Chuyên gia: Nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc tương đương với tội diệt chủng
Cô Hannah Ng là một phóng viên đưa tin về Hoa Kỳ và Trung Quốc. Cô có bằng thạc sĩ về kinh tế học quốc tế và phát triển tại Đại học Khoa học Ứng dụng Kinh tế và Kỹ thuật Berlin.
Khi có bằng chứng thuyết phục cho thấy nhà cầm quyền Trung Quốc đang tiến hành hoạt động thu hoạch nội tạng sống của các tù nhân lương tâm, một nhóm chuyên gia kết luận rằng ý định thực sự của chế độ này là tiêu diệt các học viên Pháp Luân Công.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần bao gồm một bộ công pháp tĩnh tại và các bài giảng đạo đức. Trong những năm 1990, môn tu luyện này đã trở nên phổ biến, ước tính đến cuối thập niên này có khoảng 100 triệu người tập luyện ở Trung Quốc. Nhận thấy đây là một mối đe dọa [đối với quyền cai trị của mình], nên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát động một chiến dịch toàn quốc vào năm 1999 nhằm xóa sổ môn tu luyện này.
Hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ trong các nhà tù và các trại tạm giam trên khắp đất nước, nơi họ bị cưỡng bức lao động, bị tra tấn, và bị cưỡng bức thu hoạch nội tạng.
Tiến sĩ Torsten Trey, người sáng lập tổ chức bất vụ lợi Bác sĩ Chống Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức (DAFOH), cho biết thông lệ thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các học viên Pháp Luân Công còn sống là “tội ác phản nhân loại được điều tra nhiều nhất và kỹ càng nhất trong số các tội ác bị che đậy, vốn không được thảo luận trên các phương tiện truyền thông đại chúng.”
Ông Trey cho biết tại một hội thảo trực tuyến do Ủy ban về Mối nguy hiểm Hiện tại: Trung Quốc tổ chức hôm 02/01 rằng, “Sau khi điều tra kháng nghị này trong hơn hai năm, chúng tôi thực sự thấy rằng đây là một hình thức diệt chủng cụ thể, mà chúng tôi gọi là một cuộc diệt chủng lạnh. Hành động tiêu diệt một nhóm người này vẫn đang diễn ra nhưng trong một diễn tiến chậm và mô thức chuyển động chậm.”
“Nếu làm như vậy thì sẽ khó bị phát hiện hơn. Và đây là một khía cạnh rất trọng yếu,” ông nói thêm.
Theo ông Trey, qua cuộc điều tra này ông muốn bóc trần mưu đồ của ĐCSTQ, rằng họ đang thực sự theo đuổi thông lệ khủng khiếp này.
Ông cho biết việc bán nội tạng cấy ghép sinh lợi này chủ yếu mang lại lợi ích cho các bác sĩ thực hiện các ca phẫu thuật.
Ông nói: “Vì vậy, thông lệ này đã trở thành một cơ chế máy móc tự hành để đạt được số ca cấy ghép trên quy mô công nghiệp.”
Nhưng ông tin rằng chính quyền Trung Quốc đang theo đuổi một mục tiêu tối hậu khác.
Ông nói: “Ý định và mục đích của ĐCSTQ trong việc xếp đặt hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức này là chuyển việc hành quyết từ phòng xử án sang phòng mổ để [phục vụ cho] ý định và mục tiêu của ĐCSTQ là xóa sổ [Pháp Luân Công].”
ĐCSTQ đang ‘vũ khí hóa việc thu hoạch nội tạng’
Ông David Matas, một luật sư nhân quyền quốc tế người Canada và là đồng tác giả của cuốn sách “Thu hoạch Đẫm máu: Sát hại học viên Pháp Luân Công để lấy Nội tạng” cho biết, “Đảng Cộng sản Trung Quốc thực sự đang vũ khí hóa việc thu hoạch nội tạng để gây ra tội ác diệt chủng nhắm vào những người mà họ không mong muốn.”
Ông Matas cho biết, Tòa án Luận tội Trung Quốc có trụ sở tại London, một hội đồng xét xử độc lập đã xem xét kỹ lưỡng các bằng chứng khả dụng hồi năm 2019.
