Chuyến đi học tập, thực tế của lớp Đại học Quản trị Dịch vụ du lịch và Lữ hành khóa I (2017-2021)

Chuyến đi học tập, thực tế của lớp Đại học Quản trị Dịch vụ du lịch và Lữ hành khóa I (2017-2021)

Chuyến đi thực tế của tập thể lớp Đại học Quản trị Dịch vụ du lịch và Lữ hành khóa I tại các tỉnh Sơn La, Điện Biên và thị xã Sapa – tỉnh Lào Cai. Chuyến đi học tập, thực tế nằm trong chuỗi hoạt động theo định hướng ứng dụng của ngành Quản trị Dịch vụ du lịch và Lữ hành, trường Đại học Tân Trào.

Mục đích của chuyến đi này là tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội đi khảo sát, tìm hiểu về các điểm du lịch, các di tích lịch sử và di sản văn hóa ở các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lào Cai – cung đường Tây Bắc – phục vụ cho việc phát triển ngành du lịch, đồng thời, tạo điều kiện cho sinh viên thực hành và rèn luyện các kỹ năng, nghiệp vụ nghề. Bên cạnh đó, các giảng viên còn hướng dẫn sinh viên tiến hành khảo sát và đánh giá về thực trạng, tình hình bảo tồn và khai thác các điểm, tuyến du lịch, các di tích lịch sử, các di sản văn hóa tại các địa phương mà đoàn đi qua. Trên cơ sở thực tế, học viên làm bài tập thu hoạch môn học. Với phương châm “Học đi đôi với hành”, chuyến học tập thực tế đã để lại ấn tượng cho các học viên đồng thời thu thập được nhiều kiến thức thực tế bổ ích.

Học phần trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về khái niệm du lịch, những tài nguyên du lịch, cách thức phát triển du lịch của một vùng, một điểm cụ thể. Với sự chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế hiện nay, thì du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam cũng là một trong số những quốc gia đang từng bước đẩy mạnh phát triển ngành kinh tế non trẻ này. Tây Bắc gồm những tỉnh miền núi, kinh tế còn nghèo, nhưng bước đầu đã có sự đầu tư cho ngành du lịch. Thực tế môn học yêu cầu sinh viên phải nhận thấy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong từng ngành cụ thể; hiểu được vai trò, chức năng, nội dung, hình thức thực tế Địa lí du lịch; cách ghi chép, thu nhận thông tin khi đi thực tế; thời gian, địa điểm, lịch trình; cách viết bài thu hoạch, báo cáo khoa học. Đồng thời, học phần cũng giúp sinh viên củng cố, hiểu sâu và mở rộng kiến thức về ngành kinh tế du lịch của một vùng lãnh thổ so với cả nước.

Chuyến học tập thực tế của tập thể lớp Đại học Quản trị Dịch vụ du lịch và Lữ hành khóa I trong thời gian 5 ngày đã đạt được mục đích: mở mang được cả về kiến thức chuyên môn lẫn nghiệp vụ, đồng thời, với 5 ngày bên nhau đã giúp tập thể lớp thêm gắn kết yêu thương, biết quan tâm, chăm sóc cho nhau nhiều hơn, đoàn kết hơn.

Dưới đây là một số hình ảnh của chuyến đi:

                                                         Tập thể lớp cùng giảng viên huớng dẫn tại đồi A1 (Điện Biên)

                                         Tập thể lớp cùng giảng viên huớng dẫn tại thác Dải Yếm (Mộc Châu – Sơn La)

                                     Tập thể lớp cùng giảng viên huớng dẫn tại bảo tàng Điện Biên Phủ (Điện Biên)

                                                 Tập thể lớp cùng giảng viên huớng dẫn tại Sapa (Lào Cai)

                                                  Tập thể lớp cùng giảng viên huớng dẫn tại Sapa (Lào Cai)

                                                 Nhóm 1 cùng giảng viên huớng dẫn tại bản Cát Cát (Sapa)

                                            Tập thể lớp cùng giảng viên huớng dẫn tại bản Cát Cát (Sapa)

Chuyến đi thực tế là một trải nghiệm tuyệt vời với các sinh viên khoa Văn hóa – Du lịch. Thêm nhiều hiểu biết, thêm nhiều gắn kết. Chúc mừng thành công của thầy và trò khoa Văn hóa – Du lịch.

 

Bài và ảnh: Quách Hà Hiếu (SV khoa Văn hoá – Du lịch)