Cơ quan hành chính nhà nước, một số vấn đề lý luận – Pháp trị
5/5 – (1 bình chọn)
Cơ quan hành chính nhà nước là một hệ thống cơ quan nhà nước được thành lập từ trung ương đến địa phương và ở các ngành, thực hiện hoạt động hành pháp của nhà nước.
Khái niệm, đặc điểm cơ quan hành chính nhà nước
Về khái niệm: Cơ quan hành chính nhà nước là một hệ thống cơ quan nhà nước được thành lập từ trung ương đến địa phương và ở các ngành, các lĩnh vực để thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Hoạt động của cơ quan này là hoạt động chấp hành – điều hành. Cơ quan này phải trực tiếp hoặc gián tiếp chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước cơ quan quyền lực nhà nước và chịu sự giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước.
Về đặc điểm: Thứ nhất, cơ quan này được thành lập để thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Nhà nước thực hiện quản lý mọi mặt của đời sống xã hội, vì thế để có thể duy trì trật tự xã hội, thống nhất các ngành, lĩnh vực theo định hướng chung nhà nước đề ra, bộ máy nhà nước hình thành cơ quan hành chính nhà nước để thực hiện chức năng quản lý nhà nước, có quyền nhân danh nhà nước khi tham gia vào các quan hệ pháp luật nhằm thực hiện các quyền, nghĩa vụ pháp lý với mục đích hướng đến các lợi ích công như nhà nước đã quy định.
Thứ hai, cơ quan này được thành lập theo cấp hành chính và ở các ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước do đó cơ quan hành chính tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc trực thuộc hai chiều (dọc, ngang). Thành lập theo cấp hành chính, tổ chức hoạt động theo chiều dọc, có thể hiểu là cấp dưới sẽ chịu trách nhiệm báo cáo công việc cho cấp trên, chịu sự giám sát của cấp trên để cấp trên nắm bắt tình hình công tác quản lý giúp cho việc quản lý được tiến hành một cách thống nhất. Ngoài ra cơ quan này được theo lập ở các ngành, lĩnh vực theo nguyên tắc trực thuộc chiều ngang, có thẩm quyền ngang nhau, mỗi cơ quan ngành sẽ quản lý những lĩnh vực khác nhau của nhà nước, các cơ quan cũng có mối quan hệ mật thiết, liên quan đến nhau để đảm bảo duy trì trật tự, tránh xảy ra mâu thuẫn trong công tác quản lý.
Thứ ba, cơ quan có một hệ thống các đơn vị cơ sở trực thuộc, các đơn vị đó là trường học, bệnh viện, cơ quan báo chí…Các đơn vị cơ sở của bộ máy nhà nước là nơi trực tiếp tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội.
Thứ tư, các cơ quan phải trực tiếp hoặc gián tiếp chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước cơ quan quyền lực nhà nước. Các cơ quan hành chính nhà nước là do cơ quan quyền lực nhà nước tương ứng lập ra, cơ quan quyền lực nhà nước có vị trí pháp lý cao hơn cơ quan hành chính nhà nước vì vậy cơ quan hành chính nhà nước phải chịu sự giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước cũng như phải báo cáo công tác để cơ quan quyền lực nắm bắt tình hình, đề ra các biện pháp xử lý khi cần thiết.
Xem thêm: Các biện pháp xử lý hành chính
Tổ chức bộ máy và chức năng nhiệm vụ của cơ quan hành chính nhà nước
Tổ chức bộ máy bao gồm: Chính phủ là cơ quan đứng đầu; Bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền chuyên môn ở trung ương; Ủy ban nhân dân các cấp là cơ quan ở địa phương.
Trong tổ chức bộ máy, chính phủ là cơ quan trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác hoạt động của các bộ, ủy ban nhân dân. Chính phủ: là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chức năng, nhiệm vụ: Chính phủ thống nhất quản lý việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của Nhà nước, đảm bảo hiệu lực của bộ máy Nhà nước từ trung ương đến cơ sở, đảm bảo việc tôn trọng và chấp hành Hiến pháp và pháp luật, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm ổn định và nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân.
Bộ, cơ quan ngang bộ: là cơ quan của chính phủ, do chính phủ quản lý, kiểm tra hoạt động. Chức năng, nhiệm vụ: quản lý nhà nước về một số ngành, lĩnh vực và dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc.
Ủy ban nhân dân các cấp: là cơ quan ở địa phương, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương, hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan cấp trên. Chức năng, nhiệm vụ: quản lý hành chính nhà nước ở địa phương, có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước khác để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền địa phương.
Tìm hiểu thêm: Xử lý hành chính người chưa thành niên
Mối quan hệ với cơ quan quyền lực nhà nước
Cơ quan hành chính nhà nước phải trực tiếp hoặc gián tiếp chịu trách nhiệm báo cáo, chịu giám sát trước cơ quan quyền lực nhà nước. Cơ quan hành chính do cơ quan quyền lực nhà nước tương ứng bầu ra vì vậy cơ quan hành chính phải chịu trách nhiệm báo cáo công tác cho cơ quan quyền lực có vị trí pháp lý cao hơn và là cơ quan có quyền quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Việc giám sát cơ quan hành chính còn giúp cơ quan này đưa ra những quyết định đúng đắn, phù hợp với ý chí chung của cơ quan quyền lực.
Tìm hiểu thêm các nội dung liên quan tại: Pháp trị
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
-
Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
-
Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
-
Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật:
1900 6198,
E-mail: