Công nghệ thông tin gồm những chuyên ngành nào? Ngành nào dễ xin việc?
Ngành công nghệ thông tin đang dẫn đầu các ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất. Rất nhiều bạn trẻ muốn chọn lựa ngành này cho con đường sự nghiệp nhưng lại chưa hiểu rõ công nghệ thông tin gồm những chuyên ngành nào, cơ hội việc làm của các ngành ra sao. BlogTopCV sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin cơ bản về các chuyên ngành giúp bạn dễ dàng lựa chọn ngành học.
Công nghệ thông tin là gì?
Trước hết, để tìm hiểu về các nhóm ngành Công nghệ thông tin cũng như cơ hội tìm việc lập trình viên hay bất cứ vị trị nào khác trong ngành, chúng ta cần biết công nghệ thông tin là gì. Công nghệ thông tin có tên tiếng Anh là Information Technology nên thường được được biết tới với cái tên gọi tắt là IT. IT là một ngành trong ngành Kỹ thuật, chuyên về các phần mềm máy tính, hệ thống máy tính và mạng lưới internet sử dụng cho việc lưu giữ, xử lý, chuyển đổi hay sử dụng thông tin.
Ngành công nghệ thông tin học gì?
Mỗi chuyên ngành công nghệ thông tin sẽ có chương trình học riêng nhưng nhìn chung, các sinh viên theo học ngành này sẽ được học theo một lộ trình như sau:
- Học các môn đại cương: Hầu hết các trường đại học tại Việt Nam đều dạy các môn học đại cương như Các Nguyên Lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, Đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam…
- Học các môn cơ sở: Toán-tin, Khoa học tự nhiên…
- Học các môn chuyên ngành và ứng dụng tùy vào từng chuyên ngành
Trên đây là những nhóm môn học cơ bản trả lời cho thắc mắc công nghệ thông tin học những gì. Để tìm hiểu rõ hơn về từng ngành học, mời bạn đọc tham khảo phần tiếp theo của bài viết.
Cử nhân ngành CNTT sẽ được đào tạo từ môn đại cương tới các môn chuyên ngành
>>> Xem thêm: Ngành công nghệ thông tin nên học trường nào ở Hà Nội và TPHCM
Công nghệ thông tin gồm những chuyên ngành nào? Cơ hội việc làm ra sao?
Ngành Khoa học máy tính
Ngành Khoa học máy tính tên tiếng Anh là Computer Science. Chuyên ngành này sẽ tập trung đào tạo phần lý thuyết thông tin và tính toán cũng như ứng dụng của tính toán vào hệ thống máy tính. Ngành học này giúp người học lý giải được các chương trình máy tính.
Khoa học máy tính là một trong các chuyên ngành công nghệ thông tin có cơ hội việc làm rộng mở nhất, cử nhân ngành Khoa học máy tính có thể làm việc ở các vị trí sau:
- Chuyên viên phân tích và thiết kế lĩnh vực Công nghệ thông tin
- Lập trình viên: Web Developer, App Developer,…
- Chuyên viên xây dựng và hoạch định chính sách, dự án phát triển ứng dụng tin học
- Giảng dạy các môn chuyên ngành Công nghệ thông tin
- Chuyên viên nghiên cứu Công nghệ thông tin
Khoa học máy tính là một trong các chuyên ngành công nghệ thông tin có cơ hội việc làm rộng mở nhất
Ngành mạng máy tính và truyền thông dữ liệu
Ngành Mạng máy tính & Truyền thông dữ liệu là một trong các ngành trong công nghệ thông tin đang phát triển mạnh vì xu thế Internet of Things (IoT) tức là lấy mạng Internet làm nền tảng kết nối mọi thứ với nhau. Chuyên ngành này có tên tiếng Anh là Communications and Computer Networks, tập trung nghiên cứu nguyên lý, cách thiết kế và xây dựng mạng Internet bao gồm cả mạng nội bộ cho tới mạng toàn cầu.
Theo học ngành này, sinh viên khi ra trường có thể đảm nhận các vị trí:
- Chuyên viên phát triển quản trị mạng tại các cơ quan, tổ chức như ngân hàng, nhà cung cấp mạng,…
- Chuyên viên phụ trách thiết kế mạng cho các cơ quan, đơn vị: xây dựng hệ thống mạng theo yêu cầu
- Chuyên viên đảm nhiệm việc phát triển phần mềm mạng và ứng dụng trên mạng
- Nhân viên kỹ thuật lắp đặt phần cứng mạng
>>> Xem thêm: Làm thế nào để cải thiện các kỹ năng lập trình để trở thành IT giỏi?
Ngành công nghệ phần mềm
Ngành Công nghệ phần mềm hay còn gọi là Kỹ nghệ phần mềm là một trong những câu trả lời cho câu hỏi công nghệ thông tin gồm những chuyên ngành nào dành cho những ai yêu thích công việc lập trình thuần túy. Ngành này có tên tiếng Anh là Software Engineering và đúng như cái tên của mình, ngành Công nghệ phần mềm tập trung đào tạo về mảng tạo ra, bảo trì và phát triển phần mềm, chương trình hoặc ứng dụng.
