Chương trình giáo dục phổ thông mới cấp tiểu học mới nhất 2023

Chương trình giáo dục phổ thông mới cấp tiểu học mới nhất năm 2023 sẽ chú trọng giảm tải so với hiện hành. Với cách tiếp cận này, giáo dục không phải để truyền thụ kiến thức mà nhằm giúp học sinh hoàn thành công việc, giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống.

 

1. Mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông mới              

Chương trình giáo dục phổ thông cụ thể hoá mục tiêu giáo dục phổ thông, giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng và phát triển hài hoà các mối quan hệ xã hội, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó có được cuộc sống ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại.

Chương trình giáo dục tiểu học giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực; định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, cộng đồng và những thói quen, nền nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt.

Chương trình giáo dục trung học cơ sở giúp học sinh phát triển các phẩm chất, năng lực đã được hình thành và phát triển ở cấp tiểu học, tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực chung của xã hội, biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh tri thức và kỹ năng nền tảng, có những hiểu biết ban đầu về các ngành nghề và có ý thức hướng nghiệp để tiếp tục học lên trung học phổ thông, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động.

Chương trình giáo dục trung học phổ thông giúp học sinh tiếp tục phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người lao động, ý thức và nhân cách công dân, khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời, khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động, khả năng thích ứng với những thay đổi trong bối cảnh toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp mới.

 

2. Cấu trúc Chương trình giáo dục phổ thông mới

Chương trình giáo dục phổ thông bao gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Chương trình tổng thể là văn bản quy định những vấn đề chung nhất, có tính chất định hướng của chương trình giáo dục phổ thông. Chương trình môn học và hoạt động giáo dục là văn bản xác định vị trí, vai trò môn học và hoạt động giáo dục trong thực hiện mục tiêu giáo dục phổ thông, mục tiêu và yêu cầu cần đạt, nội dung giáo dục cốt lõi của môn học và hoạt động giáo dục ở mỗi lớp học hoặc cấp học.
 

Chương trình giáo dục phổ thông hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu và những năng lực cốt lõi. Các phẩm chất chủ yếu bao gồm: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Các năng lực cốt lõi bao gồm năng lực chung và năng lực đặc thù, năng lực chung bao gồm: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; năng lực đặc thù bao gồm: năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất. Chương trình giáo dục phổ thông mới chuyển một nền giáo dục nặng về kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh; thay việc trước đây học sinh học “biết được cái gì” bằng học sinh học để “làm được những gì”.

Chương trình giáo dục phổ thông được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).

 

3.  Nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới cấp tiểu học

Chương trình 2018 bao gồm quy định chương trình tổng thể, quy định chương trình môn học và hoạt động giáo dục của Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học Phổ thông. Trong đó, đối với cấp Tiểu học có một số nội dung cốt lõi sau:

 

3.1 Môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc trong chương trình mới (bao gồm 10 môn học và 01 hoạt động)

– Gồm: 1) Tiếng Việt;  2) Toán;  3) Đạo đức; 4) Ngoại ngữ 1 (Lớp 3, 4, 5);  5) Tự nhiên và xã hội (Lớp 1, 2, 3);  6) Lịch sử và Địa lí (Lớp 4, 5);  7) Khoa học (Lớp 4, 5);  8) Tin học và Công nghệ (Lớp 3, 4, 5);  9) Giáo dục thể chất; 10) Nghệ thuật (Âm nhạc và Mĩ Thuật) và Hoạt động trải nghiệm (trong đó có tích hợp nội dung giáo dục của địa phương).

– Nội dung môn học Giáo dục thể chất được thiết kế thành các học phần (mô-đun); nội dung Hoạt động trải nghiệm được thiết kế thành các chủ đề; học sinh được lựa chọn học phần, chủ đề phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.

 

 3.2 Các môn học tự chọn (dạy ở những nơi có đủ điều kiện dạy học và phụ huynh học sinh có nguyện vọng)

Tiếng dân tộc thiểu số (dạy từ lớp 1 đến lớp 5); Ngoại ngữ 1 (dạy ở lớp 1, 2).

