Cụ thể hóa nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
(HNM) – Theo Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội, Hiến pháp sửa đổi năm 2013 đã đánh dấu mốc son quan trọng trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại chương IV, khái niệm bảo vệ Tổ quốc không chỉ gắn kết hữu cơ giữa hai phương diện quốc phòng và an ninh mà còn khẳng định rõ: Bảo vệ Tổ quốc không chỉ là bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội mà còn là bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Quân đội nhân dân Việt Nam – Lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Ảnh: Bá Hoạt
Trách nhiệm của toàn dân
PGS.TS Trần Đình Nhã – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội khẳng định, với quy định trên, rõ ràng bảo vệ Tổ quốc không chỉ giới hạn ở việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ mà còn là bảo vệ nhân dân, Đảng, Nhà nước – điều mà Hiến pháp năm 1992 chưa thể hiện. Đây không phải sửa đổi lớn nhưng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc khẳng định hệ thống quan điểm của Đảng ta về quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; vị trí, vai trò của nhân dân, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân luôn là chủ thể, động lực quyết định vận mệnh của đất nước.
Tiếp đó, Hiến pháp xác định trách nhiệm của Nhà nước trong việc củng cố, tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; trong đó, quân đội nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; công an nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, đồng thời bổ sung mục tiêu “góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới”. Đây cũng là vấn đề mới so với Hiến pháp năm 1992, thể hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng ta cũng như tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, khẳng định Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Đây còn là cơ sở để lực lượng vũ trang nhân dân ta triển khai việc tham gia một số hoạt động gìn giữ hòa bình, cứu hộ, cứu nạn nhân đạo, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.
Ngoài những nội dung đã được thể hiện tập trung tại Chương IV về bảo vệ Tổ quốc, nhiều điều khoản của Hiến pháp luôn khẳng định, Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Mọi công dân phải thực hiện bình đẳng về nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, trong đó thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự là trung tâm. Khoản 2, Điều 44 của bản Hiến pháp mới nhấn mạnh: “Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất”.
Cần cụ thể hóa nhiều luật
Nghị quyết số 64/2013/QH13 về một số điểm thi hành Hiến pháp sửa đổi năm 2013 đã xác định rõ: Các luật, pháp lệnh và văn bản quy phạm pháp luật khác được ban hành trước ngày Hiến pháp sửa đổi năm 2013 có hiệu lực phải được rà soát lại để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp với Hiến pháp sửa đổi năm 2013.
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Ngọc Vượng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, để tiếp tục thể chế hóa các chế định của Hiến pháp liên quan nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, phải làm rõ các nội dung này ngay từ các luật tổ chức, cụ thể như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ… Bởi, trong các thiết chế này đều có những quy định cụ thể về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của từng cơ quan từ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội. Trong đó, công việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong thời gian tới liên quan nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc cần tập trung theo hướng hoàn thiện các quy định pháp luật để thúc đẩy việc xây dựng lực lượng nòng cốt bảo vệ Tổ quốc; gắn phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh; kết hợp hoạt động quốc phòng, an ninh với hoạt động đối ngoại… Cũng cần nghiên cứu để xây dựng chính sách giải quyết vấn đề công dân tham gia phục vụ có thời hạn trong công an nhân dân và các loại hình hoạt động khác để bảo đảm cho công dân thực hiện được quyền và nghĩa vụ bình đẳng của mình trước nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng và cao quý.
Ở góc nhìn khác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Hồ Trọng Ngũ cho rằng, nhiệm vụ của Chủ tịch nước trong việc thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và an ninh (khoản 5, Điều 88); thẩm quyền của Hội đồng Quốc phòng, an ninh (Điều 89) và những vấn đề pháp lý liên quan tổ chức, quyền năng của các bộ phận trong lực lượng vũ trang hoạt động trong các lĩnh vực hành pháp, tư pháp nhất là trong tư pháp hình sự… cần được ưu tiên cụ thể hóa hàng đầu. Vì đây là những vị trí đi đầu trong nghiên cứu, điều phối công tác tổ chức, củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân.
Được biết, vai trò thống lĩnh lực lượng vũ trang của Chủ tịch nước đang được khẩn trương cụ thể hóa trong 2 dự án luật: Công an nhân dân sửa đổi, Sĩ quan quân đội nhân dân sửa đổi. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng vai trò của Chủ tịch nước cần được hiểu theo nghĩa Tổng Tư lệnh tối cao. Tức là Chủ tịch nước có quyền bổ nhiệm các chức vụ đặc biệt quan trọng như Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng, Đô đốc vì đây là các chức danh chỉ huy quân đội; kèm theo đó là phong, giáng hàm cấp tướng. Còn việc bổ nhiệm các chức danh nhà nước, kể cả thứ trưởng công an, quân đội thì vẫn thuộc phạm vi quản lý nhà nước. Làm theo cách này sẽ không chồng chéo. Tùy vị trí, Thủ tướng Chính phủ sẽ trực tiếp bổ nhiệm hoặc do Bộ trưởng Công an, Bộ trưởng Quốc phòng quyết định.