Cúng sao giải hạn: Thêm một lần để chiêm nghiệm
Trước rằm tháng giêng năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch COVID – 19 mà các tụ điểm vui chơi giải trí, những nơi sinh hoạt công cộng và các điểm du lịch tâm linh được khuyến cáo là không tổ chức tụ tập đông người, và điểm đáng ghi nhận nhất trong tháng giêng này có lẽ là không còn cảnh xô đẩy, chen chúc nhau đến các chùa, đền, miếu, phủ… để làm lễ cúng dâng sao giải hạn.
Từ bao đời nay, cứ vào đầu năm mới, nhiều người Việt Nam thường đến chùa hay tìm thầy làm lễ cúng dâng sao giải hạn với mục đích giải xui xẻo, cầu bình an, may mắn và thịnh vượng cho một năm mới. Vậy việc cúng sao giải hạn có thực sự giải hạn hay chỉ là giải pháp tâm lí để giải nỗi bất an trong tâm mỗi người?
Theo người Á Đông quan niệm, vũ trụ được quản lý bởi 9 ngôi sao, dưới sự vận chuyển của Ngũ Hành, tuỳ từng năm mà mỗi người sẽ có một vì sao chiếu mệnh. Sao chiếu mệnh con người chia ra loại tốt và xấu, năm nào người bị sao xấu chiếu mệnh thì vận đen sẽ đến với người ấy, ngược lại, nếu năm nào được sao tốt chiếu mệnh, người đó có may mắn cả năm. Nhưng hiện tại, chưa có nhà thiên văn học nào chứng minh được sự hiện diện của 9 ngôi sao này trong vũ trụ.
Các tín đồ Hồi giáo dòng Shiite tham gia một lễ diễu hành để tưởng nhớ ngày giỗ của Imam Ali – con rể của nhà tiên tri Mohammad – ở Lahore, Pakistan vào ngày 4-5-2021. (AFP)
Theo quan niệm, vào ngày mùng 8 tháng giêng âm lịch hằng năm là ngày hội tụ đủ 9 ngôi sao nên gọi là ngày sao hội; một số người bị sao xấu chiếu mệnh sẽ mang tâm lí sợ hãi, lo lắng, hoang mang và họ tìm cách nương nhờ vào tâm linh, cúng dâng sao giải hạn. Đa số những địa điểm cúng sao giải hạn được nhiều người dân chọn gửi niềm tin tâm linh là các ngôi chùa, điều này dẫn đến nhiều người nhầm tưởng việc cúng sao giải hạn là nghi lễ của Phật giáo.
Đi chùa được hiểu đơn giản là để tu tập, để vãn cảnh, hướng đến điều thiện làm cho tâm an lạc. Nhưng một số người lại đi chùa, dâng lễ lạt, tiền của lên ban thờ rồi cầu đủ thứ trên đời như thăng quan tiến chức, giàu có, trúng tài lộc, trúng số, trúng đề… Đại dịch COVID-19 ập đến khiến các chùa, đình, đền thờ đều đóng cửa, đồng thời người dân cũng hạn chế ra ngoài tụ tập. Điều này làm mất đi “liều thuốc” trị bệnh bất an của nhiều người, đặc biệt là những người bị sao xấu chiếu mệnh.
Nhiều người biến ông Phật từ một người thầy hướng đạo sang một ông thần có quyền năng ban phúc giáng họa nên việc đi chùa đối với một số người không còn là để tu tập làm cho bản thân an lạc, mà lại là nguyên nhân mở ra nhiều nỗi lo âu, sợ hãi cho con người. Một số người phóng thả hồn mình tưởng tượng, kiêng kị đủ điều khi đi chùa lễ Phật. Họ lo sợ đủ thứ trên đời, sợ làm không đúng thì bị Phật quở trách, không đi lễ chùa cúng sao giải hạn thì bị thần sao xấu chiếu mệnh, Phật bỏ rơi không chở che. Nỗi bất an ấy lớn dần dẫn đến sự sợ hãi, u mê.
Đây là tâm lí chung của những người chưa hiểu rõ về Phật pháp, vẫn tin các vị sư tăng có thể giải được vận hạn cho bản thân mình bằng cách cúng cầu dâng sao giải hạn. Nhiều người hay lầm tưởng đức tin là tôn giáo, nên có những hành xử sai lầm khi đến các địa điểm sinh hoạt tôn giáo với chính đức tin của mình.
Ông Trần Đình Sơn – Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Phật giáo Việt Nam cho biết: “Giáo lý nhà Phật chỉ dạy về luật nhân quả, ta chỉ cần làm lành tránh dữ, ăn chay niệm Phật, cúng dường, bố thí… là có thể cho mình đời sống an lành chứ chẳng thể cầu an, giải hạn bằng lễ lạt dâng cúng”.
Trong pháp thoại của trụ trì chùa Giác Ngộ, Thượng toạ Thích Nhật Từ – Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc cúng sao giải hạn chỉ là tập tục dân gian của Trung Quốc được du nhập về Việt Nam chứ không hề có trong nghi thức của đạo Phật. Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng ban hành văn bản về việc các chùa tổ chức nghi lễ cầu bình an và đem lại niềm tin, hi vọng sự lạc quan cho mọi người. Ngoài ra cũng khẳng định việc cúng sao giải hạn không thuộc nghi lễ của Phật giáo, đây là tư tưởng triết học của Lão giáo hoà nhập với Phật giáo trong truyền thống Tam giáo đồng nguyên.
Cảnh hàng nghìn người dân tràn xuống lề đường làm lễ ở chùa Phúc Khánh những năm trước đây từng bị dư luận phê phán.
Nhà sư Thích Pháp Hoà – Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Edmonton (Canada) cũng giải thích về vấn đề cúng sao giải hạn trong bài thuyết giảng của mình: Phật giáo không hề dạy những việc xui xẻo, kiêng cữ, kỵ tuổi hay cúng sao giải hạn; Phật chỉ dạy khi mình nói tốt, làm tốt, nghĩ tốt thì đó là giờ tốt, ngày tốt và ngược lại khi mình nói xấu, làm xấu, nghĩ xấu thì đó là giờ xấu, ngày xấu. Thật vậy, mọi việc phúc hoạ đều do nhân quả mà thành, điều này đúng với cả mặt tâm linh lẫn khoa học.
Vào tầm cuối tháng 5/2021, có nhiều tín đồ tôn giáo tại TP. Hồ Chí Minh bị lây nhiễm COVID-19 do sinh hoạt tôn giáo tập trung tại Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, dẫn đến việc lây nhiễm đại dịch lớn ra cộng đồng và đã cướp đi hàng ngàn sinh mạng của đồng bào.
Cũng vào đầu tháng 5/2021, các ca nhiễm COVID-19 tại Pakistan tăng kỉ lục nhưng các tín đồ Hồi giáo của nước này bất chấp dịch bệnh vẫn tập trung tại các nhà thờ trên đất nước họ để cầu nguyện, điều này khiến dịch bệnh tại đây bùng phát mạnh hơn. Các chuyên gia y tế ở Ấn Độ khẳng định, các cuộc tụ họp tôn giáo trong mùa đại dịch đã góp phần lớn vào nguyên nhân dẫn đến bùng phát COVID-19 tồi tệ trên thế giới.
Sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng là một nhu cầu chính đáng của con người, nhưng phải đảm bảo được rằng những sinh hoạt đó không đem lại tai họa cho người khác và cho cộng đồng. Đa số các tôn giáo đều có mục đích chung chính là hướng con người đến việc thiện (suy nghĩ thiện, lời nói thiện, hành động thiện), khi con người làm việc tốt sẽ không cảm thấy sợ hãi điều gì, từ đó tâm họ tự an lạc và những điều tốt đẹp sẽ đến. Đồng thời, nếu chúng ta có gặp khó khăn thì đây chính là thử thách mà chúng ta cần nỗ lực tự vượt qua, khi ta cố gắng vượt qua đồng nghĩa với việc bản thân đã tự “gieo nhân lành” và sẽ “gặt được quả ngọt”.
Như trên đã nói, cúng dâng sao giải hạn không phải là quan niệm, tín ngưỡng, đức tin… của Phật giáo, nhưng thời gian qua, việc một số chùa vẫn tổ chức lễ dâng sao giải hạn bởi lẽ đạo Phật khi du nhập đến một quốc gia nào đó sẽ hoà nhập một cách hài hòa với văn hoá bản địa. Trong đạo Phật có lễ cầu an đầu năm là tụng kinh, học theo lời Phật dạy hướng dẫn con người hướng thiện. Vào thời Pháp thuộc, việc cúng sao giải hạn bị cấm nên người dân đến chùa nhờ các thầy tu cúng; các vị sư ban đầu cũng chỉ tổ chức các nghi thức thuần tuý đạo Phật trong lễ cầu an để hướng thiện và cầu cho quốc thái dân an, nhưng có một số sư thầy chưa giải thích rõ vấn đề này cho Phật tử hoặc thậm chí có các chùa đã biến đây thành cơ hội để kiếm tiền.
Năm nay cơ bản đã không diễn ra các lễ cúng dâng sao giải hạn tại các chùa, đình, miếu, phủ…, nhưng chắc chắn rằng sẽ vẫn có những người hành lễ tại nhà và đây cũng là một cơ hội để cho những người tin vào việc cầu cúng dâng sao giải hạn chiêm nghiệm lại xem, việc không cúng dâng sao giải hạn, hay cúng dâng sao giải hạn tại nhà có khác cúng dâng sao giải hạn tại chùa không? Nếu trong năm có nhiều lợi lộc thì là do mình siêng năng làm việc, chọn đúng nghề, bạn bè và đồng nghiệp, cấp trên cấp dưới thương yêu tin tưởng… còn ngược lại nếu gặp xui xẻo, chưa đạt được những gì mong muốn trong công việc thì thử bình tĩnh phân tích và xem lại chính mình.