Công vụ là gì? Một số vấn đề về chế độ công vụ và trách nhiệm công vụ? – THPT Lê Hồng Phong
Công vụ là gì? Một số vấn đề về chế độ công vụ và trách nhiệm công vụ?
Cùng THPT Lê Hồng Phong tìm hiểu công vụ là gì? Chế độ và trách nhiệm công vụ được quy định như thế nào tại Việt Nam.
Công vụ là gì? Những vấn đề chung của công vụ
Công vụ là thuật ngữ được xem xét đánh giá từ nhiều góc độ khác nhau. Do đó, công vụ được hiểu theo các phạm vi rộng hẹp khác nhau.
Theo cách hiểu chung nhất, công vụ là các việc công. Các việc này được thực hiện vì lợi ích chung, lợi ích cộng đồng, lợi ích xã hội, lợi ích của nhà nước. Trong khi đó, ở một phạm vi hẹp hơn, công vụ chỉ giới hạn trong các hoạt động của nhà nước. Đây cũng chính là cách quan niệm về công vụ của nhiều nước trên thế giới. Theo cách hiểu này, công vụ gắn liền với con người làm việc cho Nhà nước và những công việc của Nhà nước do những con người đó thực hiện.
Chính vì vậy, ở nhiều nước hai khái niệm công vụ và công chức luôn gắn liền chặt chẽ với nhau. Hẹp hơn nữa, một số nước coi công vụ chỉ giới hạn trong phạm vi hoạt động của các cơ quan hành pháp mà không tính đến các hoạt động lập pháp và tư pháp (xét xử và công tố) trong bộ máy nhà nước. Dưới đây là một số cách hiểu về công vụ:
– Công vụ là các hoạt động của các cơ quan quyền lực nhà nước.
– Công vụ là một hệ thống bao gồm tất cả hoạt động của những người lao động mang tính dân sự trong các cơ quan nhà nước và được bổ nhiệm dựa trên năng lực, không phải dựa vào sự liên kết chính trị. Theo cách hiểu này, công vụ không bao gồm các hoạt động mang tính quân sự.
– Công vụ theo từ điển Oxford, được hiểu là toàn bộ các cơ quan của Chính phủ không kể lực lượng quân đội hoặc công vụ sử dụng để chỉ một nhóm người làm việc trong các cơ quan nhà nước (dân sự).
– Công vụ là hoạt động đem lại quyền lợi chung cho mọi người. Điều này cũng có thể thấy: công vụ (thuật ngữ) càng gần với khái niệm dịch vụ công, khu vực công, hành chính công.
– Công vụ là một loại lao động (hoạt động) đặc biệt thực hiện chức năng quản lý nhà nước, thi hành luật pháp sử dụng hiệu quả nguồn lực công (công sản, ngân sách) nhằm đáp ứng mục tiêu của Nhà nước (chính trị) đã đề ra trong giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, công vụ thường hiểu theo nghĩa của các hoạt động cụ thể hơn là cơ cấu.
– Công vụ gắn liền trực tiếp với con người là công chức. Công vụ bao gồm toàn bộ những người được Nhà nước hoặc cộng đồng lãnh thổ bổ nhiệm vào một công việc thường xuyên trong một công sở hay một thực thể công, và được xếp vào một trong những ngạch của nền hành chính.
Trong một số tài liệu, thuật ngữ công vụ được hiểu theo một số cách sau:
– Công vụ là hoạt động của Nhà nước nhằm thực hiện ý chí của nhân dân
– Công vụ là quy chế, nguyên tắc hoạt động của các cơ quan Nhà nước nhằm thực hiện các chức năng quản lý xã hội theo mục tiêu đã vạch ra.
– Công vụ là hoạt động thực hiện đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước
– Công vụ là loại lao động mang tính quyền lực, pháp lý được thực thi bởi đội ngũ công chức nhằm thực hiện các chính sách của Nhà nước.
– Căn cứ vào những hoạt động của hệ thống các cơ quan Nhà nước, có thể hiểu công vụ là “hoạt động thực thi nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước do chính những con người của Nhà nước thực hiện”.
Cách hiểu thuật ngữ công vụ như trên đúng với nghĩa rộng của từ công vụ. Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào từng điều kiện cụ thể của quốc gia và tình hình cụ thể, cách hiểu trên có thể khác nhau về quy mô, nội dung và nhóm công việc.
