Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Đánh giá tình hình kinh tế – xã hội tỉnh Bắc Ninh 2006-2010

Trong 5 năm 2006-2010, tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển khá và tương đối bền vững, quy mô nền kinh tế lớn mạnh không ngừng, năm 2010 lớn gấp 2 lần so với năm 2005. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định và luôn đạt ở mức cao, bình quân 5 năm đạt 15,11% /năm (đạt chỉ tiêu KH), cao hơn mức 13,9% bình quân 5 năm 2001-2005.

Cơ cấu kinh tế theo ngành tiếp tục chuyển dịch theo hướng CNH-HĐH, sự chuyển dịch đó khá rõ nét: Năm 2005, tỷ trọng trong GDP khu vực kinh tế Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 26,3%, Công nghiệp và xây dựng 45,9% và Dịch vụ 27,8%; đến năm 2010, các tỷ trọng này tương ứng 11% – 64,8% – 24,2%. Sản xuất Công nghiệp luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao; sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng hiệu quả cao, các loại giống cây, con mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng rộng rãi; khu vực dịch vụ có nhiều chuyển biến, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng khá…

Thu ngân sách trên địa bàn đạt kết qủa khá, từ năm 2006 đến năm 2010 bình quân tăng 24%/năm; tỷ lệ huy động ngân sách so với GDP đạt 10,1%. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng thu hồi đất nông nghiệp chuyển mục đích sử dụng tuy có lúc, có nơi gặp khó khăn, vướng mắc nhưng đều đã được giải quyết, tạo mặt bằng cho các dự án đầu tư và tạo nguồn quỹ vốn cho đầu tư phát triển.

Thu hút vốn đầu tư, nhất là nguồn vốn từ các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài đầu tư vào sản xuất kinh doanh đạt kết qủa khá. Chất lượng hoạt động các lĩnh vực văn hoá, xã hội tiếp tục được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo (chuẩn năm 2005) còn 4,5%. Giải quyết việc làm có nhiều cố gắng, kết quả khá, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Công tác quốc phòng – quân sự địa phương được củng cố; Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định,

Thực hiện các chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2006 – 2010 so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 và kế hoạch đã đề ra:

– Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 15,11%/năm, đạt chỉ tiêu kế hoạch (KH: 15%-16%); trong đó công nghiệp- xây dựng tăng bình quân 18,3%/năm, khu vực dịch vụ tăng 19,4%/năm, nông – lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 0,4% (KH: 19%-20%/năm, 17%-18%/năm, 4%-5%/năm).

– Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng tích cực, năm 2010: Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản – Công nghiệp, xây dựng – Dịch vụ: 11% – 64,8% – 24,2% (KH: 14% – 55% – 31%). Cùng với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế thì cơ cấu lao động cũng chuyển dịch tương ứng; cơ cấu lao động năm 2005 trong các ngành phân theo khu vực: Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 63,26%, công nghiệp và xây dựng 22,28%, dịch vụ 14,45%; ước năm 2010, cơ cấu lao động làm việc trong các ngành phân theo khu vực tương ứng là: 42,8% – 33% – 24,2%. 

Tuy nhiên, còn một số mục tiêu không đạt KH đề ra là:

– Tăng trưởng nông, lâm nghiệp và thuỷ sản bình quân 5 năm 2006-2010 chỉ đạt 0,4% (KH: 4%-5%).

– Mục tiêu phấn đấu đến năm 2010 hoàn thành cơ bản phổ cập giáo dục bậc trung học không đạt (đã điều chỉnh đến năm 2015).

– Mục tiêu hàng năm giảm tỷ lệ sinh 0,2-0,3%o phải phấn đấu quyết liệt mới đạt KH. 

– Mục tiêu về gia đình văn hoá; thôn – làng – khu phố văn hoá; công sở văn hoá đến năm 2010 không đạt KH.

Kết quả đạt được một số ngành, lĩnh vực chính.

1. Nông nghiệp.

5 năm qua, sản xuất nông – lâm nghiệp – thuỷ sản vượt qua khó khăn tiếp tục phát triển khá, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hoá, hiệu quả được nâng cao.

Giá trị sản xuất, năng suất, chất lượng được nâng lên; năm 2010 GTSX ước 2.510 tỷ đồng,

tăng bình quân 2,9%/năm.

Tỷ trọng nông nghiệp trong GDP giảm từ 26,3% năm 2005 còn 11% năm 2010. Cơ cấu GTSX trong nội bộ ngành đang chuyển dịch tích cực theo hướng giảm trồng trọt, tăng dần chăn nuôi, thuỷ sản và dịch vụ nông nghiệp; cụ thể: Tỷ trọng trồng trọt giảm dần từ 56,63% năm 2005 xuống còn 45,9% năm 2010, chăn nuôi tăng từ 39,37% lên 48,6%, dịch vụ nông nghiệp tăng từ 3,7% lên 5,3%….

2. Công nghiệp – Xây dựng.

Trong 5 năm qua, ngành công nghiệp luôn giữ mức tăng trưởng cao. năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp (giá CĐ 1994) đạt 23.000 tỷ đồng, vượt 11,4% KH (KH: 20.112 tỷ đồng); tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm đạt 27,9%, cao hơn mức bình quân 26,3% của giai đoạn 2001-2005 và vượt chỉ tiêu KH (KH: tăng bình quân 25%).

