Công đoàn cơ sở là gì ? Quy định pháp luật về thành lập Công đoàn cơ sở

Công đoàn cơ sở là một tổ chức trong hệ thống tổ chức công đoàn Việt Nam. Công đoàn cơ sở đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động chính trị – xã hội và đặc biệt là đối với người lao động. Vậy Công đoàn cơ sở là gì, có chức năng, nhiệm vụ ra sao, cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây của Luật Nam Sơn.

công đoàn cơ sở là gì

Khái niệm: Công đoàn cơ sở là gì ?

Theo khoản 2 Điều 4 Luật Công đoàn 2012 định nghĩa về công đoàn cơ sở như sau:

“2. Công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn, tập hợp đoàn viên công đoàn trong một hoặc một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, được công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở công nhận theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.”

Công đoàn cơ sở có tư cách pháp nhân. Pháp luật lao động Việt Nam thừa nhận công đoàn cơ sở là đại diện chính thức của tập thể người lao động, thực hiện chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động, tập thể lao động trong đơn vị. Công đoàn cơ sở có quyền đại diện người lao động tham gia thương lượng, kí kết thoả ước lao động tập thể với người sử dụng lao động, tham gia với người sử dụng lao động trong việc đảm bảo việc làm, tiền lương cho người lao động, tham gia giải quyết tranh chấp lao động, tổ chức và lãnh đạo đình công,…

Công đoàn cơ sở được thành lập ở đâu ?

Theo quy định tại khoản 11.1 Mục 11 Hướng dẫn 03/HD-TLĐ năm 2020, Công đoàn cơ sở được thành lập trong các đơn vị sử dụng lao động gồm:

  • Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế (bao gồm cả các công ty con trong nhóm công ty; chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp có trụ sở đặt tại địa phương khác).
  • Hợp tác xã có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
  • Đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài công lập hạch toán độc lập.
  • Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp.
  • Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam
  • Cơ quan tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
  • Trường hợp đơn vị sử dụng lao động không đủ điều kiện thành lập công đoàn cơ sở, hoặc theo nguyện vọng liên kết của người lao động, có thể thành lập công đoàn cơ sở ghép trong nhiều đơn vị sử dụng lao động.

Hình thức tổ chức Công đoàn cơ sở như thế nào ?

Căn cứ quy định tại khoản 11.3 Hướng dẫn 03/HD-TLĐ năm 2020, hình thức tổ chức của Công đoàn được quy định như sau:

  • Tùy theo số lượng đoàn viên và tính chất, địa bàn hoạt động của doanh nghiệp, đơn vị lao động; số lượng đoàn viên của công đoàn cơ sở có thể tổ chức các công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận, tổ công đoàn.
  • Việc thành lập công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận do ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định; đồng thời phân cấp một số nhiệm vụ, quyền hạn và hướng dẫn nội dung cụ thể để công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận, tổ công đoàn tổ chức các hoạt động.

Trình tự, thủ tục thành lập Công đoàn cơ sở

Căn cứ theo quy định tại Mục 12 Hướng dẫn 03/HD-TLĐ năm 2020, trình tự, thủ tục thành lập, giải thể công đoàn cơ sở như sau:

Giai đoạn 1: Thành lập Ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở

  1. Nơi chưa có công đoàn cơ sở người lao động là đoàn viên hoặc chưa là đoàn viên công đoàn được vận động người lao động khác gia nhập công đoàn, liên kết thành lập công đoàn cơ sở thông qua hình thức tổ chức ban vận động.
  2. Trong quá trình ban vận động tiến hành vận động người lao động gia nhập công đoàn, liên kết thành lập công đoàn cơ sở các thành viên ban vận động cử trưởng ban vận động và liên hệ công đoàn cấp trên gần nhất để được hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ.
  3. Khi có 05 người trở lên (gồm người lao động đang là đoàn viên công đoàn và người lao động có đơn gia nhập công đoàn) tự nguyện liên kết thành lập công đoàn cơ sở trưởng ban vận động liên hệ công đoàn cấp trên để được giúp đỡ công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội thành lập công đoàn cơ sở.

Giai đoạn 2: Tổ chức đại hội thành lập Công đoàn cơ sở

  • Việc tổ chức điều hành đại hội thành lập công đoàn cơ sở do ban vận động thực hiện; có thể mời thêm đoàn viên, người lao động ngoài ban vận động, có kinh nghiệm, uy tín tham gia điều hành hoặc làm thư ký đại hội.
  • Thành phần dự đại hội gồm:
  • Ban vận động thành lập công đoàn cơ sở.
  • Người lao động đang làm việc tại đơn vị sử dụng lao động đã là đoàn viên hoặc chưa là đoàn viên có đơn xin gia nhập Công đoàn Việt Nam.
  • Đại diện công đoàn cấp trên, người sử dụng lao động và các thành phần khác (nếu có) cùng dự, chứng kiến đại hội thành lập công đoàn cơ sở.
  • Việc bầu cử tại đại hội thành lập công đoàn cơ sở thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín. Phiếu bầu cử tại đại hội thành lập công đoàn phải có chữ ký của trưởng ban vận động thành lập công đoàn cơ sở ở góc trái, phía trên phiếu bầu.

Giai đoạn 3: Sau đại hội thành lập Công đoàn cơ sở

Chủ tịch công đoàn cơ sở tổ chức họp ban chấp hành công đoàn cơ sở trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi kết thúc đại hội thành lập để bầu ban thường vụ, phó chủ tịch, ủy ban kiểm tra và chủ nhiệm ủy ban kiểm tra công đoàn (nếu đủ điều kiện). Quá trình chuẩn bị cần liên hệ công đoàn cấp trên để được hướng dẫn.

Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ khi kết thúc đại hội, ban chấp hành phải lập hồ sơ đề nghị công đoàn cấp trên xem xét, công nhận.

Trên đây là nội dung giải đáp của Luật Nam Sơn về Công đoàn cơ sở là gì. Quy định pháp luật về thành lập Công đoàn cơ sở. Trong trường hợp quý khách có bất kỳ các vấn đề nào gặp khó khăn đừng ngần ngại liên hệ Luật Nam Sơn để được hỗ trợ trực tiếp bởi Luật sư Hà, Luật sư Trung và các Luật sư giàu kinh nghiệp khác.

Điện thoại: 1900.633.246

Gmail: [email protected]