn tồn tại mối quan hệ hữu cơ. Quyền này là tiền đề của quyền kia. Quyền tài sản chỉ có thể xác định cho một chủ thể nhất định dựa trên căn cứ quyền nhân thân có mối liên hệ trực tiếp với tài sản. Những quyền liên quan đến nhân thân người sáng tạo không thể tách rời và thuộc về người sáng tạo vĩnh viễn như quyền đứng tên tác giả, quyền đặt tên tác phẩm, những quyền tài sản có thể chuyển giao cho người khác thông qua các hợp đồng chuyển giao quyền.

3. Quyền sở hữu trí tuệ không mang tính tuyệt đối và vô thời hạn như quyền sở hữu các tài sản hữu hình, vì thế, quyền sở hữu trí tuệ luôn luôn bị giới hạn lợi ích cộng đồng. Do đó, tác giả, chủ sở hữu một tác phẩm không thể có độc quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt vô thời hạn đối với tác phẩm. Độc quyền này chỉ tồn tại trong thời hạn nhất định, trong khoảng thời gian nhất định và giới hạn về điều kiện sử dụng.

4. Tài sản trí tuệ cũng mang tính thương mại khi nền kinh tế phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, pháp luật phải có cách tiếp cận mới đối với quyền sở hữu trí tuệ, tính thương mại của quyền sở hữu trí tuệ.

5. Quyền sở hữu trí tuệ dễ bị xâm phạm, những sản phẩm sáng tạo của trí tuệ một khi đã được công khai sẽ dễ dàng được phổ biến và bị khái thác giá trị kinh tế thông qua hệ thống thông tin của một quốc gia, một khu vực, của các tổ chức quốc tế. Quyền sở hữu trí tuệ được ghi nhận và bảo hộ ở một quốc gia không có nghĩa là sẽ được bảo hộ ở các quốc gia khác, việc xâm phạm có thể diễn ra ngay trước mắt chủ sở hữu tại quốc gia khác mà không hề bị coi là phạm pháp. Vì vậy, trong điều kiện hiện nay, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên quy mô quốc tế thông qua các điều ước quốc tế là cần thiết.

Quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân

Tổ chức, cá nhân có quyền áp dụng các biện pháp mà pháp luật cho phép để tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình và có trách nhiệm tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Ý nghĩa của việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Đối với chủ thể quyền sở hữu trí tuệ:

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ khuyến khích sự sáng tạo, thúc đẩy những nỗ lực, cống hiến của các cá nhân vào hoạt động nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật tạo ra những sản phẩm vật chất và tinh thần cho xã hội.

Đối với chủ thể sản xuất, kinh doanh:

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ góp phần giảm thiểu tổn thất cho các nhà sản xuất kinh doanh và thúc đẩy họ sản xuất kinh doanh hợp pháp.

Đối với người tiêu dùng:

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả giúp cho người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn và được sử dụng các hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.

Đối với Quốc gia:

Sở hữu trí tuệ đã được khẳng định là “một công cụ đắc lực để phát triển kinh tế”, cho nên bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả sẽ tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút chuyển giao công nghệ và đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập như hiện nay, với sự luân chuyển mạnh mẽ, liên tục của các tài sản hữu hình cũng như các tài sản vô hình giữa các Quốc gia, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ còn góp phần bảo vệ lợi ích Quốc gia. Hơn nữa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ còn có ý nghĩa chính trị “bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là nghĩa vụ bắt buộc, điều kiện tiên quyết đối với các Quốc gia là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới và với các Quốc gia đang muốn trử thành thành viên của Tổ chức này. Nhiều nước đặc biệt là các nước đang phát triển đã coi việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là điều không thể thiếu để thiết lập các quan hệ thương mại, việc thực hiện không đầy đủ về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có thể tạo ra sự căng thẳng về thương mại”.

Bên cạnh đó, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ còn góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại lành mạnh trên phạm vi toàn cầu.

Giới hạn quyền sở hữu trí tuệ

– Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ chỉ được thực hiện quyền của mình trong phạm vi và thời hạn bảo hộ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ.

– Việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và không được vi phạm các quy định khác của pháp luật có liên quan.

– Trong trường hợp nhằm bảo đảm mục tiêu quốc phòng, an ninh, dân sinh và các lợi ích khác của Nhà nước, xã hội quy định tại Luật này, Nhà nước có quyền cấm hoặc hạn chế chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thực hiện quyền của mình hoặc buộc chủ thể quyền sở hữu trí tuệ phải cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng một hoặc một số quyền của mình với những điều kiện phù hợp; việc giới hạn quyền đối với sáng chế thuộc bí mật nhà nước được thực hiện theo quy định của Chính phủ

Căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ

Theo quy định tại Điều 6 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi bởi Luật sở hữu trí tuệ năm 2019, căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ như sau:

– Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.

– Quyền liên quan phát sinh kể từ khi cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá được định hình hoặc thực hiện mà không gây phương hại đến quyền tác giả.

– Quyền sở hữu công nghiệp được xác lập như sau:

+ Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định Luật sở hữu trí tuệ hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký.

Quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định Luật sở hữu trí tuệ hoặc theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

+ Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó;

+ Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó;

+ Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh được xác lập trên cơ sở hoạt động cạnh tranh trong kinh doanh.

– Quyền đối với giống cây trồng được xác lập trên cơ sở quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký.