Cồ Việt Mobile – Tri thức Việt

Hồ Tây

Tây Hồ – Thành phố Hà Nội

Nguồn gốc và truyền thuyết

Hồ Tây là hồ lớn nhất ở thành phố Hà Nội, nằm trong địa bàn quận Tây Hồ. Hồ Tây có nhiều tên gọi khác nhau: bến Lâm Ấp, bến Nước, đầm Xác Cáo, hồ Lãng Bạc, hồ Kim Ngưu, hồ Dâm Đàm, Đoài Hồ. Hồ được hình thành do một đoạn sông Hồng cũ còn rớt lại sau khi sông đã đổi dòng…  

Cao Bá Quát đã miêu tả hồ Tây là Tây hồ chân cá thị Tây Thi (hồ Tây đích thị là nàng Tây Thi). Đây là một cách ví von độc đáo nhưng thật đúng với hồ Tây, một thắng cảnh của thủ đô đẹp cả bốn mùa, lộng lẫy trong mùa xuân, rực rỡ trong mùa hè, thanh tú trong mùa thu, đằm thắm trong mùa đông.

Hồ Tây – Chùa Trấn Quốc – Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Lịch sử ra đời của hồ Tây được nhắc đến lần đầu tiên trong Lĩnh Nam chích quái do Vũ Quỳnh và Kiều Phú soạn vào khoảng năm 1492. Ở đây, tác giả đã kể về lai lịch hồ Tây trong truyện Hồ tinh. Theo đó, hồ Tây chính là hang con cáo chín đuôi phá hại dân lành, bị Long Quân dâng nước lên công phá. Do đó, hồ có tên là đầm Xác Cáo. Như vậy, theo huyền thoại, sự hiện diện của hồ Tây ở Hà Nội là một trong ba công tích của Long Quân: đánh Mộc Tinh để đem lại yên bình cho vùng núi, đánh Ngư Tinh để giữ yên vùng biển và đánh Hồ Tinh để bình định vùng đồng bằng mà trung tâm là Thăng Long – Hà Nội.

Một giả thuyết khác về việc hình thành cũng như tên gọi của hồ là dựa theo truyền thuyết hồ Trâu Vàng (hồ Kim Ngưu). Truyện kể về thiền sư Khổng Minh Không sang Tàu chữa bệnh cho vua Tàu. Khi công việc hoàn thành, vua muốn trả ơn. Nhà sư chỉ xin một ít đồng đen cho vào tay nải. Vua Tàu đồng ý cho thiền sư tự ý vào kho lấy đồng. Thiền sư đã lấy tất cả đồng đen trong kho bỏ vào tay nải và thả nón tu lờ làm thuyền, bơi về nước Nam. Về đến Thăng Long, ông dùng số đồng đó đúc thành một quả chuông. “Đồng đen là mẹ của vàng”. Chuông hoàn thành, khi đánh chuông thì Trâu Vàng bên Tàu nghe tiếng mẹ, chạy vùng sang. Đến chỗ hồ Tây thì tiếng chuông tắt. Trâu không biết đi đâu bèn dẫm đất sụt thành hồ và ẩn luôn dưới đó. Do vậy hồ có tên là hồ Kim Ngưu.

Ngoài ra, theo các thư tịch cổ, hồ Tây mới đầu chỉ là tên chung chỉ hồ ở phía Tây Bắc kinh thành Thăng Long. Gọi mãi trở thành tên riêng là hồ Tây. Ngoài ra, hồ Tây còn có tên khác là hồ Dâm Đàm (đầm mù sương). Theo tài liệu nghiên cứu của ông Bùi Văn Nguyên trong Cảnh trí hồ Tây xuất bản năm 1978 thì tên Dâm Đàm còn được sử dụng đến năm 1573 (đời nhà Trần, nhà Lý). Khi vua Lê Thế Tông lên ngôi, người ta mới tránh gọi hồ là Dâm Đàm, vì tên húy của vua là Duy Đàm, thay vào đó là tên hồ Tây.

Sách Tây Hồ chí còn ghi, hồ Tây có từ thời vua Hùng. Lúc ấy, nơi đây là một bến ở cạnh sông Hồng, thuộc động Lâm Ấp, nên gọi là bến Lâm Ấp của thôn Long Đỗ. Tới thời Hai Bà Trưng, bến này thông với sông Hồng. Chung quanh bến Lâm Ấp là một rừng lim rậm rạp có nhiều hang động. Người già ở địa phương còn cho biết, khi đánh cá, thỉnh thoảng họ vớt được những khúc gỗ lim ở dạng trầm tích.

Về địa lý, hồ Tây là hồ ngoại sinh, có dạng lòng chảo. Hồ tạo thành chủ yếu là do tác dụng xâm thực của sông Hồng.