Sau khi xem xét bằng chứng từ hơn 50 nhân chứng, ban hội thẩm xác định rằng nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức đã diễn ra trong một thời gian dài và trên một quy mô đáng kể, trong đó các học viên Pháp Luân Công là nguồn cung cấp nội tạng chính.
Chủ tọa của tòa này, ông Geoffrey Nice QC, cho biết trong một phán quyết được ban bố vào ngày 17/06 cùng năm đó ở London rằng, dựa trên một phân tích về cơ sở hạ tầng và năng lực tại 146 bệnh viện Trung Quốc, ước tính mỗi năm có khoảng 60,000 đến 90,000 ca phẫu thuật cấy ghép được tiến hành. Con số này lớn hơn rất nhiều so với con số mà chính quyền Trung Quốc công bố là 10,000 đến 20,000 ca mỗi năm.
Ông Matas nói: “Các nạn nhân của nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức được thể chế hóa đến từ các nhà tù và trại tạm giam đã bắt cóc họ ở ngoài đường, chứ không phải đến từ các bệnh viện.”
“Đổi lại, hệ thống đàn áp này chính là do Đảng Cộng sản Trung Quốc điều khiển và ra lệnh.”
Các biện pháp kiềm chế tội ác này
Ông Matas còn mô tả hành động tàn bạo này là “một tội ác xuyên quốc gia”, lưu ý rằng một số quốc gia đã ban hành luật chống du lịch ghép tạng ở Trung Quốc.
Đài Loan, Na Uy, Chile, và Israel đã thông qua luật hạn chế khả năng công dân của họ ra hải ngoại để ghép tạng, với lý do lo ngại về nguồn cung cấp không minh bạch trong hoạt động buôn bán nội tạng.
“Hoa Kỳ không phải là một trong số các quốc gia đó,” ông nói, đồng thời gợi ý thêm rằng Hoa Kỳ nên ngay lập tức “hình sự hóa việc những người cấy ghép tạng đến Trung Quốc”.
Tiến sĩ G. Weldon Gilcrease, phó giám đốc DAFOH, kêu gọi Hoa Kỳ hãy tách biệt khỏi Trung Quốc nhiều nhất có thể “cùng với sự hiểu biết và nhận thức về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức và hoạt động tội phạm đang diễn ra.”
Ông Gilcrease nói: “Chúng ta cần thừa nhận … rằng chúng ta đang đối phó với một nhà nước tội phạm, và chúng ta cần có một sự tách biệt lớn khỏi Trung Quốc cả ở cấp độ cá nhân cho đến cấp độ thể chế.”
Ông Matas tiếp lời, nói rằng các chuẩn mực đạo đức liên quan đến thông lệ tàn bạo này cần phải được thiết lập.
Ông Matas nói: “Các bác sĩ nên nói với những bệnh nhân rằng: nếu quý vị đến Trung Quốc để ghép tạng, thì một người nào đó có thể sẽ bị sát hại để lấy nội tạng. Hơn nữa, cần phải có một chuẩn mực đạo đức [về vấn đề này], nhưng hầu hết các quốc gia vẫn chưa thiết lập. Vậy nên, những gì chúng ta cần phải làm đó là đối mặt trực tiếp với vấn đề và thực hiện toàn bộ những cách khắc phục khác nhau, những gì mà chúng ta đang có, đồng thời thực hiện trên một phạm vi bao trùm.”
Ông Trey lưu ý rằng khi chúng ta sống “trong một thế giới được kết nối với mạng xã hội,” thì có nghĩa là chúng ta có thể lập tức tiếp cận với bất kỳ thông tin nào. Và “việc cố tình nhắm mắt làm ngơ ngày nay đã mang một tầng ý nghĩa khác so với ngày xưa,” ông nói thêm.
“Tôi nghĩ rằng việc làm ngơ có chủ ý này cần phải được xem như là đang tiếp tay cho tội ác phản nhân loại.”
Hannah Ng
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Hannah Ng là một phóng viên đưa tin về Hoa Kỳ và Trung Quốc. Cô có bằng thạc sĩ về kinh tế học quốc tế và phát triển tại Đại học Khoa học Ứng dụng Kinh tế và Kỹ thuật Berlin.
Bản tin có sự đóng góp của Annie Wu và Cathy He
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
CHIA SẺ
CHIA SẺ