Đa nang buồng trứng có thai được không? Làm gì để sớm có con?
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) được mô tả lần đầu tiên năm 1935 bởi 2 bác sĩ phụ khoa người Mỹ Irving F Stein và Michael L Leventhal, đây là hội chứng gây rối loạn nội tiết và chuyển hóa phổ biến nhất ở phụ nữ. Tỷ lệ hiện mắc dao động từ 4-21% phụ nữ hay ảnh hưởng đến 1/10 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Phụ nữ bị PCOS thường có rối loạn về nội tiết tố ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, rối loạn về chuyển hóa hay các vấn đề về trao đổi chất, ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe của phụ nữ. PCOS là nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh ở phụ nữ, nhưng có thể điều trị. Vậy phụ nữ bị đa nang buồng trứng có thai được không? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
Mục Lục
Đa nang buồng trứng có thai được không?
Bạn hoàn toàn có thể mang thai nếu bị buồng trứng đa nang. PCOS là nguyên nhân phổ biến nhất gây vô sinh ở phụ nữ và có thể điều trị. Ở phụ nữ bị PCOS, sự mất cân bằng nội tiết tố cản trở sự phát triển và phóng thích trứng từ buồng trứng (rụng trứng). Nếu việc rụng trứng không xảy ra, bạn không thể có thai một cách tự nhiên. (1)
Thực tế ở nhiều nghiên cứu cho thấy không phải trường hợp phụ nữ nào mắc buồng trứng đa nang cũng không thể mang thai, vẫn có những trường hợp mang thai được nếu được thăm khám và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, Theo Bác sĩ Đặng Tuấn Anh “Nếu tình trạng bệnh của bạn đã lâu và hai vợ chồng đã thả một thời gian nhưng chưa có tin vui thì thì nguy cơ vô sinh sẽ tăng lên. Vì vậy, với trường hợp bị buồng trứng đa nang chưa có thai tự nhiên sau một thời gian thì bạn nên đến thăm khám sớm với bác sĩ để được tư vấn các phương pháp hỗ trợ.
Vì sao phụ nữ bị đa nang buồng trứng khó có con?
Điều gì khiến phụ nữ bị buồng trứng đa nang khó có con? Cơ thể phụ nữ có hai buồng trứng và nằm ở hai bên tử cung. Mỗi buồng trứng có kích thước khoảng 3x2x1,5 cm lớn hơn một đồng tiền một chút. Buồng trứng có hai chứng năng chính là nội tiết, ngoại tiết hay nói một các dễ hiểu là chức năng lưu trữ trứng và tạo ra hormone sinh dục nữ. Các hormone chính được tạo ra từ buồng trứng là estrogen và progesterone. (2)
Những hormone này giúp phát triển các đặc điểm sinh dục phụ của phụ nữ như vú, mông, lông sinh dục… và tạo ra chu kỳ kinh nguyệt đều đặn. Ngoài ra buồng trứng còn tiết ra một lượng nhỏ nội tiết tố nam như: androgen, testosterone. Sự rụng trứng thường xảy ra mỗi tháng một lần khi trứng (noãn) được phóng thích vào ổ bụng và được các ống dẫn trứng đón nhận.
Trứng phát triển trong nang của buồng trứng trước khi được phóng thích khi rụng trứng. Mỗi tháng, ban đầu có hàng trăm nang bắt đầu phát triển nhưng sau quá trình chọn lọc thông thường chỉ có một nang phát triển đầy đủ và giải phóng noãn. Sau khi phóng noãn, noãn sẽ đi vào vòi tử cung và có thể được thụ tinh ở ⅓ ngoài vòi trứng với tinh trùng nếu người nam và người nữ có phát sinh quan hệ tình dục.
