Cổ phiếu công nghệ Việt Nam đã ít nhưng lại hay mang về trái đắng: SSI, Vietnam Holding cùng nhiều quỹ lớn đều từng phải cắt lỗ

Hiện tại thế giới đang trong thời kỳ kỷ nguyên công nghệ, tỷ lệ số hóa trong tổng GDP toàn cầu đạt đến 65%, tổng giá trị đầu tư chuyển đổi số 2022 là 1,8 tỷ USD. Do vậy, công nghệ được đánh giá là ngành có tiềm năng tăng trưởng mạnh, tuy nhiên trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cổ phiếu công nghệ chưa thu hút được nhiều sự quan tâm trừ FPT.

Nhiều ông lớn từng bỏ hàng trăm tỷ đồng đầu tư vào các cổ phiếu công nghệ tại Việt Nam nhưng lại nhận lại cái kết đắng, phải cắt lỗ sau hàng chục năm đầu tư. Như gần đây, Tập đoàn NTT Domoco – Tập đoàn viễn thông lớn đến từ Nhật Bản đã thoái toàn bộ vốn tại CTCP Truyền thông VMG (UpCOM: ABC), khoảng 5 triệu cổ phiếu và thu về 47,5 tỷ đồng.

Trong khi đó, NTT Domoco đã mua cổ phần của ABC vào năm 2011 với số tiền khoảng 370 tỷ đồng (1,4 tỷ yên). Như vậy, sau 11 năm, NTT Domoco đã lỗ đến 322,5 tỷ đồng, tương đương mức lỗ 87%. Tuy trong thời gian đầu tư NTT Docomo cũng đã nhận về lượng đáng kể kể cổ tức, trong đó có khoản cổ tức đặc biệt 195% năm 2017 khi VMG Media lãi lớn từ bán cổ phần VNPT Epay, khoảng 100 tỷ đồng nhưng vẫn không thể bù đắp mức lỗ

Một cổ đông lớn nước ngoài khác của VMG Media là quỹ Maj Invest cũng đã thoái 4,77 triệu cổ phiếu trong đầu năm nay.

Cổ phiếu công nghệ Việt Nam đã ít nhưng lại hay mang về trái đắng: SSI, Vietnam Holding cùng nhiều quỹ lớn đều từng phải cắt lỗ - Ảnh 1.

Về tình hình kinh doanh, tính đến hết ngày 31/3/2022, ABC đang có số lỗ lũy kế lớn lên đến 714 tỷ đồng và hiện đang âm vốn chủ sở hữu là âm 222 tỷ đồng.

Hơn 10 năm trước, khi nhận vốn đầu tư từ NTT Docomo và Maj thì VMG Media là  doanh nghiệp đầy tiềm năng, một trong những cổ phiếu công nghệ hot nhất thời điểm đó.

Tuy nhiên thời thế thay đổi, VMG thiếu đi những sản phẩm mới đồng thời thương vụ bán VNPT Epay đưa công ty lên đỉnh cao cũng lại chính là tác nhân làm bay mất toàn bộ vốn. Theo đó, cho rằng VMG Media đã phản ánh không trung thực và chính xác về tình hình tài chính của EPAY dẫn đến quyết định chưa chính xác, GPS và UTC đã tiến hành khởi kiện ra Trung tâm trọng tài quốc tế và đòi VMG Media bồi thường 755,8 tỷ.

VMG thua kiện và tổng số tiền công ty trích lập dự phòng phải trả cho GPS và UTC là 822 tỷ đồng. Trong đó, 632 tỷ là khoản dự phòng phải trả liên quan đến thỏa thuận về tuân thủ pháp luật và khoản lãi chậm bồi thường và 189 tỷ đồng dự phòng phải trả đối với các nghĩa vụ có thể phát sinh do phạt thuế.

Ông lớn ngành chứng khoán, CTCP Chứng khoán SSI đã từng ôm trái đắng khi đầu tư vào Elcom. Trong 2 năm 2021 – 2021, SSI đã thoái khoảng 5,9 triệu cổ phiếu ELC, tỷ lệ sở hữu giảm xuống còn 4,93%. Như vậy SSI đã không còn đóng vai trò cổ đông lớn tại ELC. 

