Chương trình học mầm non gồm những nội dung nào?
Bạn có bao giờ thắc mắc rằng các bé sẽ được học gì ở trường mầm chưa? Nếu có thì hãy cùng Chungchinghe.info đi tìm hiểu chi tiết về chương trình học mầm non ngay trong bài viết dưới đây nhé!
Thông thường nội dung chính trong chương trình học mầm non sẽ bao gồm các lĩnh vực phát triển thể chất, phát triển nhận thức, phát triển ngôn ngữ, phát triển tâm lý – tình cảm và rèn luyện hoàn thiện các kỹ năng về thẩm mỹ, xã hội cũng như giáo dục. Cụ thể:
Chương trình học mầm non: Phát triển thể chất
Ở phần này, các bé sẽ được học hỏi và phát triển khả năng vận động bằng các động tác phát triển nhóm cơ và hô hấp ở mức cơ bản nhất. Các bé sẽ được hướng dẫn kỹ lưỡng và tập luyện thường xuyên để có thể thành thạo các kỹ năng vận động cũng như phát triển đầy đủ các tố chất của bản thân trong vận động.
Đồng thời, bé cũng được học cách cử động và phối hợp hoạt động giữa các bộ phận trên cơ thể thông qua sử dụng một số đồ dùng, dụng cụ học tập xung quanh mình.
Tiếp theo, trẻ sẽ được chăm sóc về mặt dinh dưỡng và sức khỏe. Đầu tiên, là cách nhận biết các thực phẩm quen thuộc và nắm được những lợi ích mà chúng mang đến cho sức khỏe của con người. Bên cạnh đó là những bài thực hành một số hoạt động sinh hoạt cơ bản cũng như phương pháp giữ gìn sức khỏe và an toàn thân thể.
Chương trình học mầm non: Phát triển nhận thức
Trong chương trình học mầm non này, các bé được hướng dẫn các vấn đề có liên quan đến khoa học. Như tìm hiểu cơ thể và các bộ phận cơ thể con người, các đồ vật xung quanh, các loài động – thực vật, cũng như các hiện tượng thiên nhiên thường gặp trong cuộc sống.
Xa hơn, các bé sẽ được làm quen những khái niệm cơ bản về toán học như nhận biết mặt số, học đếm số, sắp xếp số theo nguyên tắc, so sánh các số, nhận biết hình dạng vật thể và định hướng không gian – thời gian.
Bên cạnh khoa học, trẻ cũng sẽ được làm quen với các kiến thức về xã hội. Trong phần này bé sẽ được học về bản thân, về gia đình, bạn bè, cộng đồng và trường học,…. Song song với đó là một số nghề nghiệp phổ biến trong xã hội, cũng như chức năng của những nghề nghiệp đó.
Hơn thế bé sẽ được cô bảo mẫu mầm non giới thiệu về các danh lam thắng cảnh, các sự kiện lịch sử, sự kiện văn hóa và các ngày lễ hội lớn của dân tộc kèm theo nguồn gốc và ý nghĩa của chúng.
Chương trình học mầm non: Phát triển ngôn ngữ
Nội dung học này cực kỳ quan trọng trong chương trình giáo dục mầm non. Tại phần này, bé sẽ được học các kỹ năng nghe, nói và tìm hiểu sơ lược về khái niệm đọc, viết.
Trong kỹ năng nghe, trẻ được dạy để có thể hiểu và nhận biết tên gọi của các sự vật, hiện tượng, hành động; nghe hiểu những câu đơn giản cho đến mở rộng, các nội dung câu chuyện được cô đọc cho nghe hàng ngày.
Cùng với đó, trẻ cũng được nghe nhiều bài hát, bài thơ, ca dao, tục ngữ, câu đố và ý nghĩa của chúng. Sau đó vận dụng những điều đã được học để mở rộng khả năng giao tiếp và vốn từ vựng.
Về phần nói, các bé sẽ được học cách phát âm tiếng Việt, cách trả lời câu hỏi và đặt câu hỏi đơn giản, cách sử dụng từ ngữ – cử chỉ – nét mặt – hành động để biểu hiện tình cảm, suy nghĩ của bản thân cho phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp. Xa hơn, bé được dạy cách bày tỏ tâm trạng, vấn đề của bản thân thông qua lời nói và ngôn ngữ hình thể.
Sau khi học xong, bé có thể áp dụng để kể chuyện, mô tả sự vật, đóng vai trong các câu chuyện hoặc đọc thơ, ca dao, tục ngữ theo hướng dẫn.
Ở phần đọc – viết, trẻ chưa học mà chỉ dừng lại ở mức độ làm quen. Điển hình là làm quen với các kí hiệu thường thấy trong đời sống hàng ngày, như biển báo giao thông, biển nhà vệ sinh, hình ảnh trong sách, truyện và bảng chữ cái.
Chương trình học mầm non: Phát triển tâm lý tình cảm
Trong giai đoạn này, tâm lý trẻ mầm non cần được trao dồi để phát triển. Các bé sẽ học về bản thân, cách thể hiện tình cảm với gia đình, bạn bè và cuộc sống. Theo đó, bé cũng nhận biết được trạng thái cảm xúc của người khác thông qua hành động, nét mặt, giọng nói, cử chỉ. Từ đó hiểu được cách bộc lộ cảm xúc và nhu cầu của bản thân mình.
Bên cạnh đó, các bé được học nhiều về đất nước, các cảnh đẹp, các lễ hội, ngày quan trọng của nước ta. Đặc biệt là nuôi dưỡng lòng kính yêu đối với Bác Hồ và tổ quốc
Chương trình học mầm non: Phát triển kỹ năng xã hội
Nội dung kế đến trong chương trình học mầm non là phát triển kỹ năng xã hội. Cụ thể là các quy tắc ứng xử cơ bản đối với gia đình, bạn bè, thầy cô, người lớn,…. Điển hình như cách chào hỏi, cách hòa thuận với bạn bè, cách giải quyết xung đột,…
Đồng thời bé cũng sẽ được dạy về tầm quan trọng của môi trường xung quanh và học cách tiết kiệm điện, nước, cách bảo vệ môi trường, cách chăm sóc người khác, cách chăm sóc cây cối, cách chăm sóc thú cưng.
Chương trình học mầm non: Phát triển thẩm mỹ
Đây là là nội dung giáo dục mầm non cuối cùng trong bài viết này. Bé sẽ được học cách cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên, của cuộc sống, của nghệ thuật và thể hiện cảm xúc khi nhìn thấy khi những sự vật hiện tượng này.
Cùng với đó là học một số kỹ năng và thực hành các hoạt động có liên quan đến phát triển thẩm mỹ, như hát, múa, vẽ, xé dán,… theo hướng dẫn. Cuối cùng bé sẽ được củng cố tính sáng tạo bằng cách tự tạo ra các tác phẩm nghệ thuật theo ý mình. Ví dụ như tự múa theo nhạc, tự vẽ một bức tranh,…
Có thể nói chương trình giáo dục mầm non rất thực tế, không phức tạp nhưng lại bám sát với những kiến thức thực tiễn, gần gũi và quen thuộc với các bé. Những bài học này sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình phát triển và hình thành kỹ năng sống của bé về sau này.