Cựu đại sứ: ‘Việt Nam từng bị hiểu sai vì vấn đề Campuchia’

Trong cuộc chiến giúp Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, Việt Nam đã chịu nhiều tổn thất nhưng nhiều năm sau đó vẫn bị hiểu sai và xuyên tạc.

Ngày 20/7, Ban Tuyên giáo Thành uỷ TP HCM và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM) tổ chức hội thảo TP HCM với cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và 10 năm thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Phnom Penh, Campuchia.

Có mặt từ ngày đầu Việt Nam tham gia Liên Hợp Quốc (năm 1977), ông Võ Anh Tuấn (cựu Đại sứ Việt Nam) kể, Việt Nam từng vấp phải nhiều khó khăn trong vấn đề Campuchia. Chủ đề này luôn nóng trong mỗi cuộc họp về hoà bình, an ninh. Trước việc nhiều nước chỉ trích cho rằng Việt Nam xâm lược Campuchia, phái đoàn Việt Nam phải tìm những lập luận để phản bác, khẳng định cuộc chiến là chính nghĩa.

“Liên Xô đưa quân vào Đông Âu chống phát xít Đức, Ấn Độ đưa quân vào Pakistan giúp giải phóng Bangladesh, thì được ủng hộ? Tại sao Việt Nam giúp nhân dân Campuchia lại bị lên án, đáng lý phải khen chứ?”, ông Tuấn nói.

Ông Võ Anh Tuấn, cựu Đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc. Ảnh: Mạnh Tùng.

Ông Võ Anh Tuấn, cựu Đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc. Ảnh: Mạnh Tùng.

Khi Pol Pot bị đánh đổ, chính quyền mới của Campuchia được thành lập (năm 1979) thì lực lượng Campuchia Dân chủ vẫn còn tồn tại. Một phần nguyên nhân chính thể này vẫn có thế lực đứng sau hậu thuẫn. “Thế khó của Việt Nam khi đó là ít bạn. Chúng ta gần như bị cô lập về vấn đề Campuchia”, ông kể.

Cựu đại sứ cho biết, Liên Hợp Quốc khi đó có hơn 90 nước, để nghe, hiểu và trả lời cho họ hiểu lý lẽ Việt Nam, là điều rất khó. Khi đó, đoàn ngoại giao luôn vận dụng châm ngôn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với ông Huỳnh Thúc Kháng trước khi rời Hà Nội sang Pháp năm 1946 là “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

“Trong quan hệ quốc tế, bạn hay thù có thể thay đổi, nhưng độc lập chủ quyền dân tộc thì không bao giờ. Anh giữ được độc lập chủ quyền thì luôn đúng, không giữ được thì anh nói gì cũng sai”, ông chia sẻ.

Ở góc độ nhà nghiên cứu, PGS Nguyễn Mạnh Hà (Viện lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia TP HCM) nhận định cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam nằm trong ý đồ chiến lược chung của các thế lực phản động quốc tế, thông qua bàn tay của tập đoàn Pol Pot, nhằm cô lập và phá hoại Việt Nam.

Theo ông, Campuchia Dân chủ (Pol Pot là người đứng đầu chính phủ) thua kém hơn nhiều so với Việt Nam về quân sự nhưng tấn công Việt Nam một cách chủ động. Nguyên nhân là họ có thế lực bên ngoài xúi giục, hỗ trợ, giúp đỡ về vũ khí, vật chất và cố vấn.

Thêm vào đó, Việt Nam bị chính quyền Mỹ bao vây, cấm vận toàn diện khi chiến tranh kết thúc. Chính quyền Trung Quốc cũng gây sức ép toàn diện nhằm buộc Việt Nam phải nghe theo, thực hiện yêu cầu từ Bắc Kinh. Khi Việt Nam phản ứng thể hiện quan điểm độc lập, tự chủ thì Mỹ, Trung phản ứng.

GS Võ Văn Sen phát biểu tổng kết hội thảo. Ảnh: Mạnh Tùng.

GS Võ Văn Sen phát biểu tổng kết hội thảo. Ảnh: Mạnh Tùng.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu khẳng định chiến tranh biên giới Tây Nam là cuộc chiến vì chính nghĩa. Hành động giúp đỡ nhân dân Campuchia của Việt Nam là trong sáng, xuất phát từ tình bạn giữa hai nước.

Theo GS Võ Văn Sen (Uỷ viên Hội đồng lý luận Trung ương), những người đứng đầu nhà nước Campuchia Dân chủ đã thiết lập một chế độ độc tài, phá vỡ mọi quan hệ sản xuất, thiết chế xã hội, khủng bố. “Pol Pot đã biến đất nước Campuchia thành một lò sát sinh khổng lồ, địa ngục trần gian chìm trong máu và nước mắt”, ông Sen so sánh.

