Cơ hội thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ở châu Phi

Nhận định rằng các nước châu Phi cần tăng cường năng lực sản xuất lương thực, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu khiến họ dễ bị ảnh hưởng bởi tình trạng tăng giá và thiếu hàng hóa, các ngân hàng phát triển và đối tác quốc tế, trong đó có Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Anh, đã cam kết tài trợ 30 tỷ USD nhằm thúc đẩy sản xuất lương thực tại châu Phi trong 5 năm tới. Đó là thông tin Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) Akinwumi Adesina (A.A-đê-xi-na) đưa ra sau phiên bế mạc Hội nghị thượng đỉnh Lương thực châu Phi diễn ra cuối tháng 1 vừa qua tại Senegal. Tại hội nghị, nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của châu lục đã lên tiếng hối thúc tăng cường sản xuất nông nghiệp để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu. Tổng thống Senegal và Chủ tịch tạm thời của Liên minh châu Phi (AU) Macky Sall (M.Xôn) nhấn mạnh, châu lục giàu tiềm năng này phải học cách tự kiếm ăn và góp phần cung cấp lương thực cho thế giới. Vị nguyên thủ nước chủ nhà hội nghị chỉ ra nghịch lý khi các nước châu Phi phải nhập khẩu phần lớn lượng lương thực mình tiêu thụ nhưng vẫn bỏ hoang tới 65% diện tích đất có thể canh tác, đồng thời ủng hộ việc phát triển một nền nông nghiệp hiện đại nhằm bảo đảm an ninh lương thực và thích nghi với những rủi ro về biến đổi khí hậu.

Theo ước tính của Liên hợp quốc, hơn 20% số dân châu Phi, tương đương 278 triệu người, đang đối mặt với nạn đói. Giới chuyên gia cho rằng, những yếu tố gây ra tình trạng mất an ninh lương thực là nợ công tăng cao từ đại dịch Covid-19, cùng với xung đột Nga-Ukraine đẩy giá nhiên liệu, ngũ cốc và dầu ăn leo thang, bên cạnh những nguyên nhân lâu nay như biến đổi khí hậu, bất ổn chính trị và xung đột. Trong thông điệp gửi tới cuộc gặp thượng đỉnh châu Phi về lương thực, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (A.Gu-tê-rét) khẳng định, việc triển khai toàn diện Khu vực tự do thương mại châu Phi mang lại tiềm năng to lớn cải thiện năng suất nông nghiệp, tạo ra các chuỗi giá trị nông nghiệp và mở rộng mậu dịch, bao gồm mậu dịch nội châu Phi. Ông cũng nhấn mạnh, việc chuyển đổi hệ thống lương thực là yếu tố cốt lõi để giảm nghèo, thúc đẩy an ninh lương thực, khuyến khích phát triển bền vững và tạo việc làm hiệu quả.

Tuy nhiên, để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, các nước châu Phi còn gặp nhiều khó khăn về huy động vốn. Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari (M.Bu-ha-ri) nhấn mạnh nhu cầu tiếp cận một nguồn tài chính hợp lý để có thể hỗ trợ các nhà sản xuất nông nghiệp và thương mại nông sản cỡ nhỏ. Tổng thống Kenya William Ruto (U.Ru-tô) kêu gọi thành phần kinh tế tư nhân tham gia vào các chương trình khuyến khích nông sản bền vững của chính phủ, đồng thời nêu bật những tiềm năng của quốc gia Đông Phi này để hoàn thành mục tiêu về an ninh lương thực. Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho biết, tổ chức này đã nhận được 71,44 triệu USD do EU tài trợ để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực tại 11 quốc gia ở miền Đông và miền Nam châu Phi. Theo WFP, số tiền này được tài trợ thông qua bộ phận viện trợ nhân đạo của WFP, đã ngay lập tức được sử dụng để đáp ứng các nhu cầu về lương thực. Khoản tiền này sẽ được sử dụng cho các hoạt động của WFP tại CHDC Congo, Ethiopia, Kenya, Madagascar, Mozambique, Rwanda, Somalia, Nam Sudan, Sudan, Tanzania và Zimbabwe, cho phép WFP cung cấp hỗ trợ cứu sinh vào thời điểm nhu cầu nhân đạo tiếp tục gia tăng. Phần lớn số tiền tài trợ sẽ được dùng để đáp ứng nhu cầu về dinh dưỡng và thực phẩm cơ bản của hàng triệu người trên khắp miền Đông và miền Nam châu Phi.