Cổng Thông tin Sở Tài Nguyên Môi Trường Tỉnh Hải Dương
NHẬN THỨC VỀ KHÁI NIỆM “BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU”
VÀ “ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU”
Thạc sỹ
Mai Văn Tâm
(Phòng Tài nguyên nước, KTTV&BĐKH))
Trong những năm qua thuật ngữ “Biến đổi khí hậu” và “Ứng phó với biến đổi khí hậu” xuất hiện nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như trong các tài liệu chuyên ngành khác nhau. Vậy nội hàm của khái niệm“Biến đổi khí hậu” và “Ứng phó với biến đổi khí hậu” là gì?; trong phạm vi bài viết tác giả làm rõ hơn về nội hàm của các khái niệm này.
1. Khái niệm về biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu là sự thay đổi của hệ thống khí hậu gồm khí quyển, thủy quyển, sinh quyển, thạch quyển hiện tại và trong tương lai bởi các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo trong một giai đoạn nhất định được tính bằng thập kỷ hay hàng triệu năm. Sự biến đổi có thể là thay đổi thời tiết bình quân hay thay đổi sự phân bố các sự kiện thời tiết quanh một mức trung bình. Biến đổi khí hậu (BĐKH) có thể giới hạn trong một vùng nhất định hay có thể xuất hiện trên toàn cầu. Ví dụ: ấm lên, lạnh đi.v.v. hay sự biến động của khí hậu dài hạn sẽ dẫn tới BĐKH. BĐKH sẽ có tác động hết sức to lớn đến sự sống cũng như hoạt động của con người nói riêng và của các sinh vật trên trái đất nói chung. Một số biểu hiện của biến đổi khí hậu:
– Sự nóng lên của khí quyển và Trái đất nói chung;
– Sự thay đổi thành phần và chất lượng khí quyển có hại cho môi trường sống của con người và của các sinh vật trên trái đất;
– Mực nước biển dâng cao do băng tan dẫn tới gây ngập úng ở các vùng đất thấp và các đảo nhỏ trên biển;
– Sự di chuyển của các đới khí hậu đã tồn tại hàng nghìn năm trên các vùng khác nhau của Trái đất dẫn tới nguy cơ đe dọa sự sống còn của các loài sinh vật, các hệ sinh thái và các hoạt động có liên quan đến sự sống của con người;
– Sự thay đổi cường độ hoạt động của quá trình hoàn lưu khí quyển, chu trình tuần hoàn nước trong tự nhiên và các chu trình sinh địa hóa khác;
– Sự thay đổi năng suất sinh học của các hệ sinh thái, chất lượng và thành phần của thủy quyển, sinh quyển và của các địa quyển.
2. Một số khái niệm về ứng phó với biến đổi khí hậu
– Ứng phó với biến đổi khí hậu: là các hoạt động của con người nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và giảm nhẹ BĐKH;
– Thích ứng với biến đổi khí hậu: là sự điều chỉnh hệ thống tự nhiên hoặc con người đối với hoàn cảnh hoặc môi trường thay đổi nhằm mục đích giảm khả năng bị tổn thương do dao động và BĐKH hiện hữu hoặc tiềm tàng và tận dụng các cơ hội do nó mang lại;
– Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính: là các hoạt động nhằm giảm mức độ hoặc cường độ phát thải khí nhà kính;
– Khả năng bị tổn thương: là mức độ mà một hệ thống (tự nhiên, xã hội, kinh tế) có thể bị tổn thương do BĐKH hoặc không có khả năng thích ứng với những tác động bất lợi của BĐKH;
– Kịch bản BĐKH: là giả định có cơ sở khoa học và tính tin cậy về sự tiến triển trong tương lai của các mối quan hệ giữa phát triển kinh tế – xã hội, GDP, phát thải khí nhà kính, BĐKH và nước biển dâng. Kịch bản BĐKH khác với dự báo thời tiết và dự báo khí hậu vì kịch bản BĐKH đưa ra quan điểm về mối ràng buộc giữa phát triển và hành động.
Từ những phân tích trên cho thấy việc hiểu biết một cách thấu đáo về nội hàm của các khái niệm “Biến đổi khí hậu” và “Ứng phó với biến đổi khí hậu” là rất cần thiết và là cơ sở quan trọng để chủ động ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu trong thực tế nhằm giảm tối đa những mặt bất lợi do quá trình biến đổi khí hậu gây ra.