Cơ sở dữ liệu Quốc gia Văn bản quy phạm pháp luật

Trả lời có tính chất tham khảo

Điểm b khoản 1 Điều 38 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định về thẩm quyền phạt tiền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã như sau: “b) Phạt tiền đến 10% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 5.000.000 đồng”. Lưu trú thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Hiện nay, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này đang được điều chỉnh tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 38 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và điểm b khoản 1 Điều 67 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền phạt tiền đến 4.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội và lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội.
Mặt khác, theo Điều 52 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định về nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì:
“1. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của những người được quy định tại các điều từ 38 đến 51 của Luật này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân; trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân và được xác định theo tỉ lệ phần trăm quy định tại Luật này đối với chức danh đó.
………
2. Thẩm quyền phạt tiền quy định tại khoản 1 Điều này được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể.
……
4. Trường hợp xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được xác định theo nguyên tắc sau đây:
a) Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với từng hành vi đều thuộc thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt vẫn thuộc người đó;
b) Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với một trong các hành vi vượt quá thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử phạt.”
Như vậy, đối chiếu với các quy định trên, trong trường hợp cá nhân thực hiện 2 hành vi vi phạm hành chính trong cùng một lĩnh vực lưu trú mà mỗi hành vi vi phạm bị phạt tiền 3.000.000 đồng (tổng mức phạt tiền cho 2 hành vi là 6.000.000 đồng) thì chủ tịch UBND cấp xã có quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.