SSI đầu tư vào ELC từ tháng 9/2011 với tỷ lệ sở hữu ban đầu hơn 8%. Sau đó giai đoạn 2012 – 2014, SSI nâng tỷ lệ sở hữu lên 20%. Theo thống kê, duy chỉ năm 2016, khoản đầu tư ELC của SSI có giá trị thị trường lớn hơn giá vốn. Những năm sau đó, mức thua lỗ ngày càng sâu. Cuối năm 2019, giá trị thị trường chỉ còn lại 28% so với giá vốn. Đây có thể là nguyên nhân chính buộc SSI phải cắt lỗ cổ phiếu trong đầu năm 2020.

Cổ phiếu công nghệ Việt Nam đã ít nhưng lại hay mang về trái đắng: SSI, Vietnam Holding cùng nhiều quỹ lớn đều từng phải cắt lỗ - Ảnh 2.

Diễn biến giá của cổ phiếu Elcom có xu hướng tương đồng với kết quả kinh doanh của công ty này. Giai đoạn 2010-2014 doanh thu và lợi nhuận Elcom sụt giảm mạnh, sau đó bùng nổ trở lại vào 2015-2016 rồi nhanh chóng mất đà sau đó lại đang khôi phục lại.

Tuy vậy, mức lợi nhuận chỉ còn vài chục tỷ thay vì hơn trăm tỷ như giai đoạn 2010 – 2012.

Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống – cựu chủ tịch và thành viên sáng lập YEG đầu năm nay bất ngờ thoái hết vốn tại công ty và rút khỏi HĐQT. YEG từng được mệnh danh là “kỳ lân” khi liên tục tăng trưởng mạnh và gây tiếng vang với mức giá chào sàn lên đến 250.000 đồng/cp.

Tuy nhiên, sự cố với YouTube năm 2019 khiến Công ty lao dốc cả về hoạt động kinh doanh lẫn giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Đồng thời, việc phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư vào ScaleLab để xử lý khủng hoảng đã khiến Yeah1 phải ghi nhận lỗ ròng liên tiếp 385 tỷ đồng năm 2019 và 182 tỷ đồng năm 2020.

Từng được định giá tới 8.000 tỷ giờ vốn hóa thị trường của YEG chỉ còn hơn 700 tỷ đồng. Những tổ chức lớn nhận “trái đắng” khi mua cổ phiếu YEG ở vùng giá cao có thể kể đến như Macquarie Bank Limited (vốn từng thắng lớn với cổ phiếu FPT), quỹ Vietnam Holding cùng rất nhiều quỹ khác như Matthews Asia Small Companies Fund, Prusik Asia Fund…

Cổ phiếu công nghệ Việt Nam đã ít nhưng lại hay mang về trái đắng: SSI, Vietnam Holding cùng nhiều quỹ lớn đều từng phải cắt lỗ - Ảnh 3.

Cũng từng rơi vào khủng hoảng nhưng hai doanh nghiệp dưới đây đã phục hồi được và đang thăng hoa đó là FPT và CMC Group.

Hiện nay FPT đang là Tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam với vốn hóa lên đến 79 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên trước khi bước vào giai đoạn thăng hoa như hiện tại, FPT cũng đã mất tới 10 năm để quay trở về giá trị công ty thời điểm mới lên sàn.

Ngay từ khi mới lên sàn, FPT đã được định giá khoảng 24 nghìn tỷ đồng, chỉ mới hơn 1 tháng rưỡi sau vốn hóa công ty lúc này đã lên tới trên 39 nghìn tỷ đồng.

Thế nhưng, sự thịnh vượng chớp nhoáng này không duy trì được lâu. Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 và những vấn đề nội tại của FPT đã kéo giá trị công ty giảm sâu, đến tháng 6/2008 chỉ còn khoảng 4.500 tỷ đồng, tức giảm khoảng 88% nếu so với đỉnh hồi đầu năm 2007.

