Chuyên đề 1: Vai trò, chức năng của Nhà nước trong quản lý nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam

 

CHUYÊN ĐỀ 1: VAI TRÒ, CHỨC NĂNG CỦA NHÀ NƯỚC TRONG QUẢN LÝ

NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XHCN Ở VIỆT NAM

 

A. MỤC TIÊU CỦA CHUYÊN ĐỀ

* Về kiến thức

Người học có được nhận thức về bản chất của quản lý Nhà nước về kinh tế, nắm được vai trò và những chức năng căn bản của quản lý Nhà nước về kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta.

* Về kỹ năng

Giúp người học vận dụng các kiến thức, nội dung của chuyên đề để hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động điều hành, quản lý Nhà nước về kinh tế ở địa phương, ngành nơi mình đang công tác.

* Về tư tưởng

Giúp người học nắm được các chủ trương, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

B. NỘI DUNG CHUYÊN ĐỀ

1. CHỨC NĂNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KINH TẾ TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XHCN Ở VIỆT NAM

1.1. Nhận thức chung về chức năng quản lý Nhà nước về kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN

* Khái niệm

Chức năng quản lý nhà nước về kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là những hoạt động tổng quát nhất về phương diện quản lý nền kinh tế mà Nhà nước phải thực hiện để đạt mục tiêu đã đề ra. Chức năng quản lý nhà nước về kinh tế trả lời cho câu hỏi: Nhà nước phải làm những gì?

* Lý do tồn tại chức năng quản lý Nhà nước về kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN

Chức năng quản lý Nhà nước về kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN tồn tại là do bản chất của Nhà nước, do yêu cầu của nhiệm vụ chính trị, kinh tế – xã hội và do tình hình kinh tế – xã hội của từng giai đoạn lịch sử quy định.

* Ý nghĩa của các chức năng quản lý Nhà nước về kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN

Chức năng quản lý Nhà nước về kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là căn cứ để xác định các nhiệm vụ cụ thể, là cơ sở khách quan để xây dựng hệ thống bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế và bố trí cán bộ, công chức quản lý nhà nước về kinh tế cho phù hợp.

Chức năng quản lý Nhà nước về kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là căn cứ để đánh giá, khen thưởng, kỷ luật các tổ chức và cá nhân cán bộ, công chức trong hệ thống bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế. Chức năng quyết định vị trí, mối quan hệ của mỗi tổ chức và cá nhân cán bộ công chức trong hệ thống bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế.

1.2 Những chức năng của quản lý Nhà nước về kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam

Nội dung cụ thể của các chức năng quản lý nhà nước về kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không cố định mà có vận động, phát triển cho phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của các giai đoạn. Trong những điều kiện cụ thể, do mục tiêu và những điều kiện kinh tế – xã hội thay đổi thì vai trò và thứ tự ưu tiên của các chức năng có thể có sự thay đổi nhất định, tuy nhiên tên gọi của các chức năng ít thay đổi.

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã nhấn mạnh các chức năng quản lý nhà nước về kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là: “Nhà nước tạo môi trường pháp lý thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp cạnh tranh và hợp tác để phát triển; bằng chiến lược, kế hoạch và chính sách kết hợp với sử dụng lực lượng vật chất của nhà nước để định hướng phát triển kinh tế – xã hội, khai thác hợp lý các nguồn lực của đất nước, bảo đảm cân đối vĩ mô nền kinh tế, điều tiết thu nhập; kiểm tra, kiểm soát mọi hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, quản lý Nhà nước về kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta có 5 chức năng cơ bản như sau:

1.2.1. Tạo lập môi trường và điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế hoạt động

* Khái niệm

Chức năng này là chức năng mà ở đó Nhà nước, bằng quyền lực và sức mạnh kinh tế của mình, xây dựng và đảm bảo môi trường thuận lợi, bình đẳng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời còn bảo đảm môi trường phù hợp cho chính cơ chế mới đang hình thành, phát triển và phát huy tác dụng.

* Vai trò

– Các doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế chỉ có thể hoạt động tốt khi có môi trường thuận lợi, bởi khi đó, các nhà kinh doanh mới có thể yên tâm bỏ vốn đầu tư và phát triển kinh doanh thuận lợi, ổn định.

– Đồng thời, chính quá trình tạo lập môi trường này của Nhà nước lại khiến cho các yếu tố môi trường ngày càng được bồi đắp, hoàn thiện hơn, khiến cho phát triển xã hội ngày càng theo hướng toàn diện và văn minh hơn.

* Nội dung

– Xây dựng môi trường chính trị ổn định, thật sự phát huy các nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân, của các doanh nghiệp;

–  Xây dựng hệ thống pháp luật ổn định, thuận lợi, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế;

– Xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng cho nền kinh tế vận động và phát triển thuận lợi, bao gồm: hệ thống giao thông, đường bộ, đường sắt, đường không, điện nước, kết cấu hạ tầng văn hóa, xã hội, hạ tầng thông tin…;

– Xây dựng môi trường văn hóa, xã hội phù hợp với nền kinh tế thị trường;

– Bảo đảm môi trường an ninh trật tự, kỷ luật, kỷ cương, pháp luật được thực thi pháp nghiêm minh, tạo lập môi trường văn hóa pháp luật cho mọi công dân, mọi tổ chức,…Nhà nước bảo vệ những doanh nghiệp và doanh nhân hoạt động đúng luật pháp;

– Xây dựng và hoàn thiện môi trường thông tin. Nhà nước phải là trung tâm cung cấp thông tin tin cậy nhất cho các doanh nghiệp một cách thường xuyên, kịp thời và chính xác…

1.2.2. Định hướng, hướng dẫn sự vận động, phát triển của toàn bộ nền kinh tế

* Khái niệm

Ở chức năng này, Nhà nước thông qua các công cụ như chiến lược, quy hoạch, chính sách, kế hoạch, thông tin và các nguồn lực của Nhà nước để hướng dẫn các nhà kinh doanh, các tổ chức kinh tế hoạt động hướng đích theo các mục tiêu chung của đất nước.

* Vai trò

– Đảm bảo mục tiêu định hướng xã hội chủ nghĩa của toàn bộ nền kinh tế được Đảng và Nhà nước định ra cho mỗi giai đoạn cụ thể.

– Giúp các doanh nghiệp, doanh nhân trong nền kinh tế có được cái nhìn khái quát, đầy đủ về tổng thể nền kinh tế quốc dân, về chiến lược phát triển kinh tế chung của đất nước, về xu hướng vận động của nền kinh tế, của thị trường… để từ đó chủ động hoạch định cho hoạt động của riêng mình, tránh thua lỗ, thất bại, đổ vỡ, gây thiệt hại chung cho nền kinh tế.

– Đưa ra phương hướng, giải pháp để giải quyết các vấn đề trong phát triển nền kinh tế thị trường một cách căn bản.

* Nội dung

– Nhà nước xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế theo ngành, vùng, sản phẩm;

– Nhà nước ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các ngành, lĩnh vực có lợi cho mục tiêu chiến lược của nền kinh tế, hạn chế các ngành, lĩnh vực không có lợi.

– Nhà nước cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, bao gồm: thông tin về thị trường, thông tin về chính sách của Nhà nước, thông tin về xu hướng biến động trong các ngành, lĩnh vực,…

1.2.3. Tổ chức quản lý nền kinh tế quốc dân

* Khái niệm

Trong chức năng này, Nhà nước thực hiện các hoạt động cụ thể, trực tiếp đối với nền kinh tế nhằm tạo lập một khuôn khổ quản lý quy củ, đồng bộ, tạo lập và duy trì cơ cấu kinh tế hợp lý, đảm bảo phát triển ổn định kinh tế vĩ mô.