Cảnh quan

Hồ rộng 550 ha, đường vòng quanh bờ hồ dài 17km. Hồ là một trong những thắng cảnh có từ lâu đời của Hà Nội. Thời Lý – Trần, các vua chúa lập quanh hồ nhiều cung điện làm nơi nghỉ mát, giải trí, điện Hàm Nguyên thời Trần nay là khu chùa Trấn Quốc, cung Từ Hoa thời Lý nay là khu chùa Kim Liên, điện Thụy Chương thời Lê nay là khu trường Chu Văn An…

Vui chơi trên hồ – Ảnh : Hoàng Chí Hùng

Chung quanh hồ có nhiều làng cổ truyền thống mang đậm sắc thái văn hoá dân gian, gắn với tên tuổi nhiều danh nhân nổi tiếng. Làng Nghi Tàm, quê hương Bà Huyện Thanh Quan, có chùa Kim Liên với kiến trúc độc đáo; làng Nhật Tân có nghề trồng hoa đào nổi tiếng, tương truyền là nơi Lạc Thị đời Hồng Bàng sinh ra một bọc trứng nở thành bảy con rồng. Rồi làng Xuân Tảo với đền Sóc thờ Thánh Gióng, làng Trích Sài có chùa Thiên Niên thờ bà tổ nghề dệt lĩnh, làng Kẻ Bưởi có nghề làm giấy cổ truyền và đền Đồng Cổ là nơi bách quan hội thề thời Lý, làng Thụy Khuê có chùa Bà Đanh nổi tiếng một thời… Và đặc sắc nhất là đền Quán Thánh ở góc đường Thanh Niên và đường Quán Thánh, trấn phía Bắc của Kinh thành Thăng Long. Ngoài ra, một số công trình nhà ở mới xây dựng bên hồ làm  cảnh quang thêm đa dạng.

Bên cạnh hồ Tây là hồ Trúc Bạch, giữa hai hồ là đường Thanh Niên thơ mộng. Trước đây, đường được gọi tên là Cổ Ngư.

Hồ Tây là một cảnh đẹp của Hà Nội và đi vào ca dao xưa cũng như được nhiều nhà thơ của các thời đại dùng làm đề tài ngâm vịnh.

Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương

Mịt mù khói tỏa ngàn sương,

Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.

                       (Ca dao)

Phong cảnh Hồ Tây chẳng khác xưa

Người đồng châu trước biết bao giờ

Nhật Tân đê lở nhưng còn lối

Trấn Bắc rêu phong vẫn ngấn thờ

Nọ vực Trâu Vàng trăng lại bóng         

Kìa gò Phượng Đất khói tuôn mờ

Hồ kia thăm thẳm sâu dường mấy

So dạ hoài nhân chửa dễ vừa

                      (Chơi Hồ Tây nhớ bạn – Hồ Xuân Hương)

 

           

Tây Lộc – thành phố Huế – Thừa Thiên-Huế

Hồ Tây nằm gần Khám Đường, góc Tây Bắc, bên trong Kinh Thành, nay thuộc phường Tây Lộc, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Còn gọi là hồ Đoài.

thị trấn Đắk Mil – huyện Đắk Mil – tỉnh Đắk Nông

Vị trí

 

Nằm trọn trong lòng thị trấn Đắk Mil (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông), hồ Tây như một chiếc gương khổng lồ, sâu thăm thẳm, nước trong xanh ngắt.

Đặc điểm

 

Hồ Tây là hồ nước bán tự nhiên, được các chủ đồn điền người Pháp tạo lập từ 45-50 năm trước để cung cấp nước cho các đồn điền cà phê, đến năm 1982, huyện Đắk Mil đã đầu tư nâng cấp, mở rộng mặt hồ để hồ Tây có dáng vẻ như ngày nay.

Hồ Tây có mặt thoáng 108 ha, chu vi hơn 10km, điểm sâu nhất của hồ khoảng 15-17 m, do không có nguồn nước các sông suối đổ vào mà chỉ có các mạch nước ngầm và nước mưa lắng đọng nên nước hồ Tây quanh năm trong xanh, sạch sẽ và chưa bao giờ cạn.

Phía đông của hồ là khu vực trung tâm của thị trấn Đắk Mil, phía nam và tây nam hồ là rừng cà phê, ca cao bạt ngàn xanh biếc, trong lòng hồ có một bán đảo rộng 120 ha thơ mộng.

Ngày nay, hồ Tây được huyện Đắk Mil quan tâm đầu tư công viên, đài phun nước quanh bờ, hồ cũng được kè đá, xây dựng đường dạo bộ, trồng cây bóng mát bao quanh, xung quanh hồ là những nhà hàng, những quán cà phê thơ mộng, những ngôi biệt thự vườn theo phong cách kiến trúc Pháp, Thái Lan hay Gothic.

Với làn nước trong xanh, hồ Tây như chiếc máy điều hòa khổng lồ giúp thanh lọc không khí trong lành cho cả một vùng đô thị.