Các lĩnh vực không được xem xét là công vụ
– Hoạt động của lực lượng vũ trang trong việc bảo vệ đất nước chống xâm lược;
– Hoạt động của các cơ quan lập pháp. Đó là những đại biểu dân cử hoạt động theo nhiệm kỳ.
– Hoạt động của những đối tác tham gia cùng với Nhà nước. Đó là sự liên kết giữa Nhà nước với các tổ chức chính trị, chính trị – xã hội; với khu vực tư nhân.
Trong một số trường hợp cụ thể, các hoạt động đều do Nhà nước thực hiện, nhưng tham gia của nhiều lực lượng khác (Ví dụ, trong phòng chống thiên tai) cũng có thể coi đó là hoạt động mang tính công vụ. Công vụ cũng có thể hiểu theo một cách khác. Đó là nhiệm vụ của khu vực công; là nhiệm vụ và là trách nhiệm của Nhà nước.Trước đây rất nhiều nhiệm vụ, trách nhiệm công do Nhà nước đảm nhận, thực hiện việc cung cấp các loại dịch vụ công.
Trong xu hướng chung, các loại nhiệm vụ, trách nhiệm của Nhà nước đang dần chuyển một phần sang cho các khu vực khác. Do đó, công vụ được hiểu theo nghĩa hẹp hơn là chỉ những công việc công do Nhà nước phải đảm nhận thực hiện hoặc có trách nhiệm thực hiện (cung cấp tài chính, chính sách,…). Còn những công việc trước đây do Nhà nước làm nay chuyển cho các khu vực khác, thì không thuộc phạm trù công vụ.
Chế độ công vụ, công chức là chế độ chính trị- pháp lý chịu sự chi phối nhiều bởi yếu tố chính trị, vượt khỏi quan niệm khoa học thông thường. Do vậy, ở các quốc gia khác nhau, khỏi niệm về công vụ được tiếp cận theo cận theo nhiều cách khác nhau. Như vậy, thuật ngữ công vụ cũng chỉ có tính tương đối, không mang tính tuyệt đối.
Với nhiều nước, khi nói đến công vụ là nói đến hoạt động phục vụ nhà nước, công vụ chỉ thuộc nhà nước, còn hoạt động của các tổ chức chính trị hay chính trị – xã hội là việc riêng của các tổ chức đó, không nằm trong phạm trù công vụ. Ở nước ta, hoạt động do các cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy của Nhà nước, trong tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội và nhiều tổ chức xã hội khác thực hiện thực chất đều là hoạt động phục vụ lợi ích công. Điều này bắt nguồn từ bản chất của nhà nước của dân, do dân, vì dân và mục tiêu chung của hệ thống chính trị. Hoạt động đó mang tính chuyên nghiệp, thường xuyên và được bảo đảm bằng ngân sách nhà nước, hay một phần từ ngân sách nhà nước. Vì vậy, có thể nói rằng đây là hoạt động “công vụ” với nghĩa đầy đủ nhất của từ “công vụ” theo cách hiểu ở Việt Nam và theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Với cách quan niệm hiện nay ở Việt Nam cần phải phân biệt “ công vụ” nói chung và “công vụ nhà nước” nói riêng. Khái niệm “công vụ” rộng hơn khái niệm “công vụ nhà nước”. Trong pháp luật hiện hành nước ta không có định nghĩa chính thức và thống nhất về “công vụ”. Tuy nhiên, trong một số văn bản pháp luật về công vụ, công chức, khái niệm công vụ thường được hiểu theo nghĩa “công vụ nhà nước”.
Mặc dù về nhận thức có nhiều những quan niệm khác nhau về công vụ, nhưng nhìn một cách tổng thể có thể hiểu, mọi hoạt động của cán bộ, công chức đều là hoạt động công vụ. Đây là nghĩa đầy đủ nhất của từ ‘công vụ”, với nghĩa “công vụ ” là phục vụ nhà nước- phục vụ nhân dân.
Tóm lại, công vụ là một loại hoạt động mang tính quyền lực – pháp lý được thực thi bởi đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước hoặc những người khác khi được nhà nước trao quyền nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước trong quá trình quản lý toàn diện các mặt hoạt động của đời sống xã hội. Công vụ là phục vụ nhà nước, phục vụ nhân dân, gắn với quyền lực nhà nước.
