Chuyên đề 3: Bộ máy quản lý Nhà nước về kinh tế ở Việt Nam

 

CHUYÊN ĐỀ 3: BỘ MÁY QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KINH TẾ Ở VIỆT NAM

 

Thời lượngt giảng trên lớp: 5 tiết

Đối tượng: Học viên các lớp CCLL 

* MỤC TIÊU BÀI GIẢNG:

Về kiến thức: Hiểu rõ bản chất, vai trò của bộ máy QLNN về kinh tế ở Việt Nam. Nắm vững quan điểm, giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy QLNN về kinh tế.

Về kỹ năng: Giúp người học vận dụng các kiến thức, nội dung của chuyên đề để hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước về kinh tế của bộ máy QLNN về kinh tế ở địa phương, ngành nơi mình đang công tác.

Về thái độ: Tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hoạt động QLNN về kinh tế trong nền kinh tế thị trường.

NỘI DUNG:

1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG CỦA BỘ MÁY QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KINH TẾ

2. BỘ MÁY QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KINH TẾ Ở VIỆT NAM

3. MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA VÀ PHƯƠNG HƯỚNG, GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN BỘ MÁY QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KINH TẾ Ở VIỆT NAM

Tài liệu tham khảo:

  • Các Nghị quyết Đại hội Đảng VII, VIII, IX, X, XI

  • Giáo trình Quản lý kinh tế

A. NỘI DUNG

1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG CỦA BỘ MÁY QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KINH TẾ

Mỗi quốc gia, dù là nước phát triển hay đang phát triển đều có bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tương ứng. Với nước ta, trong bối cảnh vừa tạo lập, xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vừa vận hành nền kinh tế ðó theo cõ chế thị trýờng thì “tư duy và cách ứng xử” mới trong xây dựng bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế một cách có cơ sở khoa học, thiết thực, hiệu quả là vấn đề quan trọng, có ý nghĩa to lớn trên nhiều phương diện.

1.1. Khái niệm bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế

Bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế là một chỉnh thể các bộ phận trong  cơ cấu tổ chức quyền lực nhà nước, có chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ khác nhau, có quan hệ, ràng buộc và phụ thuộc lẫn nhau, được bố trí thành cấp và khâu để thực hiện chức năng nhất định của quản lý nhà nước về kinh tế nhằm đạt mục tiêu đã đặt ra.

Trong khái niệm bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế trên đây, cần thấy rõ những nội dung, yếu tố sau:

Chỉnh thể các bộ phận hợp thành bộ máy: Số lượng các bộ phận của bộ máy quản lý vừa đủ, không thừa, không thiếu xét theo cả quan hệ dọc và quan hệ ngang.

Chức năng quản lý: Chức năng quản lý là những hoạt động tất yếu, nảy sinh và là kết quả của phân công lao động trong quá trình quản lý, được xác định cho từng bộ phận của bộ máy quản lý nói chung, bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế nói riêng. Chức năng bộ máy quản lý nói chung là nhiệm vụ cơ bản, xuyên suốt vốn có của một tổ chức, một đơn vị mà từ đó bộ máy quản lý được hình thành, hiện hữu và vận động vì tổ chức, vì đơn vị đó.

Các quyền hạn, nhiệm vụ: Quyền hạn, nhiệm vụ quản lý được xác định tương ứng cho từng bộ phận trong bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế.

Quan hệ ràng buộc, phụ thuộc nhau: Mỗi bộ phận có tính độc lập tương đối, nhưng không tách rời, không đối lập nhau, ngược lại, là tiền đề cho nhau.

Cấp quản lý: Cấp quản lý thể hiện là quan hệ dọc, giữa cấp trên, cấp dưới. Mỗi cấp là một tập hợp gồm nhiều bộ phận.