Các vị trí công việc phù hợp với ngành này bao gồm:
- Lập trình viên thiết kế web (web developer), ứng dụng điện thoại (app developer) hoặc thiết kế game (game developer)
- Nhân viên IT ở phòng Sản phẩm của các công ty công nghệ và ở phòng Kỹ thuật ở tất cả các công ty, tổ chức
- Tự phát hành phần mềm của riêng mình và bán bản quyền
Ngành Công nghệ phần mềm phù hợp với ai yêu thích công việc lập trình
Ngành Kỹ thuật máy tính
Kỹ thuật máy tính có tên tiếng Anh là Computer Engineering tập trung cung cấp các kiến thức về nguyên lý cũng như phương pháp dùng trong thiết kế và phát triển các hệ thống phần cứng và phần mềm phục vụ cho việc vận hành các phần cứng đó.
Đây cũng là một sự lựa chọn cho bạn khi băn khoăn công nghệ thông tin có những chuyên ngành nào bởi vị trí công việc khi ra trường khá đa dạng:
- Lập trình viên đặc biệt là mảng lập trình nhúng (tức lập trình các con chip trong hệ thống điều khiển xe ô tô, thiết bị di động, đồ gia dụng…)
- Kỹ sư điện tử – mạch điện
- Nhân viên IT trong các cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm về hệ thống máy tính và phần mềm
Ngành Kỹ thuật mạng
Tên tiếng Anh của ngành Kỹ thuật mạng là Internet Engineering. Đây là ngành chuyên về quản trị mạng, an ninh mạng, thiết kế mạng và dịch vụ mạng. Các sinh viên học ngành này có thể thiết kế mạng khi ra trường và thực hiện các tác vụ liên quan đến vấn đề thuộc về quản trị mạng như kết nối đường truyền, hệ thống lưu trữ thông tin, cơ sở dữ liệu…
Sinh viên ngành Kỹ thuật mạng khi ra trường có thể làm việc tại các vị trí sau:
- Chuyên viên về An ninh mạng
- Chuyên viên về Quản trị mạng
- Chuyên viên đảm nhận pentest (kiểm thử xâm nhập) hệ thống mạng cho các tổ chức
- Chuyên viên chịu trách nhiệm tư vấn và thiết kế hệ thống mạng và an toàn thông tin
Ngành Kỹ thuật mạng chuyên về quản trị mạng
Ngành Hệ thống quản lý thông tin
Ngành này được biết đến với tên gọi tắt là MIS (Management Information Systems). MIS là ngành học chuyên về nghiên cứu công việc tổng hợp dữ liệu theo nhu cầu của con người, tổ chức, công ty bao gồm vận hành, sản xuất và kinh doanh. Khi hỏi công nghệ thông tin gồm những ngành nào thì ngành này thường bị bỏ quên vì đôi khi nó được xếp vào nhóm Quản trị kinh doanh. Những về bản chất, Hệ thống quản lý thông tin là một ứng dụng của công nghệ thông tin vào kinh doanh.
Các vị trí dành cho cử nhân ngành Hệ thống quản lý thông tin bao gồm:
- Lập trình viên mảng cơ sở dữ liệu
- Nhân viên tư vấn, thiết kế và lập trình cho các công ty phần mềm
- Nhân viên quản trị hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin cho các cơ quan, tổ chức
- Nhân viên đào tạo và kiểm định nghiệp vụ
Ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo
Trí tuệ nhân tạo được biết đến phổ biến với cái tên AI – tức Artificial intelligence. Đây là một tiểu ngành thuộc lĩnh vực khoa học máy tính (Computer science) nhưng hiện nay rất phát triển và đôi khi được tách ra thành một ngành đào tạo riêng ở các trường đại học. AI là ngành cung cấp kiến thức giúp con người lập trình cho máy tính tự động hóa hành vi thông minh như con người.
AI là ngành rất “hot” trong những năm gần đây
Đây là một ngành khá mới ở Việt Nam nhưng lại thuộc top ngành “hot” nhất khi được hỏi công nghệ thông tin gồm những chuyên ngành nào trong những năm gần đây. Vì tính chất mới mẻ nên nhân lực ngành này khá khan hiếm và mức lương cho cử nhân giỏi ngành AI luôn thuộc mức cao nhất trong ngành. Các vị trí người học ngành AI có thể đảm nhận về cơ bản giống với người học ngành Khoa học máy tính và bên cạnh đó là các vị trí như:
- Kỹ sư/Chuyên viên phát triển ứng dụng AI vào các phần mềm
- Kỹ sư/Chuyên viên phát triển hệ thống tự động hóa và robot
- Kiến trúc sư về mảng dữ liệu
- Chuyên gia nghiên cứu AI chuyên sâu
Trên đây là một số chuyên ngành cơ bản giúp bạn trả lời câu hỏi công nghệ thông tin gồm những chuyên ngành nào. Về cơ bản, các chuyên ngành Công nghệ thông tin đều mở ra cho các bạn cơ hội việc làm rộng mở nhưng với các ngành mới như AI, đầu ra sẽ hứa hẹn hơn so với các chuyên ngành truyền thống. Chúc các bạn tìm được “Mr.Right” trên con đường sự nghiệp và thành công tìm việc trong tương lai!