* Vai trò

– Cụ thể hóa các chủ trương, chiến lược phát triển kinh tế của Nhà nước;

– Thực hiện chức năng này giúp hình thành và hoàn thiện bộ máy quản lý Nhà nước về kinh tế từ trung ương đến cơ sở;

* Nội dung

– Tổ chức, sắp xếp các cơ quan quản lý của Nhà nước về kinh tế từ trung ương đến cơ sở, đổi mới cơ chế và thủ tục hành chính, đào tạo và đào tạo lại, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước về kinh tế;    

– Sắp xếp, tổ chức lại các ngành, các lĩnh vực, các vùng kinh tế quan trọng, trong đó có sắp xếp, củng cố lại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước, tổ chức các khu công nghiệp, khu chế xuất…;

– Đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế thị trường như cân đối tổng cung – tổng cầu, cân đối xuất khẩu – nhập khẩu, cân đối thu – chi ngân sách… bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô của nền kinh tế thị trườn.

– Bảo hộ và bảo vệ cho các chủ thể kinh doanh đúng pháp luật, can thiệp vào nền kinh tế thị trường khi có những biến động lớn như khủng hoảng, suy thoái kinh tế.

– Thiết lập mối quan hệ kinh tế với các nước và các tổ chức quốc tế;

1.2.4. Điều tiết hoạt động của toàn bộ nền kinh tế

* Khái niệm

Đây là chức năng mà Nhà nước bằng các công cụ quyền lực của mình điều tiết hoạt động của nền kinh tế quốc dân theo định hướng của Nhà nước, đảm bảo cho nền kinh tế phát triển ổn định, công bằng và hiệu quả.

* Vai trò

– Giữ vững mục tiêu chiến lược trong phát triển nền kinh tế quốc dân mà Đảng và Nhà nước đã vạch ra;

– Duy trì các cân đối kinh tế vĩ mô, ổn định và phát triển nền kinh tế;

– Ứng phó và giảm thiểu tác động tiêu cực của chu kỳ kinh tế;

* Nội dung

– Điều tiết thu – chi ngân sách

– Điều tiết lưu thông tiền tệ

– Điều tiết tiết kiệm – đầu tư

– Điều tiết cán cân xuất – nhập khẩu

Các công cụ chủ yếu được sử dụng: chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ

1.2.5. Kiểm tra, kiểm soát và xử lý các vi phạm của các chủ thể tham gia thị trường

          * Khái niệm

          Đây là chức năng mà Nhà nước thực hiện các hoạt động kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động của các chủ thể tham gia thị trường nhằm phát hiện và ngăn ngừa các hiện tượng vi phạm pháp luật, sai phạm chính sách, bảo vệ tài sản quốc gia và lợi ích của nhân dân.

          * Vai trò

          – Phát hiện và ngăn ngừa sai phạm của các chủ thể tham gia thị trường. Vai trò này đặc biệt quan trọng đối với một nền kinh tế thị trường mới phát triển, còn sơ khai, còn nhiều hiện tượng tiêu cực, phát triển rối loạn và tự phát ở nhiều lĩnh vực;

          – Bảo vệ tài sản, tài nguyên của quốc gia và lợi ích của nhân dân;

          – Đảm bảo sự nghiêm minh của luật pháp;

          – Duy trì niềm tin của chính phủ và Nhà đầu tư nước ngoài vào sự trong sạch và công bằng của nền kinh tế trong nước;

          – Góp phần tăng trưởng kinh tế và từng bước thực hiện công bằng xã hội.

          * Nội dung

          – Kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong hoạt động của các chủ thể tham gia thị trường trong thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế;

          – Kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong hoạt động của chính các cơ quan và cán bộ, công chức quản lý kinh tế của Nhà nước.

2. VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC TRONG QUẢN LÝ NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XHCN Ở VIỆT NAM

2.1. Cơ sở khoa học của việc xác lập vai trò Nhà nước trong quản lý nền kinh tế thị trường định hướng XHCN

– Sự thất bại của trường phái kinh tế thị trường tự do khi nền kinh tế phát triển hoàn toàn chỉ tuân theo quy luật của nền kinh tế thị trường mà thiếu vắng bàn tay quản lý của Nhà nước đã đối mặt với nguy cơ khủng hoảng, đổ vỡ;

– Trong mối quan hệ giữa 3 chủ thể của nền kinh tế thị trường: Nhà nước – Thị trường – Doanh nghiệp; mỗi chủ thể đều có chức năng, nhiệm vụ cụ thể vừa độc lập tương đối nhưng lại đặt trong mối quan hệ qua lại giữa các chủ thể khác.

