Chuyên đề: “Thực trạng sử dụng năng lượng tái tạo tại Việt Nam”
Đánh giá phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam từ góc độ bền vững/Phạm Thị Thu Hà;// Tạp chi Công thương – 2021 – no.15 – tr.115-124
Đối với một quốc gia, năng lượng luôn có vai trò rất quan trọng. Phát triển năng lượng bền vững là một trong những tiêu chí đo lường sự thịnh vượng của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, để duy trì được sự phát triển bền vững này lại là một bài toán khó. Bài viết sẽ đi sâu phân tích tình hình phát triển bền vững trong ngành Năng lượng tái tạo ở Việt Nam, đồng thời đề xuất nhóm giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn còn tồn tại.
Ảnh hưởng của Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến vận hành thị trường điện Việt Nam/Đỗ Thị Bình;// Tạp chí Kinh tế và Dự báo – 2021 – no.8 – tr.25-28
Trong bối cảnh nguồn năng lượng sơ cấp trong nước đã được khai thác ở ngưỡng tối đa, nhiều dự án nguồn điện truyền thống tiếp tục chậm tiến độ vận hành, thì việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) ở Việt Nam được xem là một trong những giải pháp quan trọng góp phần đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ phát triển đất nước, vừa bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững. Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg, ngày 25/11/2015 đã tạo tiền đề phát triển thị trường điện Việt Nam, với đóng góp ngày càng lớn của nguồn điện NLTT, nhất là điện mặt trời và điện gió, giúp đảm bảo an ninh cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.
Vai trò của hệ thống lưu trữ với mức độ xâm nhập cao của nguồn năng lượng tái tạo vào lưới điện Việt Nam đến năm 2030/Dương Minh Quân; Đinh Thành Việt; Lê Tuân; Hoàng Dũng; Võ Văn Phương; Mã Phước Khánh;// Tạp chí Khoa học và Công n ghệ (Đại học Đà Nẵng) – 2020 – no.5.2 – tr.45-50
Một hệ thống điện phụ thuộc hoàn toàn vào năng lượng tái tạo không đáng tin cậy do tính không liên tục và sự phụ thuộc vào thời tiết của loại hình năng lượng này. Khi sự xâm nhập của năng lượng tái tạo ngày một tăng cao, các công nghệ hay nguồn năng lượng hỗ trợ cần phải được tích hợp thêm. Nhưng điều này gặp phải nhiều rào cản về chi phí đầu tư và vận hành. Nghiên cứu này xây dựng mô hình hệ thống điện Việt Nam vào năm 2030 với sự xâm nhập của các nguồn năng lượng tái tạo và nguồn lưu trữ dựa trên mã nguồn mở Pypsa. Các chi phí xây dựng và vận hành hệ thống sẽ được tính toán và đưa ra tiêu chí tối ưu kinh kế – kỹ thuật. Kết quả cho thấy việc triển khai năng lượng tái tạo ở Việt Nam phụ thuộc nhiều vào sự biến động về chi phí công nghệ trong tương lai và chính sách hỗ trợ của chính phủ.
Thực trạng và nguồn tài trợ đối với dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam/Trần Thế Nữ; Đặng Hương Giang;// Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương – 2020 – no.572 – tr.7-9
Năng lượng tái tạo (NLTT) đang nổi lên như một trong những lĩnh vực được ưu tiên nhất cho đầu tư ở Việt Nam. Mặc dù nhìn nhận có tiềm năng lớn, nhưng việc phát triển các nguồn NLTT trong thời gian qua đối mặt với nhiều bất cập và thách thức, như chi phí đầu tư còn cao, số giờ vận hành nguồn điện thấp, cơ sở hạ tầng lưới điện một số khu vực nhiều tiềm năng về NLTT chưa sẵn sàng để giải phóng công suất… Ngoài ra, còn một bất cập lớn có ý nghĩa quyết định đến các dự án NLTT — nguồn vốn tài trợ cho dự án, bài viết này thông qua tìm hiếu thực trạng nguồn tài trợ, đánh giá các vướng mắc từ đó đề xuất các giải pháp nhằm phát triển nguồn tài trợ dành cho các dự án NLTT.
Phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam trong bối cảnh ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu toàn cầu/Hoàng Thị Thinh;// Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương – 2020 – no.572 – tr.77-79
Việt Nam có tiềm năng và lợi thế lớn đé phát triển năng lượng tái tạo, tuy nhiên thực tế cho thấy việc phát triển lĩnh vực này ở nước ta còn khá nhiều bất cập, chưa tương xứng với tiềm năng. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả làm rõ những vấn đề chung về phát triển năng lượng tái tạo, sự cần thiết của việc phát triển năng lượng tái tạo trong bối cảnh ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu toàn cầu, đánh giá tổng quan thực trạng và định hướng một số giải pháp để phát triển phát triển lĩnh vực này ở nước ta.