Đặc trưng của công vụ
Đặc trưng của hoạt động nào đó thường được xác định dựa trên nhiều tiêu chí. Hệ thống các tiêu chí đó phản ánh: mục tiêu của hoạt động; nguồn lực cần cho hoạt động (bao gồm cả quyền lực, nguồn tài chính, vật chất); phương thức tiến hành các hoạt động đó. Công vụ là một loại hoạt động đặc biệt, do đó có những nét đặc trưng riêng được thể hiện như sau:
– Về mục tiêu hoạt động công vụ
Mục tiêu công vụ nhằm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; đáp ứng đòi hỏi chính đáng của nhân dân, của tổ chức. Với bản chất là nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân nên công vụ nhà nước không có mục đích tự thân của nó, mục tiêu công vụ phải vì Tổ quốc, vì dân, phục vụ cho lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân. Mục tiêu bao quát này chi phối mọi hoạt động công vụ của cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước, chi phối toàn bộ nền công vụ nhà nước.
Trong hoạt động công vụ, các cơ quan quản lý hành chính nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình nhằm đạt được mục tiêu do nhà nước đề ra. Mục tiêu này được cụ thể hoá thành các nhóm mục tiêu sau:
+ Mục tiêu theo ngành, lĩnh vực;
+ Mục tiêu theo lãnh thổ;
+ Mục tiêu của từng loại tổ chức, cơ quan.
– Về quyền lực và quyền hạn trong thực thi công vụ
Trong hoạt động công vụ, các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức được sử dụng quyền lực nhà nước. Đây là loại quyền lực đặc biệt nhằm thực hiện hoạt động quản lý nhà nước của cả cơ quan nhà nước và là một dấu hiệu quan trọng để phân biệt hoạt động công vụ với các hoạt động khác. Quyền lực nhà nước có một số đặc trưng sau:
+ Quyền lực nhà nước khó có thể lượng hóa, được quy định trong pháp luật;
+ Quyền lực nhà nước trao cho từng tổ chức, cá nhân mang tính pháp lý;
+ Quyền lực nhà nước trao cho tổ chức được quy định trong các quyết định thành lập;
+ Quyền lực nhà nước trao cho cá nhân trong quyết định cụ thể. Khi muốn thay đổi, bổ sung và rút bớt quyền lực đòi hỏi phải có quyết định mới thay thế cho quyết định đã có.
Quyền hạn được hiểu là giới hạn quyền lực pháp lý của nhà nước trao cho các tổ chức và cá nhân để thực thi công vụ. Quyền hạn luôn gắn liền với nhiệm vụ được trao. Nói cách khác, quyền hạn gắn liền với công việc được đảm nhận chứ không gắn liền với người. Trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, quyền hạn là yếu tố cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, nhưng quyền hạn được trao phải tương xứng với nhiệm vụ. Nếu nhiệm vụ được giao không kèm theo đầy đủ quyền hạn thì sẽ có không ít những nhiệm vụ không được thực hiện và như vậy mục tiêu chung của cơ quan nhà nước sẽ không đạt được; ngược lại khi có nhiều quyền hạn mà quá ít việc phải làm cũng có thể nảy sinh việc lạm dụng quyền hạn.
– Về nguồn lực để thực thi công vụ
Hoạt động công vụ được bảo đảm bằng ngân sách nhà nước. Một đặc trưng của nhà nước được thừa nhận chung là nhà nước đặt ra thuế và tiến hành thu thuế để nuôi dưỡng bộ máy nhà nước, bảo đảm phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, an ninh, quốc phòng, vì vậy toàn bộ kinh phí cho bộ máy nhà nước hoạt động, tiền lương của cán bộ, công chức đều lấy từ ngân sách nhà nước.
Công vụ do cán bộ, công chức là người làm cho nhà nước thực hiện. Ngoài ra, hoạt động công vụ còn được thực hiện bởi các cá nhân, tổ chức được nhà nước trao quyền. Trong xu thế hiện nay, sự tham gia của nhân dân vào hoạt động QLNN ngày càng được quan tâm và khuyến khích. Do vậy, các hoạt động công vụ được thực thi bởi những người không phải là cán bộ, công chức ngày càng gia tăng.
– Về quy trình thực thi công vụ
Do công vụ là một dạng hoạt động đặc biệt, khác với các hoạt động thông thường khác nên quy trình thực thi công vụ có một số đặc trưng cơ bản sau đây:
+ Tính pháp lý: Hoạt động công vụ của các cơ quan nhà nước thực chất là hoạt động thực hiện các chức năng, nhiệm vụ do nhà nước giao thông qua văn bản pháp luật. Chính vì vậy, quá trình thực hiện hoạt động công vụ mang tính pháp lý cao.
