Cổng chào

Phạm Quang Vinh

– 18/07/2022 | 6:30 (GTM + 7)

Cổng chào là một khái niệm tương đối phổ biến, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở tương đối nhiều quốc gia trên thế giới.

Chúng ta từng biết đến những cổng chào rất nổi tiếng, ví dụ như: Arc de Triomphe de l’Étoile (Khải Hoàn Môn, Pháp) – để tưởng nhớ những người lính Pháp chiến đấu và hy sinh trong cuộc Cách mạng Pháp và Chiến tranh Napoléon;  hay Cổng Brandenburg – Berlin (Đức)…

Một trong những đặc điểm chung là những cổng chào này hầu như được xây dựng vào thời phong kiến trước đây. Tất nhiên, một số cổng chào nổi tiếng khác cũng có thể được xây dựng gần đây, nhưng nó cũng mang một ý nghĩa khác.

Ở Việt Nam, cổng chào xuất phát từ mô hình của các làng xã, cùng với cổng làng được xây dựng bên lũy tre bao xung quanh làng, như là một lối vào duy nhất để bảo vệ làng khỏi việc bị xâm nhập, cướp bóc. Cổng làng gần như chỗ duy nhất để mọi người ra vào.

Điều này tương đối khác với các làng, xã hiện nay đã có nhiều lối đi hơn. Và nó cũng khác với những cái cổng mà chúng ta thấy ngày nay.

Cổng chào TP. Long Xuyên. Ảnh minh họa - VnExpress

Cổng chào TP. Long Xuyên. Ảnh minh họa – VnExpress

Gần như ở khắp nơi, hay đang đi trên đường quốc lộ, bạn bỗng dưng thấy một tấm biển có ghi “Tỉnh… kính chào quý khách! – Welcome!”, bên kia là một cổng chào của tỉnh lân cận, nơi có ghi: “Chào tạm biệt…!”.

Bạn có thể dễ dàng nhận ra, ngay bên cạnh con đường, hoặc trên con đường, cổng chào được dựng lên để chào mừng khách đến.

Và nó không có một ý nghĩa thực sự nào ở những cổng chào như vậy. Tôi nghĩ, khó có một thứ gì đó kém lãng phí hơn việc xây dựng những cổng chào.

Việc đánh dấu địa danh, địa giới, nếu như cần thiết, chỉ cần có một cái trụ, một cái biển nhỏ để mọi người biết rằng từ đây sẽ là địa giới của tỉnh này, xã, huyện này. Và đôi khi việc đó cũng không hoàn toàn cần thiết.

Nếu như bạn đi lại hoặc lái xe trong khu vực châu Âu (EU) và cả ở những nước chưa phải là thành viên của EU, tại biên giới, bạn sẽ hết sức ngạc nhiên vì đôi khi giữa đường chính, đi qua biên giới hai nước, không có ai chào và cũng không có ai nói rằng bạn đã đi sang đất nước bên kia.

Thông thường, chỉ có một biển thông báo ở bên đường cho biết: từ đây, thì tốc sẽ quy định là bao nhiêu, tốc độ ở đô thị hoặc nông thôn là bao nhiêu, hoặc những ghi chú cần thiết cho mọi người.

Rất ít khi bạn nhìn thấy có một cổng chào hoặc biển báo to ngang đường, viết rằng: nước này, nước kia chào mừng bạn đến.

Trở lại với Việt Nam, thậm chí cổng của các cơ quan công quyền được xây lên như một thói quen, khi mà các làng, xã bây giờ cũng không còn những cái cổng như vậy nữa, thì chúng ta đôi khi vẫn phải đi lại hằng ngày, đi qua những cổng chào của tỉnh,huyện, xã.

Tôi không rõ khi để xây những cổng chào như vậy, người ta sẽ lý giải mục đích là gì? Là để kêu gọi khách đến, hay là việc để làm gì? Chưa kể, số tiền để xây dựng những cái cổng chào đó có thể lên đến hàng chục tỷ đồng.

Phải nói thật, tỉnh, hay huyện, hay địa phương nào càng nghèo, hình như cổng chào lại có phần to hơn.

Nếu như chúng ta nói đến việc tiết kiệm hiệu quả và chống lãng phí, tôi nghĩ một trong những điều có thể và nên nói đến, đó là việc loại bỏ những cổng chào, vì nó không mang lại một tác dụng nào thiết thực cả./.