Cơ hội và thách thức đối với sự phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 (phần cuối)

Cơ hội và thách thức đối với sự phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 (phần cuối)


 

2.2 Điểm yếu và thách thức

Tư duy quản lý văn hóa chưa theo kịp sự phát triển của xã hội. Dấu ấn của tư duy bao cấp, “xin cho”, tư duy hành chính – mệnh lệnh, tác nghiệp vẫn còn nặng nề. Hiện nay các cơ quan quản lý vẫn còn ôm đồm nhiều công việc “làm văn hóa” hoặc bị sa đà vào các hoạt động văn hóa cụ thể, các công việc sự vụ, phong trào mà chưa thực sự phát huy được đầy đủ trách nhiệm, vai trò của xã hội dân sự, của cộng đồng, của doanh nghiệp và các hiệp hội nghề nghiệp. Cơ chế quản lý vẫn chủ yếu mang tính tập quyền, tính chất phân quyền, phi tập trung hóa chưa cao. Các chủ trương, đường lối, kế hoạch phát triển văn hóa phần lớn được xác định và xây dựng từ cấp vĩ mô tỏa xuống các cấp vi mô, chứ không được đề xuất và xây dựng từ dưới lên, từ thực tiễn cơ sở. Pháp luật chưa trở thành công cụ tối thượng để điều tiết, kiểm soát, điều chỉnh đời sống văn hóa. Nhận thức về văn hóa của các ngành, các cấp có lúc còn cứng nhắc, áp đặt, giáo điều. Trên thực tế, vị thế của văn hóa còn thấp, chưa thực sự được đặt ngang hàng với các lĩnh vực khác. Mối quan hệ tổng thể của văn hóa với bộ, ngành, lĩnh vực khác, như giữa văn hóa với kinh tế, với giáo dục… có lúc còn bị xao nhãng.

 

  *  Việt Nam vẫn đang trong quá trình chuyển đổi tiếp diễn, nền kinh tế thị trường còn trong giai đoạn sơ khai, non trẻ, điều kiện kinh tế, khoa học, kỹ thuật của đất nước, nguồn nhân lực… còn nhiều hạn chế. Sự phát triển chưa bền vững, có nhiều biến động, ảnh hưởng đến sự phát triển nhiều mặt đời sống, trong đó có lĩnh vực văn hóa. Chất lượng kém của dân số, giáo dục, y tế và an sinh xã hội đang là vấn đề đáng lo ngại. Bên cạnh đó là sự bất bình đẳng xã hội ngày càng gia tăng. Nguy cơ tụt hậu cao nếu không bứt phá từ vai trò “công xưởng”, sử dụng lợi thế dân số vàng và sức lao động giá rẻ sang phát triển dựa trên nền tảng công nghệ, trí thức, sáng tạo. Tuy nhiên, khung chính sách dành cho kinh tế tri thức thì vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

 

  * Thể chế quản lý chưa theo kịp và đáp ứng với yêu cầu phát triển. Nhìn chung, thể chế văn hoá còn chậm đổi mới, không đồng bộ, nhanh chóng bị lạc hậu. Việc ban hành luật vẫn còn những yếu kém, chất lượng của nhiều bộ Luật về văn hóa chưa cao. Một số văn bản quản lý vừa được ban hành đã có những bất cập, đòi hỏi phải điều chỉnh, bổ sung. Việc tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về văn hoá còn yếu nên nhiều quy phạm pháp luật chưa thực sự đi vào cuộc sống. Việc thực thi nhiều qui định của pháp luật liên quan đến văn hóa còn lúng túng (ví dụ: Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định nghệ thuật biểu diễn). Cơ chế, chính sách về kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế, về huy động, quản lý các nguồn lực cho văn hóa chưa cụ thể, rõ ràng, chưa thực sự tạo nhiều ưu đãi nên hiệu quả huy động các nguồn lực xã hội chưa cao. Quá trình chuyển đổi các đơn vị nhà nước, đặc biệt là các đơn vị hoạt động nghệ thuật, dịch vụ văn hóa theo hướng xã hội hóa còn chậm. Nhiều hiện tượng văn hoá sai lệch không có chế tài để xử phạt hoặc bị chồng chéo khi bị chi phối bởi các điều luật khác nhau. Bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa cồng kềnh, ôm đồm, chồng chéo chức năng, ảnh hưởng đến hiệu lực và hiệu quả của cả bộ máy. Một số đơn vị quản lý nhà nước vừa thực hiện chức năng quản lý vừa trực tiếp triển khai các hoạt động mang tính chất sự nghiệp, dẫn đến tính trạng chồng chéo, chạy theo sự vụ. Cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa ở các cấp với các tổ chức chính quyền và đoàn thể trong hệ thống chính trị còn thiếu chặt chẽ, trách nhiệm không rõ. Việc kiện toàn tổ chức, nhân sự của ngành và hệ thống cơ quan quản lý từ cấp tỉnh đến cơ sở còn những hẹn chế. Đội ngũ cán bộ quản lý nhìn chung chưa đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, chưa bắt kịp với yêu cầu của thực tiễn. Sự tách bạch giữa quản lý nhà nước và hoạt động tác nghiệp chưa rõ. Có lúc, có nơi ở các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các đơn vị quản lý ngành ở các địa phương có biểu hiện sao nhãng, buông lỏng quản lý, nhất là trong công tác quản lý di sản văn hoá, bản quyền tác giả, môi trường du lịch, quản lý nhà nước về gia đình…