Nguyên nhân dẫn đến phụ nữ bị PCOS đến nay vẫn chưa rõ ràng, nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy PCOS có thể là sự kết hợp của các yếu tố di truyền và môi trường sống (thai nhi bị phơi nhiễm với các nội tiết androgen trong tử cung, chế độ ăn phụ nữ giàu chất béo, phụ nữ thừa cân béo phì…). Từ đó khiến cơ thể phụ nữ bị rối loạn điều hoà nội tiết dẫn tới hội chứng cường androgen, tăng LH, kháng với insulin…. Từ đó dẫn tới rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, rối loạn quá trình phóng noãn và tăng nguy cơ mắc các bệnh về chuyển hoá khác. Đặc biệt quá trình phóng noãn có thể dừng hoàn toàn hoặc có thể xảy ra bất thường dẫn đến việc khó khăn trong mang thai của người phụ nữ.
Không ít chị em không phát hiện ra mình mắc PCOS, phần lớn trường hợp phát hiện bệnh khi họ cố gắng thụ thai, đặc biệt là nếu họ đang sử dụng biện pháp tránh thai sử dụng hormone.
Một số biến chứng có thể gặp phải ở phụ nữ mắc đa nang buồng trứng
1. Đối với phụ nữ
Đây là nguyên nhân gây rối loạn nội tiết hàng đầu dẫn đến vô sinh ở phụ nữ và các rối loạn khác như: chuyển hoá, sinh sản và tâm lý… Cụ thể theo các nghiên cứu cho thấy 80-90% phụ nữ PCOS bị vô sinh, 50% phụ nữ PCOS bị đái tháo đường type 2 trước 40 tuổi, PCOS làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung (NMTC) gấp 3 lần, rối loạn chuyển hóa lipid , tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch… Ngoài ra khi tham gia hỗ trợ sinh sản phụ nữ PCOS có thể dễ bị quá kích buồng trứng hơn người phụ nữ bình thường. (3)
2. Đối với phụ nữ khi mang thai
PCOS có thể gây ra các vấn đề trong thời kỳ mang thai cho bạn và cho con bạn. Phụ nữ bị PCOS có nguy cơ bị sảy thai cao gấp 1.59 lần so với những phụ nữ không bị PCOS. Tăng nguy cơ đái tháo đường thai kỳ lên 2-3 lần, tăng nguy cơ tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật lên 2-4 lần, tăng nguy cơ sinh non lên 2-3 lần và tăng tỷ lệ mổ lấy thai 1.2 lần…
3. Đối với thai nhi và em bé sau sinh
Em bé được sinh ra từ người mẹ mắc buồng trứng đa nang cũng có nguy cơ nặng ký hơn so với bình thường (hội chứng macrosomia) và phải dành nhiều thời gian hơn trong phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh (NICU). Nếu con bạn là con gái, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng có tới 50% khả năng con bạn cũng mắc PCOS. Một điểm đáng lo ngại các nghiên cứu theo dõi các em bé sinh ra từ người mẹ bị PCOS trong thời gian dài cho thấy bé gái tăng nguy cơ bị tăng động giảm chú ý (ADHD) 1.6 lần, trẻ trai 1.37 lần và tăng nguy cơ trẻ tự kỷ (ASD) 2 lần trên trẻ gái, 1.46 lần trên trẻ trai
Bạn có thể giảm nguy cơ mắc các vấn đề khi mang thai bằng cách:
- Duy trì số cân nặng hợp lý trước khi mang thai.
- Đạt mức đường huyết khỏe mạnh trước khi mang thai. Để giữ mức đường huyết an toàn bạn có thể thăm khám với các bác sĩ nội tiết và dinh dưỡng để được tư vấn về chế độ sinh hoạt, chế độ ăn và luyện tập cũng như kết hợp các loại thuốc như metformin.
- Bổ sung axit folic. Nói chuyện với bác sĩ của bạn về lượng axit folic bạn cần.
