Đã có đồ án quy hoạch thành phố Thủ Đức đến năm 2040
Những nội dung chính của báo cáo Đồ án quy hoạch thành phố Thủ Đức đến năm 2040 vừa được Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM trình Ủy ban nhân dân Thành phố. Theo đó, cơ bản đáp ứng bước đầu các tiêu chuẩn kỹ thuật, các chỉ tiêu cơ bản về quy hoạch phát triển đô thị.
Cùng với Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Xây dựng TP.HCM cũng đã xây dựng dự thảo các nội dung chính của Đồ án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức đến năm 2040 để trình Thường vụ Thành ủy TP.HCM.
Theo quy hoạch này, các khu trung tâm đô thị lấy không gian cảnh quan mặt nước làm trung tâm để phát huy các giá trị đặc sắc của thành phố và tạo bản sắc đô thị; tăng cường các giải pháp tiếp cận trực tiếp đến bờ sông cho các hoạt động đô thị, không bị các tuyến giao thông cơ giới chia cắt.
Đô thị Thủ Đức được nhận diện và phân vùng định hướng phát triển theo tám phân khu với những yếu tố đặc trưng nhằm bảo vệ bản sắc riêng, phát huy tiềm năng và giá trị riêng, cũng như giải quyết các thách thức của mỗi phân khu/vùng.
Các phân vùng cụ thể như sau:
Phân vùng 1: Khu khu đô thị trung tâm của Thủ Đức và TP.HCM gồm bán đảo Thủ Thiêm, Thảo Điền, An Phú.
Phân vùng 2 gồm: khu đô thị cửa ngõ phía tây bắc Thủ Đức, có cả khu vực Hiệp Bình.
Phân vùng 3 là khu đô thị ven sông phía tây nam thành phố, gồm khu vực các phường Thạnh Mỹ Lợi và Cát Lái.
Phân vùng số 4 là khu vực Trường Thọ – Rạch Chiếc.
Phân vùng số 5 tại phường Linh Trung và khu trung tâm của quận Thủ Đức cũ.
Phân vùng 6 khu vực Trường Phú với trọng tâm là Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP).
Phân vùng 7 với khu vực Long Phước – Tam Đa.
Và phân vùng 8 gồm khu vực Long Bình và khu Công viên lịch sử văn hóa dân tộc (hiện hữu).
Trước đó, đầu tháng 02/2023, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư hồ sơ dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Theo đó, thành phố Thủ Đức được đề xuất với năm nội dung nhằm giúp phát triển đúng định hướng là cực tăng trưởng mới của TP.HCM.
Mặc dù xác nhận Thủ Đức hiện đã hình thành một bộ máy quản lý hành chính nhà nước thống nhất, đồng bộ và được chính quyền Thành phố chủ trương phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ phù hợp với đặc điểm tình hình, khả năng, thế mạnh của địa phương; song Ủy ban nhân dân TP.HCM cho biết, trong nhiều lĩnh vực thành phố Thủ Đức vẫn chỉ có thẩm quyền tương đương cấp quận, huyện vì vậy chưa chủ động hoàn toàn trong việc giải quyết các vấn đề vượt thẩm quyền của cấp quận, huyện.
Được biết, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV ngày 12/10/2022, Chính phủ đã báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 54/2027/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM trình Quốc hội xem xét, quyết định. Chính phủ đã đề nghị kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 54, cho phép TP.HCM tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 đến hết ngày 31/12/2023.