 

  * Nguồn nhân lực cho sự phát triển văn hóa còn yếuthiếu các kỹ năng chuyên môn và quản lý văn hóa trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, đặc biệt là năng lực đổi mới sáng tạo, các kỹ năng quản trị kinh doanh. Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý về văn hóa ở các cấp không theo kịp sự phát triển phong phú, đa dạng, xuất hiện nhiều hiện tượng mới và phức tạp của hoạt động văn hóa, dẫn tới lúng túng trong hoạch định chính sách, trong hướng dẫn tổ chức thực hiện, trong xử lý các vụ việc vi phạm luật pháp và các chính sách về văn hóa. Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý văn hoá chưa đáp ứng được yêu cầu, còn hẫng hụt cán bộ văn hoá ở các vị trí quan trọng, nguồn nhân lực chất lượng cao trong văn hóa còn nhiều hạn chế, bất cập. Mức độ đầu tư, chính sách tuyển dụng, chế độ đãi ngộ,… đối với các nghệ nhân, với các tài năng nghệ thuật nói riêng và văn nghệ sĩ, tầng lớp trí thức nói chung còn chưa phù hợp. Lực lượng sáng tác, nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật còn yếu và thiếu. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật chưa theo kịp với yêu cầu của đời sống văn hóa ngày càng mới mẻ, phức tạp. Cán bộ làm công tác văn hoá ở các cấp còn tình trạng chắp vá, trình độ chuyên môn còn hạn chế.

 

  * Đầu tư cho văn hóa ở cả trung ương và địa phương chưa tương xứng với vai trò, vị trí của văn hóa trong phát triển. Về tổng thể, mức đầu tư cho văn hóa trong tổng chi ngân sách tương đối thấp so với các lĩnh vực khác, chưa tương xứng với thực tiễn. Chi cho văn hóa chưa bền vững, đồng đều. Theo số liệu báo cáo, hiện nay tỷ lệ chi cho văn hóa chỉ đạt 1,71% và vẫn chưa mang tính bền vững, đồng đều giữa các địa phương. …Kinh phí từ ngân sách còn hạn hẹp, huy động nguồn đầu tư từ xã hội cho các hoạt động nghệ thuật còn rất thấp.

 

  * Hệ thống các thiết chế và cơ sở vật chất cho hoạt động văn hoá nhìn chung còn kém phát triển và trong tình trạng xuống cấp, chắp vá, thiếu đồng bộ và hiệu quả sử dụng còn thấp. Hệ thống các thiết chế văn hóa truyền thống chưa được nghiên cứu để bảo tồn, phát huy một cách hiệu quả, trong khi các thiết chế văn hóa mới chưa được xây dựng đủ và phù hợp. Cơ sở vật chất trang bị cho hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở hiện còn thiếu nhiều, một số nơi không duy trì được hoạt động thường xuyên, nội dung hoạt động nghèo nàn. Công tác quy hoạch, đầu tư phát triển thiết chế văn hóa trọng điểm còn chậm, chưa có sự đầu tư và kế hoạch khả thi để xây dựng các công trình văn hóa nghệ thuật tiêu biểu, có giá trị xứng tầm thời đại. Hệ thống thiết chế văn hoá vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa thực sự phù hợp với đặc điểm vùng miền, đến nhu cầu và nguyện vọng của người dân, nội dung hoạt động còn nghèo nàn, chưa thiết thực. Một số thiết chế văn hóa còn phân tán, hiệu quả hoạt động thấp, mô hình, cơ chế quản lý chưa phù hợp như các nhà văn hóa, trung tâm văn hóa. Nhiều thiết chế văn hóa nghệ thuật của nhà nước hoạt động thiếu hiệu quả do thiếu kỹ năng kinh doanh, cơ chế quản lý không phù hợp, trang thiết bị đều trong tình trạng lạc hậu, chắp vá, thiếu thốn và hiệu quả sử dụng không cao.

