Có bao nhiêu người đã từng sống trên Trái Đất, và bao nhiêu người nữa sẽ được sinh ra trong tương lai?
Thế giới hiện tại có 7,7 tỷ người, và bạn là một trong số đó. Nhưng đã bao giờ bạn đặt câu hỏi: Có bao nhiêu người từng sống trên Trái Đất này, và bao nhiêu người nữa sẽ ra đời trong tương lai?
Theo các nghiên cứu khoa học, người tinh khôn hay giống nòi Homo Sapiens chúng ta đã đặt bước chân đầu tiên trên hành tinh này vào khoảng 50.000 năm trước. Kể từ đó tới nay, hơn 108 tỷ thành viên trong đại gia đình đã được sinh ra.
Quả là một con số lớn phải không? Nhưng số lượng người trong tương lai, là thế hệ con cháu chúng ta sau khoảng 50.000 năm nữa, sẽ còn khiến bạn choáng ngợp hơn rất nhiều.
Suy nghĩ về con số đó đột nhiên khiến chúng ta phải nghĩ về thái độ sống của mình ở hiện tại. Liệu chúng ta có phải là một thế hệ tội lỗi, khi đang tàn phá hành tinh mà không biết mình đang nắm giữ trong tay vận mệnh của quá nhiều người?
Có bao nhiêu người từng sống trên Trái Đất?
Chúng ta biết loài vượn người đã đi bằng hai chân trên Trái Đất cách đây vài triệu năm. Sau đó, tổ tiên của Homo Sapien đã xuất hiện vào khoảng 700.000 năm trước Công Nguyên. Tuy nhiên cũng phải đợi một khoảng thời gian dài sau đó, những cá thể người tinh khôn đầu tiên mới tiến hóa và xuất hiện.
Các nhà khoa học ước tính mốc thời điểm đó là khoảng 50.000 năm trước Công Nguyên và họ giả dụ dân số của Homo Sapien khi đó chỉ là 2 người. Sử dụng các ngoại suy dữ liệu từ dân số thế giới, mức tuổi thọ trung bình, tỷ lệ sinh và tốc độ gia tăng dân số, các nhà khoa học ước tính cho tới thời kỳ bình minh của nền nông nghiệp, khoảng 8.000 năm trước Công Nguyên dân số loài người mới chỉ tiến được tới con số 5 triệu.
Trong một giai đoạn kéo dài khoảng 8 thiên niên kỷ, mức tăng dân số diễn ra khá chậm chỉ khoảng 0,052% mỗi năm. Con người khi đó vẫn phải cạnh tranh môi trường sống với các loài động vật ăn thịt. Khí hậu và thời tiết thất thường có thể đã làm hỏng mùa màng, sụt giảm đàn gia súc. Cùng với bệnh tật, nạn đói và những cuộc chiến tranh giữa các bộ tộc đã kéo tụt tuổi thọ trung bình của cả loài người.
Cho đến tận thời kỳ đồ sắt từ năm 800 trước Công Nguyên đến năm 100 sau Công Nguyên, tuổi thọ trung bình của con người chỉ dừng ở khoảng 10-12 năm. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh trong thời kỳ đầu của loài người hiện đại được cho là rất cao, có lẽ phải 500 trẻ sơ sinh tử vong trên 1.000 ca sinh hoặc thậm chí cao hơn.
Các nhà khoa học ước tính tỷ lệ sinh khi đó phải đạt 80 ca/1.000 dân thì mới đủ để duy trì giống nòi cho đến đầu Công Nguyên. Thế giới khi đó có thể đã là nhà cho khoảng 300 triệu người. Một ước tính về dân số của Đế chế La Mã trải dài từ Tây Ban Nha đến Tiểu Á vào năm 14 sau Công Nguyên cho ra con số khoảng 45 triệu.
Đến năm 1650, dân số thế giới đã tăng lên khoảng 500 triệu, không phải một mức tăng quá nhanh so với giai đoạn trước đó. Thậm chí, các nhà khoa học cho rằng Cái chết đen, hay bệnh dịch hạch càn quét qua Châu Âu trong khoảng thời gian này đã kéo chậm tăng trưởng dân số lại.
Họ cho rằng dịch hạch đã quét sạch tới một nửa dân số của đế quốc Byzantine vào khoảng thế kỷ thứ sáu, tổng cộng khoảng 100 triệu người đã tử vong.
Đến năm 1800, dân số thể giới đã vượt được qua mốc 1 tỷ. Kể từ đó tới năng, mức tăng dân số đã được duy trì cho tới khi chúng ta đạt tới 7,7 tỷ dân vào ngày hôm nay. Sự tăng trưởng trong khoảng thời gian này là kết quả từ những tiến bộ y học và dinh dưỡng, giúp giảm tỷ lệ tử vong và tăng tỷ lệ sinh.
Ước tính từ nay cho tới năm 2050, thế giới sẽ chào đón khoảng từ 1 đến hơn 2 tỷ người nữa, nâng tổng dân số loài người lên cao nhất là 9,8 tỷ người. Khi đó, sẽ có 113 tỷ người từng sống trên Trái Đất.
Nhưng cả tổ tiên và chúng ta hiện tại vẫn chỉ là một phần quá nhỏ bé so với tương lai loài người
Trên mũi tên của thời gian, cho dù con người chưa thể đặt chân đến hay xây dựng một xã hội mới trên Sao Hỏa, chúng ta vẫn sẽ luôn xâm chiếm những tương lai của chính mình trên Trái Đất. Và có vẻ tương lai ấy sẽ ngày càng chật chội.
Nếu lấy năm 2020 làm mốc để vẽ ra một tương lai bằng với khoảng thời gian từ hiện tại trở về 50.000 năm trước, ước tính tỷ lệ sinh cho thấy sẽ có khoảng 6,75 nghìn tỷ người sẽ ra đời. Thậm chí, ngay trong thiên niên kỷ tới, số lượng thành viên mới của hành tinh có thể vượt qua ngưỡng tổng số người từng sống trên Trái Đất.
135 tỷ đứa trẻ sẽ được sinh ra từ nay cho tới năm 3020. Chúng ta sẽ trở thành tổ tiên xa xôi của những đứa trẻ đó, như cách chúng ta nhìn những vị vua thời Lý bây giờ. Câu hỏi là liệu chúng ta có thể sống một cách xứng đáng như những tổ tiên của họ, để không trở thành một thế hệ tội đồ của lịch sử hay không?
Năm 1987, trong cuốn sách “Reasons and Persons“, tác giả Derek Parfitt là một triết gia người Anh đã đặt ra một tình huống. Giả sử có ai đó đưa cho bạn một chiếc cung tên và nói rằng bạn phải bắn vào một khu rừng trước mặt. Nếu khu rừng đó ở gần đủ để bạn có thể xác định được một người đang có mặt trong khu rừng đó, bạn sẽ thấy thật tội lỗi khi phải bắn mũi tên của mình.
Nhưng nếu khu rừng ở càng xa, bạn càng không thể biết những người trong đó là ai thì trong lúc thả dây cung, bạn sẽ càng có xu hướng bớt day dứt với hành động của mình. Điều này không chỉ đúng với khoảng cách địa lý, mà nó còn đúng cả với những cách trở về mặt thời gian.
Giả sử, bạn đang ở trên một chiếc xe bus chở đầy trẻ em và một kẻ khủng bố yêu cầu bạn phải đặt bom kể kích nổ chiếc xe bus đó. Tất nhiên là bạn sẽ không thể chấp nhận hành động vào lúc này. Nếu kẻ sát nhân nói rằng 10 phút sau quả bom mới nổ, bạn cũng sẽ không thể cài mã nó, thậm chí là 10 ngày hoặc 10 năm khi những đứa trẻ đã trưởng thành.
Nhưng hãy xem chúng ta đang làm gì với những thế hệ trẻ em sẽ sinh ra trong vòng 500 năm hoặc thậm chí 1.000 năm tới? Chúng ta biết chất thải phóng xạ và rác thải nhựa mà chúng ta đang xả ra bây giờ có thể lấp đầy đại dương và gây nguy hiểm trong hàng thế kỷ nữa, nhưng bởi những tương lai đó đang ở cách rất xa trên mũi tên thời gian, chúng ta vẫn tích trữ rác thải nhựa và phóng xạ để đổ vào tương lai.
Một Trái Đất ở tương lai vẫn có người, thậm chí rất nhiều người. Nhưng chúng ta dường như lại không nhận thức được điều đó. Những gì chúng ta đang làm ngày hôm nay giống với những gì mà thực dân Anh đã làm với người bản địa Úc. Chúng ta đang coi tương lai là một tiền đồn thuộc địa xa xôi, một nơi không hề có người ở.
Một học thuyết được gọi là terra nullius hay ‘vùng đất không của riêng ai‘ đã giúp thực dân Anh đối xử với Châu Úc như thể ở đó không hề có những thổ dân bản địa. Để rồi những người Úc bản địa bây giờ vẫn đang phải đấu tranh chống lại những di chứng của chủ nghĩa terra nullius.