Một số giải pháp khai thác nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam/Nguyễn Thị Bích Hạnh; Nguyễn Thế Tâm;// Tạp chí Khoa học và Công nghệ (Đại học Duy Tân) – 2020 – no.4 – tr.21-31
Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu năng lượng ngày một cao và yêu cầu con người phải tìm ra các nguồn năng lượng mới để không phải phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch, nhiên liệu mỏ quặng như than đá, dầu mỏ… vốn có hạn và gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Đã có nhiều hướng tiếp cận nghiên cứu, khai thác và ứng dụng năng lượng mới. Bài báo này tổng hợp các nguồn năng lượng mới nổi bật hiện nay để giúp người đọc thấy được tiềm năng về các nguồn năng lượng mới trên thế giới và Việt Nam, qua đó nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng và tìm kiếm nguồn năng lượng mới trong cộng đồng. Bài báo cũng đề xuất một số giải pháp khai thác nguồn năng lượng mới ở Việt Nam.
Phát triển thị trường năng lượng tái tạo ở Việt Nam/Phạm Thị Thu Hà; Nguyễn Ngọc Anh;// Tạp chí Công Thương – 2020 – no.16 – tr.82-90
Một trong những giải pháp phát triển bền vững năng lượng Việt Nam trong tương lai đó là từng bước đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, khơi mở nguồn điện dựa trên các nguồn năng lượng tái tạo mà Việt Nam có tiềm năng, đặc biệt là gió, năng lượng mặt trời. Bài viết dưới đây tập trung phân tích thực trạng, phát hiện những vấn đề còn tồn tại, thách thức mà chúng ta phải đối mặt, để từ đó đưa ra các giải pháp hiệu quả giúp phát triển năng lượng tái tạo một cách hiệu quả.
Chính sách cho vay đối với các dự án năng lượng tái tạo của các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay/Đặng Hương Giang; Trần Thế Nữ;// Tạp chí Công Thương – 2020 – no.7 – tr.220-224
Tín dụng xanh (TDX) là vấn đề mới đối với ngành ngân hàng (NH) Việt Nam nên hiện tại các ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn chưa phát triển mạnh nguồn tín dụng này. Đến nay, mới có khoảng hơn 10 NHTM Việt Nam cấp TDX cho các dự án năng lượng tái tạo (NLTT). Nhu cầu vốn cho NLTT đến năm 2030 là trên 30 tỷ USD, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành nhiều văn bản hỗ trợ TDX. Mới đây nhất, chiến lược phát triển ngành NH đến năm 2025 tầm nhìn năm 2030 đã nhận định vai trò hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN) trong việc phát triển xanh, NLTT là rất quan trọng. Bài báo tiến hành nghiên cứu chính sách cho vay của các NHTM Việt Nam, nhằm có cái nhìn tổng quan về chính sách tín dụng đối với các dự án NLTT, qua đó đánh giá những khó khăn, vướng mắc khi các NHTM thực thi chính sách này.
Hoàn thiện pháp luật về đầu tư năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo ở Việt Nam/Doãn Hồng Nhung; Nguyễn Thanh Hải;// Tạp chí Công thương – 2019 – no.18 – tr.37-41
Trong lĩnh vực đầu tư năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, pháp luật về cơ chế khuyến khích hiện nay bao gồm chính sách giá ưu đãi mua điện Feed-in-Tariff (FiT), cơ chế ưu tiên mua điện từ các nguồn này, cùng với các ưu đãi khác về thuế, đầu tư, sử dụng đất. Pháp luật và cơ chế, chính sách hiện hành đã thu hút nhiều thành phần kinh tế tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực này và đạt được những thành tựu nhất định. Song trong giai đoạn mới tới đây, hệ thống pháp luật còn có thể tiếp tục hoàn thiện hơn nữa để đảm bảo tính đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả trong việc áp dụng và thực thi pháp luật, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội – môi trường của nước ta. Bài viết đánh giá và đưa ra giải pháp hoàn thiện pháp luật về khuyến khích đầu tư năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo ở Việt Nam.
Xây dựng pháp luật về phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo ở Việt Nam/Đỗ Việt Hải;// Tạp chí Công Thương – 2018 – no.1 – tr.29-34
Pháp luật về phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo ở Việt Nam hiện nay tuy đã có nhiều kết quả tích cực trên hầu hết các phương diện từ vấn đề nhận thức, xây dựng chính sách pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật, nhưng những kết quả đó chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và đòi hỏi của thực tế. Bài viết phân tích sự cần thiết xây dựng, hoàn thiện pháp luật về phát triển nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo và đặt ra vấn đề cần tìm giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng pháp luật trong thời gian tới, đưa đất nước phát triển với nền kinh tế xanh, sạch và bền vững.