Campuchia Dân chủ cũng có hành động xâm lược khi đã cho quân chiếm một số đảo và nhiều điểm sâu trong nội địa Việt Nam từ tháng 5/1975. Trước chiều hướng leo thang trong chiến tranh của tập đoàn Pol Pot – Ieng Sary, Việt Nam đánh trả, bảo vệ lãnh thổ của mình.

“Cuộc chiến chống Pol Pot là hoàn toàn chính đáng, cần thiết cho Việt Nam. Sự giúp đỡ Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, cứu dân tộc Campuchia khỏi miệng hố diệt vong là hành động phù hợp pháp lý, vì nghĩa tình quốc tế cao cả”, GS Sen nói.

Quân y Việt Nam khám bệnh cho người dân Campuchia. Ảnh: Tư liệu Quân khu 9.

Quân y Việt Nam khám bệnh cho người dân Campuchia. Ảnh: Tư liệu Quân khu 9.

Cùng quan điểm, TS Lê Hồng Liêm, Phó chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia cho rằng, sự thật đã bị cộng đồng quốc tế hiểu sai trong suốt thời gian dài. Nhiều nước xuyên tạc, vu khống Việt Nam và tiến hành nhiều biện pháp bao vây cấm vận.

“Vì nhân dân và đất nước Campuchia mà Việt Nam đã chịu nhiều hy sinh, tổn thất. Phải đến 30 năm sau tập đoàn Pol Pot mới bị toà án Liên Hợp Quốc và Campuchia đưa ra xét xử và kết án  phạm tội ác diệt chủng”, ông Liêm nói.

Từ năm 1975, giữa Việt Nam và chế độ Campuchia Dân chủ (Pol Pot là người đứng đầu chính phủ) xuất hiện nhiều mâu thuẫn. Quân Pol Pot liên tục gây hấn, đòi hoạch định lại biên giới với Việt Nam, gây ra các cuộc xung đột vũ trang.

Đêm 30/4/1977, lợi dụng Việt Nam đang kỷ niệm hai năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Pol Pot tấn công toàn biên giới Tây Nam, mở đầu cho cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. 

Số liệu từ Bộ Tổng tham mưu cho thấy, trong khoảng hai năm sau ngày 30/4/1975, Pol Pot đã xâm phạm biên giới Việt Nam trên 2.000 lần, gây tổn thất 4.000 người. Cuối năm 1976, cuộc tiến công của quân Pol Pot vào lãnh thổ Việt Nam ngày càng tăng với quy mô lớn, có lúc đánh sâu vào tới 15 km.

Ngày 23/5/1977, Quân ủy Trung ương ra chỉ thị cho lực lượng vũ trang ở phía Nam: “Kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của ta, không dung thứ bất cứ sự xâm lấn nào của lực lượng khiêu khích phản động Campuchia vào lãnh thổ ta; đồng thời tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Campuchia”.

Nhận lệnh, các đơn vị quân khu 5, 7, 9 và các quân đoàn 3, 4 tổ chức điều chỉnh lực lượng, phương tiện, xây dựng phương án chiến đấu. Cuộc chiến trải qua nhiều giai đoạn. 

Ngày 26/12/1978, toàn bộ hệ thống phòng thủ vòng ngoài của quân Pol Pot bị phá vỡ, đến 31/12 Việt Nam đã thu hồi được chủ quyền lãnh thổ bị đánh chiếm.

Ngày 6/1/1979, quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia tổng công kích vào Phnom Penh. Sau 2 ngày, thủ đô này hoàn toàn được giải phóng chiều ngày 7/1.

Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia được thành lập, ra tuyên bố xóa bỏ hoàn toàn chế độ Pol Pot, thành lập Cộng hòa nhân dân Campuchia. Ngày 17/1, toàn bộ Campuchia được giải phóng, phần lớn lực lượng Pol Pot bị tiêu diệt và tan rã, số còn lại lẩn trốn vào rừng trên các tuyến biên giới.

Pol Pot sau đó khôi phục lại lực lượng ở biên giới giáp với Thái Lan nhờ sự hậu thuẫn từ bên ngoài, tổ chức đánh du kích, đe dọa sự tồn tại của chính quyền Hunsen. Bộ đội Việt Nam hy sinh lúc này nhiều nhất.

Từ năm 1986, nhận thấy chính quyền mới ở Campuchia vững vàng, Việt Nam bắt đầu rút quân, đến năm 1989 thì rút hết.

(Tổng hợp từ tài liệu Hội thảo khoa học cấp quốc gia “40 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng 7/1/1979-7/1/2019”)

Mạnh Tùng