Công bằng xã hội – một thách thức toàn cầu
Ngày Công bằng xã hội thế giới được
kỷ niệm vào ngày 20/2 hàng năm
(ĐCSVN) – Công bằng xã hội là mơ ước của nhân loại tiến bộ từ rất lâu đời. Trong thời đại ngày nay, công bằng xã hội đã trở thành một mục tiêu trực tiếp của sự phát triển lành mạnh và bền vững mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều mong muốn đạt tới.
Công bằng xã hội là một điều kiện nền tảng để chung sống hòa bình và thịnh vượng đối với mọi người ở mọi dân tộc và giữa các dân tộc với nhau. Chúng ta tiến tới công bằng xã hội khi chúng ta bảo vệ bình đẳng giới hay các quyền của những người dân bản địa và người nhập cư. Chúng ta tiến tới công bằng xã hội khi chúng ta loại bỏ các rào cản về giới tính, tuổi tác, chủng tộc, dân tộc, tôn giáo, văn hóa hay khuyết tật.
Sự bền vững của một thế giới đòi hỏi phải thiết lập được các thị trường cho phép bảo đảm phân phối tốt hơn những lợi ích của sự phát triển. Nó góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng về các sản phẩm và dịch vụ sinh thái của người tiêu dùng. Nó cũng liên quan đến việc xây dựng những nền tảng cần thiết để bảo đảm phẩm giá, sự ổn định và triển vọng vì lợi ích của mọi công dân.
Nhận thức rõ về tầm quan trọng của công bằng xã hội cũng như những ý nghĩa, giá trị của công bằng xã hội trong quá trình xây dựng một thế giới hòa bình, thịnh vượng và bền vững cho tất cả mọi người, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã công bố chọn ngày 20/2 hàng năm là Ngày Công bằng xã hội thế giới. Liên hợp quốc kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên kỷ niệm ngày đặc biệt này bằng các hoạt động cụ thể, phù hợp với từng quốc gia nhằm thúc đẩy các mục tiêu của Hội nghị thượng đỉnh thế giới về Phát triển xã hội tại Copenhagen (từ ngày 6 – 12/3/1995) và Nghị quyết ở khóa họp đặc biệt thứ 24 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc ở Genève.
Ngày nay, khái niệm về công bằng xã hội cho tất cả mọi người đang phải đối mặt với những thách thức lớn. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu là nguyên nhân dẫn đến nhiều rạn nứt và suy giảm kinh tế rất lớn. Tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu đã đạt mức kỷ lục trong năm 2010 và vẫn tiếp tục cao trong những năm sau đó. Tình trạng thanh niên thất nghiệp đặc biệt đáng lo ngại. Không những thế, hầu hết các công việc sẵn có lại chỉ có mức lương thấp và điều kiện làm việc nghèo nàn. Những lao động nghèo hay những người đang trong tình trạng lao động bấp bênh ngày càng gia tăng.
Chính vì vậy, để ứng phó hiệu quả với cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nhấn mạnh tới vai trò trung tâm của an sinh xã hội và việc làm bền vững. Hội nghị Lao động quốc tế đã thông qua một Hiệp ước Việc làm toàn cầu trong năm 2009. Công cụ chính sách toàn cầu này ủng hộ sự phục hồi tập trung vào đầu tư, việc làm và an sinh xã hội. Mục tiêu là đưa ra một thỏa thuận nền tảng ở phạm vi quốc tế nhằm phát triển các chính sách để giảm thiểu sự chênh lệch về thời gian giữa phục hồi kinh tế và phục hồi việc làm đầy đủ.
Thêm vào đó, trong bối cảnh quốc tế hóa và toàn cầu hóa như hiện nay, không ít người cho rằng, toàn cầu hóa đang làm gia tăng những bất bình đẳng và tình trạng mất an ninh trên thế giới. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, toàn cầu hóa công bằng đang đóng góp một cách tích cực cho việc tạo lập xã hội gắn kết hơn và phát triển kinh tế cho mọi thành phần, tạo cơ hội cho tất cả mọi người, kể cả những nhóm dễ bị tổn thương có việc làm tốt, điều kiện sống tốt hơn, được tiếp cận với dịch vụ y tế, xã hội và hệ thống an sinh xã hội cơ bản, cũng như bảo vệ sức khỏe và an toàn lao động.
Theo Liên hợp quốc:
– 80% dân số không được hưởng an sinh xã hội đầy đủ;
– Khoảng 12,3 triệu người là nạn nhân của lao động cưỡng bức trên thế giới;
– Hơn 215 triệu trẻ em phải lao động trên thế giới;
– Tại phần lớn các quốc gia, thu nhập của những người phụ nữ ít hơn từ 10 – 30% so với nam giới.
Đặc biệt, ngày 10/6/2008, Tổ chức Lao động Quốc tế đã thông qua Tuyên bố ILO năm 2008 về Công bằng Xã hội. Tuyên bố quan trọng này là kết quả của tiến trình đa phương được đại diện các chính phủ và tổ chức lao động và người lao động tại 182 quốc gia thành viên ILO cam kết. Tuyên bố thiết lập một nền tảng cần thiết mới cho những nỗ lực để thúc đẩy và đạt được công bằng xã hội thông qua Lịch trình về lao động và 4 trụ cột của nó – việc làm, an sinh xã hội, đối thoại xã hội, quyền và nguyên tắc cơ bản tại nơi làm việc.
Không thể phủ nhận rằng, sự phát triển xã hội và công bằng xã hội là không thể thiếu để thiết lập, duy trì hòa bình và an ninh trong nội bộ các quốc gia và giữa các quốc gia với nhau. Ngược lại, cũng không thể phát triển xã hội và đạt được công bằng xã hội nếu như hòa bình và an ninh không được thiết lập và tất cả các quyền con người không được tôn trọng. Cộng đồng quốc tế đang từng ngày, từng giờ nỗ lực để xây dựng một thế giới phát triển bền vững, một tương lai bền vững cho tất cả mọi người. Và, để làm được điều đó không chỉ đòi hỏi các nỗ lực phát triển kinh tế và còn cần bảo đảm an sinh xã hội, việc làm và một môi trường bền vững cho tất cả mọi người.
Như thông điệp của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đưa ra nhân Ngày công bằng xã hội thế giới năm nay (20/2/2014): Kinh nghiệm cho thấy, chỉ riêng tăng trưởng kinh tế là chưa đủ. Chúng ta phải làm nhiều hơn để trao quyền cho các cá nhân thông qua việc làm bền vững, hỗ trợ người dân thông qua bảo trợ xã hội và bảo đảm tiếng nói của những người nghèo, bị thiệt thòi được lắng nghe. Chúng ta tiếp tục nỗ lực để đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và hình thành một chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015. Chúng ta hãy đặt công bằng xã hội vào trung tâm trong mọi chương trình hành động để đạt được tăng trưởng công bằng và bền vững cho tất cả mọi người./.