Hợp tác năng lượng tái tạo Việt Nam – Ấn Độ: tiềm năng và triển vọng/Nguyễn Văn Linh;// Nghiên cứu Ấn Độ và châu Á – 2018 – no.9 – tr.24-30
Quan hệ Việt Nam – Ấn Độ được nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện đã mở ra nhiều hướng hợp tác mới, sâu rộng hơn cho hai nước, trong đó có lĩnh vực năng lượng tái tạo. Với tiềm lực thị trường lớn mạnh, Ấn Độ là một trong những quốc gia đi đầu trong phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời. Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về nguồn năng lượng thiên nhiên và luôn chủ động trong hợp tác phát triển nguồn năng lượng này. Trong vài năm trở lại đây, hợp tác năng lượng tái tạo Việt Nam – Ấn Độ được đẩy mạnh, bước đầu đạt được những thành công nhất định. Hợp tác năng lượng tái tạo là hướng đi mới có tiềm năng và triển vọng lớn, góp phần củng cố quan hệ song phương Việt Nam – Ấn Độ bền vững và thịnh vượng.
Sự chuyển dịch cơ cấu nguồn năng lượng tái tạo trong quy hoạch, chiến lược phát triển năng lượng ở Việt Nam/Nguyễn Vĩnh Thụy;// Khoa học và Công nghệ (Đại học Thái Nguyên) – 2017 – no.2 – tr.159-165
Sự chuyển dịch cơ cấu nguồn năng lượng tái tạo trong quy hoạch, chiến lược phát triển năng lượng ở Việt Nam. Xây dựng các kịch bản dựa trên các quy hoạch, chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và sử dụng phần mềm LEAP để tính toán, xem xét sự chuyển dịch cơ cấu các nguồn năng lượng tái tạo cho phát điện đến năm 2030. Kết quả cho thấy khi nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế và có những chính sách phù hợp thì cơ cấu nguồn năng lượng tái tạo sẽ gia tăng đáng kể.
Phát triển năng lượng tái tạo tại một số nước trên thế giới và gợi ý cho Việt Nam/Vũ Thị Vân Ngọc;// Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương – 2018 – no.531 – tr.40-42
Cùng với sự phát triển công nghiệp và kinh tế xã hội, nhu cầu sử dụng năng lượng toàn cầu đã tăng lên nhanh chóng. Có ít nhất 30 quốc gia trên thế giới đã sử dụng năng lượng tái tạo và chiếm hơn 20% nhu cầu năng lượng của họ. Tính hết năm 2015, 23,7% nguồn năng lượng trên thế giới được sản xuất từ thủy điện, gió, mặt trời, sinh khối…, đã tăng rất nhanh so với tỷ lệ 19,2% năm 2014. Trong giai đoạn 2012-2040, năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng phát triển nhanh nhất thế giới sau đó là năng lượng hạt nhân với mức tiêu thụ 2,3%/năm, tuy nhiên nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm vai trò chủ đạo, ở mức 78% lượng năng lượng sử dụng trong năm 2040.
Nhận diện một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng, áp dụng pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam hiện nay/Phan Duy An;// Nhân lực Khoa học Xã hội – 2016 – no.12 – tr.24-32
Việc khai thác, sử dụng năng lượng tái tạo đang là nhu cầu thiết yếu của các quốc gia trên thế giới để đảm bảo phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc triển khai các chính sách, quy định trên thực tiễn còn gặp rất nhiều khó khăn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Bài viết đưa ra nhằm nhận diện một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng, áp dụng pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Hoàn thiện chính sách hỗ trợ năng lượng tái tạo ở Việt Nam/Nguyễn Hùng Cường;// Phát triển bền vững Vùng – 2016 – no.3 – tr.32-38
Trong khi đang đối mặt với những thách thức của việc đảm bảo an ninh năng lượng, thời gian quan, sự phát triển của năng lượng tái tạo tại Việt Nam là rất hạn chế. Bài viết trình bày những lợi ích, rào cản và thực trạng chính sách hỗ trợ năng lượng tái tạo của Việt Nam và phân tích chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo hiện nay, đồng thời đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện chính sách hỗ trợ năng lượng tái tạo phát triển nhằm góp phần giải quyết các thách thức về năng lượng, môi trường và phát triển bền vững của Việt Nam.2