 

  * Dịch vụ, sản phẩm văn hóa còn kém phát triển và có chất lượng thấp. Hiện Việt Nam còn thiếu các thương hiệu văn hóa ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế, thiếu những sản phẩm văn hóa có chất lượng cao, góp phần bồi bổ tâm hồn, xây dựng nhân cách, giáo dục đạo đức. Tình trạng nhập khẩu, nhập siêu sản phẩm văn hóa nước ngoài vào Việt Nam vượt trội so với xuất khẩu văn hóa, việc tiếp thu dễ dãi, thiếu chọn lọc sản phẩm văn hóa nước ngoài còn diễn ra phổ biến. Các sản phẩm văn hóa Việt Nam vẫn chưa thực sự sáng tạo, phong phú so với tiềm năng của đất nước, chưa đáp ứng được nhu cầu của công chúng, năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa và thị trường quốc tế còn thấp, xuất hiện một số tác phẩm và sản phẩm bắt chước, mô phỏng, chạy theo hình thức và các thủ pháp mới, đánh mất bản sắc văn học, nghệ thuật dân tộc. Bên cạnh đó, còn một số vấn đề cụ thể trong công tác quản lý của ngành văn hoá đã dẫn đến tình trạng không kiểm soát được các hoạt động thương mại hóa trong việc kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ văn hoá, sự phục hồi và phổ biến của nhiều hiện tượng mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu.

 

  * Bản sắc văn hóa dân tộc có nguy cơ bị phai nhạt. Việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa cao, nguy cơ mai một chưa được ngăn chặn. Văn hóa các dân tộc trong tình trạng bị “Kinh hóa”, nhiều dân tộc đã mất hầu hết những nét văn hóa đặc sắc trong tiến trình phát triển, hội nhập, đời sống văn hóa – nghệ thuật nghèo nàn. Nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể đồng bào các dân tộc thiểu số, như tiếng nói, chữ viết, tri thức dân gian, tập quán xã hội của các dân tộc chưa được chú trọng kiểm kê và lập hồ sơ bảo vệ. Kinh phí đầu tư cho hoạt động công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể còn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật chưa được quan tâm phát triển, trong đó có nhiều ngành nghệ thuật đỉnh cao và nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật công cộng, nghệ thuật mới. Hoạt động giáo dục nghệ thuật truyền thống trong nhà trường mang tính hình thức, chưa tạo điều kiện cho học sinh phát triển năng khiếu nghệ thuật và sáng tạo.

 

  * Môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, tội phạm có chiều hướng gia tăng. Văn hóa ứng xử nơi công cộng, ở công sở, trong gia đình, nhà trường có nhiều bất cập. Sự suy thoái về tư tưởng, xuống cấp về đạo đức, tha hóa về lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Nạn tham nhũng, hối lộ, làm ăn phi pháp, làm giàu bất chính, lối sống buông thả, h­ưởng lạc, sống gấp, thói cơ hội trong chính trị, gian lận trong học hành, bằng cấp,…diễn ra phổ biến. Đạo đức nghề nghiệp sa sút, ngay cả trong những lĩnh vực được xã hội tôn vinh như: y tế, giáo dục, bảo vệ luật pháp, báo chí… Tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng và lan rộng như: mại dâm, ma túy, trộm cướp, cờ bạc, rượu chè… Hiện tượng mê tín, dị đoan có chiều hướng lan rộng, ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục và trật tự, an toàn xã hội. Lối sống thiếu lý tư­ởng, hoài bão, thiếu ý chí phấn đấu có phần gia tăng trong thế hệ trẻ. Văn hóa gia đình chưa được chăm lo, củng cố. Văn hóa học đường có những biểu hiện đáng báo động. Các hành vi bạo lực, phản cảm, ứng xử thiếu văn hóa, bệnh dối trá, đạo đức giả, nói không đi đôi với làm, sự xuống cấp về đạo đức, suy thoái về lối sống, sự băng hoại các giá trị văn hóa đang có chiều hướng phát triển tạo nên sự lo lắng, bất an của xã hội. Bên cạnh đó là sự bất bình đẳng xã hội ngày càng lớn. Vùng dân tộc thiểu số đã và đang bị nhiều luồng văn hóa bên ngoài không phù hợp với đặc điểm và thuần phong mỹ tục xâm nhập. Nhiều nơi buông lỏng lãnh đạo, quản lý, coi văn hóa, văn nghệ chỉ là giải trí đơn thuần, thậm chí tầm thường làm cho môi trường văn hóa bị ô nhiễm, tác động tới tâm lý xã hội. Việc tổ chức nhiều phong trào văn hoá, các ngày kỷ niệm, hội họp ở các ngành, địa phương còn mang tính hình thức, bề nổi, chạy theo bệnh thành tích, gây lãng phí nội dung các phong trào còn nghèo nàn, hiệu quả chưa cao. Việc cưới, việc tang, lễ hội còn có những biểu hiện tiêu cực, hiện tượng thương mại hóa, mê tín dị đoan ở một số lễ hội chưa được xử lý triệt để.

 

 

  * Khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân chậm được rút ngắn. Trong những năm qua, mặc dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển văn hóa vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, nhưng đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu, khoảng cách về hưởng thụ văn hóa so với khu vực đô thị và các khu vực khác vẫn chậm được thu hẹp. Ở nhiều vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng, kháng chiến trước đây, vùng biên giới, hải đảo, các sinh hoạt và hoạt động văn hoá còn nhiều thiếu thốn, yếu kém. Các thiết chế văn hóa, thể thao tuy đã được quan tâm đầu tư xây dựng, nhưng hoạt động thiếu hiệu quả, nội dung, phương thức nghèo nàn, trùng lặp, không phù hợp với truyền thống văn hóa và điều kiện kinh tế, địa lý của người dân sở tại. Một số bị sử dụng sai mục đích, bị bỏ hoang, xuống cấp.

 

  * Hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhiều vấn đề của đời sống, còn xa rời thực tiễn sáng tác. Khoảng cách của nhiều vấn đề lý luận với cuộc sống hiện thực không những chưa được thu hẹp mà có xu hướng mở rộng thêm. Tinh thần dân chủ trong hoạt động lý luận chưa thực sự được phát huy mạnh mẽ như thời kỳ đầu đổi mới; các công trình nghiên cứu chuyên sâu về lý luận văn học, nghệ thuật còn ít và chất lượng chưa cao, nhất là trong các ngành nghệ thuật; chưa giải đáp được nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra, kém năng động so với thực tiễn sáng tác, thiếu những bước phát triển mới. Hiện nay đang tồn tại hai thực tế trái ngược nhau: một mặt, lý luận văn hóa bị lạc hậu, đi sau cuộc sống, hàng loạt câu hỏi cơ bản và cấp bách do thực tiễn đặt ra mà công tác lý luận chưa trả lời được, hoặc trả lời chưa thuyết phục. Mặt khác, do thiếu sự dẫn dắt, chỉ đường, định hướng của lý luận đúng đắn, nên nhiều hiện tượng văn hóa diễn ra một cách tự phát, khiến cho chỉ đạo thực tiễn bị lúng túng, thụ động đối phó, không có đối sách rõ ràng, kịp thời và hiệu quả. Hoạt động phê bình văn nghệ chưa góp phần định hướng kịp thời, chưa thực hiện tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với sáng tác, nhiều khi còn dễ dãi, né tránh, cảm tính trong phê bình và ngược lại, cũng xuất hiện kiểu phê bình áp đặt, triệt tiêu bản chất khoa học của phê bình văn nghệ; chưa phân tích phê phán đầy đủ những khuynh hướng sai trái, lệch lạc. Chất lượng khoa học và tính chuyên nghiệp của phê bình còn chưa đủ sức thuyết phục đối với yêu cầu của xã hội, có sự tách biệt giữa lý luận và thực tiễn.

