Chuyện “nhà báo” và “nhà chí”!

Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 năm nay, xin nói chuyện nghề nghiệp một chút với đông đảo bạn đọc về một quan niệm đang được quan tâm hiện nay, đó là “nhà báo” và “nhà chí”!

Thật ra, đây là vấn đề “nội bộ” của những người làm nghề chứ còn với bàn dân thiên hạ hay trong quy định của pháp luật thì chỉ có khái niệm “nhà báo” được định danh hẳn hoi trong Thẻ Nhà báo, chứ không có “Thẻ Nhà chí”. 

Ấy vậy mà thời gian gần đây, vì mục tiêu đưa nền báo chí nước nhà đi vào khuôn khổ, nhiều cuộc bàn luận đã hình thành khá sôi động nhằm trả lời câu hỏi: Làm thế nào để phân biệt được đâu là sản phẩm của một Tòa soạn báo và đâu là sản phẩm của một tờ tạp chí?

Còn nhớ khi chỉ có sản phẩm in, báo chí điện tử chưa ra đời, thì việc phân biệt hai loại hình này khá dễ dàng qua định kỳ xuất bản. Báo thì có ra hằng ngày (nhật báo), hằng tuần (tuần báo), rồi lại có báo cách nhật (2 – 3 ngày một kỳ)… Còn tạp chí, mạnh thì một tuần, hai tuần một kỳ; yếu thì một tháng, có khi 2 – 3 tháng… mới ra mắt bạn đọc được một lần.

Đến khi công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, mạng internet len lỏi vào từng gia đình, thậm chí “chui” vào túi xách, túi quần của từng người thì việc sản xuất ra một sản phẩm truyền thông đã trở thành dễ hơn ăn bữa cơm thường ngày. Cùng với đó, việc định kỳ xuất bản để phân biệt giữa báo và chí đã trở nên bất cập và sản sinh tranh luận…

Nói sơ qua như vậy để thấy rằng, thời buổi công nghệ 4.0, báo chí không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước khác đã có những biến chuyển chóng mặt, tuy nhiên báo chí luôn luôn là một từ kép và chúng vẫn không thể vượt qua sứ mạng của mình trong quá trình phát triển của xã hội loài người, mà trong dân gian đôi khi “phong” cho báo chí là “quyền lực thứ 4”. Vì vậy có thể khẳng định rằng, việc phân định “nhà báo” với “nhà chí” là không thể!

Vậy nhà báo là những ai?

Trong Từ điển tiếng Việt thì “Nhà báo là người chuyên làm nghề viết báo”. Không biết khái niệm như thế đã đầy đủ chưa (vì có rất nhiều loại hình báo chí như báo nói,  báo viết, báo hình, báo ảnh, báo điện tử… chứ không chỉ có “viết” báo) nhưng tôi rất tâm đắc với khái niệm của một nhà báo nổi tiếng trên thế giới mà tôi đã ngấm ngay nó vào từng tế bào của cuộc đời mình trong suốt mấy chục năm làm báo: “Nhà báo là những người chấm ngòi bút vào nỗi đau của nhân loại”.

Thời gian càng qua đi, tôi thấy càng thấm thía. Chẳng nói gì xa xôi về hình ảnh các nhà báo quốc tế đã từng mạo hiểm lăn lộn trên chiến trường khắp nơi trên thế giới, những người đã dũng cảm phanh phui những vụ bê bối tày trời của các đời Tổng thống Mỹ…, ngay với nhiều nhà báo Việt Nam đã gây chấn động công luận bởi những thiên phóng sự điều tra về nạn tham nhũng, về những tệ nạn xã hội, về lãng phí, thất thoát trong quản lý kinh tế… Phát hiện và thông tin tất cả những “nỗi đau của nhân loại” ấy chính là công việc mà sứ mạng lịch sử đã bắt buộc các nhà báo phải đảm trách.

Tôi cho rằng muốn phác họa tương đối chuẩn mực chân dung của nhà báo không hề dễ dàng một chút nào. Có lúc anh ta như một nhà tư tưởng, có lúc là nhà ngoại giao, có lúc lại là một thám tử, rồi có lúc lại như một nghệ sĩ, một nhà văn hóa… Nghề nghiệp bắt buộc họ phải như vậy.

Thật khó lòng trở thành một nhà báo giỏi nếu thiếu một tư tưởng triết học sâu sắc mà câu nói nổi tiếng nêu trên chỉ là một ví dụ. Thử hỏi hàng chục nhà báo bị giết hại mỗi năm trên thế giới liệu có vô nghĩa cho những giá trị cao thượng của con người? Vì động cơ nào mà nhiều phóng viên viết điều tra của chúng ta thời gian qua đã quên mình trong việc phanh phui những tệ nạn xã hội, tệ nạn tham nhũng? Chắc chắn tiền bạc và danh vọng không phải là mối quan tâm duy nhất của họ. 

Còn nhớ có lần, trong bài phát biểu của nhà sử học Dương Trung Quốc tại Quốc hội, sau khi nêu hình tượng hai lỗ đạn đại bác của thực dân ở thành Cửa Bắc (Hà Nội) đã khiến nhiều thế hệ thấm nỗi nhục mất nước, nuôi chí giải phóng đất nước, đã khuyên các nhà báo rằng: “Hằng ngày, chúng ta thông báo giá vàng, giá USD, nhiệt độ thời tiết; có nên thêm thông số về thứ hạng nước ta trong nền kinh tế thế giới, số tiền chúng ta đang vay nợ nước ngoài?”. Câu này mang một tư tưởng sâu sắc rằng các nhà báo nên “chấm ngòi bút vào nỗi đau” của dân tộc Việt Nam hiện nay khi tìm chỗ đứng của mình trên thế giới. Rồi từ đó khiến mọi người nuôi chí xây dựng đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu”.  

