Cơ hội cho sản phẩm truyền thống

co hoi cho san pham truyen thong Làng nghề truyền thống Bát Tràng thu hút đông du khách nước ngoài

Trên địa bàn TP. Hà Nội hiện có 17 làng nghề truyền thống được công nhận nằm trong danh mục Dự án Phát triển làng nghề gắn với du lịch. Thành phố xác định, phát triển sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống là một trong những thế mạnh. Phát triển du lịch làng nghề cũng là nhiệm vụ quan trọng trong Nghị quyết Đại hội toàn quốc Hiệp hội Làng nghề Việt Nam lần thứ IV, nhiệm kỳ 2018 – 2023 với 4 mục tiêu trọng tâm “Kết nối cộng đồng làng nghề – Bảo tồn văn hóa – Phát triển du lịch – Hội nhập quốc tế”.

Nhận thấy tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng làng nghề truyền thống, ngành Công Thương đã tích cực đẩy mạnh hoạt động Phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề Hà Nội. Theo đó, kết nối một số tour du lịch đưa khách đến tham quan, mua sắm tại phòng trưng bày; hỗ trợ 30 cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ làng nghề, tư vấn thiết kế mẫu sản phẩm mới với tổng số 186 mẫu sản phẩm mới được tạo ra, trong đó có 46 mẫu sản phẩm phục vụ du lịch…

Cùng với đó, thành phố đã cho phép nghiên cứu xây dựng Đề án “Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) và làng dệt lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội)”; triển khai Đề án Thí điểm xây dựng nhận diện thương hiệu, biển chỉ dẫn và sản phẩm lưu niệm du lịch Hà Nội; thực hiện xây dựng nhận diện thương hiệu làng nghề Hà Nội và logo cho làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc; xây dựng các sản phẩm hàng lưu niệm mang đặc trưng của từng làng nghề và điểm du lịch trên địa bàn Hà Nội để tạo sức hấp dẫn của điểm đến… Việc Bát Tràng được công nhận là Điểm du lịch trong thời gian qua đã góp phần đưa làng gốm hơn 500 năm tuổi này trở thành một trong những điểm du lịch làng nghề tiêu biểu của Hà Nội và cả nước. Đồng thời, đẩy mạnh sự quan tâm, thu hút đầu tư của các tổ chức, cá nhân vào hoạt động du lịch của Bát Tràng, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp chính quyền và người dân trong phát triển du lịch địa phương.

Ngoài ra, các sở, ngành, thành phố thường xuyên chỉ đạo doanh nghiệp lữ hành đẩy mạnh xây dựng chương trình, tour du lịch nhằm giới thiệu, quảng bá về những tiềm năng, thế mạnh của du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội. Triển khai nhiều chương trình hợp tác phát triển du lịch để cùng phối hợp nâng cao chất lượng; kết nối các điểm đến, dịch vụ tạo sản phẩm tour du lịch chất lượng…

Có thể nói, du lịch làng nghề là một loại hình tài nguyên quan trọng của nước ta hiện nay. Để phát triển xứng tầm, loại hình làng nghề du lịch cần có sự đồng thuận của người dân trong xây dựng cơ sở hạ tầng, cảnh quan, môi trường, các chương trình sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ chất lượng cao và tạo ra những điều kiện cơ sở dịch vụ phục vụ thuận lợi, hấp dẫn, thu hút du khách.

TP. Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với 17 dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch; 17 làng nghề truyền thống cần bảo tồn lâu dài; 7 làng nghề truyền thống tiêu biểu cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.