+ Tuân thủ theo quy định: Cách thức thực thi công việc mang tính cứng nhắc, quy định thành quy tắc, thủ tục. Trong quá trình thực thi công vụ, cán bộ, công chức phải tuân thủ chặt chẽ các quy tắc và thủ tục.
+ Công khai: Hoạt động công vụ phải được công khai trừ những trường hợp thuộc về bí mật nhà nước.
+ Bình đẳng: Hoạt động công vụ phải đảm bảo mọi người được cung cấp dịch vụ thông qua công vụ bình đẳng.
+ Có sự tham gia của các chủ thể có liên quan: Hoạt động công vụ không chỉ được thực thi bởi các cơ quan nhà nước mà còn có sự tham gia của nhân dân, của các chủ thể khác khi được Nhà nước trao quyền. Đặc biệt, xu hướng xã hội hóa một số dịch vụ công do Nhà nước đảm nhận trước đây làm cho vai trò của các chủ thể khác trong quá trình thực thi công vụ ngày càng gia tăng.
Có thể tóm tắt các đặc trưng của công vụ qua sơ đồ sau:
Các điều kiện để đảm bảo công vụ được thực thi
Hệ thống pháp luật quy định hoạt động của các cơ quan thực thi công vụ. Hệ thống này bao gồm Hiến pháp, các đạo luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Công chức, với tư cách là những chủ thể thực sự tiến hành các công vụ cụ thể. Đây là hạt nhân của nền công vụ và cũng chính là yếu tố bảo đảm cho nền công vụ hiệu lực, hiệu quả. Công sở là nơi tổ chức tiến hành các công vụ.
Công sở cần phải bảo đảm các điều kiện cần thiết để nhân dân được tiếp cận với công vụ thuận tiện khi tiến hành công vụ. Hiện nay, những điều kiện vật chất cần thiết để tiến hành công vụ theo xu thế hiện đại (bên cạnh công chức hiện đại) cần được quan tâm.
Có thể mô tả các yếu tố cấu thành công vụ nhà nước bằng sơ đồ dưới đây:
Các nguyên tắc hoạt động công vụ
Các nguyên tắc hoạt động công vụ là những quan điểm, tư tưởng chi phối toàn bộ hoạt động công vụ nhà nước, hoạt động công vụ của cán bộ, công chức nhà nước. Đây là những quan điểm, tư tưởng có tính chất nền tảng phản ánh bản chất của công vụ, quyết định định hướng của nền công vụ của quốc gia. Nền công vụ có thực sự mang tính phục vụ nhân dân hay không tùy thuộc vào việc tôn trọng, thực hiện những nguyên tắc công vụ như thế nào.
Các nguyên tắc công vụ bao gồm:
– Nguyên tắc tuân thủ pháp luật (Hiến pháp, luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác, quy định chung, v.v…);
– Đúng quyền hạn được trao;
– Chịu trách nhiệm với công vụ thực hiện;
– Thống nhất trong quá trình thực thi công vụ giữa các cấp, ngành, lãnh thổ;
– Nguyên tắc công khai;
– Nguyên tắc minh bạch.
Ngoài những nguyên tắc chung mà nền công vụ các quốc gia thường đề cập tới thì trong Luật cán bộ, công chức năm 2008, đưa ra 5 nhóm nguyên tắc thực thi công vụ cần tuân thủ[1] :
– Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật;
– Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân;
– Công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền và có sự kiểm tra, giám sát;
– Bảo đảm tính hệ thống, thống nhất, liên tục, thông suốt và hiệu quả;
– Bảo đảm thứ bậc hành chính và sự phối hợp chặt chẽ.
Qua bài viết trên, THPT Lê Hồng Phong đã giúp các em học sinh hiểu rõ công vụ là gì? Đặc trưng của công vụ, Nguyên tắc hoạt động của công vụ,… Các em học sinh có thể truy cập website THPT Lê Hồng Phong để tìm hiểu những bài viết hay, hữu ích phục vụ cho quá trình thi cử của mình.
Đăng bởi: THPT Lê Hồng Phong
Chuyên mục: Tổng hợp
Bản quyền bài viết thuộc THPT Lê Hồng Phong. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Tác giả: https://c3lehongphonghp.edu.vn – Trường Lê Hồng Phong
Nguồn: https://c3lehongphonghp.edu.vn/cong-vu-la-gi/