“Chuyển giá” và vấn đề đặt ra

“Chuyển giá” và vấn đề đặt ra

Ảnh chỉ có tính minh hoạ (Nguồn: misa.com.vn)

(ĐCSVN)

– Ở Việt Nam, hoạt động “chuyển giá” đang diễn ra với mức độ ngày càng tăng, gây ra những tổn thất không nhỏ cho nền kinh tế. Việc quản lý hoạt động này ở nước ta tuy đã được triển khai, nhưng chưa đạt được kết quả như mong đợi. Làm thế nào để phòng, chống và ngăn chặn hoạt động “chuyển giá” đang là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Trước bối cảnh toàn cầu hoá đang diễn ra mạnh mẽ, sự đầu tư giữa các nước trên thế giới ngày càng gia tăng và tạo ra những giá trị lớn cho nước đầu tư và nước nhận đầu tư. Tuy vậy, một thực tế là vấn đề “chuyển giá” trong nền kinh tế thị trường đang ngày càng gia tăng và mức độ và phạm vi, gây thiệt hại không nhỏ cho nước nhận đầu tư không chỉ về thuế, mà cả về sự bất bình đẳng trong hình thành và phân phối thu nhập cũng như sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nội địa.

Tinh vi và đa dạng…

Ở Việt Nam, vấn đề “chuyển giá” diễn ra không phải mới đây, mà đã xuất hiện từ nhiều năm trước, khi các nguồn vốn FDI ồ ạt đổ vào một nền kinh tế mới nổi như nước ta. Thực tiễn cho thấy, “chuyển giá” tại Việt Nam đang ngày càng gia tăng và gây nhiều khó khăn, lúng túng cho các cơ quan chức năng để phát hiện và xử lý vấn đề này. Khó khăn lớn nhất đối với Việt Nam trong việc xử lý “chuyển giá” là lĩnh vực thuế.

Các hành vi “chuyển giá” đã và đang diễn ra ở Việt Nam rất đa dạng, như chuyển giá thông qua chuyển giao tài sản hữu hình giữa các bên liên kết; chuyển giá thông qua chuyển giao tài sản vô hình giữa các bên liên kết; chuyển giá thông qua chuyển giao dịch vụ giữa các bên liên kết; chuyển giá thông qua chi trả lãi vay vốn sản xuất, kinh doanh giữa các bên liên kết;… Điểm đáng chú ý, hành vi “chuyển giá” nhằm tối thiểu nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp không chỉ diễn ra tại các doanh nghiệp FDI, mà đã diễn ra giữa các bên liên kết trong nội địa Việt Nam do các tập đoàn kinh tế trong nước lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước thành lập một số công ty con hoạt động trong những lĩnh vực và địa bàn khác nhau, trong đó có những lĩnh vực, địa bàn được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Từ đó tìm cách chuyển lợi nhuận trước thuế từ doanh nghiệp không được ưu đãi thuế sang doanh nghiệp liên kết được ưu đãi thuế hoặc chuyển lợi nhuận trước thuế từ doanh nghiệp có lãi sang doanh nghiệp bị lỗ, thông qua giá chuyển giao sản phẩm và cung cấp dịch vụ giữa các bên để giảm thiểu nghĩa vụ thuế tổng hợp của tập đoàn.

Ngoài ra, hành vi “chuyển giá” của doanh nghiệp liên kết không chỉ đơn thuần là việc điều chuyển lợi nhuận từ nơi có thuế suất cao sang nơi có thuế suất thấp hơn để tránh thuế, mà còn bao gồm cả chiều ngược lại. Nguyên nhân chính của hiện tượng này là do công ty mẹ muốn thu hồi vốn nhanh hoặc việc chuyển lợi nhuận để thực hiện chiến lược kinh doanh đã được công ty mẹ xây dựng. Do vậy, đây là một vấn đề mới nảy sinh, cần quan tâm hơn trong quá trình phân tích rủi ro, thanh tra đối với các hoạt động “chuyển giá” đối với các cơ quan thuế các cấp…

