Cưỡng chế hành chính và vấn đề bảo đảm quyền con người
Cưỡng chế hành chính là gì? Có những biện pháp cưỡng chế hành chính nào? Các biện pháp cưỡng chế hành chính ảnh hưởng như thế nào đến quyền con người, quyền con dân? Hãy cùng Luật Minh Khuê tìm hiểu qua bài viết dưới đây
1. Cưỡng chế hành chính
Trong quá trình quản lý nhà nước, việc áp dụng biện pháp thuyết phục là quan trọng và chủ yếu. Tuy nhiên, không phải lúc nào pháp chế cũng được đảm bảo. Nhằm khôi phục pháp chế, bảo đảm quyền và lợi ích của những quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ, bảo đảm quyền con người, Nhà nước buộc phải áp dụng những biện pháp cưỡng chế cần thiết đối với những trường hợp xâm hại hoặc có nguy cơ đe dọa xâm hại các trật tự mà pháp luật bảo vệ. Một trong những loại biện pháp cưỡng chế quan trọng được áp dụng rộng rãi trong quản lý nhà nước nói chung (theo nghĩa rộng) đó là các biện pháp cưỡng chế hành chính.
Cưỡng chế hành chính là tổng hợp các biện pháp do luật hành chính quy định được áp dụng để tác động một cách trực tiếp hoặc gián tiếp lên tâm lý, tư tưởng và hành vi của cá nhân hoặc tổ chức, buộc các chủ thể đó phải thực hiện các nghĩa vụ pháp lý nhằm mục đích phòng ngừa, ngăn chặn hoặc xử lý những hành vi trái pháp luật, bảo đảm trật tự và kỷ luật trong quản lý nhà nước. Các biện pháp cưỡng chế hành chính, nếu xét dưới góc độ quản lý việc áp dụng chúng sẽ gây ra sự hạn chế quyền cho đối tượng bị áp dụng. Tuy nhiên, ở góc độ quản lý nhà nước, đối với quyền lợi của các chủ thể bị vi phạm quyền thì nó lại là biện pháp có tính chất bảo vệ quan trọng đối với những quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ, qua đó góp phần bảo vệ quyền con người.
2. Cưỡng chế hành chính và quyền con người
Không thể phủ nhận rằng trong một trường hợp cụ thể nào đó, việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính sẽ tiềm ẩn khả năng xâm phạm quyền con người đối với các đối tượng bị áp dụng. Tuy nhiên, các biện pháp cưỡng chế hành chính đồng thời cũng là công cụ để Nhà nước bảo đảm quyền con người. Được áp dụng đối với các chủ thể vi phạm hoặc đe dọa vi phạm pháp luật, xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm quyền con người.
Sẽ là sai lầm nếu chúng ta cho rằng quyền con người chỉ thực sự có vấn đề khi đặt nó trong mối quan hệ giữa công quyền và công dân. Lẽ dĩ nhiên rằng đấu tranh cho nhân quyền tức là chúng ta đang đứng trên bình diện giữa một bên là quyền lực nhà nước và một bên là công dân một khi các quyền tự do dân chủ, các quyền con người bị hạn chế bởi công quyền. Nhưng trong trường hợp này, khi xem xét vấn đề bảo đảm quyền con người dưới góc độ pháp luật hành chính chúng ta phải nhìn nhận ở cách thức, các biện pháp mà Nhà nước sử dụng để bảo đảm quyền con người đi vào thực tiễn.
Không thể đề cao quyền con người của một chủ thể mà quên đi rằng quyền con người của các thành viên khác trong xã hội đang bị xâm phạm. Một xã hội nhân bản phải là một xã hội ở đó ít nhất mọi người đều được đảm bảo quyền con người một cách công bằng. Không thể vì trào lưu bảo vệ những quyền lợi thiểu số, những người yếu thế mà quên đi rằng, chính thiểu số đó đang xâm phạm quyền con người của một thiểu số khác hoặc thậm chí là của đại đa số còn lại.
