Cổ phiếu công nghệ Mỹ hết thời gây sốt
Nhóm cổ phiếu công nghệ đang mất giá mạnh nhất kể từ năm 2002, trong khi các cổ phiếu giá trị dần lấy lại vị thế.
Đến hết ngày 7/6, nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin của S&P 500 đã giảm 19% năm nay – mạnh nhất kể từ năm 2002. Với việc S&P 500 chỉ giảm 13% trong cùng giai đoạn, khoảng cách giữa chỉ số này với nhóm cổ phiếu công nghệ cũng đang ở mức lớn nhất kể từ năm 2004.
Đà lao dốc này khiến các nhà đầu tư quan tâm. Giá trị danh mục của các quỹ EFT tập trung vào công nghệ đã giảm kỷ lục 7.600 tỷ USD năm nay, theo dữ liệu của Morningstar Direct.
Diễn biến nhóm cổ phiếu công nghệ so với S&P 500. Đồ họa: WSJ
Trong nhiều năm, cổ phiếu công nghệ đã kéo thị trường chứng khoán Mỹ lên, giúp các chỉ số chính phá kỷ lục. Sự hào hứng với mọi thứ, từ điện toán đám mây đến phần mềm và mạng xã hội, đã tạo ra một đợt tăng trưởng mạnh trên thị trường. Các chính sách hỗ trợ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khi đại dịch xuất hiện càng khiến dòng tiền đổ vào tài sản rủi ro.
Tuy nhiên, năm nay, nhà đầu tư phải đối mặt với một môi trường hoàn toàn khác. Lợi suất trái phiếu đã vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2018. Nhiều xu hướng phát triển mạnh trong hai năm qua, như giao dịch quyền chọn với kỳ vọng cổ phiếu tăng giá, sự xuất hiện của các công ty thành lập có mục đích đặc biệt (SPAC) và tiền kỹ thuật số, thì giờ lại đang lao dốc. Chỉ các ngành năng lượng và điện – nước – gas trong S&P 500 là đi lên.
Một số nhà đầu tư cho rằng kỷ nguyên thống trị của cổ phiếu công nghệ kéo dài hàng thập kỷ trên thị trường sắp kết thúc. Các nhà đầu tư giá trị – mua cổ phiếu dựa trên các chỉ số như lợi nhuận hoặc giá trị sổ sách – đang giành lại được chiến thắng sau khi cổ phiếu của các hãng như Exxon Mobil, Coca-Cola và Altria Group hồi sinh.
Chỉ số Giá trị S&P 500 (S&P 500 Value index) đang vượt trội so với chỉ số Tăng trưởng S&P 500 S&P (500 Growth index) – gồm các công ty tăng trưởng cao thời gian qua như Tesla, Nvidia hay Meta.
Chris Covington – người đứng đầu bộ phận đầu tư tại AJO Vista, cho rằng thị trường đang có sự thay đổi lớn. “Tôi không tin mức tăng trưởng vượt trội như bạn đã thấy trong 5 năm qua sẽ lặp lại”, ông nói.
Đối với nhiều nhà đầu tư, việc đặt cược vào cổ phiếu công nghệ và sự hỗn loạn kéo dài hàng tháng trên thị trường giống với giai đoạn bong bóng dotcom năm 2000. Khi bong bóng vỡ, Nasdaq Composite mất gần 80% trong khoảng thời gian tháng 3/2000 – 10/2002. Sau này, đổi mới công nghệ và lãi suất thấp lại khiến nhà đầu tư đổ xô vào cổ phiếu liên quan đến Internet.
Năm nay, các cổ phiếu công nghệ đã ghi nhận một số đợt giảm kỷ lục, với vốn hóa bốc hơi hàng trăm tỷ USD, đôi khi chỉ trong vài giờ. Cuối tháng 5, cổ phiếu Snap mất 43% trong một phiên. Đây là mức giảm phần trăm trong một ngày lớn nhất đến nay, tương đương khoảng 16 tỷ USD giá trị thị trường. Giá trị các công ty fintech như Affirm Holdings Coinbase Global cũng đã mất hơn một nửa trong năm nay.