ông Hoàng Nam Tiến từng hài hước ví von, FPT bị bệnh “đột kim” – là bệnh đột nhiên có nhiều tiền. FPT rơi vào trạng thái “nghĩ mình quá giỏi, giỏi đến mức cái gì cũng làm được”. Do đó, tập đoàn này đã đi mở ngân hàng, mở công ty chứng khoán, lập công ty quỹ, đầu tư bất động sản. “Kỳ lạ, tất cả việc đó thất bại”, ông Tiến cảm thán.

Cổ phiếu công nghệ Việt Nam đã ít nhưng lại hay mang về trái đắng: SSI, Vietnam Holding cùng nhiều quỹ lớn đều từng phải cắt lỗ - Ảnh 4.

Tới năm 2017, FPT quyết định thoái vốn khỏi mảng phân phối và bán lẻ, chuyển mình thành một công ty công nghệ thuần túy Cùng trong năm 2017, FPT chứng kiến mức lợi nhuận sau thuế tăng mạnh lên hơn 3.528 tỷ đồng, sau thời kì đi ngang tầm 2.000-2.500 tỷ đồng liên tục từ năm 2011-2016.

Từ lúc này, FPT chính thức “về bờ” với vốn hóa khoảng 30.000 tỷ đồng và đến năm 2019 khi FPT chính thức trẻ hóa với việc bổ nhiệm CEO 7x Nguyễn Văn Khoa, giá trị công ty tăng lên khoảng 40.000 tỷ đồng.

Còn CMG đã tăng trưởng nhanh chóng trong giai đoạn 2007 – 2009. Tuy nhiên, lợi nhuận doanh nghiệp bắt đầu sụt giảm từ năm 2010 và lỗ đến hơn 100 tỷ năm 2011 do mở rộng mảng phân phối và lắp ráp nhưng không kiểm soát tốt chi phí. Sau đó CMG đã tái cơ cấu, thay đổi chiến lược kinh doanh tập trung vào mảng tích hợp. Điều này khiến lợi nhuận công ty dần phục hồi. Đến năm 2019, từ sau khi hợp tác với Samsung SDS, tốc độ tăng trưởng của CMG cũng cải thiện. Hiện nay, lĩnh vực kinh doanh của CMC Group tập trung vào mảng Công nghệ và Giải pháp, Dịch vụ viễn thông và Kinh doanh quốc tế.

Cổ phiếu công nghệ Việt Nam đã ít nhưng lại hay mang về trái đắng: SSI, Vietnam Holding cùng nhiều quỹ lớn đều từng phải cắt lỗ - Ảnh 5.

Cổ phiếu công nghệ Việt Nam đã ít nhưng lại hay mang về trái đắng: SSI, Vietnam Holding cùng nhiều quỹ lớn đều từng phải cắt lỗ - Ảnh 6.

Diễn biến giá các cổ phiếu từ trước tới nay

Bên cạnh các cổ phiếu niêm yết thì cũng có thể kể đến trường hợp Saigontel, SQC Mining rót hơn 700 tỷ đồng mua 40% cổ phần của CTCP Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT) vào năm 2011. Khi đó SPT cùng đối tác Hàn Quốc đang triển khai mạng viễn thông di động Sfone.

Sfone đã dừng hoạt động từ lâu và kế hoạch tái cơ cấu không biết đến khi nào thực hiện. Trong khi đó các hoạt động khác của SPT cũng không khởi sắc.

Cổ phiếu công nghệ Việt Nam đã ít nhưng lại hay mang về trái đắng: SSI, Vietnam Holding cùng nhiều quỹ lớn đều từng phải cắt lỗ - Ảnh 7.

https://cafef.vn/co-phieu-cong-nghe-viet-nam-da-it-nhung-lai-hay-mang-ve-trai-dang-ssi-vietnam-holding-cung-nhieu-quy-lon-deu-tung-phai-cat-lo-20220628112056125.chn