Còn là nhà ngoại giao? Hiếm thấy nhà báo thành đạt nào lại thiếu tài ngoại giao. Điều cốt tử trong nghề làm báo là tư liệu, tư liệu sống và tư liệu quá khứ. Tư liệu đó nằm rải rác khắp nơi trong đời sống con người. Vậy làm thế nào để có được những tư liệu đó nếu thiếu khả năng ngoại giao? Trong thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin, tư liệu quá khứ được con người xử lý, lưu trữ tốt hơn, nhà báo đỡ vất vả hơn trong hoạt động nghiệp vụ nhưng chúng không thể thay thế được tư liệu sống. Cũng như bữa ăn thường ngày của con người không thể thiếu thức ăn tươi sống vậy.

Chất thám tử trong mỗi nhà báo thường ít bộc lộ ra ngoài nhưng không thể thiếu. Thật nhợt nhạt và lạnh lẽo nếu trong một sản phẩm báo chí không xuất hiện những tình tiết khám phá. Muốn là nhà thám tử không dễ dàng một chút nào. Anh phải có tính mạo hiểm, nhưng lại phải “lỳ đòn”, phải biết “kín mồm kín miệng”, phải biết “phớt ăng lê” nhiều điều cám dỗ, rồi lại phải có phổ kiến thức rộng để đủ phân tích, đánh giá sự kiện… Nhìn chung, đây là tố chất hóc hiểm nhất của nghề làm báo.

Chỉ có người trong nghề mới có thể hiểu được nhà báo bắt buộc phải có lượng ngôn từ phong phú và có một tài năng nhất định để sử dụng nó. Muốn hấp dẫn bạn đọc về một sản phẩm báo chí, trước hết phải biết đặt “tít” cho hay, cho ấn tượng, đó là cả một nghệ thuật. Rồi lại phải có một đoạn “mào đầu” cuốn hút, sinh động, sau nữa là việc sắp xếp các sự kiện mạch lạc, sáng tạo. Không dám so sánh với các nhà văn trong nghệ thuật sử dụng ngôn từ nhưng nhà báo cũng phải đạt được độ chuẩn mực nhất định mới có thể hoàn thành tốt công việc.

Tuy nhiên, nhà báo cũng là con người bình thường như bao người khác, cũng có yêu có ghét, cũng có những nhu cầu thường ngày về ăn, mặc, ở, đi lại… Và như vậy, họ cũng có thể mắc những sai lầm. Nhưng với sứ mạng cao cả và một quyền lực mà xã hội giao phó cho họ, quyền lực này ngày càng có vai trò quan trọng trong xã hội văn minh, thì dung lượng cho phép sai lầm của họ ngày càng hạn hẹp. Vì thế, phấn đấu trở thành một nhà báo chân chính là cả một chặng đường phấn đấu gian khổ với một đức hy sinh vô bờ bến.

Chính vì thế, chỉ có thể có một khái niệm “nhà báo” chứ không thể kèm thêm vào đó là “nhà chí” được!

Trở lại vấn đề nóng hiện nay, làm thế nào để phân biệt được đâu là sản phẩm của một Tòa soạn báo và đâu là sản phẩm của một tờ tạp chí?

Tôi đã từng quản lý một tờ báo, cũng đã từng phụ trách nội dung của một vài tờ tạp chí và thấy rằng, “sân chơi” của tờ báo và của tạp chí về cơ bản là khác nhau, mặc dù chúng đều xuất có thể bản điện tử cả, mà việc phân biệt ấy phải bắt đầu từ mỗi Tòa soạn. Chúng có tiêu chuẩn chung, thí dụ như nhanh, nhạy, nóng, chính xác, xuất bản kịp thời…, tuy nhiên, với sản phẩm của tạp chí, nhanh có thể không nhanh bằng các báo, xuất bản có thể sau các báo nhưng sự khác biệt ở chỗ sự kiện được phân tích sâu sắc hơn, cách nhìn bao quát hơn, toàn diện hơn và tính thuyết phục cao hơn.

Chẳng hạn như sự kiện vào những ngày đầu tháng 01/2022 vừa rồi, nhiều cá nhân và hộ gia đình có hệ thống điện mặt trời mái nhà từ Bắc tới Nam ngỡ ngàng trước thông báo của các công ty điện lực địa phương yêu cầu các chủ đầu tư điện mặt trời mái nhà phải đăng ký, bổ sung ngành nghề kinh doanh bán điện theo quy định của pháp luật, để đảm bảo việc thanh toán tiền điện không bị gián đoạn.

Với các báo thì có thể phản ánh sự kiện là xong, nhưng với một tạp chí chuyên ngành như Năng lượng Việt Nam, họ đã mời chuyên gia chuyên ngành năng lượng (cả kinh tế năng lượng lẫn kỹ thuật năng lượng) vào cuộc, rồi có công văn đặt vấn đề với các bộ ngành liên quan, cho đăng nhiều kỳ có những phân tích sâu sắc và dẫn chứng thuyết phục cao cho đến khi có kết quả cuối cùng là Bộ Công Thương có một văn bản hướng dẫn cụ thể rằng: “Các tổ chức, cá nhân hoạt động phát điện có công suất lắp đặt đến 01 MW được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực”.

Nếu các tạp chí không có những sản phẩm phân tích sâu sắc hơn, cách nhìn bao quát hơn, toàn diện hơn và tính thuyết phục cao hơn các báo thì coi như đã tự đánh mất thế mạnh của mình mà thôi!