Và những nỗ lực của Việt Nam

Phòng, chống và ngăn chặn “Chuyển giá” ở Việt Nam không phải là vấn đề mới. Ngay từ năm 1997, các cơ quan quản lý nhà nước đã quan tâm và bước đầu đã có một số hướng dẫn trong Thông tư số 74/1997/TT-BTC của Bộ Tài chính năm 1997 về việc hướng dẫn nghĩa vụ thuế đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tiếp đó, đến năm 2005, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 117/2005/TT-BTC. Đây là một Thông tư riêng về nội dung này. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các quy định trên gặp nhiều khó khăn, do nguyên nhân cả về chính sách, năng lực cán bộ yếu, sự thiếu quyết tâm của các ngành, các cấp cũng như chưa có đầu mối chuyên trách. Hệ quả là hiện tượng “chuyển giá” giữa các bên có quan hệ liên kết đã trở thành hiện tượng tương đối phổ biến cả đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nội địa như phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng những năm gần đây. Chẳng hạn, theo số liệu của Tổng cục Thuế, năm 2010, ở Bình Dương, có tới 754 trong 1.490 (chiếm tỷ lệ 50,6%, trong đó có tới 200 doanh nghiệp lỗ quá vốn chủ sở hữu) doanh nghiệp FDI kê khai lỗ; tại TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai, tỷ lệ doanh nghiệp FDI kê khai lỗ cũng đều trên 50%, lần lượt là 60% và 52,2%….

Nhằm khắc phục những tồn tại trên, Bộ Tài chính tiếp tục ban hành Thông tư số 66/2010/TT-BTC năm 2010 để sửa đổi, bổ sung thêm một số hướng dẫn theo kinh nghiệm quốc tế. Có thể thấy, Thông tư 66/2010/TT-BTC đã tiếp cận các quy định về chống chuyển giá của nhiều nước trên thế giới. Đây là cơ sở quan trọng để cơ quan thuế tiến hành thanh, kiểm tra các doanh nghiệp FDI có dấu hiệu chuyển giá.

Theo số liệu của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), tính đến ngày 31/12/2011, toàn ngành đã rà soát, quản lý được 3.144 doanh nghiệp phải kê khai thông tin giao dịch liên kết, trong đó có 2.023 doanh nghiệp đã thực hiện kê khai, chiếm khoảng 64%. Đối với công tác thanh tra, kiểm tra giá chuyển nhượng, tuy mới bắt đầu chú trọng triển khai từ năm 2010, nhưng cũng đã đạt được kết quả bước đầu đáng khích lệ. Trong năm 2011, ngành thuế đã tổ chức thanh tra và thực hiện thanh tra tại 921 doanh nghiệp lỗ, doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá; xử lý giảm lỗ 6.617 tỷ đồng, tăng 3,5 lần so với năm 2010; truy thu thuế và phạt 1.669 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2010. Trong năm 2012, công tác này cũng được đẩy mạnh, và tiếp tục đạt được những kết quả mới. Tính đến ngày 14/12/2012, cơ quan thuế đã có kết luận thanh tra, kiểm tra tại 1.495 doanh nghiệp, điều chỉnh giá tại rất nhiều doanh nghiệp, nên giảm được lỗ với số tiền lên đến 3.306,6 tỷ đồng. Hiện, ngành thuế cũng đang xem xét nhiều công ty như Coca-Cola, Adidas, Metro Cash & Carry, Keangnam-Vina, Nhà máy Bia Việt Nam… có hoạt động chuyển giá hay không – như nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh.

Nhìn chung, kết quả đạt được trong hoạt động “chuyển giá” còn khiêm tốn, cả về quản lý đối tượng cũng như đấu tranh điều chỉnh giá để tăng thu ngân sách nhà nước. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới những hạn chế trong hoạt động “chuyển giá”, như chưa có quy định về cơ chế thoả thuận trước về phương pháp tính giá, nên việc quản lý thuế đối với hoạt động “chuyển giá” chưa được áp dụng linh hoạt đối với một số trường hợp có tính phức tạp và chưa khắc phục được việc tranh chấp về thuế giữa cơ quan thuế và người nộp thuế. Thời hạn cho một cuộc thanh tra giá chuyển nhượng tại Việt Nam bị giới hạn bởi quy định tại Luật Thanh tra, dẫn tới không đủ thời gian để thực hiện các công việc cần thiết trong quá trình thanh tra. Chưa có quy định chế tài xử lý đủ mạnh đảm bảo tính răn đe đối với những doanh nghiệp có hành vi “chuyển giá”; trong khi quyền hạn của cơ quan thuế bị giới hạn, chưa có quyền điều tra, do đó khó khăn trong quá trình xử lý các vụ cố tình vi phạm “chuyển giá” nhằm tối thiểu hoá nghĩa vụ thuế. Đồng thời, ngành thuế vẫn chưa có bộ phận chuyên trách quản lý thuế đối với hoạt động “chuyển giá”, nên việc quản lý thuế trong lĩnh vực này được thực hiện phân tán và lồng ghép với chức năng quản lý thuế khác, dẫn tới công tác chỉ đạo và triển khai chưa thống nhất, chưa đồng bộ và tập trung.

