Đặc điểm cơ bản của vụ án về các tội phạm ma túy
Thời gian qua, cuộc đấu tranh phòng, chống các tội phạm ma túy diễn ra hết sức cam go và quyết liệt, nhiều vụ án ma túy đặc biệt nghiêm trọng mang tính tổ chức, xuyên quốc gia, liên hệ đến các tổ chức tội phạm quốc tế. Đảng và Nhà nước ta đã đề ra và thực hiện chính sách hình sự nhất quán nhằm nghiêm trị các tội phạm liên quan đến ma túy.
1- KHÁI NIỆM VỀ MA TUÝ:
Khái niệm về ma túy được quy định trong nhiều văn bản pháp quy khác nhau. Bộ luật hình sự năm 2015 xác định ma tuý bao gồm nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa, cao côca; lá, hoa, quả cây cần sa, lá cây côca; quá thuốc phiện khô; quả thuốc phiện tươi; heroine; cocaine; các chất ma túy khác ở thể lỏng; các chất ma túy khác ở thể rắn.
Điều 2 Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) quy định: Chất ma túy là các chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong các danh mục do Chính phủ ban hành. Đó chính là Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ ban hành các danh mục chất ma túy và tiền chất, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 60/2020/NĐ-CP (Nghị định số 73/2018/NĐ-CP), theo đó:
Danh mục I: Các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội; việc sử dụng các chất này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền.
Danh mục II: Các chất ma túy được dùng hạn chế trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điêu tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Danh mục III: Các chất ma túy được dùng trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế, thú y theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Danh mục IV: Các tiền chất.
Các tiền chất sử dụng vì mục đích quốc phòng, an ninh do Bộ Công an quản lý và cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu. Các tiền chất sử dụng trong lĩnh vực thú y do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý và cấp phép xuất khẩu, nhập khau.
2- MẶT KHÁCH QUAN CỦA TỘI PHẠM:
Hành vi khách quan của các tội phạm ma túy chủ yếu là các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sản xuất… liên quan đến ma túy được quy định tại các điều từ Điều 247 đến Điều 259 Bộ luật hình sự năm 2015.
Ngoài ra, còn là những hành vi của những người có trách nhiệm trong việc xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán, vận chuyển, bảo quản, phân , phối, cấp phát, sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác mà vi phạm quy định về quản lý, sử dụng các chất đó như hành vi khách quan của tội được quy định tại Điều 259 Bộ luật hình sự năm 2015.
3- MẶT CHỦ QUAN CỦA TỘI PHẠM:
Trong các vụ án về ma túy, tội phạm thực hiện các hành vi phạm tội với hình thức lỗi cố ý.
4- CHỦ THỂ CỦA TỘI PHẠM:
Chủ thể của các tội phạm về ma tuý là các chủ thể thường, riêng tội quy định tại Điều 259 Bộ luật hình sự năm 2015 phải là chủ thể đặc biệt, tức là người có chức vụ, quyền hạn.
Một số sửa đổi, bổ sung một số điều tại Chương các tội phạm về ma túy của Bộ luật hình sự năm 2015:
Bổ sung chất XLR-11 vào cấu thành các tội: tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248), tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249), tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điêu 250), tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251) và tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252).
Bổ sung “lá khát (lá cây Catha edulis)” vào các điều khoản tương ứng của các tội: tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249), tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250), tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251) và tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252).
Bổ sung quy định có tính dự liệu “hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chinh phủ quy định” vào các điều khoản tương ứng của các tội: tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249), tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250), tội mua bán trái phép chất ma túy (Điêu 251) và tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252).
Sửa đổi Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy), Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy), Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy) theo hướng: ngoài tình tiết định tội “đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm ” còn bổ sung tình tiết đã bị kết án về một trong các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Từ những đặc trưng pháp lý của nhóm tội phạm về ma túy nêu trên, vụ án về ma túy có đặc điểm sau:
– Ma túy là một chất gây nghiện có tác hại nguy hiểm cho xã hội cho nên chính sách hình sự và hình phạt đối với các tội phạm về ma túy thường rất nghiêm khắc. Hình phạt áp dụng trong nhóm tội phạm về ma túy không có hình phạt cảnh cáo hay cải tạo không giam giữ mà chủ yếu là hình phạt tù; cũng như, khi áp dụng hình phạt tù, rất ít vụ án mà Tòa án áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo. Đối với các vụ án mua bán trái phép chất ma túy, bên cạnh hình phạt chính, Tòa án cũng hay áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Với số tiền và tài sản do phạm tội mà có hoặc công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội thì bị tịch thu sung công quỹ theo Điều 47 Bộ luật hình sự năm 2015.
– Trong một số vụ án lớn về ma túy liên quan đến đường dây, tổ chức thì số lượng bị can, bị cáo rất đông và nhiều người bị truy tố ở khung hình phạt cao nhất là chung thân, tử hình. Cho nên quá trình tố tụng, đặc biệt là phiên tòa xét xử thường diễn ra trong nhiều ngày và việc xét hỏi, tranh luận vừa phức tạp vừa tốn thời gian. Ngoài ra, nhiều vụ án ngoài tội danh liên quan đến tội về ma túy còn đan xen nhiều tội danh khác như giết người, cố ý gây thương tích, tội tàng trữ, sử dụng vũ khí quân dụng… Ngoài ra, trong các vụ án về mua bản trái phếp chất ma túy sẽ có những đối tượng bị truy tố, xét xử về hành vi rửa tiền theo Điều 324 Bộ luật hình sự năm 2015.
– Đối tượng phạm tội về ma túy: Nhiều người bản thân là con nghiện; trình độ học vấn, hiểu biết xã hội không cao; thường có tiền án, tiền sự liên quan đến án ma túy nên hiểu rất rõ về hậu quả pháp lý khi bị phát hiện điều tra, truy tố Thái độ của họ trong quá trình giải quyết vụ án hoặc ngoan cố không khai nhận hoặc lúc nhận lúc không nhận tội và thường không tin tưởng vào việc bào chữa của Luật sư.
– Quá trình điều tra các vụ án ma túy thường là quá trình truy xét lại các vụ việc đã diễn ra dựa vào lời khai của các đối tượng nên hồ sơ thường rất nhiều lời khai, nhiều bút lục. Bởi lẽ, nhiều vụ án được xử lý, khởi tố từ việc bắt người do phạm tội quả tang, sau đó trong quá trình điều tra người phạm tội khai ra các hành vi mà mình đã thực hiện từ trước. Trên cơ sở đó, cơ quan điều tra mới điều tra và thu thập chứng cứ làm rõ hành vi mà người phạm tội đã khai.