Đà tăng trưởng của thị trường Việt Nam thu hút các thương hiệu tiêu dùng lớn
Động lực cho tăng trưởng của Unilever tại Việt Nam
Theo tập đoàn này, Việt Nam hiện là thị trường lớn thứ 12 của Unilever, với tiềm năng to lớn nhờ nền kinh tế phát triển mạnh mẽ. Doanh thu của Unilever năm 2022 tại Việt Nam đã vượt qua mốc 1 tỷ euro, ghi nhận đà tăng trưởng hai con số trên diện rộng với khối lượng sản phẩm bán ra tích cực.
Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đã tăng trở lại từ 2,6% năm 2021 (sau đại dịch Covid-19) lên hơn 8% năm 2022 và trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Theo nghiên cứu từ tập đoàn tham vấn McKinsey, “tầng lớp tiêu dùng” của Việt Nam (những người chi tiêu ít nhất 11 USD/ngày) đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây. Năm 2000, chưa đầy 10% dân số Việt Nam thuộc nhóm này. Hiện con số này đã lên tới 40% và đến năm 2030, McKinsey cho biết tỷ lệ có thể lên tới gần 75%.
Khi đề cập đến các xu hướng tiêu dùng đang thúc đẩy tăng trưởng cho Unilever tại Việt Nam, các động lực chính là người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm theo nhiều phương thức hơn, nhu cầu gia tăng đối với các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên và bền vững, cũng như nhiều người chuyển hướng sang nấu ăn tại nhà với các sản phẩm lành mạnh hơn.
Nhiều sản phẩm của Unilever đã quen thuộc với người dùng Việt. Ảnh: Unilever
Unilever đã hoạt động tại Việt Nam được bao lâu?
Unilever đã vào Việt Nam từ năm 1995. Kể từ đó, nhiều nhãn hàng của thương hiệu này như bột giặt OMO, xà phòng Lifebuoy, dầu gội Sunsilk hay kem đánh răng P/S đã trở nên phổ biến với nhiều gia đình. Unilever đang tuyển dụng hơn 1.400 lao động ở Việt Nam với hai nhà máy sản xuất cùng năm trung tâm phân phối.
Trong năm 2022, Unilever đã ghi nhận đà tăng trưởng kinh doanh mạnh mẽ trên tất cả năm nhóm hàng kinh doanh tại Việt Nam. Trong đó, hạng mục Giặt vải có doanh thu tốt với nhiều thương hiệu được các gia đình Việt Nam thường xuyên dùng là Kantar, OMO, Sunlight và Comfort. Hiện 10 thương hiệu lớn nhất chiếm 85% hoạt động kinh doanh của Unilever tại Việt Nam là: OMO, Comfort, Nước rửa chén Sunlight, Surf, Lifebuoy, P/S (ở các thị trường khác là Pepsodent), Dove, Knorr, Sunsilk và Clear.
Để đạt được thành công hiện tại, Unilever đã tiến hành nhiều chiến dịch quảng bá thích hợp để kích thích nhu cầu tiêu dùng cho các sản phẩm của họ. Ví dụ, thương hiệu P/S đã phát động chiến dịch “Bảo vệ nụ cười Việt Nam” từ năm 1998 để hỗ trợ, cung cấp cho người tiêu dùng dịch vụ khám răng miễn phí, giáo dục chăm sóc răng miệng và từ năm 2022 có thêm dịch vụ nha khoa từ xa.
Thương hiệu xà phòng Lifebuoy cũng đang tiếp cận thêm hàng triệu người tiêu dùng tại Việt Nam thông qua các kênh kỹ thuật số. Để đáp ứng nhu cầu về các sản phẩm bền vững, nhiều nhãn hàng như Sunlight, OMO và Comfort giờ đây có công thức thân thiện với môi trường hơn, nhẹ nhàng hơn trên da và sử dụng bao bì bền vững hơn.
Các thương hiệu Sắc đẹp và Sức khỏe của Unilever cũng đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng tại Việt Nam. Ví dụ, chiến dịch “Dream too good to hold back” của Sunsilk hướng đến giúp các cô gái Việt Nam vượt qua định kiến giới trong công việc và chiến dịch “My hair, my say” của Dove khuyến khích phụ nữ Việt Nam thể hiện phong cách của riêng mình và không bị xã hội áp đặt.
Sự độc đáo của thị trường Việt Nam
Tại Việt Nam, hoạt động thương mại truyền thống (chủ yếu là các chợ) đã đóng góp 75% vào doanh số bán sản phẩm của Unilever. Các siêu thị mini cũng là kênh phân phối trực tiếp phát triển nhanh nhất và hiện tại, các kênh phân phối trực tuyến cũng đang tăng trưởng tốt nhờ tập trung vào chuyển đổi số.
Tập đoàn này đang triển khai ứng dụng di động ‘OrderUNow’ giúp hàng trăm nghìn cửa hàng tạp hóa và nhà bán lẻ trên cả nước nhập hàng trực tiếp từ Unilever. Khách hàng cũng có thể tiếp cận trực tiếp với tập đoàn này thông qua hệ sinh thái thương mại điện tử UShop, chuyên bán các sản phẩm của Unilever.
Để giải quyết vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam, Unilever cũng đang tìm cách đổi mới bao bì để gia tăng khả năng tái chế. Unilever cũng đã thiết lập quan hệ hợp tác công tư với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các doanh nghiệp có cùng chí hướng nhằm thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam.
Trong thời gian tới, tập đoàn này đang hướng tới thu hút sự chú ý của người tiêu dùng đến với nhiều nhãn hàng hơn và tiếp tục củng cố sự phát triển của Unilever tại Việt Nam – một thị trường đầy tiềm năng với các thương hiệu tiêu dùng.