Trên mũi tên thời gian, thế hệ chúng ta sống trong thế kỷ 20 và 21 có thể cũng đang áp dụng một học thuyết tương tự gọi là tempus nullius – “thời gian không của riêng ai”. Chúng ta lại đối xử với hành tinh như thể trong 1.000 năm nữa không có ai sống ở đó.
Theo nhà triết học xã hội Roman Krznaric, thế hệ chúng ta bây giờ đang tước đi quyền sở hữu Trái Đất của hậu duệ trong tương lai, biến họ thành những nô lệ sống trong thuộc địa thời gian – những người về cơ bản phải xử lý những gì chúng ta để lại, từ nợ công, rủi ro công nghệ cho đến rác thải hạt nhân, hạt vi nhựa và sự suy thoái sinh thái.
Các nghiên cứu sinh học ước tính, trung bình một loài động vật có vú có thể tồn tại khoảng 1 triệu năm trước khi tuyệt chủng. Nhưng những nghiên cứu này chắc chắn sẽ phải loại trừ con người. Bản thân chúng ta cũng không coi mình ngang hàng với các loài động vật.
Nhưng trong khoảng 3,8 tỷ năm tích lũy được sự khôn ngoan từ tự nhiên, hầu hết các loài động vật biết rằng nếu muốn chăm sóc con cái, chúng phải chăm sóc nơi mà con chúng sẽ sinh trưởng. Đó là cách đã giúp mọi sinh vật, từ cú cho đến rái cá, tồn tại từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Hầu hết động vật chỉ sống trong một giới hạn sinh thái của mình, chúng không đi xa khỏi tổ và không phá hủy môi trường sống. Con người thì ngược lại, chúng ta sử dụng tài nguyên nhanh hơn mức mà môi trường tự nhiên có thể tái tạo được, thải vào khí quyển một lượng khí nhà kính nhiều hơn mức hành tinh hấp thụ được.
Mạng lưới Dấu chân Toàn cầu (Global Footprint Network-GFN) đã đặt ra một khái niệm gọi là Ngày vượt ngưỡng (Earth Overshoot Day). Đó là một thời điểm trong năm mà chúng ta dùng hết toàn bộ lượng thực phẩm, gỗ, chất xơ và carbon mà hành tinh có thể tái sản sinh trong một năm.
Trong điều kiện lý tưởng, ngày vượt ngưỡng nên rơi vào ngày 31 tháng 12, hoặc thậm chí vào năm mới. Điều đó có nghĩa là loài người chỉ sử dụng vừa đủ nguồn tài nguyên, hoặc thậm chí còn tiết kiệm được chúng cho thế hệ mai sau.
Năm 1970, trong lần đầu tiên khái niệm Ngày vượt ngưỡng được giới thiệu, cột mốc ấy đã rơi vào ngày 29 tháng 12, tiệm cận mức lý tưởng. Con người đã có cơ hội đẩy lùi Ngày vượt ngưỡng về phía trước, thế nhưng, lịch sử lại cho thấy chính chúng ta mới là kẻ bị đẩy lùi lại.
Chỉ trong vòng 3 năm, Ngày vượt ngưỡng đã bị đẩy lùi về một tháng. Điều đó có nghĩa là đến hết tháng 11 năm 1973, con người đã tiêu dùng hết nguồn tài nguyên cho cả năm đó.
Cột mốc thậm chí tiếp tục bị đẩy lùi lại. Trong vòng 50 năm, Ngày vượt ngưỡng liên tục sớm lên cho đến năm nay, con số được dự tính sẽ rơi vào tháng Tám, cụ thể là ngày 22/8, chúng ta sẽ dùng hết nguồn tài nguyên cho gần 4 tháng còn lại.
Những con số biết nói cho thấy cứ mỗi năm trôi qua, thế hệ chúng ta lại tiêu hết cả nguồn tài nguyên lẽ ra phải được để dành cho năm sau, và thế hệ sau nữa.
Câu hỏi lúc này là làm thế nào để dừng lại?
Tại một số quốc gia như Phần Lan và Thụy Điển, chính phủ đã triển khai một số giải pháp từ trên xuống. Họ đã thành lập những nhóm cố vấn cho quốc hội và chính phủ được gọi là “Hội đồng tương lai”. Nhóm này sẽ làm việc tại văn phòng Thủ tướng hoặc Quốc hội để tham vấn các chính sách mang tính chiến lược phát triển bền vững .
