Đã đến lúc hành động vì sức khỏe cho mọi người!

Không quốc gia nào có thể đạt được bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và các mục tiêu phát triển bền vững về y tế nếu thiếu hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu vững mạnh. Và Việt Nam cũng không là ngoại lệ.

Theo định nghĩa trong Tuyên bố Alma Ata năm 1978, chăm sóc sức khỏe ban đầu là các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu với giá phải chăng mà mọi người dân, mọi gia đình có thể tiếp cận  trong suốt cuộc đời của họ. Lễ kỷ niêm 40 năm của Tuyên bố Alma Ata tổ chức năm ngoái đã nhấn mạnh lại cam kết toàn cầu này với việc các quốc gia tập trung tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu. Chăm sóc sức khỏe ban đầu là điểm tiếp xúc  đầu tiên giữa người dân và cộng đồng với hệ thống y tế , đóng vai trò thiết yếu trong việc đảm bảo sức khỏe cho mọi người. Bằng chứng từ các nước trên thế giới cho thấy chăm sóc sức khỏe ban đầu là cách hiệu quả nhất để cung cấp dịch vụ y tế, và cũng là cách duy nhất để đạt được công bằng trong y tế.

Trong những thập kỷ vừa qua, mạng lưới y tế cơ sở ở Việt Nam, bao gồm các trung tâm y tế huyện và xã, là nền tảng để cung cấp dịch vụ y tế ban đầu kịp thời với giá cả phải chăng cho các cá nhân và hộ gia đình ngay tại cộng đồng nơi họ sinh sống. Mạng lưới này, với hơn 11 000 trung tâm y tế xã, hoạt động dựa trên nguyên tắc khôn ngoan “phòng bệnh hơn chữa bệnh” đã góp phần ngăn chặn dịch bệnh, duy trì và cải thiện tình trạng sức khỏe của người dân Việt Nam trong suốt thời gian qua, ngay cả ở những giai đoạn đất nước vô cùng khó khăn về kinh tế. Do đó, hệ thống y tế cơ sở chính là niềm tự hào của Việt Nam.

Tuy nhiên, cùng với những thay đổi nhanh chóng về kinh tế xã hội, Việt Nam hiện phải đối mặt với những thách thức mới về sức khỏe. Biến đổi khí hậu nghiêm trọng, ô nhiễm không khí và suy thoái môi trường, thói quen hút thuốc và uống rượu bia cùng với lối sống ít vận động – tất cả những điều này đều đang ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe và là những yếu tố nguy cơ của các bệnh mạn tính. Hệ thống y tế cũng đã có nhiều thay đổi: nhiều khoản đầu tư được tập trung cho các bệnh viện, dẫn đến bệnh nhân dồn đến đó   để khám chữa bệnh đã gây nên tình trạng quá tải tại các bệnh viện ở Việt Nam. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu không được đầu tư nguồn lực đầy đủ, nên chưa được sử dụng hết công suất. Hơn nữa, tốc độ lão hóa dân số nhanh tại Việt Nam còn dẫn tới việc tăng số lượng bệnh nhân lớn tuổi sử dụng dịch vụ y tế tại các bệnh viện, nếu hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu không hoạt động hiệu quả. Do đó, chăm sóc sức khỏe sẽ càng trở nên tốn kém hơn đối với các hộ gia đình và cả nền kinh tế.

Trong bối cảnh này, Việt Nam cần phải định hướng lại hệ thống y tế để giải quyết những thách thức trên và thiết kế lại cách thức cung cấp dịch vụ y tế nhằm đảm bảo các chức năng y tế công cộng thiết yếu, cũng như tái thiết lập một hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu vững mạnh.

Và Chính phủ Việt Nam đã ghi nhận những thách thức đó của ngành y tế. Nghị quyết 20 của Ban chấp hành Trung ương Đảng năm 2017 đã tái khẳng định quan điểm “Đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân là đầu tư cho phát triển”. Nghị quyết cũng chỉ ra rằng Việt Nam có thể đạt được bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC) ngay cả với nguồn lực hạn chế, bằng cách “Tập trung ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng sâu vùng xa và vùng khó khăn”.

Tôi tin rằng Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua những thách thức trên. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi sự lãnh đạo sát sao và cam kết mạnh mẽ của chính phủ, cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan. Bên cạnh đó, vai trò của mỗi người dân trong việc gia tăng nhận thức về sức khỏe bản thân cũng như hướng tới một lối sống lành mạnh cũng vô cùng quan trọng. Với sự tăng cường đầu tư cho chăm sóc sức khỏe ban đầu và các hành động phối hợp khác, chúng ta có thể biến bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC) thành hiện thực tại Việt Nam.

TS. Kidong Park, Trưởng Đại diện Văn phòng Tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam,

Hà Nội, ngày 07 tháng 4 năm 2019.