Có nên mua SIM 4G giá rẻ, bán đầy trên mạng
Dù từ năm 2021 các nhà mạng đã dốc sức xóa SIM rác bằng hàng loạt biện pháp, đến nay loại SIM này vẫn tràn lan trên chợ mạng dưới mác sim 4G giá rẻ.
Tìm kiếm từ khoá “SIM 4G giá rẻ” trên các sàn thương mại điện tử, không khó để bắt gặp hàng trăm nghìn lượt kết quả trả về cùng những lời quảng cáo có cánh như “rẻ nhất thị trường”, “thánh SIM 4G” hay “miễn phí data không giới hạn” với giá cước hàng tháng chưa đến 55.000 đồng.
Điểm qua các SIM 4G được rao bán trên mạng, thường thấy nhất chính là các loại SIM data 4G không giới hạn dung lượng của Vietnamobile, MDT250A của MobiFone, V120N của Viettel với lượt mua đến hàng chục nghìn lượt, cùng hàng nghìn đánh giá. Tuy nhiên, người mua có thể nhận sản phẩm không đảm bảo chất lượng, cũng như gặp rủi ro lộ thông tin khi đăng ký.
Giá rẻ bằng một nửa, mua dùng được cả năm
Khi được hỏi về thông tin sản phẩm SIM 4G của Vietnamobile được quảng cáo là “data 4G trọn đời”, người bán cung cấp thông tin là chỉ cần nạp phí duy trì 39.000 đồng/tháng sẽ được 30 GB dữ liệu 4G tốc độ cao trong 1 tháng, gia hạn liên tục 1 năm. Thậm chí với sản phẩm SIM 2000 giá 220.000 đồng, người bán khẳng định mỗi ngày nhận 5 GB dữ liệu, không cần nạp thêm tiền trong suốt 12 tháng.
So sánh với các gói cước 4G Vietnamobile đang cung cấp như gói 4GM150 với 40 GB data giá 150.000 đồng/tháng, ta có thể thấy sự chênh lệch rõ rệt, khiến người mua có cảm giác đã mua được “món hời”.
Không chỉ xuất hiện tại các cửa hàng SIM thẻ, SIM rác đang được bán tràn lan trên chợ mạng dưới mác SIM 4G giá rẻ. Ảnh: Ngô Minh.
Chênh lệch giá còn xảy ra ở gói cước ở những nhà mạng khác. Như SIM MDT135A của nhà mạng MobiFone, thay vì phải chi 900.000 đồng/năm, tương đương 75.000 đồng/tháng cho gói cước 4G, người dùng chỉ phải thanh toán 159.000 đồng, khoảng 13.000 đồng/ tháng, rẻ hơn 5 lần giá cước nhà mạng đưa ra.
Theo lời quảng cáo của người bán, loại SIM 4G giá rẻ này phù hợp với sinh viên, học sinh, tài xế xe công nghệ có nhu cầu truy cập Internet, sử dụng 4G liên tục với giá thành vừa túi tiền. Các dòng SIM cần gia hạn theo tháng có giá 14.000-60.000 đồng, còn những dòng có thể sử dụng liên tục trong 1 năm có giá 160.000-700.000 đồng.
Anh Lê Nguyễn Quốc Dũng (21 tuổi, Bình Phước) cho rằng anh chọn mua SIM bởi “không cần phải đi đến cửa hàng đăng kí, đỡ mất thời gian”. Có thể thấy thêm sự tiện lợi của dòng SIM này chính là người mua hoàn toàn có thể sử dụng ngay mà không cần thông tin chính chủ.
Dấu hỏi về chất lượng
Khi nhận hàng và sử dụng, nhiều người dùng đã lên tiếng về tình trạng SIM đã bị kích hoạt từ trước, bị yêu cầu nạp thêm tiền hay thậm chí là SIM không còn hạn sử dụng.
“Tuy tôi mua SIM mới mà về tôi không thể đăng kí sử dụng mạng xã hội được, tài khoản thì bị khóa, khi thông báo đến người bán thì bị chặn tin nhắn”, một người dùng phản ánh về sản phẩm SIM 4G mua trên chợ mạng. Những phản hồi dạng này là rất phổ biến, cho thấy chất lượng không như quảng cáo của nhiều sản phẩm SIM 4G giá rẻ.
Nhiều loại SIM 4G giá rẻ trên chợ mạng chỉ hoạt động được một thời gian, không có chính sách bảo hành cho người mua. Ảnh: Ngô Minh.
Chia sẻ với Zing, một chuyên gia về viễn thông cho biết về bản chất, SIM mua về cắm vào có thể sử dụng ngay, không cần khai báo thông tin chính chủ được liệt kê vào nhóm SIM rác. Ngoài rủi ro bị xử phạt vì sử dụng SIM rác, người mua và sử dụng SIM không chính chủ còn có khả năng bị lừa đảo, mua phải những loại SIM không thể sử dụng được như cam kết.
“Bên cạnh đó, khi gửi thông tin để đăng ký chính chủ SIM mua trên mạng, người dùng còn có khả năng bị lấy cắp thông tin để đăng ký cho những SIM không chính chủ khác. Nhiều khả năng SIM 4G giá rẻ bán trên mạng cũng được đăng ký sẵn bằng cách sử dụng thông tin của các khách hàng trước đó”, vị này cho hay.
Chia sẻ với Zing, đại diện một nhà mạng lớn cho biết là khó khăn chung mà các nhà mạng đang phải giải quyết.
“Những dạng SIM 4G giá rẻ này đúng theo định nghĩa thì là SIM rác và rất khó quản lý. Các đại lý thường bán số lượng lớn cho các dân buôn chợ mạng để nhóm này bán lại trên các sàn TMĐT, mạng xã hội”, vị này chia sẻ.
“Cái khó nữa cũng đến từ thói quen tiêu dùng của người dùng Việt Nam khi từ lâu đã quen với việc mua SIM về lắp máy là phải dùng được ngay, hiếm người có nhu cầu tới điểm bán của nhà mạng để mua dạng đăng ký thông tin thuê bao chính chủ”, nguồn tin nói thêm.
Nhằm ngăn chặn và truy quét toàn bộ SIM rác, xóa sổ tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác, các nhà mạng đã triển khai thu thập khảo sát thông qua tin nhắn đến hơn 41 triệu thuê bao nghi ngờ bị nhận cuộc gọi, tin nhắn rác, qua đó ngăn chặn được hơn 26 triệu thuê bao nghi ngờ có hành vi phát tán cuộc gọi rác.
Bên cạnh đó, từ tháng 4, Bộ Thông Tin và Truyền thông đã kiểm tra, theo dõi nhằm xử lý các thuê bao không đúng quy định, phát tán tin nhắn rác hay các thuê bao sử dụng nhằm để quảng cáo. Theo quy định tại Nghị định số 49, hành vi sử dụng giấy tờ của người khác (kể cả được cho mượn) hay chuyển SIM mình đăng ký cho người khác sử dụng mà không giao kết lại hợp đồng sẽ chịu xử phạt vi phạm hành chính đến 500.000 đồng.
Đợt kiểm tra nhằm giúp các doanh nghiệp viễn thông siết chặt và kiểm soát hiệu quả hơn các thông tin đăng kí thuê bao, chung tay cùng Bộ “xóa sạch” tình trạng SIM rác, tin nhắn rác vẫn luôn gây phiền phức và nhiều hệ lụy cho người dân.