Tại Hungary, họ cũng có một nhóm được gọi là “thanh tra viên cho các thế hệ tương lai”. Nhiệm vụ của họ là: “kiểm tra các hành động lập pháp, giám sát sự phát triển chính sách và các đề xuất lập pháp để đảm bảo rằng chúng không gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với môi trường hoặc gây tổn hại đến lợi ích của các thế hệ tương lai”.
Trong xã hội dân sự cũng có rất nhiều tổ chức hoạt động bảo vệ môi trường trên nhiều cấp độ, từ địa phương cho tới quốc tế. Tuy nhiên, bất kể hướng tiếp cận nào muốn đạt được tới thành công sẽ đều phải làm thay đổi được nhận thức của từng cá nhân trong số 7,7 tỷ người.
Chúng ta đều cảm nhận được rằng chỉ có sự chung tay trên cấp độ nhân loại mới có thể bảo vệ được môi trường trên cấp độ hành tinh, gìn giữ một Trái Đất bền vững cho con cháu chúng ta. Vấn đề là làm được điều đó thực sự rất khó.
Cái khó không chỉ bởi sự thiếu tiếp cận thông tin và thiếu nhận thức về phát triển bền vững, mà còn bởi con người không phải một sinh vật lý trí. Có rất nhiều thông tin chúng ta nghe chỉ để đó, chẳng hạn như ô nhiễm rác thải nhựa, chất lượng không khí giảm sút hay thậm chí Ngày vượt ngưỡng…
Các thông tin thuần túy mang tính khoa học và triết học này thường ít được hấp thụ và thúc đẩy hành động kém hơn các thông tin mang tính cảm xúc – chẳng hạn như những bức ảnh sinh vật biển bị giết chết vì rác nhựa con người đổ xuống đại dương.
Để thúc đẩy những suy nghĩ dài hạn đi ngược lại bản năng tâm lý con người, chúng ta cần có những cách tiếp cận và lập luận truyền cảm hứng với mục tiêu tác động được vào phần phi lý trí trong bộ não của mình.
Chẳng hạn khi đọc bài viết này, bạn có thể phóng trí tưởng tượng của mình để hình dung toàn bộ lịch sử và tương lai của loài người. Thomas Suddendorf, một giáo sư nhân loại học tại Đại học Queensland cho biết con người là loài duy nhất có khả năng tưởng tượng ra “một sâu khấu kịch” phức tạp trong tâm trí.
Chúng ta đã sử dụng trí tưởng tượng của mình để sáng tạo ra những tác phẩm văn học, những bộ phim, những vở kịch. Một phần thế giới của chúng ta thậm chí chỉ xuất hiện trong những tưởng tượng, một thực tại song song được nhà sử học Yuval Harari gọi là “dual reality” đã giúp Homo Sapien thống trị hành tinh nếu không muốn nói là cũng đang hủy hoại nó.
Trí tưởng tượng có thể là một phương tiện giúp ích bên cạnh khoa học và triết học trong mục tiêu phát triển bền vững. Giống như những người dân bản địa Maori ở New Zealand đã nhúng vào tiềm thức của họ một khái niệm gọi là whakapapa.
Dịch ra từ tiếng Maori, whakapapa có nghĩa là phả hệ. Đó là một hệ thống tưởng tượng liên kết tất cả những người đang sống và cả những người đã chết, xuyên qua các thế hệ con người đặt trong một thế giới không có biên giới về thời gian và không gian.
Bạn có thể tưởng tượng ra whakapapa là tất cả chúng ta, tổ tiên chúng ta, là sông núi, rừng cây, biển cả hay vũ trụ. Và nếu mở rộng nó ra cả những thế hệ tương lai thì bạn có thể nhìn thấy tất cả những người đang sống trên Trái Đất, những người đã chết và những người còn chưa sinh ra đều đang ở đây, cùng trong một căn phòng.
Giống như những hội đồng tương lai hay thanh tra viên cho thế hệ mai sau, khi chúng ta cảm thấy được sự hiện diện của những thế hệ tương lai ngay tại đây, trong thời điểm này, chúng ta có thể điều chỉnh hành vi của mình và ra các quyết định có trách nhiệm.
Theo cách đó, khai thác trí tưởng tượng là một hướng tiếp cận giúp chúng ta đánh bại những đoạn mã tư duy ngắn hạn được lập trình trong lý trí của mình, và là một cách giúp chúng ta trở thành những tổ tiên xứng đáng hơn cho thế hệ mai sau.
Tham khảo BBC, Aeon