Khâu Quản lý: Khâu quản lý là tập hợp các bộ phận của cùng một cấp quản lý, các bộ phận là ngang quyền, bình đẳng; do đó, quan hệ giữa các khâu là hợp tác với nhau trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

1.2. Đặc điểm của bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế

Đặc điểm về kinh tế: Bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế nắm và chi phối các nguồn lực kinh tế. Các nguồn lực này bao gồm:

– Nguồn lực tiền tệ, tài chính: Ngân sách nhà nước; giá trị các cổ phần của nhà nước tại các công ty cổ phần trong và ngoài nước;…

– Nguồn lực vật chất như thiết bị, máy móc, phương tiện…trong các doanh nghiệp nhà nước, dự trữ quốc gia,…

– Nguồn lực tài nguyên: Đất đai, rừng, biển, khoáng sản,…

Đặc điểm về tổ chức: Bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế thuộc “Kiến trúc thượng tầng”. Bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế là một phân hệ của hệ thống cơ quan nhà nước vừa thuộc “Kiến trúc thượng tầng”, vừa có quyền lực, lại nắm thực lực to lớn. Do đó, nó tác động tới cơ sở hạ tầng có thể theo nhiều hướng khác nhau với kết quả khác nhau.

Đặc điểm về hoạt động: Bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế hoạt động bằng quyền lực công và thông qua quyền lực công. Nhà nước quản lý nền kinh tế bằng pháp luật và bằng các văn bản qui phạm pháp luật, bằng thể chế, chính sách có tính pháp lý với sức mạnh hiệu lực tương ứng.

Tiềm ẩn xu hướng quan liêu hóa: Bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế do có quyền lực lớn, nắm thực lực lớn và sức mạnh chi phối nên dễ có nguy cơ quan liêu hóa. Đặc biệt dễ xảy ra tình trạng quan liêu khi quyền lực tập trung cao độ, thái quá ở cấp trên.

1.3. Yêu cầu cơ bản đối với bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế

Một bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế hoạt động có hiệu lực, hiệu quả cao phải đảm bảo yêu cầu cơ bản sau:

Thứ nhất, số cấp và khâu hợp lý.

Thứ hai, xác định rõ chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ mỗi cấp, khâu.

Thứ ba, thiết thực, hiệu quả.

Thứ tư, bảo đảm đủ ổn định, linh hoạt cần thiết:

1.4. Vai trò của bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế

  • Sử dụng hữu hiệu các nguồn lực cho phát triển.

  • Duy trì, dẫn dắt các hoạt động kinh tế phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của đảng cầm quyền và của nhà nước.

  • Bảo đảm các hoạt động kinh tế tuân thủ theo pháp luật, thiết thực, hiệu quả.

  • Phối hợp cùng các ngành, lĩnh vực khác thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của nhà nước để ra trong từng thời kỳ nhất định.

  • Thúc đẩy và mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại một cách thiết thực, hiệu quả.

2. BỘ MÁY QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KINH TẾ Ở VIỆT NAM

2.1. Đặc điểm bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế ở Việt Nam

Ngoài đặc điểm chung trên đây, ở Việt Nam, bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế có một số đặc điểm sau:

Thứ nhất, bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế nằm trong bộ máy nhà nước nói chung.

Thứ hai, dù cũng là ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp nhưng chỉ độc lập tương đối, tính thống nhất trong điều hành bộ máy là phổ biến, cơ bản, thể hiện rõ Nhà nước ta là của dân, do dân, vì dân, dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thứ ba, nền kinh tế nước ta dựa trên nền tảng sở hữu công. Do đó bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế với tư cách đại diện chủ sở hữu có quyền lực chi phối mạnh, khối lượng nguồn lực kinh tế to lớn của quốc gia, ngành, lãnh thổ, địa phương.

2.2. Khái lược lịch sử ra đời và phát triển của bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế của Việt Nam

2.2.1.Quá trình hình thành bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế của Việt Nam

2.2.1.1. Bộ máy QLNN về kinh tế của Việt Nam trước đổi mới:

– Cách mạng tháng 8 thành công (1945), nhà nước kiểu mới đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời – Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Việt Nam. Bộ máy nhà nước nói chung, trong đó có bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế hình thành, hoạt động với mục tiêu vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Một số cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế được xác lập, hoạt động: Bộ Ngân khố, Bộ canh nông…Bộ máy quản lý kinh tế hoạt động trong điều kiện chiến tranh, phục vụ sự nghiệp cách mạng, dân tộc, dân chủ.