Như vậy, việc xem xét các biện pháp cưỡng chế hành chính với tư cách là công cụ để cơ quan nhà nước thực hiện hoạt động quản lý để hạn chế sự vi phạm hiện hữu, hoặc nguy cơ khả dĩ của những vi phạm quyền con người trong quá trình quản lý trên mọi mặt của đời sống xã hội là cần thiết. Cũng như trách nhiệm hành chính, cưỡng chế hành chính thể hiện ưu thế ở việc thủ tục áp dụng đơn giản hơn nhiều so với cưỡng chế hình sự hay cưỡng chế dân sự.
3. Các biện pháp cưỡng chế hành chính
– Biện pháp phòng ngừa hành chính
Những biện pháp phòng ngừa hành chính là những biện pháp cưỡng chế có tính chất phòng ngừa vi phạm pháp luật và những thiệt hại có thể xảy ra cho xã hội, phòng ngừa những nguy cơ có thể xảy ra cho trật tự quản lý nhà nước. Với mục đích phòng ngừa vi phạm, các biện pháp phòng ngừa hành chính thường được áp dụng khi chưa có vi phạm xảy ra. Chúng ta có thể kể ra các biện pháp phòng ngừa hành chính như: kiểm tra giấy tờ, kiểm tra hộ tịch, hộ khẩu; kiểm tra hàng hoá, hành lý và người; trưng thu, trưng mua tài sản của công dân; kiểm tra sức khỏe bắt buộc; ngăn cấm, hạn chế đi lại….
– Biện pháp ngăn chặn hành chính
Khác với các biện pháp phòng ngừa hành chính, biện pháp ngăn chặn hành chính được áp dụng khi các vi phạm hành chính đã xảy ra nhằm ngăn chặn, dập tắt những hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo việc xử phạt hay ngăn chặn những hậu quả thiệt hại do chúng gây ra. Các biện pháp ngăn chặn hành chính bao gồm: các biện pháp đình chỉ vi phạm pháp luật, các biện pháp bảo đảm cho việc xử phạt và các biện pháp ngăn ngừa những hậu quả thiệt hại do vi phạm gây ra.
– Ngoài ra biện pháp trách nhiệm hành chính cũng là một trong những biện pháp cưỡng chế hành chính, trong đó có các biện pháp khôi phục hành chính (phục hồi nguyên trạng). Các biện pháp khôi phục hành chính là những biện pháp cưỡng chế hành chính được áp dụng với mục đích khôi phục lại trạng thái ban đầu vốn có của quan hệ bị vi phạm. Các biện pháp khôi phục luôn gắn liền với một hoặc một số các biện pháp xử phạt hành chính.
Các biện pháp khắc phục hậu quả có thể kể đến như: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép; Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra; Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hoá, vật phẩm, phương tiện; Buộc tiêu huỷ vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi và cây trồng, văn hoá phẩm độc hại.
4. Sự khác biệt giữa ngăn chặn hành chính và phòng ngừa hành chính
Mặc dù có sự khác biệt giữa ngăn chặn hành chính và phòng ngừa hành chính về trường hợp áp dụng (các biện pháp phòng ngừa có thể được áp dụng khi chưa có hành vi vi phạm xảy ra trong khi biện pháp ngăn chặn được áp dụng khi có các dấu hiệu cho thấy vi phạm đã xảy ra). Tuy nhiên, cả hai biện pháp này đều thống nhất ở mục đích áp dụng. Mục đích áp dụng của cả hai đều hướng tới việc ngăn ngừa vi phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo vệ quyền con người.
Xét về thủ tục, thủ tục để áp dụng các biện pháp này đơn giản hơn nhiều so với việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn trong pháp luật hình sự hay dân sự. Chính vì thế, các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn hành chính có ý nghĩa rất lớn trong việc đáp ứng tính cấp thiết, kịp thời của việc bảo vệ quyền con người. Yếu tố nhanh chóng và phổ biến của việc áp dụng các biện pháp này khiến các vi phạm pháp luật được phòng ngừa hoặc ngăn chặn kịp thời, góp phần phát huy tối đa hiệu quả bảo vệ quyền con người.
Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa lại phụ thuộc rất nhiều vào khả năng xét đoán của chủ thể có thẩm quyền bởi không có gì chắc chắn rằng nguy cơ xảy ra hành vi vi phạm cũng như những hành vi đã xảy ra có dấu hiệu vi phạm là những hành vi vi phạm pháp luật trên thực tế. Tức là sự vi phạm đang nằm ở dạng tiềm năng chưa được khẳng định một cách chắc chắn. Trong những trường hợp này, quyền con người có được bảo đảm một cách hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự nhạy cảm của người có thẩm quyền. Hay nói cách khác, cán cân của lương tầm người cán bộ, công chức trở thành chìa khoá vạn năng bảo đảm quyền con người đối với cả người bị xâm phạm quyền lẫn đối tượng bị áp dụng.
5. Một số lưu ý
Khi xem xét vấn để bảo đảm quyền con người bằng các biện pháp cưỡng chế hành chính ngoài việc được nhìn nhận ở góc độ thuận chiều chúng ta cũng cần nhìn nhận ở góc độ nghịch chiều. Chiều thuận của vấn đề đó là việc áp dụng các biện pháp này đảm bảo trật tự xã hội, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của tuyệt đại đa số các chủ thể còn lại trong xã hội. Chiều nghịch – góc độ ít được chúng ta quan tâm đến đó là việc áp dụng các biện pháp này một cách cần thiết và đúng mức, theo một trình tự chặt chẽ nhằm đảm bảo quyền con người của đối tượng bị áp dụng. Ngay cả khi họ – những người vi phạm pháp luật của Nhà nước thì họ vẫn là con người và họ cần được pháp luật, xã hội bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình với tư cách một con người.
Để đảm bảo quyền con người bằng các biện pháp cưỡng chế hành chính một cách hiệu quả nhất, chúng ta không thể chỉ chú ý đến quyền con người của số đông, của trật tự chung xã hội mà quan trọng là phải chú ý đảm bảo cả quyền con người của nhóm thiểu số. Đó là các đối tượng bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế này.
Các quy tắc đã được đề ra trong quản lý nhà nước phải được tuân thủ, pháp chế phải được đảm bảo. Tuy nhiên, trong một xã hội đa chiều sẽ không bao giờ chúng ta có thể có được chế độ pháp chế tuyệt đối. Điều này được hiểu đơn giản rằng ngay cả pháp luật cũng có những trường hợp ngoại lệ. Tự nhiên cũng có những trường hợp đột biến, khác thường thì con người – một thực thể sống, chịu sự tác động của rất nhiều các yếu tố bên ngoài như điều kiện, hoàn cảnh, môi trường sống, đối tác xã hội, giá trị xã hội không phải lúc nào cũng có đủ điều kiện để có thể tuân thủ một cách tuyệt đối pháp luật do Nhà nước đặt ra. Và có thể trong những trường hợp nào đó, trong thâm tâm của chủ thể luôn hướng tới trách nhiệm phải tuân thủ pháp luật nhưng do giổi hạn của những điều kiện mà họ không thực hiện được nghĩa vụ mà họ nghĩ đáng lẽ mình phải thực hiện.
Tính nhân văn, nhân đạo thể hiện qua cách chúng ta nhìn nhận về hành vi vi phạm của con người bằng tình người, bằng cái nhìn trìu mến của con người với con người để xem xét xem việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế ở mức độ nào là đủ để đảm bảo khả năng ngăn ngừa, giáo dục đối với đối tượng.
Các biện pháp cưỡng chế hành chính có vai trò quan trọng trong bảo đảm trật tự xã hội, bảo đảm quyền con người. Tuy nhiên, chúng ta cần có sự cân nhắc hợp lý trong việc quy định các trường hợp cần thiết phải áp dụng các biện pháp này và một điều tối quan trọng là cần phải quy định một cách chặt chẽ trình tự, thủ tục áp dụng đối với từng biện pháp cưỡng chế cụ thể bởi về nguyên tắc quyền lực nhà nước luôn mang trong mình nguy cơ của sự tha hóa.
LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm & Biên tập)