Một số phương pháp giúp bạn mang thai khi mắc đa nang buồng trứng
1. Thuốc rụng trứng
Để giúp rụng trứng, bác sĩ có thể chỉ định:
- Clomiphene (Clomid). Thuốc chống estrogen đường uống;
- Letrozole (Femara): là một thuốc ức chế men aromatase không steroid trước đây là một nhóm thuốc để điều trị một số loại ung thư vú (như ung thư vú liên quan đến thụ thể hormone) nhưng hiện nay có thể được dùng để kích thích nang trứng phát triển ;
- Metformin (Glucophage, Fortamet…): Đây là thuốc uống trị tiểu đường type II và giúp cải thiện tình trạng kháng insulin và làm giảm nồng độ insulin ở phụ nữ mắc PCOS;
- Gonadotropin: Đây là thuốc tiêm nội tiết tố.
2. Thay đổi lối sống
Người bị buồng trứng đa nang cần hạn chế carbohydrate với chế độ ăn ít chất béo. Bên cạnh đó, tập thể dục thường xuyên và đều đặn để có một cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai giúp điều hòa cơ chế sinh học của cơ thể, sức khỏe toàn thân tốt cũng kéo theo sức khỏe sinh sản tốt hơn, giúp chu kỳ kinh nguyệt đều đặn hơn và tăng khả năng mang thai.
3. Kiểm soát Insulin
Một cơ thể khỏe mạnh với cân nặng hợp lý, không bị béo phì có thể tăng tỷ lệ mang thai, việc kiểm soát tốt Insulin giúp giữ lượng được trong cơ thể được giữ ở mức ổn định.
Insulin hoạt động giống như một chìa khóa giúp vận chuyển glucose vào các tế bào cơ thể. Trong hội chứng PCOS, không ít phụ nữ bị kháng insulin, các tế bào này cản trở và không cho phép insulin hoạt động đúng cách, dẫn đến nồng độ insulin trong máu cao hơn bình thường. Khi nồng độ insulin cao hơn có thể dẫn đến tăng cân, kích thích sự thèm ăn và dẫn đến bệnh đái tháo đường.
Việc vận động thể dục kết hợp chế độ dinh dưỡng hợp lý có thể thể giúp insulin hoạt động tốt hơn, hiệu quả và giảm kháng insulin đáng kể. Việc kiểm soát cân nặng được đánh giá là một cách hiệu quả trong việc tăng cơ hội mang thai ở phụ nữ mắc PCOS, giảm mức độ insulin và giảm nguy cơ biến chứng khi mang thai.
4. Phẫu thuật
Nếu việc sử dụng thuốc không có tác dụng bạn có thể được khuyến nghị phẫu thuật để cân bằng lượng hormone nam dư thừa trong buồng trứng, thúc đẩy rụng trứng tốt hơn. Tuy nhiên hiện tại phương pháp pháp thuật không còn được là lựa chọn tốt do có nguy cơ làm suy giảm dự trữ buồng trứng của người phụ nữ.
5. Hỗ trợ sinh sản
Hiện nay các phương pháp hỗ trợ sinh sản rất phổ biến và mang tính hiệu quả cao, nếu dùng thuốc điều trị không thành công, phụ nữ bị buồng trứng đa nang có thể được chỉ định làm các thủ thuật như IVF (thụ tinh trong ống nghiệm), IUI (bơm tinh trùng vào buồng tử cung) hoặc IVM (trưởng thành trứng non trong ống nghiệm).
- IVF sử dụng các loại thuốc hỗ trợ sinh sản dạng tiêm để kích thích buồng trứng cung cấp một số lượng trứng trưởng thành có chất lượng tốt. Trứng sau khi được thụ tinh bằng cách tiêm tinh trùng vào noãn trưởng thành để tạo thành phôi, sau đó phôi được nuôi trong môi trường nhân tạo thêm 3 hoặc 5 ngày rồi sẽ được chuyển vào tử cung của người phụ nữ. Khoảng 12 ngày sau chuyển phôi, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thử thai để xem chu kỳ chuyển phôi đó đã thành công hay chưa.
- IVF là một trong phương pháp hỗ trợ sinh sản cao cấp và có kết quả tốt, tuy nhiên với phụ nữ bị buồng trứng đa nang, một trong những rủi ro có thể có là nguy cơ quá kích buồng trứng.