Công tác tuyên truyền hỗ trợ chưa được quan tâm đúng mức. Chưa tổ chức được nhiều các lớp hội thảo, tập huấn chuyên sâu về giá chuyển nhượng. Chưa biên soạn được sách hỏi đáp, hướng dẫn vướng mắc trong thực hiện chính sách quản lý giá chuyển nhượng. Một số đơn vị thuế chưa thực sự đôn đốc các doanh nghiệp kê khai thông tin giao dịch liên kết; chưa kiểm soát được chất lượng kê khai thông tin giao dịch liên kết và xử phạt theo quy định đối với các trường hợp chậm kê khai.

Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động chuyển giá mới chỉ được thực hiện trên phạm vi hẹp, chưa rộng khắp trên toàn quốc, và chủ yếu được lồng ghép trong chương trình thanh tra khác. Hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành thuế nhìn chung còn chưa hoàn thiện, vừa thiếu, vừa yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý giá chuyển nhượng…

Cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý đối với hoạt động “chuyển giá”, trước mắt cần nhanh chóng đưa Luật Quản lý thuế sửa đổi, bổ sung được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2012 và đã được công bố theo pháp lệnh của Chủ tịch nước ngày 14/12/2012 mới đây. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để ngành thuế đẩy mạnh công tác chống chuyển giá trong thời gian tới. Sớm thành lập bộ phận chuyên trách quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá tại một số đơn vị thuế quản lý nhiều doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Tăng cường đào tạo, đào tạo lại cho cán bộ thuế làm việc chuyên trách quản lý thuế đối với hoạt động “chuyển giá” ở tất cả các cấp. Kiện toàn hệ thống thông tin dữ liệu về người nộp thuế cũng như các thông tin cần thiết khác.

Tăng cường kiểm soát hoạt động “chuyển giá” thông qua việc đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của từng bộ phận chức năng. Trước mắt, tập trung thanh tra, kiểm tra giá chuyển nhượng đối với các tập đoàn có nhiều doanh nghiệp thành viên; các ngành nghề có dấu hiệu rủi ro lớn về thuế do hành vi “chuyển giá” của doanh nghiệp liên kết; các doanh nghiệp đã và đang thực hiện tái cơ cấu có khả năng lợi dụng “chuyển giá” để tránh thuế. Xây dựng quy trình triển khai thực hiện và các kỹ năng dành riêng cho nghiệp vụ thanh tra đối với hoạt động “chuyển giá”. Xây dựng bộ tiêu chí phân tích, đánh giá rủi ro, lựa chọn doanh nghiệp thanh tra giá chuyển nhượng để áp dụng chung thống nhất trên toàn quốc.

Đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ giúp người làm công tác thuế và người nộp thuế có thể dễ dàng tiếp cận và nhanh chóng nắm bắt được các nội dung liên quan đến vấn đề “chuyển giá”. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tranh thủ sự đồng thuận của các cấp chính quyền, xã hội và cộng đồng các doanh nghiệp để các doanh nghiệp tự giác tuân thủ, hạn chế lợi dụng “chuyển giá”. Kiểm soát chặt chẽ những doanh nghiệp thuộc diện phải kê khai thông tin giao dịch liên kết; kịp thời đôn đốc, nhắc nhở, xử lý nghiêm những doanh nghiệp không chấp hành nghĩa vụ kê khai thông tin giao dịch liên kết. Đồng thời, hướng dẫn các các doanh nghiệp kê khai theo đúng quy định để nâng cao chất lượng kê khai nhằm đạt được hiệu quả quản lý ngay từ khâu kê khai…

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

  • Nỗ lực, quyết tâm đưa Hà Tĩnh sớm đạt tỉnh nông thôn mới
  • Các hãng hàng không phải niêm yết giá vé bay
  • Bà Rịa – Vũng Tàu thu trên 3400 tỷ đồng từ du lịch
  • Vietnam Expo 2023: Tăng gần 100 doanh nghiệp và 220 gian hàng
  • Hà Nội thêm vốn cho Dự án đường Vành đai 4
  • Bà Rịa-Vũng Tàu tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực xuất khẩu
  • Quy định mới về điều kiện tham gia đấu giá quyền sử dụng đất