Con gái đầu độc cha: Rùng mình chất kịch độc bán công khai, dễ như mua rau
Vụ việc cô gái Tống Thị Tùng Linh (21 tuổi, ngụ phường Phước Nguyên, TP Bà Rịa) nghi dùng chất độc xyanua để đầu độc cha ruột khiến người đàn ông này tử vong xảy ra mới đây đang gây rúng động dư luận.
Theo điều tra ban đầu, Linh lên chợ Kim Biên (TPHCM) mua chất độc của một người phụ nữ chưa rõ lai lịch với giá 500.000 đồng đem về nhà hòa vào 3 chai nước để trong tủ lạnh. Sau đó, ông Đ. – bố Linh mở tủ lạnh lấy nước uống đã trúng độc, tử vong.
Chất kịch độc nhưng mua bán dễ như… mua rau
Được biết, xyanua là chất kịch độc nằm trong danh mục các chất cấm, chỉ được bán cho doanh nghiệp và có mục đích sử dụng rõ ràng.
Tuy nhiên, trên thực tế, xyanua lại đang được rao bán công khai trên một số trang thương mại trực tuyến, face book và ai cũng có thể dễ dàng tìm mua mà không cần bất cứ điều kiện gì. Thậm chí, người mua xyanua không cần trình bày mục đích và người bán thậm chí cũng không hỏi lý do.
Theo thông tin rao bán trên mạng, natri xyanua thường được đóng dưới 2 dạng là thể rắn và thể lỏng. Với dạng lỏng, dung tích thấp nhất là 10ml, cao nhất là 500ml. Còn với thể rắn được tính theo gram. Tuy nhiên, giá thành của chất này lại rất rẻ, chỉ từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn.
Chất độc xyanua được rao bán công khai trên các trang mạng (Ảnh chụp màn hình).
Liên hệ với tài khoản P.A rao bán xyanua trên facebook, người này cho biết, natri xyanua khá khan hiếm, một lọ natri xyanua 10ml có giá dao động từ 100.000 – 150.000 đồng còn kali xyanua thì có số lượng nhiều hơn.
Tài khoản trên cũng giới thiệu thêm, kali xyanua có nguồn gốc từ Đức, tính chất tương tự natri xyanua nhưng giá cao, khoảng hơn 2 triệu đồng/kg.
Tuy nhiên, khi được hỏi địa chỉ cụ thể, người bán lấy lý do dịch bệnh, chỉ giao hàng tận nơi. Khách được yêu cầu chuyển khoản trước và nhận đồ qua hình thức giao hàng nhanh (nếu ở nội thành Hà Nội) với chi phí vận chuyển là 30.000 đồng. Còn ở xa, khách phải trả thêm phụ phí khoảng hơn 100.000 đồng để người bán thuê dịch vụ vận chuyển.
Thử liên hệ với đầu mối khác tên H., người này giới thiệu rằng natri xyanua có giá 150.000 đồng/kg, đóng theo thùng lớn 50kg. Khi phóng viên hỏi số lượng có thể mua, người này hứa hẹn mua bao nhiêu cũng có và giao nhanh trong “một nốt nhạc”.
Trao đổi với Dân trí, PGS.TS Trần Hồng Côn (nguyên là giảng viên Khoa Hóa, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN) cho biết: Xyanua là một hợp chất hóa học có chứa nhóm cyano (C≡N) và là chất kịch độc.
“Hàng nghìn năm nay, xyanua được liệt vào danh sách độc nhất trong các chất độc. Người ta thường nói, thứ nhất là nhân ngôn (Xyanua), thứ nhì thạch tín (Asen) là vì thế”, chuyên gia hóa học Trần Hồng Côn cho biết.
Cũng theo PGS.TS Trần Hồng Côn, vì xyanua là chất độc phản ứng nhanh nên người trưởng thành chỉ cần nuốt 50mg vào cơ thể đã gây ra các triệu chứng như chóng mắt, buồn nôn, thở gấp và dẫn đến tử vong nhanh.
Xyanua được liệt vào danh sách độc nhất trong các chất độc. (Ảnh: diytrade.com).
PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết thêm, người bình thường khó có thể phát hiện khi nuốt phải xyanua, dù chúng có mùi thơm nhẹ như mùi hạnh nhân và vị hơi đắng. Chỉ những người đã từng làm việc với chất độc này thì chỉ cần thoảng qua là nhận biết được, nhưng với những người lần đầu nuốt phải thì rất khó để phát hiện ra.
Dù nuốt hoặc hít phải khí xyanua chưa đến ngưỡng gây chết thì khi đào thải ra khỏi cơ thể, chất độc này vẫn gây ra một số bệnh như chảy máu dạ dày, bệnh về thần kinh, đường tiêu hóa.
Không phải ai cũng được phép mua Xyanua!
Chia sẻ với PV Dân trí, Luật sư Lê Văn Hồi (Giám đốc công ty Luật My Way) cho hay, hóa chất Xyanua được đề cập trong danh mục hóa chất, sản xuất kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh hóa chất này phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất – kỹ thuật. Nơi kinh doanh phải đáp ứng các điều kiện về an toàn hóa chất, an toàn về phòng chống cháy nổ. Ngoài ra, những người phụ trách an toàn về hóa chất phải có trình độ trung cấp chuyên ngành về hóa chất trở lên.
Theo luật sư Lê Văn Hồi, đây là lĩnh vực phải xin phép khi kinh doanh, tổ chức, cá nhân chỉ được phép kinh doanh hóa chất khi được Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện.
Pháp luật hình sự cũng có tội danh “Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc” tại Điều 311 và “Tội vi phạm quy định về quản lý chất cháy, chất độc” tại Điều 312 Bộ Luật Hình Sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 để điều chỉnh về các hành vi liên quan đến sai phạm trong lĩnh vực hóa chất”.
“Rõ ràng, việc kinh doanh hóa chất cần đáp ứng những yêu cầu khắt khe của pháp luật và được quản lý bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, còn việc để xảy ra việc mua bán tràn lan hóa chất độc hại trên mạng xuất phát từ việc chưa sát sao trong công tác quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, luật sư Lê Văn Hồi nói.
Vị chuyên gia này cũng kiến nghị, thời gian tới các cơ quan chức năng như Bộ Công Thương, Bộ Công An, Cục Hóa chất trực thuộc Bộ Công thương, Cục An ninh mạng và các đơn vị ngành dọc có liên quan cần quản lý chặt chẽ vấn đề này. Bởi lẽ, đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người.
“Không thể để tình trạng chỉ cần lên công cụ tìm kiếm gõ từ khóa “cần mua xyanua” là có thể mua được chất độc nguy hại như hiện nay”, luật sư Lê Văn Hồi nhấn mạnh.