Nhận xét chung

– So với Chương trình hiện hành, Chương trình 2018 có ít môn học hơn do thực hiện chủ trương tích hợp cao ở các lớp dưới. Tuy nhiên, trong Chương trình 2018 có thêm 2 môn học mới là Ngoại ngữ 1; Tin học và Công nghệ. Đối. Chương trình 2018 là chương trình học 2 buổi/ngày, do đó số tiết học trong một năm học đều tăng lên, cụ thể:

+ Lớp 1, 2 có: 07 môn học và 01 hoạt động bắt buộc, số tiết bình quân trên tuần là 25 (chưa tính môn tự chọn). (Chương trình hiện hành có 10 môn và 23 tiết trên tuần).

+ Lớp 3 có: 08 nôn học và 01 hoạt động bắt buộc, số tiết bình quân trên tuần là 28 tiết (Chương trình hiện hành có 10 môn và 24 tiết trên tuần)

+ Lớp 4, 5 có: 10 môn học và 01 hoạt động bắt buộc, số tiết bình quân trên tuần là 30 tiết (chương trình hiện hành có 11 môn, và 26 tiết trên tuần)

 

4. Hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông

Để tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học thì Bộ giáo dục đào tạo đã yêu cầu các Sở giáo dục đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên triển khai một số công việc sau:

– Thực hiện tinh giản, điều chỉnh nội dung dạy học

Bộ giáo dục đào tạo đã yêu cầu tiếp tục rà soát nội dung dạy học trong sách giáo khoa hiện hành, thực hiện tinh giảm những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần truyền đạt.

Thực hiện việc điều chỉnh để tránh việc trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục tiến hành bổ sung cập nhật những thông tin mới cho phù hợp thay cho những thông đã cũ, lạc hậu.

Không dạy thực hiện việc dạy những nội dung vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

– Thực hiện đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học

Tăng cường công tác tập huấn và hướng dẫn giáo viên về các hình thức, các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực. Xây dựng các kế hoạch cho bài học theo hướng tăng cường, phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh thông qua việc thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học để thực hiện cả trên lớp và ngoài lớp học.

Cần chú trọng rèn cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa để có thể tiếp nhận và vận dụng các kiến thức mới thông qua việc giải quyết các nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học.

Dành nhiều thời gian trên lớp hơn cho học sinh luyện tập, thực hành, trình bày và thảo luận, bảo vệ kết quả học tập của mình từ đó giáo viên sẽ tổng hợp lại kiến thức,đánh giá, kết luận để học sinh tiếp nhận và vận dụng.

– Đổi mới về phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá

Nhà trường và các tổ nhóm chuyên môn cần xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh sao cho phù hợp với kế hoạch giáo dục của từng môn học, các hoạt động giáo dục của nhà trường theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.

Tuyệt đối không thực hiện việc kiểm tra, đánh giá những nội dung, bài tập, những câu hỏi vượt quá mức độ cần đạt về chuẩn kiến thức của chương trình học hiện hành.

Tiến hành việc đánh giá thường xuyên đối với tất cả học sinh bằng các hình thức khác nhau như đánh giá qua việc quan sát các hoạt động trên ở trên lớp.

– Tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động dạy học, giáo dục

Cần chú trọng các biện pháp để điều kiện thuận lợi và khuyến khích từ đó tạo động lực cho giáo viên tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục.

Tăng cường các hoạt động dự giờ, rút kinh nghiệm để hoàn thiện từng bước cấu trúc nội dung, kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục; phương pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

Tăng cường các hoạt động trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về việc xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường thông qua các cuộc hội nghị, các cuộc hội thảo, vấn đề học tập, giao lưu giữa các trường.

Tăng cường công tác thanh tra và  kiểm tra việc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc công tác quản lý hoạt động dạy học, giáo dục của các nhà trường theo quy định hiện hành; có hình thức biểu dương, khen thưởng đối với những tập thể, những cá nhân thực hiện tốt, đồng thời xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân làm sai các quy định về thực hiện chương trình; dạy thêm, học thêm; kiểm tra, đánh giá.