- Với IVM, thay vì dùng các loại thuốc hỗ trợ sinh sản liều cao để kích thích buồng trứng tạo ra nhiều nang trứng trưởng thành hơn, phụ nữ sẽ không tiếp nhận thuốc hỗ trợ sinh sản hoặc nhận với liều lượng rất thấp. Bác sĩ sẽ lấy noãn chưa trưởng thành từ buồng trứng của người phụ nữ sau đó tiến hành nuôi và làm trưởng thành noãn trong phòng thí nghiệm.
Hiếm khi phụ nữ mắc hội chứng PCOS cần người hiến trứng, trừ khi người đó có thêm các vấn đề liên quan đến khả năng sinh sản, như độ tuổi cao, chất lượng trứng kém… Tuy nhiên, những phụ nữ bị PCOS đã làm các thủ thuật như cắt bỏ góc buồng trứng để điều trị có thể có dự trữ buồng trứng thấp hơn. Trong trường hợp này, có thể họ cần một người hiến trứng để thụ tinh trong ống nghiệm. Đây là lý do khiến việc phẫu thuật cho người bị PCOS không được khuyến khích.
Một số lưu ý khác cho mẹ bầu bị đa nang buồng trứng
Hiện có nhiều bằng chứng cho thấy, ở những phụ nữ hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) tăng nguy cơ có các biến chứng thai kỳ hơn so với phụ nữ không PCOS. (4)
Ở một nghiên cứu đoàn hệ lớn, trẻ sinh ra từ bà mẹ mắc hội chứng PCOS có tần suất chuyển dạ sinh non cao hơn và tăng nguy cơ hít ối phân su so với những trẻ sinh ra từ người mẹ bình thường. Một nghiên cứu đoàn hệ gần đây cũng cho thấy mẹ bầu bị buồng trứng đa nang tăng nguy cơ chuyển dạ sinh non, nghiên cứu này chỉ ra ở những người mẹ bị hội chứng buồng trứng đa nang có cường androgen thì tăng nguy cơ chuyển dạ sinh non.
Bên cạnh đó, phụ nữ bị buồng trứng đa nang khi mang thai còn đối mặt với các biến chứng như tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ, nguy cơ sảy thai cao hơn, Vì vậy thai phụ PCOS cần được thông báo về những nguy cơ họ có thể gặp trong thai kỳ; thai kỳ cần được giám sát chặt chẽ, cần sàng lọc sớm các biến chứng trong quá trình mang thai và lúc sinh. Tuy nhiên, để quản lý thai kỳ ở phụ nữ PCOS có hiệu quả, nên tập trung vào việc kiểm soát cân nặng, lượng đường huyết, nội tiết và huyết áp. Duy trì các chế độ sinh hoạt lành mạnh, thăm khám định kỳ và tuân theo chỉ định của bác sĩ.
IVF Tâm Anh quy tụ đội ngũ y bác sĩ, chuyên gia giỏi, nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực vô sinh hiếm muộn, tay nghề cao cùng với trang thiết bị tối tân có thể thực hiện thành công cao vi nhiều kỹ thuật hiện đại giúp vợ chồng hiếm muộn hoàn thành giấc mơ làm cha mẹ.
️Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh hiện đang dẫn đầu cả nước về tỷ lệ IVF thành công. Điều trị hiệu quả các bệnh lý vô sinh nam nữ như phụ nữ bị buồng trứng đa nang, người có dự trữ buồng trứng thấp, lớn tuổi đi kèm nhiều bệnh lý, mong con nhiều năm, thất bại chuyển phôi nhiều lần, được chỉ định xin trứng, xin tinh trùng, mang thai hộ ở các trung tâm trước đó…
Phụ nữ bị đa nang buồng trứng hoàn toàn có thể mang thai bình thường. Tuy nhiên khi mắc phải hội chứng này, mẹ và bé rất dễ gặp phải các biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ. Chính vì vậy, khi được chẩn đoán mắc bệnh, mẹ cần có sự kết hợp chặt chẽ với các bác sĩ sản khoa để có hướng điều trị phù hợp, giảm thiểu các rủi ro có thể mắc phải.