Cổng thông tin điện tử thị xã Kinh Môn

Thực hiện Kế hoạch số 573/KH-UBND ngày 01/3/2019 của UBND tỉnh Hải Dương về Bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật theo Chương trình khung của Bộ Tư pháp. UBND huyện Kinh Môn ban hành Kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ đối với đội ngũ Báo cáo viên pháp luật, Tuyên truyền viên pháp luật trên địa bàn huyện như sau:

I. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích

– Góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn hiện nay.

– Giúp báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật nắm được vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; cập nhật kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, các quy định pháp luật mới ban hành về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; các quy định pháp luật liên quan trực tiếp tới hoạt động của Báo cáo viên pháp luật, Tuyên truyền viên pháp luật.

– Củng cố, trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ cơ bản trong quá trình thực hiện các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật của Báo cáo viên pháp luật, Tuyên truyền viên pháp luật, đồng thời xây dựng, hình thành thói quen vận dụng các kỹ năng nghiệp vụ vào quá trình thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ quan, đơn vị, địa phương.

2. Yêu cầu

– Các cơ quan, đơn vị cử đúng thành phần tham dự. Đối tượng tham dự lớp bồi dưỡng có trách nhiệm tham gia đầy đủ nội dung chương trình bồi dưỡng, tích cực trao đổi, nắm vững các nội dung, kỹ năng giải quyết công việc.

– Phương pháp bồi dưỡng cần được cải tiến mạnh mẽ, trong đó có ứng dụng công nghệ thông tin; vận dụng, tổ chức thực hiện truyền đạt nội dung phải linh hoạt, dễ hiểu và phù hợp với đối tượng cụ thể.

– Việc tổ chức tập huấn phải đảm bảo có hiệu quả thiết thực, đáp ứng tốt nhiệm vụ phổ biến giáo dục pháp luật; kịp thời phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, nhân dân trong huyện.

II. Nội dung, phương pháp tổ chức

1. Nội dung, số tiết học tập

1.1. Đối với Báo cáo viên

Thực hiện theo Chương trình khung do Bộ Tư pháp ban hành, áp dụng cho cả báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật. Cụ thể:

– Kiến thức chung về phổ biến giáo dục pháp luật: 4 tiết

– Kỹ năng, nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật: 16 tiết

– Một số kỹ năng hỗ trợ trong phổ biến giáo dục pháp luật: 12 tiết

– Đi thực tế trao đổi kinh nghiệm, viết thu hoạch, thảo luận, rút kinh nghiệm, đánh giá kết quả: 8 tiết.

1.2. Đối với Tuyên truyền viên pháp luật

– Kiến thức chung về phổ biến giáo dục pháp luật: 4 tiết

– Kỹ năng, nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật: 10 tiết

– Một số kỹ năng hỗ trợ trong phổ biến, giáo dục pháp luật: 6 tiết

– Viết thu hoạch, thảo luận, rút kinh nghiệm, đánh giá kết quả: 4 tiết

2. Đối tượng và phương pháp tổ chức

2.1. Đối tượng

Đối tượng tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ theo chương trình khung của Bộ Tư pháp bao gồm:

– Đội ngũ Báo cáo viên pháp luật cấp huyện

– Đội ngũ tuyên truyền viên cấp xã

2.1. Phương pháp tổ chức

– Phòng Tư pháp chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND cấp huyện tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ theo chương trình khung;

– Phân chia đối tượng tham gia bồi dưỡng thành các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ (Phòng Tư pháp tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên cấp xã);

– Đánh giá kết quả cuối khóa lớp bồi dưỡng nghiệp vụ.

3. Thời gian

Thời gian: Thực hiện trong 03 năm 2019 – 2021

– Đối với báo cáo viên pháp luật huyện (theo lịch tập huấn cụ thể của Sở Tư pháp).

– Đối với Tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, Phòng Tư pháp tham mưu UBND huyện tổ chức 03 lớp cụ thể: Lớp thứ nhất: thời gian dự kiến vào quí IV/2019, lớp thứ 2 dự kiến vào quí III/2020 và lớp thứ 3 dự kiến: quí III/2021

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phòng Tư pháp

– Tham mưu giúp UBND huyện rà soát, kiện toàn, lập danh sách đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp huyện, tổng hợp số lượng Báo cáo viên pháp luật cấp huyện và tuyên truyền viên pháp luật cấp xã trong toàn huyện.

– Chủ trì, phối hợp với các phòng, ban, ngành; UBND các xã, thị trấn và các đơn vị có liên quan bố trí thời gian, địa điểm phù hợp để tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên cấp xã đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

– Phòng Tư pháp lập dự toán kinh phí tổ chức hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm gửi về Phòng Tài chính Kế hoạch để tổng tợp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện theo quy định.

– Tổng hợp báo cáo UBND huyện và Sở Tư pháp kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch.

2. Các Phòng, ban, ngành có liên quan

Rà soát, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật của cơ quan, đơn vị mình gửi về phòng Tư pháp tổng hợp. Lập danh sách cử Báo cáo viên pháp luật tham dự lớp bồi dưỡng nghiệp vụ do Sở Tư pháp tổ chức theo quy định

3. Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn

– Chỉ đạo cán bộ công chức Tư pháp – Hộ tịch phối hợp với các ban, ngành có liên quan tham mưu UBND xã thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch này.

– Rà soát, kiện toàn đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật trên địa bàn, lập danh sách gửi về Phòng Tư pháp để tổng hợp và cử đội ngũ tuyên truyền viên cấp xã tham gia lớp tập huấn nghiệp vụ khi UBND huyện tổ chức.

Trên đây là nội dung Kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ đối với Báo cáo viên pháp luật, Tuyên truyền viên pháp luật theo Chương trình Khung của Bộ Tư pháp, UBND huyện yêu cầu các phòng, ban, ngành và UBND các xã, thị trấn nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai, thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị kịp thời báo cáo về UBND huyện (qua Phòng Tư pháp) để được hướng dẫn giải quyết./.