Chuyển biến rõ nét sau 04 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH | Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn

Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII ban hành ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, đặt ra mục tiêu giai đoạn đến năm 2021: Phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; tỉ lệ giao dịch điện tử đạt 100%; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; giảm số giờ giao dịch giữa cơ quan bảo hiểm xã hội với doanh nghiệp đạt mức ASEAN 4; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt mức 80%.

1

Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh Lạng Sơn trao sổ BHXH tự nguyện cho đội ngũ cán bộ không chuyên trách của xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn (Nguồn ảnh: Báo Lạng Sơn)

Tại Lạng Sơn, sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đoàn thể, huyện ủy, thành ủy, UBND các huyện, thành phố nên việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã đi vào thực tiễn cuộc sống, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định cuộc sống cho người lao động và Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT được đẩy mạnh sâu rộng, tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các tổ chức, tạo sự hiểu biết sâu rộng cho người lao động về quyền lợi và nghĩa vụ tham gia BHXH, BHYT. Ngành BHXH đã quyết liệt trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian giao dịch, tăng cường giao dịch điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, luân chuyển hồ sơ qua hệ thống bưu điện để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người sử dụng lao động, người lao động và Nhân dân.  Đến nay có 93% đơn vị thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử, số còn lại chủ yếu là các doanh nghiệp kinh doanh nhỏ, ít lao động. 100% cơ sở khám chữa bệnh đã thực hiện dùng căn cước công dân thay cho thẻ BHYT.

Diện bao phủ BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng. Tính đến hết tháng 10/2022 có 694.363 người tham gia BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh, trong đó 66.816 người tham gia BHXH, bằng 20,67% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động trong đó số người tham gia BHXH bắt buộc: 53.300 người, tăng 1,02 so với năm 2017; số người tham gia BHXH tự nguyện: 13.516 người, tăng 739% so với năm 2017; tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện bằng 4,18% lực lượng lao động, cao hơn 1,68% so với mục tiêu đến năm 2025 của Nghị quyết số 28-NQ/TW. Số người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp: 43.308 người, bằng 13,4% lực lượng lao động trong độ tuổi. Cùng với công tác phát triển đối tượng, công tác thu BHXH, BHYT, BHTN của BHXH tỉnh Lạng Sơn hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Công tác chi trả các chế độ BHXH, BHYT đảm bảo thuận lợi cho người hưởng, đúng thời gian, chế độ quy định và thời hạn giải quyết, không xảy ra mất mát hoặc xâm tiêu tiền chi trả. Hiện nay, BHXH tỉnh Lạng Sơn đang quản lý và chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH cho hơn 30.216 người, bằng 27,6% số người sau độ tuổi nghỉ hưu trong tỉnh (109.517 người), còn thiếu khoảng 27,4% so với mục tiêu giai đoạn đến năm 2025 mà Nghị quyết 28-NQ/TW đề ra. Đến nay toàn tỉnh có 331 điểm thu, với 406 nhân viên đại lý được bồi dưỡng về kỹ năng truyền thông BHXH, BHYT là những tuyên truyền viên góp phần đưa chính sách BHXH, BHYT đến với người dân. Từ năm 2018 đến nay, tổ chức được trên 750 hội nghị tuyên truyền, tập huấn, đối thoại trực tiếp với sự tham gia của khoảng 46.000 người, qua đó giúp cho người dân hiểu được quyền lợi chính sách BHXH, BHYT của Đảng và Nhà nước, cùng tham gia chung tay thực hiện BHXH, BHYT toàn dân. Cùng với đó, BHXH tỉnh cũng tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, rút ngắn thời gian giao dịch của người lao động và đơn vị sử dụng lao động theo đúng kế hoạch BHXH Việt Nam đề ra. Đến nay, nhiều đơn vị sử dụng lao động đã đăng ký và thực hiện giao dịch điện tử trong công tác thu BHXH, BHYT và giải quyết các chế độ BHXH. Bên cạnh đó, công tác phối hợp với các sở, ngành, tổ chức chính trị – xã hội được mở rộng, phát huy hiệu quả quan trọng trong phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Đặc biệt, BHXH tỉnh đã đẩy mạnh và linh hoạt các hình thức truyền thông, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương như: Truyền thông qua hội nghị khách hàng, tư vấn, đối thoại, truyền thông theo từng nhóm nhỏ đến tận hộ gia đình, địa bàn dân cư, các khu chợ; tăng cường tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở và qua mạng xã hội Facebook, Zalo, tuyên truyền bằng trực quan và phát hành các ấn phẩm tuyên truyền như treo các pano, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu nhân ngày thành lập ngành BHXH (16/2), ngày BHYT Việt Nam (01/7) trên các tuyến đường giao thông chính và tại trụ sở cơ quan BHXH tỉnh, BHXH huyện, thành phố. Tổng số pano, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, tờ gấp đã thực hiện từ năm 2019 đến hết tháng 10/2022 là trên 1.300.000 ấn phẩm các loại như: Tổ chức các hình thức tuyên truyền trực quan thông qua việc xây dựng 24 pano tuyên truyền với tranh cổ động và những thông điệp ý nghĩa về chính sách BHXH, BHYT; tổ chức treo khoảng hơn 1.100 băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền ở các vị trí thuận lợi, đông dân cư đi lại, tại các cơ sở khám chữa bệnh, UBND xã, phường, thị trấn. Sử dụng hiệu quả các ấn phẩm tuyên truyền do BHXH Việt Nam cấp và tổ chức in tờ gấp, file kẹp tài liệu, sách tuyên truyền (khoảng 239.000 ấn phẩm tuyên truyền) để phát hành đến các doanh nghiệp, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, một số đơn vị trường học và Nhân dân trên địa bàn nhằm phục vụ cho công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, BHTN.

Có thể thấy, sau 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW đã từng bước đi vào cuộc sống. Đặc biệt, tạo được sự chuyển biến tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; nhận thức của người dân, người lao động ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách BHXH trên địa bàn tỉnh. Công tác quản lý nhà nước về BHXH, BHYT được chú trọng và quan tâm nhiều hơn thông qua sự phối hợp giữa các sở, ngành trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN đặc biệt trong việc phát triển đối tượng tham gia; quản lý quỹ BHXH, BHYT; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN tại các đơn vị sử dụng lao động… từ đó, góp phần thực hiện đúng chính sách BHXH, BHYT, BHTN bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, đưa chính sách BHXH ngày càng lan tỏa trong cuộc sống, hướng tới hoàn thành mục tiêu BHXH toàn dân theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW đã đề ra.

Hoàng Phương