Đến 5/1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế được xác lập và hoàn thiện phù hợp với nhiệm vụ chiến lược mới vừa xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, vừa đấu tranh, chi viện giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc.

Ở miền Bắc, bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế thực hiện điều hành nền kinh tế theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung cao độ bằng hệ thống mệnh lệnh hành chính, trực tiếp; quan hệ kinh tế bao cấp, xét duyệt, ban phát, xin – cho.

Với đặc trưng và cơ chế quản lý đó, bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế vừa cồng kềnh, nhiều tầng nấc và kém hiệu quả là điều khó tránh khỏi.

– Từ 1976 đến trước 12/1986:

Đất nước thống nhất (4/1975), Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IV (1976 – 1980) đã chỉ ra con đường xây dựng, phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trên phạm vi cả nước. Đồng thời, bộ máy nhà nước nói chung, bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế nói riêng được xác lập, hoàn thiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mới: Xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Do điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ quản lý nên việc tách, nhập, xây dựng hình thành bộ máy mới của quản lý nhà nước về kinh tế là một tất yếu.

2.2.1.2. Bộ máy QLNN về kinh tế của Việt Nam sau đổi mới:

Tháng 12/1986, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã chỉ ra và xác lập mô hình nền kinh tế nước ta: kinh tế hàng hóa nhiều thành phần và vận hành nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo “cơ chế thị trường có sự quản lý nhà nước, bằng pháp luật, kế hoạch, chính sách và các công cụ khác”.

Với quan điểm đổi mới kinh tế và cơ chế quản lý kinh tế, bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế không ngừng được cải cách, hoàn thiện để phù hợp với mô hình nền kinh tế mới – kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

2.2.2. Khái quát hệ thống bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế ở nước ta

– Về tổ chức

Hệ thống bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế ở nước ta được tổ chức phù hợp với hệ thống tổ chức hành chính nhà nước, bao gồm:

+ Các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế ở cấp TW có (i) Quốc hội, trong đó có các ủy ban  liên quan trực tiếp tới quản lý nhà nước về kinh tế như: Ủy ban kinh tế, ngân sách của Quốc hội; Ủy ban luật pháp, ủy ban kinh tế đối ngoại,…(ii) Chính phủ, trong đó có các Bộ kinh tế thuộc chính phủ; các Bộ, ban, ngành và tương đương thuộc chính phủ, (iii) Cơ quan Tư pháp, có Viện kiểm sát tối cao, Tòa án nhân dân tối cao.

+ Các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế ở cấp địa phương (tỉnh thành trực thuộc TW), như Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố; các sở và tương đương của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố.

+ Các cơ quan quản lư nhà nước về kinh tế quận, huyện

+ Các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế phường, xã

– Về hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế ở nước ta:

Tùy theo mỗi thời kỳ xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ kinh tế đối nội, đối ngoại, bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế ở nước ta hoạt động theo quy định của pháp luật liên quan và các quy định hướng dẫn của cơ quan có chức năng, thẩm quyền nhà nước trong từng thời kỳ tương ứng.

2.3. Phân cấp và vận hành bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế ở Việt Nam

2.3.1. Phân cấp quản lý

– Nội dung phân cấp quản lý kinh tế

Nội dung cơ bản của phân cấp quản lý kinh tế nói chung, quản lý nhà nước về kinh tế nói riêng ở nước ta đã tiến hành:

Phân cấp quyền hạn, nhiệm vụ cho bộ máy quản lý. Thực chất phân định quyền lực trong quản lý kinh tế, phân định lại chức năng và thẩm quyền quản lý.

