Chuyển đổi số – Hướng đi bền vững cho doanh nghiệp (Kỳ I)
Trong một vài năm trở lại đây, cùng với cách mạng 4.0, chuyển đổi số là từ khóa được nhắc đến nhiều nhất. Để thành công trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và để tránh bị tụt hậu, các quốc gia phải thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt là chuyển đổi số cho các doanh nghiệp.
1. Chuyển đổi số và lợi ích của chuyển đối số đối với doanh nghiệp
Mặc dù đã xuất hiện từ rất lâu trên thế giới nhưng ở Việt Nam, khái niệm chuyển đổi số mới chỉ xuất hiện trong vài năm trở lại đây với nhiều định nghĩa, cách hiểu khác nhau.
Theo Gartner – công ty nghiên cứu và tư vấn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới đưa ra định nghĩa về chuyển đổi số như sau: “Chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới”.
Còn Microsoft thì cho rằng “Chuyển đổi số là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo những giá trị mới”.
Tại Việt Nam, chuyển đổi số được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty.
Chuyển đổi số khác gì số hóa?
Nhiều người chưa hiểu có thể dễ dàng đánh đồng giữa chuyển đổi số và số hóa. Số hóa được hiểu là việc biến đổi các giá trị thực sang dạng số, ví dụ như việc thay vì quản lý hồ sơ nhân viên bằng file cứng thì nay bộ phận nhân sự các doanh nghiệp đã có thể nhập liệu lên file excel và quản lý trên đó.
Còn “chuyển đổi số” là khi có dữ liệu được số hoá rồi, chúng ta phải sử dụng các công nghệ như AI, Big Data… để phân tích dữ liệu, biến đổi nó và tạo ra một giá trị khác.
Lợi ích của chuyển đổi số
Chuyển đổi số hứa hẹn mang đến nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận tối đa các khách hàng tiềm năng trong cùng một khoảng thời gian, hỗ trợ lãnh đạo đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ các hệ thống báo cáo được tổng hợp tự động theo thời gian thực. Thông qua đó, doanh nghiệp sẽ cải thiện được hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và gia tăng tính cạnh tranh của tổ chức trên thị trường.
Theo nghiên cứu từ năm 2017 của Microsoft tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP năm 2017 là khoảng 6%, năm 2019 được dự đoán là 25% và tới năm 2021 là 60%. Chuyển đổi số cũng làm tăng năng suất lao động 15% trong năm 2017, dự kiến 2020 là 21%; 85% công việc trong khu vực sẽ bị biến đổi trong ba năm tiếp theo.
2. Thực trạng chuyển đổi số tại Việt Nam
Bước vào ngưỡng cửa của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong bối cảnh các doanh nghiệp trên thế giới đã có những chuyển mình mạnh mẽ, thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần đẩy nhanh việc chuyển đổi số; và tiến trình này được cho là sẽ có nhiều thuận lợi bởi Chính phủ và chính quyền các cấp đang nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số để chuyển đổi song hành cùng các doanh nghiệp. Hiện nay, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại quốc gia đang dần hoàn thiện với việc đồng bộ hạ tầng, tập trung kết nối 4G, hướng tới 5G, phủ Wi-Fi rộng khắp. Bên cạnh đó, tại thị trường công nghệ thông tin Việt Nam đã có những tên tuổi đủ năng lực cung cấp những sản phẩm, giải pháp thông minh toàn diện để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận số như Microsoft, VCCorp, Samsung… Với những yếu tố trên, Việt Nam đã sẵn sàng cho kỷ nguyên số và đang là thị trường nhắm đến để mở rộng đầu tư của hơn 20 doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ trong các lĩnh vực viễn thông truyền hình, logistics, công nghệ thông tin, bán lẻ như AIG, SkyPower, GE, AT&T, IBM, MetLife, Walmart, CocaCola, Pepsico… trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 và Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020.
Trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, quá trình chuyển đổi số diễn ra chủ yếu trong những ngành như tài chính, giao thông, du lịch, thương mại điện tử, công nghiệp chế tạo, … và tạo ra nhiều hứng khởi cho các start-up non trẻ trong nước. Để có thể thích ứng với sự thay đổi, tăng tốc trong hoạt động kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn và đầu tư cho chuyển đổi số ở nhiều quy mô khác nhau.
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của doanh nghiệp thời 4.0, nhưng theo các chuyên gia, tham gia cuộc chơi này vẫn chỉ là những tên tuổi quen thuộc trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, trong khi phần lớn doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa nhận thức rõ vai trò của chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hay còn đắn đo, dè dặt bởi nguồn lực hạn chế và e ngại không thu lại kết quả như mong đợi. Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp hiện nay còn phải đối mặt với những thách thức khác như: Rào cản trong văn hóa doanh nghiệp, tầm nhìn người lãnh đạo còn hạn chế, thiếu hụt các báo cáo, phân tích thông tin…
Theo một báo cáo mới đây của Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI), phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn gặp nhiều rào cản trong chuyển đổi số do chưa nhận thức đúng vai trò của quá trình này.
Báo cáo của VCCI cho thấy, tuy chiếm tới gần 98% số lượng doanh nghiệp của Việt Nam, song trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, có đến 80-90% máy móc sử dụng trong các doanh nghiệp Việt Nam là nhập khẩu, gần 80% là những công nghệ cũ từ thập niên 1980-1990.
Trong khi đó, theo kết quả khảo sát của Bộ Công thương, có tới 16/17 ngành khảo sát đang có mức độ sẵn sàng thấp trước xu hướng tham gia ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động của doanh nghiệp.
Đáng chú ý, số doanh nghiệp mới bắt đầu biết về chuyển đối số chiếm tới trên 80%. Cũng theo khảo sát, chỉ có 6,6% doanh nghiệp cho rằng đủ nguồn lực để thay đổi hoàn toàn từ hệ thống cũ sang hệ thống công nghệ mới, 34,6% doanh nghiệp sẽ thay đổi từng bước do không đủ nguồn lực, 27,5% đang trong quá trình chuẩn bị vốn và nguồn lực và có tới 31,1% doanh nghiệp vẫn chưa làm gì để theo kịp CMCN 4.0.
Còn theo Báo cáo “Chỉ số phát triển kỹ thuật số của doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực châu Á – Thái Bình Dương” của Cisco vừa được công bố trong tháng 4/2019 cho thấy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đang đối mặt với những trở ngại trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số như thiếu kỹ năng số và nhân lực (17%), thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số (16,7%), thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp (15,7%),… Mới chỉ có một số ít doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đang bước đầu đầu tư vào công nghệ đám mây (18%), an ninh mạng (12,7%), nâng cấp phần mềm, phần cứng để chuyển đổi số (10,7%).
(Còn tiếp)