Qui mô và năng lực sản xuất của nhiều ngành công nghiệp tăng nhanh đã không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu ở trong và ngoài tỉnh, mà còn đóng góp lớn cho xuất khẩu. Giá trị hàng công nghiệp xuất khẩu luôn chiếm trên 90% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có nhiều sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu lớn như hàng may mặc, máy in, hàng điện tử, đồ gỗ mỹ nghệ…

3. Dịch vụ.

Khu vực dịch vụ phát triển theo hướng đáp ứng tốt hơn các nhu cầu về sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống nhân dân. Kinh doanh thương mại diễn ra sôi nổi, bảo đảm lưu thông vật tư, hàng hoá trong và ngoài tỉnh. Hàng hoá luôn phong phú về chủng loại đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ bình quân mỗi năm tăng 25,9%; ước năm 2010 đạt 13.000 tỷ đồng, tăng gấp 3,15 lần năm 2005.

4. Tài chính – Ngân hàng.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn có những bước tăng trưởng tiến bộ. Hoạt động SXKD tăng trưởng nhanh tạo tiềm năng lớn cho nguồn thu ngân sách. Thu ngân sách liên tục tăng qua các năm, ước năm 2010 tổng thu đạt hơn 3.500 tỷ đồng, vượt 9,4% so KH (KH: 3.200 tỷ đồng), tăng bình quân 24%/năm; tăng gần gấp 2,93 lần so năm 2005. Điều đáng mừng là các nguồn thu có tính ổn định, thể hiện tiềm năng của nguồn thu có tốc độ tăng cao, ngày càng gia tăng tỷ trong trong tổng thu ngân sách địa phương.

5. Giáo dục – Đào tạo.

5 năm qua, ngành GDDT đã có nhiều cố gắng trong sự nghiệp “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Mạng lưới trường lớp được phát triển mạnh, chất lượng giáo dục toàn diện có tiến bộ, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý được chăm lo xây dựng, cơ sở vật chất nhà trường tiếp tục được cải thiện.

Qui mô giáo dục, đào tạo được giữ vững và từng bước được chuẩn hoá. Đến cuối năm học 2009-2010, toàn tỉnh có 145 trường mầm non, với 65.546 học sinh; 150 trường tiểu học, với 2.698 lớp, 79.307 học sinh; 134 trường THCS, với 1.905 lớp, 68.140 học sinh; 37 trường THPT, với 1.071 lớp, 52.645 học sinh. Khối giáo dục cộng đồng có 8 trung tâm GDTX và 1 trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp với 2.793 học sinh.

6. Khoa học và công nghệ.

Đã tổ chức triển khai thực hiện 226 đề tài, dự án KHCN, trong đó có 4 dự án cấp Nhà nước, 88 đề tài, dự án cấp tỉnh, 134 đề tài cấp cơ sở. Hoạt động KHCN đóng góp quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Công tác nghiên cứu KHXH&NV đã đề xuất được các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống.

7. Y tế, Dân số – KHHGĐ và Trẻ em.

5 năm qua, công tác khám chữa bệnh, y tế dự phòng và chăm sóc bảo vệ sức khoẻ nhân dân có nhiều tiến bộ. Mạng lưới y tế dự phòng được củng cố, phát triển và hoạt động hiệu quả hơn. Công tác quản lý nhà nước về chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm được tăng cường.

Hệ thống mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm thực hiện cả về đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất. Chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng lên, thu hút nhiều người bệnh đến điều trị, công suất sử dụng giường bệnh bình quân hàng năm trên 120%. Thực hiện tốt các chế độ chính sách khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh cho người nghèo, đối tượng chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi.

8. Quốc phòng – Quân sự địa phương, An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Công tác quốc phòng, quân sự địa phương thường xuyên được chăm lo, xây dựng vững mạnh về mọi mặt, không ngừng nâng cao khả năng SSCĐ, đáp ứng nhiệm vụ được giao. Xây dựng chương trình thực hiện Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị về xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Hàng năm công tác tuyển quân, huấn luyện quân dự bị, dân quân tự vệ, chế độ thường trực sẵn sàng chiến đấu, diễn tập khu vực phòng thủ, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống lụt bão được thực hiện tốt.

* Những tồn tại, hạn chế trong giai đoạn 2006-2010

Về kinh tế, chi phí trung gian tăng qua các năm nên chất lượng và hiệu quả tăng trưởng còn chưa cao. Nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế, nhất là lao động, vốn, đất đai, khoa học công nghệ, khu vực dịch vụ, công nghiệp hiện đại mũi nhọn chưa được khai thác một cách tốt nhất.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh nhưng cơ cấu nội bộ ngành thiếu bền vững. Trong nông nghiệp, sản xuất nhỏ vẫn còn phổ biến, tăng trưởng không đạt chỉ tiêu KH đề ra; Chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản diễn ra còn chậm, hiệu quả kinh tế chưa cao; công tác xúc tiến thương mại, lưu thông và tiêu thụ sản phẩm còn gặp khó khăn, nhân cấy nghề mới, tạo việc làm trong nông thôn kết quả đạt thấp.

Đóng góp vào ngân sách từ doanh nghiệp chưa tương xứng tiềm năng; tỷ lệ huy động vào ngân sách so với GDP đạt thấp (năm 2010: đạt 10,1%), không đạt KH (KH: trên 15%).

Hiệu quả sử dụng đất đai của một số doanh nghiệp, thấp nhưng chậm được khắc phục. Một số dự án FDI chậm triển khai hoặc gặp khó khăn đã không thể duy trì được phải giải thể trước thời hạn.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn có những diễn biến phức tạp. Sự phối kết hợp giữa các lực lượng chức năng giải quyết một số vụ việc liên quan đến an ninh nông thôn còn chưa chặt chẽ./.