Các công ty lớn nhất của ngành này cũng không ngoài xu hướng. Nhóm cổ phiếu FAANG, gồm Facebook (thuộc Meta Platforms), Amazon, Apple, Netflix và Google (thuộc Alphabet), đều bị sụt giảm ở mức hai con số trong năm nay, tệ hơn S&P 500.
Sau khởi đầu ảm đạm nửa đầu 2022, nhiều nhà đầu tư đang suy đoán xem khu vực nào của thị trường sẽ tiếp tục đi xuống. “Khi bong bóng vỡ, cổ phiếu không chỉ giảm về giá trị hợp lý, mà còn xuống sâu hơn thế”, Ben Inker – Đồng trưởng bộ phận phân bổ tài sản của hãng quản lý tiền tệ GMO cho biết.
Nhưng ngay cả khi bị bán tháo, cổ phiếu công nghệ vẫn chiếm tỷ trọng 27% trong S&P 500 – gần mức cao nhất kể từ sau bong bóng dot-com, theo Bank of America. Một số nhà đầu tư cũng chỉ ra những khác biệt quan trọng giữa hiện tại và quá khứ.
Dù giá cổ phiếu công nghệ tăng vọt những năm gần đây, thị trường chưa đạt đến mức từng thiết lập vào tháng 3/2000 khi P/E (hệ số giá cổ phiếu trên lợi nhuận) của S&P 500 chạm 26,2. Tại đỉnh điểm vào tháng 9/2020, P/E đạt 24,08, theo FactSet.
Diễn biến P/E của S&P 500. Đồ họa: WSJ
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã tăng lên gần đây, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức lịch sử. Hôm 8/6, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm dao động quanh 3%. Năm 2000, nó là khoảng 5%.
Hiện tại, chu kỳ tăng lãi suất của Fed mới chỉ bắt đầu. Các nhà đầu tư dự báo Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay. Điều đó có nghĩa lợi suất có thể sẽ tiếp tục tăng, có khả năng gây thêm áp lực lên các cổ phiếu công nghệ và cổ phiếu tăng trưởng khác. Lợi suất tăng sẽ khiến dòng tiền trong tương lai của các công ty kém hấp dẫn hơn.
Những lo lắng về việc Fed sẽ tăng lãi suất nhanh và mạnh đã làm dấy lên cuộc tranh luận về việc liệu nền kinh tế có hướng tới suy thoái hay không. Dù vậy, dữ liệu gần đây không cho thấy việc này sẽ xảy ra trong ngắn hạn.
Nhiều nhà đầu tư đang đặt cược vào khả năng giảm của nhóm công nghệ để kiếm lời. Trong 11 nhóm ngành thuộc S&P 500, công nghệ đang có tổng khối lượng bán khống cao nhất trong quý II, theo S3 Partners. Nhà đầu tư vẫn đang đặt cược rất nhiều vào Tesla, Apple, Microsoft và Amazon, khiến chúng trở thành một trong những cổ phiếu bị bán khống nhiều nhất, giống như hai năm trước đó.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư và nhà phân tích vẫn tự tin rằng sự thống trị của công nghệ chưa kết thúc. Theo Jay Kaeppel, Nhà phân tích tại Sundial Capital Research, tỷ lệ giữa quyền chọn bán và quyền chọn mua trên Quỹ Technology Select Sector SPDR Fund cho thấy điều tồi tệ nhất có thể đã qua đối với lĩnh vực này.
David Eiswert, Nhà quản lý danh mục đầu tư tại T.Rowe Price cũng cho rằng không phải mọi cổ phiếu công nghệ đều có triển vọng kém. Một số cổ phiếu công nghệ, như Amazon, càng hấp dẫn sau sự sụt giảm gần đây, giúp ông có thể tăng mua.
Phiên An (theo WSJ)