Chuyên gia Việt: ‘Brexit có thể khiến chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy’

Nếu kịch bản Anh không còn là thành viên của Liên minh châu Âu trở thành hiện thực, đây sẽ là một bước lùi của tiến trình toàn cầu hóa và có thể xảy ra ở cả khu vực khác.

chuyen-gia-viet-brexit-co-the-khien-chu-nghia-dan-toc-troi-day

Nhiều người dân Anh nỗ lực ngăn kịch bản quốc gia này rời khỏi EU. Ảnh: Reuters

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên chính tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute), Singapore, trao đổi với VnExpress về việc người dân Anh bỏ phiếu rời khỏi EU và sự tác động đến ASEAN cũng như tình hình thế giới.

– Ông đánh giá thế nào về việc Anh rời khỏi EU?

– Đây là cuộc trưng cầu dân ý của Anh, chứ chưa có hiệu lực ngay. Anh sẽ chính thức khởi động tiến trình rời EU theo Điều 50 Hiệp ước Lisbon sau khi có chính phủ mới vào tháng 10 tới. Khi tiến trình đó được khởi động, sẽ còn mất hai năm nữa để nó được hoàn thành. Hiện các chính trị gia Anh vẫn chưa xác định được chính xác khi nào thì tiến trình này bắt đầu, nhưng phe ủng hộ rời đi muốn tiến trình này hoàn thành vào năm 2020. Từ giờ đến lúc đó, Anh sẽ vẫn là thành viên EU.

Khi Brexit trở thành hiện thực thì sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Với Anh, việc đồng Bảng rớt giá hay thị trường chứng khoán suy giảm chỉ là trước mắt. Tác động lâu dài hơn có thể liên quan tới thương mại quốc tế của nước này, bởi Anh sẽ phải đàm phán lại các điều khoản thương mại với các nước EU, cũng như các điều khoản thương mại với 161 thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì lâu nay Anh được đại diện bởi EU tại tổ chức này.

Trước khi đạt được các thỏa thuận này, các mức thuế suất sẽ bị đẩy lên cao so với hiện nay, gây thiệt hại cho người tiêu dùng cũng như các nhà xuất khẩu Anh. Về lâu dài, Brexit còn có khả năng khiến Scotland tách ra khỏi Anh do phong trào đòi độc lập lâu nay tại đây cũng như việc Scotland muốn ở lại EU. 

Với châu Âu, việc Anh ra đi có thể tạo ra một tiền lệ xấu, cổ vũ cho phong trào bài châu Âu, việc một số thành viên khác tổ chức trưng cầu ý dân về việc rời khỏi EU có thể hoàn toàn xảy ra, nhất là nếu các cuộc khủng hoảng của EU, đặc biệt là về vấn đề người nhập cư, vẫn tiếp diễn. Chính vì vậy các nước nòng cốt của EU muốn cứng rắn với Anh và muốn Anh rời EU càng sớm càng tốt để giảm sự bất định, đồng thời răn đe các nước khác nhằm ngăn ngừa một sự sụp đổ EU theo kiểu hiệu ứng domino.

– Từ Brexit có thể thấy gì với Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN)?

– Tôi không nghĩ ASEAN sẽ đối diện với khả năng một thành viên đòi ra đi. Hiện nay dù có những hạn chế nhưng hiệp hội vẫn phục vụ khá tốt lợi ích các nước thành viên. ASEAN cũng chủ yếu hội nhập về mặt thương mại và đầu tư, không hướng đến mô hình “siêu nhà nước” kiểu EU. Trong các lĩnh vực chính sách khác, đặc biệt là lao động và di cư, các quốc gia vẫn giữ được quyền tự chủ.

Các quyết định của ASEAN cũng được đưa ra trên nguyên tắc tham vấn, đồng thuận nên khả năng các nước thành viên bất mãn với ASEAN và đòi rời khỏi khối là rất thấp. Điều này càng được khẳng định bởi việc Hiến chương ASEAN không đề cập tới khả năng hay quy trình một nước thành viên rời khỏi khối.

Thời điểm này, tranh chấp Biển Đông đang gây chia rẽ ASEAN, nhưng khả năng điều đó khiến một nước nào đó muốn rời ASEAN là rất thấp. Nhìn tổng thể, ASEAN vẫn là một diễn đàn và một công cụ hữu ích để giúp các nước thành viên quản lý cuộc tranh chấp và nâng cao vị thế đàm phán trong quan hệ với Trung Quốc. Có khả năng khác là một số nước có thể tìm kiếm các dàn xếp bên ngoài ASEAN để giải quyết cuộc tranh chấp, qua đó làm giảm vai trò trung tâm của ASEAN. Nhưng kể cả khi xảy ra, điều này cũng không dẫn tới việc các nước này muốn rời khỏi ASEAN, bởi lợi ích mà ASEAN mang lại cho các nước thành viên là rất lớn.

– Những bài học mà ASEAN có thể rút ra từ việc Anh rời khỏi EU?

