Củ năng – cây thoát nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số Churu

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp

Là một trong những xã thuộc diện 135 của huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng với hơn 70% là đồng bào dân tộc thiểu số, để giúp người dân phát triển kinh tế hiệu quả, thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền xã Pró đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể triển khai hướng dẫn bà con áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong đó, củ năng được đồng bào chuyển đổi từ lúa 2 vụ kém hiệu quả từ hơn chục năm nay. Sở dĩ nói cây trồng này là cây thoát nghèo của bà con người đồng bào bởi lẽ, củ năng cho lợi nhuận cao hơn 4 lần so với cây lúa.

Cụ thể: Đối với lúa, 1.000m2 trồng lúa mỗi mùa chỉ thu nhập được khoảng 5 triệu đồng nhưng 1.000m2 trồng củ năng thì có thể thu hoạch được 3 tấn củ, những nhà chăm tốt có thể lên đến 4,5 tấn. Sau khi trừ các chi phí đầu tư, người dân trồng củ năng có thể lãi ròng 150 – 200 triệu đồng/ha. Trung bình, cây củ năng kể từ khi trồng đến khi thu hoạch sẽ mất khoảng 6 tháng.

Chính vì vậy, cứ sau 1 vụ trồng lúa, các hộ gia đình lại xới ruộng, bón phân chuồng rồi trồng củ năng để tăng thêm thu nhập. Bà con cho biết, củ năng rất dễ phát triển theo hướng hữa cơ bởi căn bản củ năng đã là sản phẩm hữu cơ. Từ khi trồng đến khi thu hoạch quan trọng nhất là phân bón lót cho củ năng lúc ban đầu trước khi xuống giống. Phân bón lót mà bà con chuyên dùng là phân bò hoai mục được người dân tự ủ hoặc nhập ở miền Tây. Mặt khác, củ năng rất “mẫn cảm” với thuốc trừ cỏ, chỉ cần một lượng nhỏ củ năng sẽ chết, không thể phát triển thành củ.

Củ năng - cây thoát nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số Churu

Các hộ dân trồng củ năng không sử dụng phân bón hóa học

Từ khi Hợp tác xã Củ năng Pró thành lập, các thành viên trong Hợp tác xã đã tuyên truyền, vận động gia đình và các hộ dân trồng củ năng không sử dụng phân bón hóa học mà chỉ sử dụng phân chuồng hoai mục, phân bón hữu cơ (phân bướm) để tạo ra sản phẩm củ năng hữu cơ hoàn toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Cần chuỗi liên kết sản xuất

Nhờ sản xuất hữu cơ mà sản phẩm củ năng tươi của địa phương đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao từ năm 2019. Năm 2020, sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP, được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.

Vào vụ thu hoạch củ năng, người dân huyện Đơn Dương thường bán cho các vựa tại địa bàn xã Pró và huyện Đức Trọng. Tuy nhiên, hiện nay, địa phương chưa có cơ sở chế biến các sản phẩm từ củ năng. Người dân chủ yếu thu gom bán củ năng tươi hoặc gọt vỏ, hút chân không, bảo quản lạnh để cung cấp cho thị trường tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây. Thông thường, vào thời điểm xuống giống, thương lái đến đặt vấn đề ứng trước vốn cho nông dân nhưng do thiếu những ràng buộc chặt chẽ và không có hợp đồng nên bà con thường chịu thiệt về giá cả, độ khô và ướt, tiêu chuẩn chất lượng… của củ năng mà thương lái thường đưa ra để cấn – trừ khi thu hoạch.

Từ thực tế này, Hợp tác xã Củ năng Pró đã được thành lập cuối năm 2019 nhằm liên kết sản xuất với 40 hộ dân trên địa bàn. Mục tiêu của Hợp tác xã là thực hiện và cung cấp các dịch vụ nông nghiệp cho các thành viên để sản xuất củ năng và chủ động trong việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay Hợp tác xã vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tìm đối tác, xúc tiến thương mại để tạo sự liên kết bền vững.

Trong thời gian tới, Hợp tác xã sẽ đẩy mạnh khâu xúc tiến thương mại, tạo mối liên kết với các siêu thị, chợ đầu mối tại thành phố Hồ Chí Minh để tìm kiếm thị trường, giới thiệu sản phẩm củ năng Pró – Đơn Dương.

Với những điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng, đến nay, Đơn Dương đã có khoảng 300 ha củ năng. Diện tích trên hiện đang được Hợp tác xã Củ năng Pró tổ chức trồng theo hướng hữu cơ để nâng cao giá trị cho loại cây đặc sản này. Đồng thời, xây dựng nhãn hiệu củ năng Đơn Dương, khuyến khích các đơn vị liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Với sự quan tâm của chính quyền địa phương, nhiều bà con vùng đồng bào dân tộc xã Pró đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn đầu tư vốn để đa dạng hóa cây trồng, nâng cao được hiệu quả sử dụng đất và tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích.