Có nên giao bài tập Tết cho học sinh sau thời gian dài học online?
–
Thứ tư, 26/01/2022 14:59 (GMT+7)
Nhắc đến Tết Nguyên đán là nhắc đến sum vầy, vui chơi, nghỉ dưỡng… Thế nhưng nhiều học sinh lại “ám ảnh” với Tết, bởi kỳ nghỉ Tết của các em thường gắn với hàng loạt bài tập về nhà.
Giảm bớt gánh nặng học tập vào kỳ nghỉ
Mỗi năm cứ dịp Tết đến thì ngoài những cảm xúc hào hứng của việc được nghỉ, được tham gia các hoạt động lễ hội với người thân thì năm nào học sinh cũng ám ảnh với “bài tập Tết”. Giáo viên mà không giao bài thì không an tâm, sợ rằng học sinh của mình lãng quên kiến thức. Phụ huynh thì đứng vào thế lưỡng nan, không có bài tập thì lo con “rơi rụng” kiến thức, mà có bài tập thì thật ngao ngán.
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Thực tế phản ánh rằng mặc dù giáo dục đã chuyển từ nặng về nội dung, thiên về ứng thí sang học để có năng lực làm việc, học để có năng lực chung sống. Thế nhưng phần lớn cộng đồng, phụ huynh và giáo viên vẫn giữ niềm tin cũ là học để nhớ thông tin, để thi, và thi mà điểm thấp thì có nghĩa là trò học không tốt, cô dạy không tốt, cha mẹ phối hợp giáo dục con không tốt. Cuối cùng thì bao nhiêu áp lực và nỗi lo thành tích của người lớn cuối cùng sẽ đổ lên hết đầu đứa trẻ thông qua hệ thống bài tập”, PGS. TS Trần Thành Nam chia sẻ.
Theo PGS. TS Trần Thành Nam, trong năm 2021, với thời gian học online ở nhà chưa từng có trong tiền lệ trong lịch sử, theo các nghiên cứu chỉ ra có đến hai phần ba số học sinh đang bị tổn thương sức khỏe tâm thần. Vậy nên, việc giao thêm các bài tập dạng để nhớ, để hiểu trong dịp Tết Nguyên đán nên loại bỏ vì nó sẽ mang lại những cảm xúc tiêu cực đối với việc học tập của học sinh.
Học sinh lớp 1 tại Hà Nội sẽ làm bài kiểm tra trực tuyến. Ảnh: Tường Vân.
Chuyển đổi cách giao bài tập về nhà
Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh cho biết, một khi đã gọi là “nghỉ Tết” thì học sinh phải được thảnh thơi để cùng bố mẹ chuẩn bị Tết, ngắm Tết, chơi Tết và ăn Tết. “Thay vì giao bài toán, bài tập làm văn cho học sinh trong kì nghỉ Tết thì giáo viên nên giao nhiệm vụ trải nghiệm. Ví dụ: Tham gia chuẩn bị Tết; tìm hiểu tục lễ Tết ở quê em; quay clip hoặc mô tả cách làm một món ăn ngày Tết; đi thăm vườn đào, vườn mai…” -Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh nói.
Còn theo PGS.TS Trần Thành Nam, giáo dục đã và đang chuyển đổi từ việc học để biết và nhớ sang học để “tự học”, chuyển từ việc học kiến thức phân mảnh (toán, lý, hóa riêng rẽ) sang học kiến thức tích hợp kết nối tri thức với cuộc sống (thể hiện qua các dự án STEM, STEAM)… Vậy nên nếu các thầy cô giáo giao bài tập Tết cho học sinh thì nên giao các dự án để học sinh có cơ hội vận dụng kiến thức tổng hợp vào thực tiễn và sáng tạo nên những sản phẩm hữu ích.
Cụ thể, với học sinh bậc THCS, giáo viên có thể hướng dẫn và giao cho các em thực hiện làm một loại mỹ phẩm từ thiên nhiên. Qua đó, thời gian nghỉ Tết các em sẽ có cơ hội tìm hiểu nhận biết được các nguyên liệu tự nhiên có thể sử dụng điều chế mỹ phẩm như bồ kết, hoa hồng. Các em sẽ tự tìm hiểu quy trình điều chế như son môi, xà phòng, dầu gội. Thực hành điều chế dầu gội, dầu xả hoặc tinh dầu. Nó có thể được sử dụng như một món quà đầu năm mới để tặng bạn bè. Điều này vừa làm cho HS hào hứng, vừa tạo cho các em cơ hội để học từ cuộc sống, trải nghiệm những điều ý nghĩa giá trị của cuộc sống và ăn một cái Tết thật vui.
Còn theo TS. Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội, giáo viên cần thay đổi cách giao bài tập về nhà, không nên quá cứng nhắc. Các bài tập phải gắn với kỳ nghỉ Tết để học sinh có thể vận dụng, quan sát. Những bài tập như vậy vừa khiến học sinh hứng thú, vừa giúp củng cố kiến thức.