– Mô hình và phương thức hoạt động của ASEAN và EU rất khác biệt. Các nước EU hội nhập sâu hơn về kinh tế lẫn chính trị, an ninh và chính sách đối ngoại. Các quốc gia thành viên phải hy sinh một phần chủ quyền của mình khi trao quyền quyết định nhiều chính sách quốc gia cho các cơ quan của EU. Điều này dẫn tới các mâu thuẫn giữa lợi ích quốc gia với lợi ích tổ chức và lợi ích các thành viên khác, nhất là trong các giai đoạn khủng hoảng.

Bài học với ASEAN là cần thận trọng trong việc thúc đẩy hội nhập, nhất là hội nhập về chính trị, an ninh, cũng như trong các lĩnh vực nhạy cảm như di cư hay thị trường lao động. Tôi nghĩ các nước ASEAN hiểu rõ bài học này, và điều đó lý giải cho mức độ hội nhập hạn chế hơn và có chọn lọc hơn của ASEAN so với EU hiện nay.

– Quan hệ giữa ASEAN với EU và Anh bị ảnh hưởng thế nào sau Brexit?

– Hợp tác ASEAN với EU sẽ hầu như không bị ảnh hưởng, EU sẽ tiếp tục là một đối tác đối thoại của ASEAN. Riêng đối với Anh, do nước này lâu nay chủ yếu tương tác với ASEAN thông qua EU, nên nếu rời EU, nước này sẽ phải nộp đơn xin gia nhập các diễn đàn, cơ chế… do ASEAN dẫn dắt nếu muốn. Ví dụ, Anh sẽ phải nộp đơn xin làm đối tác đối thoại của ASEAN, hay xin tham gia các diễn đàn như Diễn đàn An ninh Khu vực (ARF), Cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM Plus).

Tôi tin rằng do tầm quan trọng cũng như mối liên hệ lịch sử của mình với khu vực, Anh sẽ không gặp phải vấn đề gì trong quá trình này.

– Brexit tác động thế nào đến tình hình an ninh và trật tự thế giới?

– Nếu cuối cùng Anh rời khỏi EU, việc đó đại diện cho một bước lùi về hội nhập quốc tế cũng như toàn cầu hóa, khi chủ nghĩa dân tộc hay chủ nghĩa bản địa sẽ có thể phát triển mạnh mẽ hơn như một phản ứng trước các mặt trái của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Đây là một điều đáng lo ngại khi nó không chỉ là một hiện tượng ở Anh hay châu Âu, mà còn diễn ra ở một số nơi khác, tiêu biểu là Mỹ. Một số ứng cử viên tổng thống của Mỹ đã theo đuổi lập trường chống thương mại tự do, chống toàn cầu hóa. Ví dụ, nếu ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ vào cuối năm nay thì xu thế này có thể càng được củng cố.

Một khi toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế bị đảo chiều, dù là tạm thời, thì thế giới sẽ bị phân mảnh nhiều hơn, việc điều phối các chính sách hợp tác sẽ khó khăn hơn, và các mâu thuẫn lợi ích cũng sẽ nhiều hơn khi số lượng các cặp quan hệ gia tăng. Điều này dẫn tới các thách thức lớn hơn đối với an ninh quốc tế.

Nếu Anh rời EU, cán cân quyền lực thế giới có thể dịch chuyển ít nhiều, nhưng chưa tới mức hình thành một trật tự thế giới mới. Khi không có Anh, quy mô nền kinh tế EU sẽ sụt giảm mất gần 3.000 tỷ USD, nhưng đó vẫn là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Về chính trị và an ninh, vai trò của EU có thể suy giảm ít nhiều, nhưng với các thành viên còn lại, EU vẫn có tiếng nói quan trọng trong nhiều vấn đề toàn cầu. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi nếu EU không giải quyết được rốt ráo các cuộc khủng hoảng của mình và khiến một số các thành viên khác nối gót tìm đường ra đi.

– Brexit tác động như thế nào tới Việt Nam?

– Trước mắt, kết quả trưng cầu ý dân về Brexit sẽ không tác động lớn tới Việt Nam, trừ việc đồng Bảng Anh nếu tiếp tục rớt giá về lâu dài có thể làm giảm đầu tư của Anh vào Việt Nam cũng như gây khó khăn cho xuất khẩu của Việt Nam sang nước này. Tuy nhiên tác động này theo tôi chỉ là trước mắt, và đồng tiền này nhiều khả năng sẽ sớm phục hồi.

Với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (FTA) được ký vào cuối năm ngoái và giờ đang chờ được hai bên phê chuẩn, nếu Hiệp định được phê chuẩn bởi các nước EU và có hiệu lực trước khi Brexit diễn ra, thì sau khi Anh rời EU, Việt Nam sẽ phải đàm phán và ký một hiệp định khác với Anh nếu muốn tăng cường thương mại với nước này. Trong trường hợp đó, nhiều khả hai bên có thể đồng ý “cắt dán” các điều khoản từ hiệp định Việt Nam – EU sang hiệp định Việt Nam – Anh, và quá trình đàm phán, ký kết sẽ diễn ra nhanh chóng.

Trong trường hợp Anh hoặc Việt Nam muốn đàm phán, chỉnh sửa lại các điều khoản thì một hiệp định như vậy nhiều khả năng sẽ bị đình trệ do Anh sẽ rất bận rộn với nhiều cuộc đàm phán khác nhau với EU và WTO, việc đàm phán với Việt Nam có thể không được ưu tiên.

Việt Anh