 

  * Hệ thống thông tin đại chúng còn phát triển một cách thiếu quy hoạch, gây lãng phí nguồn lực và quản lý không theo kịp sự phát triển. Một số cơ quan truyền thông có biểu hiện thương mại hóa, xa rời tôn chỉ, mục đích.

 

  * Thách thức trong việc hoàn thiện thể chế văn hóa, trong đó các chủ trương, đường lối lớn của Đảng và Nhà nước được cụ thể hóa và thực thi, để có thể hỗ trợ sự đa dạng và năng động của văn hóa mà không can thiệp quá đà và giới hạn sức sáng tạo. Cần hoàn thiện các chính sách thuế và luật định ảnh hưởng đến kinh doanh nghệ thuật và thị trường như quyền sở hữu trí tuệ, hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy sự tham gia vào văn hóa của các đối tác khác nhau trong lĩnh vực công, tư và độc lập. Thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hóa hay công nghiệp sáng tạo như một giải pháp để phát triển văn hóa. Xây dựng các cơ chế thúc đẩy phát huy nguồn lực, nhằm tạo nên sự hiệp lực, hợp tác chặt chẽ trong văn hóa, thúc đẩy sự điều phối, kết hợp giữa nhà nước, các nhà tài trợ, thành phần tư nhân để hỗ trợ cho sự phát triển bền vững, tăng trưởng, cạnh tranh và cải tổ trong lĩnh vực văn hóa.

 

  * Thách thức trong việc chuyển đổi mô hình từ quản lý tập trung sang mô hình phân cấp quản lý văn hóa phù hợp với bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, chức năng của Chính phủ đã thay từ làm văn hóa chuyển sang quản lý văn hóa, từ quản lý vi mô sang quản lý vĩ mô, từ quản lý trực tiếp chuyển sang quản lý gián tiếp, từ quản lý đơn vị trực thuộc chuyển sang quản lý xã hội. Thách thức trong việc tiếp tục Đổi mới tư duy lãnh đạo văn hóa văn nghệ của Đảng theo hướng dân chủ, cởi mở, phát huy tính sáng tạo, chủ động của các chủ thể văn hóa. Xây dựng các chủ trương, đường lối, Nghị quyết bám sát thực tiễn nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và yêu cầu phát triển bền vững; có sự phân quyền rõ ràng giữa Đảng và chính quyền trong triển khai thực hiện. Gia tăng việc kiểm tra, giám sát, tổng kết, đánh giá trong quá trình thực hiện. Đổi mới tư duy quản lý văn hóa dựa trên tư tưởng về quyền văn hóa và tinh thần xây dựng hệ thống hành chính công hiện đại; từng bước xây dựng cơ chế phân cấp, phân quyền mới theo nguyên tắc các cơ quan nhà nước tập trung vào phát triển hệ thống thể chế, đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng chủ chốt, phát triển nguồn nhân lực bậc cao, tổ chức một số hoạt động và sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc gia, các việc còn lại giao cho cộng đồng, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện

 

  * Thách thức của bối cảnh nền kinh tế số, của cách mạng 4.0. Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền thông đa phương tiện và kỹ thuật số, thị trường tự do, lĩnh vực văn hóa cần tạo ra sự khác biệt và ứng dụng thành công công nghệ trong việc tạo ra những sản phẩm, dịch vụ độc đáo, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của công chúng.

*   Thách thức về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các lĩnh vực văn hóa trong bối cảnh nguồn lực dành cho văn hóa, cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư cho văn hóa chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa tương xứng với vai trò và vị thế của văn hóa khi đặt trong quan điểm phát triển bền vững đất nước.

 

  * Thách thức về năng lực đổi mới sáng tạo, trong việc cải cách lĩnh vực văn hóa để làm cho văn hóa trở nên phát triển bền vững hơn và mang tinh thần doanh nghiệp[1]. Trong đó có những thách thức mới về việc nâng cao năng lực quản lý văn hóa trong cơ chế thị trường, về kỹ năng kinh doanh. Một trong những yêu cầu mới của lĩnh vực văn hóa là cần thiết lập mối quan hệ mạnh mẽ hơn với công chúng/người tiêu dùng, doanh nghiệp và cộng đồng, từ đó để nâng cao nhận thức về những các giá trị khác nhau của văn hóa.