Phân cấp rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, lợi ích. Thực chất là đảm bảo công bằng giữa nghĩa vụ với lợi ích trong quản lý kinh tế, bảo đảm sự tương ứng giữa trách nhiệm, nghĩa vụ với quyền lực với quyền hạn và lợi ích.

– Phân cấp quản lý gắn với cải cách nền hành chính nhà nước:

Thực tế nước ta cho thấy: Phân cấp quản lý thực sự có hiệu lực, hiệu quả khi gắn với các cải cách nền hành chính nhà nước, trong đó đặc biệt cải cách thủ tục hành chính theo hướng phục vụ, bảo đảm hiệu quả thiết thực.

2.3.2. Vận hành của bộ máy QLNN về kinh tế ở Việt Nam

Vận hành là hoạt động khiến mỗi bộ phận thực hiện chức năng của mình và phối hợp với mọi bộ phận khác.

Hình dung một cách đơn giản thì vận hành là công việc vô cùng phức tạp, vận hành đóng vai trò điều khiển cả một bộ máy hoạt động theo quy củ để đưa hoạt động quản lý vào guồng quay hoàn hảo nhất.

Vận hành không ám chỉ riêng một cá nhân hay một công đoạn nào của quản lý mà nó bao quát toàn bộ quá trình quản lý của bộ máy.

 Muốn bộ máy quản lý vận hành ổn định cần sự phối kết hợp đồng bộ giữa các khâu, các cấp quản lý một cách rõ ràng, thông suốt, nhất quán.

 3. MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA VÀ PHƯƠNG HƯỚNG, GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN BỘ MÁY QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KINH TẾ Ở VIỆT NAM

3.1. Những vấn đề đặt ra đối với bộ máy QLNN về kinh tế ở Việt Nam

Loại vấn đề thứ nhất: Quản lý nhà nước về kinh tế đối mặt với nền kinh tế mới và cơ chế quản lý kinh tế mới đang trong quá trình xác lập, hoàn thiện.

Loại vấn đề thứ hai: Trực tiếp thuộc về bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế.

Những vấn đề đặt ra trên đây đòi hỏi các nhà lãnh đạo, các cán bộ, công chức của bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế cần nắm vững tư tưởng của Đảng đã được chỉ ra trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI: “Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước đối với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” (3)

3.2. Phương hướng, giải pháp tiếp tục hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế ở nước ta

Việt Nam hiện nay là nước đang phát triển, thành viên của WTO, đã và đang từng bước hoàn thiện hệ thống các thể chế phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với mục tiêu tổng quát: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. để phù hợp với vận hành nền kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế, bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế của nước ta có nhiều vấn đề mới nảy sinh, đòi hỏi phải có nhận thức mới nhằm hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế.

3.2.1. Phương hướng cơ bản hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế ở nước ta.

Tiếp tục kiện toàn hệ thống bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế, đảm báo tinh gọn, đủ mạnh, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp yêu cầu vận hành nền kinh tế thị trường nước ta.

3.2.2. Giải pháp chủ yếu hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế ở nước ta

 Tiếp tục hoàn thiện pháp luật liên quan tới tổ chức bộ máy nhà nước nói chung, bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế nói riêng (như Luật Tổ chức chính phủ, luật tổ chức HĐND, UBND các cấp; các luật kinh tế liên quan).

Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm giữa các bộ phận của các cấp, các khâu thuộc hệ thống bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế phù hợp với nền kinh tế thị trường nước ta.

Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật theo hướng hiện đại của bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế.

Xây dựng đội ngũ công chức quản lý kinh tế đảm bảo phẩm chất, đủ năng lực vận hành có hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế theo yêu cầu kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế.

Xây dựng cơ chế phối hợp hữu hiệu giữa các bộ phận trong hệ thống bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế của nước ta.

B. CÂU HỎI THẢO LUẬN

1. Phân tích hệ thống tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về kinh tế hiện nay ở nước ta.

2. Phân tích phương hướng, giải pháp tiếp tục hoàn thiện hệ thống bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế ở nước ta.