– Thực tiễn phát triển kinh tế thị trường ở các quốc gia khác nhau cho thấy vai trò quản lý kinh tế của Nhà nước ở các nước là khác nhau, có nước đề cao tuyệt đối, có nước hoàn toàn không coi trọng, có nước cân đối hài hòa giữa quy luật thị trường và vai trò can thiệp, quản lý của Nhà nước. Thực tế này cho thấy một kết luận chung là cần thiết phải xác lập vai trò quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế thị trường bởi một nền kinh tế suy tàn hay hưng thịnh suy cho cùng chính là do quản lý của Nhà nước.

2.2. Vai trò Nhà nước trong quản lý nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta hiện nay

– Nhà nước quyết định thành công của công cuộc đổi mới và chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường

– Nhà nước quyết định tốc độ nhanh hay chậm của quá trình đổi mới

– Nhà nước quyết định định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường

3. HOÀN THIỆN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KINH TẾ TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM

3.1. Nhận thức lại các chức năng quản lý Nhà nước về kinh tế, thực hiện tốt việc phân công, phân cấp trong thực hiện các chức năng

– Nhận thức rõ chức năng quản lý Nhà nước về kinh tế

– Tập trung thực hiện tốt các chức năng đã xác định

– Không can thiệp thô bạo bằng mệnh lệnh hành chính vào thị trường

– Phân công, phân cấp và thực hiện các chức năng quản lý ở các cấp, các ngành 

3.2. Xử lý tốt mối quan hệ giữa sự lãnh đạo của Đảng với quản lý Nhà nước về kinh tế, giữa quản lý của Nhà nước với quản lý kinh doanh của doanh nghiệp:

– Nhận thức và phân biệt giữa chức năng lãnh đạo của Đảng với chức năng quản lý Nhà nước về kinh tế.

– Nhà nước quản lý nhưng không can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh doanh.

– Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và thực thi pháp luật…

3.3. Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý Nhà nước về kinh tế 

– Nâng cao hiệu lực quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương

– Tăng cường phối hợp quản lý theo ngành và theo lãnh thổ

3.4. Tập trung mọi nguồn lực thực hiện 3 khâu đột phá: xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

– Sắp xếp, chấn chỉnh bộ máy quản lý Nhà nước về kinh tế

– Cải cách thủ tục hành chính

– Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực

3.5. Tiếp tục đẩy mạnh quá trình sắp xếp, CPH và đổi mới DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước

– Đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh

– Thay đổi nhận thực về doanh nghiệp tư nhân và giới doanh nhân

3.6. Hoàn thiện bộ máy quản lý Nhà nước về kinh tế, xây dựng đội ngũ cán bộ, quản lý

– Đẩy lùi, xóa bỏ tệ quan lêu, tham nhũng

– Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong hoạt động kinh tế

– Đào tạo, rèn luyền, bồi dưỡng mọi mặt cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về kinh tế 

 

B. CÂU HỎI THẢO LUẬN

1. Phân tích sự khác nhau giữa vai trò là bộ máy hành chính và vai trò là đại diện chủ sở hữu đối với tài sản công trong quản lý Nhà nước về kinh tế hiện nay ở nước ta.

2. Phân tích các chức năng chủ yếu của quản lý Nhà nước về kinh tế  trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam.

 

C. TÀI LIỆU THAM KHẢO BẮT BUỘC

  1. Đảng CSVN: “Văn kiện Đại hội IX”; NXB Chính trị quốc gia, HN 2001, tr.102, 192

  2. Đảng CSVN: “Văn kiện Hội nghị T TW 6 khóa X”; NXB Chính trị quốc gia, HN 2008, tr.134-136.

  3. Đảng CSVN: “Văn kiện Đại hội XI”; NXB Chính trị quốc gia, HN 2011, tr.88, 9 3, 94, 141, 143

  4. Tập bài giảng “Quản lý nhà nước về kinh tế”, khoa Quản lý kinh tế, Học viện Chính trị khu vực I do PGS,TS Nguyễn Cúc chủ biên