 

  * Thách thức trong việc hoàn thiện năng lực vận hành, ứng dụng và quản lý cơ sở hạ tầng thông tin. Sự bùng nổ về thông tin, truyền thông đi kèm với làn sóng giao thoa, du nhập văn hoá với nhiều yếu tố văn hoá mới, có mặt tích cực nhưng cũng không ít những tiêu cực, trong khi trình độ cán bộ và phương tiện kỹ thuật để quản lý những vấn đề mới mẻ này còn hạn chế, dẫn đến sự lúng túng, bị động trong tổ chức thực hiện.

 

  * Thách thức từ toàn cầu hoá văn hoá như là một quá trình lưu thông mà thông qua đó, các nền văn hoá dân tộc đang ngày càng hội nhập và phụ thuộc lẫn nhau. Văn hóa của các nước lớn, giàu có, lan tỏa rộng, tác động sâu đến đời sống văn hóa của nhân dân, có thể dẫn đến sự biến đổi trong nhận thức, tình cảm và từ đó lệ thuộc vào văn hóa của các quốc gia khác một cách tinh vi, sâu sắc và có độ bền vững. Sự tiếp thụ thiếu chọn lọc văn hóa ngoại lai có nguy cơ làm tha hóa văn hóa dân tộc nếu bản thân Việt Nam không nâng cao sức mạnh nội sinh trong văn hóa, tiến hành hiện đại văn hóa nhưng không xa rời dân tộc. Bối cảnh toàn cầu hóa đặt ra thách thức cần xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc với tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại để làm phong phú cho văn hoá đất nước, thúc đẩy văn hoá phát triển, hiện đại hóa văn hóa nhưng không xa rời dân tộc. Tôn trọng và gìn giữ truyền thống để phát triển tương lai. Giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam, củng cố nội lực, tạo sức đề kháng trước những cuộc “xâm lăng văn hóa” từ bên ngoài, hòa nhập mà không hòa tan, xử lý tốt các mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế. Xử lý tốt các xung đột văn hóa nảy sinh trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa.

 

  * Thách thức trong việc xử lý rất hài hòa, đúng đắn nhiều mối quan hệ khác nhau của văn hóa. Trước hết, là mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, trong đó xử lý như thế nào mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội dân sự, giữa tập quyền và phân quyền trong văn hóa, trong việc coi văn hóa là một lĩnh vực của hệ tư tưởng. Thứ hai, là xử lý hài hòa mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, bao gồm các quan điểm coi sự phát triển văn hóa là một bộ phận của nền kinh tế, nhất là chuyển sang kinh tế tri thức chứ không phải bên lề, là hệ quả của phát triển kinh tế. Cân bằng giữa quan điểm văn hóa là hàng hóa – sản phẩm văn hóa được coi là một loại hàng hóa với cách nhìn nhận về vị thế của văn hóa là như một hàng hóa công cộng và đáp ứng các lợi ích xã hội. Thứ ba, xử lý mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, đơn cử như các di sản văn hóa cần được bảo tồn và phát huy như thế nào là thích hợp. Giữa bảo tồn truyền thống và phát triển văn hóa mới cần được định vị như thế nào trong một chính sách phát triển tổng thể.

 

  * Thách thức trong việc khuyến khích sáng tạo của nghệ sĩ và giới chuyên môn, bảo tồn đi đôi với việc tiến hành nâng cao, cải biên, hiện đại hoá văn hoá truyền thống, làm cho các giá trị truyền thống phù hợp với đời sống của xã hội đương đại, qua đó phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thành ngành có giá trị kinh tế cao và sức mạnh quảng bá tốt cho văn hóa quốc gia, phát triển nguồn nhân lực sáng tạo, mở rộng thị trường và làm cho ngành công nghiệp văn hoá có đóng góp ngày càng quan trọng hơn cho sự phát triển chung của cả nền kinh tế.

(Hết)

PGS.TS Bùi Hoài Sơn

Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

Thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương


[1] Việt Nam tăng trưởng kinh tế rất nhanh trong hai thập niên qua, nhưng tốc độ tăng trưởng đang sụt giảm dần do sự tăng trưởng dựa chủ yếu vào vốn, lao động giá rẻ, còn phần tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo và các đổi mới khác thì rất khiêm tốn, thay đổi thất thường theo thời gian. Sự năng động của khu vực kinh tế tư nhân chưa được thực sự phát huy