Công tác xã hội là gì? – Cổng Thông Tin Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Công tác xã hội đang được Đảng, Nhà nước quan tâm, phát triển công tác trở thành một nghề ở Việt Nam. Vậy công tác xã hội là gì? Website Hội LHPN Việt Nam xin giới thiệu một số khái niệm cơ bản về công tác xã hội:

Công tác xã hội (Social Work) là một hoạt động mang tính chuyên môn được sử dụng để giúp đỡ các cá nhân, nhóm hay cộng đồng tăng cường hoặc khôi phục năng lực thực hiện những chức năng xã hội của họ và tạo những điều kiện thích hợp nhằm đạt được các mục tiêu ấy (Hiệp hội Quốc gia các nhân viên xã hội Mỹ – NASW 1970)

 

Công tác xã hội chuyên nghiệp thúc đẩy sự thay đổi xã hội, việc giải quyết các vấn đề trong các mối quan hệ con người, sự tăng quyền lực và giải phóng người dân nhằm giúp cho cuộc sống của họ ngày càng thoải mái, dễ chịu. Vận dụng các lý thuyết về hành vi con người và hệ thống xã hội, công tác xã hội can thiệp ở các điểm tương tác giữa con người và môi trường của họ. Nhân quyền và công bằng xã hội là các nguyên tắc căn bản của nghề công tác xã hội (Hiệp hội quốc tế nhân viên xã hội – IFSW 2000)

 

Công tác xã hội là hoạt động chuyên môn được thực hiện dựa trên nền tảng khoa học chuyên ngành nhằm giúp đỡ các đối tượng (cá nhân, nhóm, cộng động) giải quyết những vấn đề xã hội mà họ gặp phải khiến cho họ cảm thấy khó khăn trong quá trình thực hiện những chức năng xã hội của mình. Những đối tượng này thường được gọi chung là thân chủ (Clients).

 

Công tác xã hội được xem là một khoa học xã hội ứng dụng và đồng thời là một nghề nghiệp được hình thành từ cuối thế kỷ XIX. Đến nay Công tác xã hội đã được phát triển rộng khắp và trở thành một ngành khoa học và nghề chuyên môn phổ biến ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trong xã hội hiện đại, Công tác xã hội có vị trí và vai trò quan trọng. Cơ sở lý luận, nội dung và các phương pháp thực hành của Công tác xã hội không ngừng được hoàn thiện cả về phương diện lý thuyết lẫn thực tiễn.

 

Nhân viên xã hội (Social Workers) là những người được đào tạo một cách chuyên nghiệp về công tác xã hội mà hành động của họ nhằm mục đích tối ưu hóa sự thực hiện vai trò của con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần tích cực vào cải thiện, tăng cường chất lượng cuộc sống của cá nhân, nhóm và cộng đồng.

 

Mục tiêu của Công tác xã hội là giúp các cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng yếu thế, thiệt thòi, không đảm bảo được một hay một số chức năng xã hội có thể nhận thức, giải quyết “vấn đề” của mình và vươn lên trong cuộc sống, hoà nhập với cộng đồng góp phần ổn định, thúc đẩy xã hội phát triển. Về mặt bản chất, Công tác xã hội cố gắng giúp các thân chủ của mình mạnh lên để có thể tự giúp mình.

 

Công tác xã hội làm việc với nhiều đối tượng thân chủ khác nhau và phạm vi tác động của nó khá rộng lớn, liên quan đến mọi tầng lớp dân cư, mọi tổ chức, ngành nghề trong xã hội. Một số lĩnh vực hiện nay Công tác xã hội đặc biệt quan tâm là:

 

-Công tác xã hội gia đình và bảo vệ trẻ em.

-Phát triển cộng đồng và xóa đói giảm nghèo.

-Phòng ngừa tội phạm và giải quyết các tệ nạn xã hội.

-Công tác xã hội trong học đường, bệnh viện.

-Công tác xã hội với người khuyết tật.

-Công tác xã hội với người già neo đơn.

-Công tác xã hội với người có vấn đề về sức khoẻ tâm thần, người có HIV/AIDS.

Người tốt nghiệp ngành Công tác xã hội có thể làm việc ở các lĩnh vực sau:

-Cung cấp các dịch vụ xã hội, tham vấn tâm lý.

-Giảng dạy và nghiên cứu Công tác xã hội.

-Tham gia thực hiện, điều phối các dự án xã hội và phát triển.

-Đánh giá tác động các dự án xã hội và phát triển.

-Nghiên cứu và phân tích chính sách xã hội.

-Làm công tác xã hội chuyên nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau như: sức khỏe, giáo dục, pháp luật, kinh tế, văn hoá – xã hội, hôn nhân và gia đình, tôn giáo tín ngưỡng, môi trường, dân số, truyền thông.

 

Những nơi người tốt nghiệp ngành Công tác xã hội có thể làm việc là:

-Các trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm giáo dục xã hội ở các tỉnh.

-Các tổ chức bảo trợ xã hội từ trung ương đến địa phương.

-Các tổ chức chính trị – xã hội và đoàn thể quần chúng.

-Các cơ quan thuộc ngành Y tế, ngành Lao động Thương binh và Xã hội.

-Các cơ sở nghiên cứu và đào tạo có liên quan đến Công tác xã hội.

-Các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế.